Nhiều người vợ thường hay than thở, họ hiếm khi có dịp nghe chồng mình tâm sự hoặc thổ lộ với vợ những cảm xúc của anh ấy.
Thật ra, phái mạnh rất thích được tâm sự một khi giữa hai vợ chồng đồng có sự cảm thông và thấu hiểu. Ðiều quan trọng là người vợ cần biết khơi đúng mạch để tạo điều kiện cho người chồng có thể nói hết nỗi lòng với vợ của mình.
Người vợ cần mở lời trước: Ðó có thể gọi là sự công bằng trong một mối quan hệ. Tất cả mọi người đều cất giấu một bí mật riêng tư. Nếu người vợ biết mở lời trước với chồng, chứng tỏ người vợ hoàn toàn tin tưởng vào chồng mình và ngược lại. Khi người chồng chịu tâm sự cùng vợ, hãy tìm cách chứng tỏ rằng bạn đang rất ủng hộ và về cùng phía với chồng mình. Trường hợp này, người vợ đồng thời cần biết thành thật với chính mình. Hãy thử nghĩ xem làm sao bạn có thể chân thật với người khác nếu như bạn không thành thật với chính mình? Vì thế, cách tự nhiên nhất để người chồng có thể tâm sự với vợ chính là người vợ cần lên tiếng trước để làm nóng bầu không khí giữa hai người để cuộc nói chuyện sẽ thoải mái và dễ chịu hơn.
Người vợ cần biết tạo sự đồng cảm: Nhiều người chồng vẫn suy nghĩ, họ rất ngại khi tiết lộ sự thật về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ với vợ. Nguyên do là người vợ ít khi chịu lắng nghe, thiếu đồng cảm, chia sẻ và có khuynh hướng hiểu vấn đề theo chiều hướng tiêu cực. Ðàn ông có khuynh hướng tâm sự khi gặp bế tắc, nhưng cũng có nhiều người ngại việc nói ra sẽ bị vợ cho là kém cỏi. Ðể giải quyết vấn đề này một cách thực tế, người vợ cần tự hỏi rằng mình có thật sự muốn cùng chồng chia sẻ mọi vấn đề không, có muốn người chồng xem mình như người bạn tâm tình luôn sẵn lòng kề vai sát cánh để tâm sự hay không. Qua những câu hỏi này, chúng sẽ giúp người vợ có những định hướng suy nghĩ thích hợp hơn. Ngoài ra, người vợ có thể trấn an chồng bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm của chính mình. Khi những điểm chung được tạo ra, người chồng không những sẽ cảm thấy được an ủi mà còn tìm thấy ở vợ mình hình ảnh một gnừơi bạn thật sự có cùng mối quan tâm, quan điểm sống. Từ đó, người chồng sẽ có dịp tâm sự với vợ như với hai người đàn ông vậy.
Người vợ cần bày tỏ ý kiến với chồng: Ðàn ông khá nhạy cảm trong việc am hiểu và cảm nhận được tất cả những việc họ làm, cách họ nói có làm cho vợ mình hài lòng hay không? Nếu người chồng cảm thấy mình quá bị vợ xét đoán, không được cảm thông hoặc cảm nhận từ phía người vợ khá tiêu cực, họ sẽ ngại nói dần đi. Không quá phán xét những gì chồng nói, không có nghĩa là người vợ hoàn toàn không có quyền nói lên những ý kiến riêng của mình. Thế nhưng đây là cách để người chồng có thể bộc lộ một cách tự nhiên những gì họ đang nghĩ, không gò bó và không gượng ép. Hãy kiên nhẫn hơn với chồng để tạo cảm giác thoải mái thật sự khi trò chuyện cùng vợ của mình. Việc biết lắng nghe và im lặng để người chồng có thể thổ lộ không có nghĩa là người vợ luôn đồng tình với mọi ý kiến của chồng. Nhưng nếu cần góp ý, người vợ cần chọn đúng thời điểm và đúng phương pháp. Tránh chế giễu hoặc xem thường và áp đặt những suy nghĩ của mình .
Người vợ tránh khơi dậy chuyện cũ và biết giữ bí mật cho chồng: Ðừng bao giờ nhắc lại chuyện đã qua, cho dù đó là những điều không hay vì một khi người chồng quyết định tâm sự với vợ hẳn anh ta sẽ thổ lộ mọi chuyện từ A đến Z với vợ mình. Ðiều này giúp tránh việc người chồng lo ngại vợ mình sẽ ghi nhớ mọi việc để rồi sau đó, tìm cách than vãn hoặc kể lể…bất tận. Tuy người vợ không có ác ý, cũng không muốn làm chồng bị tổn thương, nhưng bản tính vô tư khiến người vợ đôi khi đem những tâm sự của chồng để nói với người thứ ba. Ðiều này vô tình làm mất lòng tin của người chồng, thậm chí có thể làm cho người chồng một mực im lặng khi người vợ tìm đủ mọi cách để chồng mở lời với mình.