Từ thành phố Nam Định, theo con đường chạy dọc những cánh đồng đang vào mùa gặt với mùi khói rơm rạ thoang thoảng khắp không gian, chúng tôi đến với làng Hành Thiện ở huyện Xuân Trường – ngôi làng mà hơn 700 năm trước vốn là những khu vườn cam ngọt của vua chúa nhà Trần.
Làng cổ bên sông
Nằm bên bờ sông Ninh Cơ, làng Hành Thiện xưa nay luôn tấp nập như một thị trấn nhỏ. Nhà cửa san sát, đường làng lát gạch đỏ au trong nắng vàng, chợ búa đông vui, hai bờ kênh được kè đá sạch sẽ soi bóng những rặng liễu thướt tha ven bờ. Bản đồ làng Hành Thiện vốn mang hình một con cá chép. Đầu cá là nơi đặt miếu thờ thần Tam giáp, bụng cá là chợ quê nhộn nhịp. Khu dân cư ở từ mang cá đến bụng cá, được chia thành 14 khúc, mỗi khúc gọi là một dong có độ dài đúng 60 mét.
Tùy theo chiều còn lại dài ngắn thế nào mà mỗi dong là một hay hai xóm. Ở đầu và cuối mỗi dong có cổng gạch, cửa gỗ lim được làm vừa đẹp, vừa chắc chắn. Phần đuôi cá là nơi tọa lạc của chùa Keo được xây dựng từ năm 1588. Chạy dọc từ đầu tới đuôi cá và xâu chuỗi 14 dong là một con đường trục được lát gạch nghiêng. Đã hàng trăm năm nay, hai bên con đường này là hai dãy cửa hiệu san sát buôn bán sầm uất như một khu phố lâu đời.
Được thành lập từ thời nhà Trần, sau hơn bảy thế kỷ tồn tại, Hành Thiện còn mang đậm nhiều nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Bản hương ước xưa của làng vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Ngôi làng này từ những thế kỷ trước đã nổi tiếng với câu “trai học hành, gái canh cửi”. Mỗi khi trong làng có người đỗ đạt, làng thường tổ chức lễ khen thưởng trang trọng. Điều này đã động viên, khích lệ tinh thần học tập của các thế hệ “nho sinh”.
Cũng bởi vậy, ngoài việc là nơi sinh ra nhiều người tài thì Hành Thiện còn là mảnh đất có đời sống yên bình, nề nếp. Nhiều thiết chế văn hóa truyền thống vẫn còn được bảo tồn. Hiện làng vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị mỹ thuật và lịch sử. Nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ đã được khôi phục lại, trong đó nổi tiếng nhất là chùa Keo – điểm đến hành hương hằng năm của khách thập phương.
Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, kiến trúc cổ kính. Phía trước tam quan có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Chùa có quy mô bề thế với 13 tòa nhà rộng và 121 gian của các dãy nhà dài, tạo thành những cụm kiến trúc hài hòa, cân đối.
Tại đây còn giữ được nhiều mảng chạm khắc mang đậm phong cách thời Hậu Lê và nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị như sập thờ, tượng Đại Pháp thiền sư Không Lộ bằng đồng, chuông, khánh đồng, bia ký, hoành phi, câu đối và các sắc phong của nhiều triều đại. Các nghệ nhân xưa đã dồn toàn bộ trí lực tài hoa để tạo dựng và thể hiện những đường nét chạm khắc tinh vi trên các mảng đố, xà, bảy, kẻ của từng tòa nhà. Ở ba bộ cửa ô tiền đường chùa Phật, mỗi cánh cửa được chạm gỗ với đề tài khác nhau.
- Xem thêm: Lễ hội tết chùa Keo
Kỹ thuật chạm gỗ bong kênh ở mặt tiền hai gian tòa tiền đường đã đạt tới trình độ cao với đề tài vô cùng phong phú: Long cuốn thủy, ly ngậm ngọc, phượng ngậm cành hoa, tứ linh, nghê đội nóc đao… Đặc biệt hình rồng được thể hiện lúc ẩn lúc hiện ở các trạng thái khác nhau với những đường nét khắc họa tinh vi, sắc sảo, sống động và mềm mại theo phong cách dân gian vùng châu thổ sông Hồng. Sau chùa Phật là đền thiền sư Không Lộ, người đã có công giúp nước, giỏi chữa bệnh lại giỏi cả thơ văn đồng thời là ông tổ nghề đúc đồng và là nhà kiến trúc tài ba.
Hội chùa Keo và thú chơi diều
Hằng năm, tại chùa có hai lần mở hội. Đó là hội Xuân gồm các trò chơi bắt vịt, thi ném pháo, thi nấu cơm và các hình thức văn nghệ dân gian khác. Hội tháng chín thì ngoài những nghi thức lễ tiết mang tính tôn giáo còn là nơi hội tụ của các sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp như lễ dâng hương, cầu cúng, tụng kinh, múa rồng, đua thuyền trên sông Hồng.
Chính vì vậy, vào ngày hội khách thập phương đều nô nức kéo nhau về đây: Dù cho cha đánh mẹ treo, Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm. Sau những lễ nghi trang trọng, tiết mục đua thuyền luôn được mọi người đón nhận nồng nhiệt nhất. Tất cả 15 xóm trong làng đều cử người tham gia đua thuyền, mỗi xóm cử ra mười chàng trai đóng khố, mặc áo nẹp ngắn không tay, đầu chít khăn màu lên một thuyền.
Bơi thuyền ở chùa Keo khác với những nơi khác ở chỗ các tay đua không ngồi mà đều đứng để chèo. Vào buổi thi, hàng vạn người đổ ra hai bên bờ sông reo hò cổ vũ hàng chục chiếc thuyền đầy màu sắc lao vun vút giữa dòng nước.
Cách đây chưa lâu, làng Hành Thiện còn nổi tiếng với thú chơi diều. Diều hình thoi được gọi là diều hai mom, diều giống hình chim cốc thì gọi là diều cánh cốc. Các diều hai mom và cánh cốc loại dài từ hai mét trở nên đều gắn sáo, có khi được gắn cả một bộ sáo gồm bốn, năm sáo lớn nhỏ. Sáo diều ngân vang trên không trung, dân cả làng đều nghe rõ. Những người mê diều trong làng thường tổ chức các cuộc đua diều để xem diều nào khi đâm lên không bị chao đi chao lại, hoặc để xem diều nào có tiếng sáo hay nhất. Có khi giới chơi diều Hành Thiện tổ chức các cuộc chơi diều vào những ngày có gió lớn.
- Xem thêm: Đặc sắc lễ hội chùa Minh Khánh
Diều dự thi cần phải chao qua đảo lại càng nhiều càng tốt, miễn là đừng chao xuống đất và phải tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của người cầm dây để có thể bất thần bốc lên cao hoặc từ trên cao bổ xuống để tấn công diều của đối thủ. Diều dự thi thường có hai đầu cánh vót nhọn nếu là diều hai mom, còn nếu là diều cánh cốc thì hai đầu được buộc thêm mỗi đầu một mũi dùi bằng tre vót nhọn. Các diều tham dự cuộc thi phải có kích thước đồng đều. Ngoài ra, dân làng Hành Thiện còn hưởng ứng thú chơi diều bằng việc làm các kiểu diều phất lụa vẽ hình cá chép, hình chim phượng, hình rồng uốn khúc… nên đã có những khoảng thời gian nền trời Hành Thiện luôn rực rỡ với những cánh diều lụa muôn màu đẹp như các bức tranh bay bổng.
Giờ đây, hội chùa Keo với thú đua thuyền còn đó nhưng thú chơi diều thì đã mai một dần, cũng như trong thôn xóm nhiều ngôi nhà mới xây đã chen giữa mái ngói rêu phong, cổng gạch cổ kính. Không có gì trường tồn mãi với thời gian, nhưng những gì còn lưu giữ được ở làng Hành Thiện vẫn đủ để du khách thấy nao lòng trước vẻ đẹp của một thời xa xưa.