Khi biết thành phố Melbourne bị đặt trong tình trạng thảm họa và cách ly ở cấp độ 4 trong 6 tuần với các biện pháp thắt chặt hơn, Katherine Reed, một phụ nữ 32 tuổi sống đơn độc một mình ở Melbourne, đã không cầm lòng được và bật khóc.
Nhiều tháng qua, kể từ tháng 3-2020, chị đã làm việc tại nhà. Cùng lúc với mùa đông vùng Nam cực quay trở lại vào tháng 6 hàng năm là làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần 2 tại thành phố lớn thứ 2 này của Úc. Và Katherine đã chán nản với suy nghĩ sẽ cùng hàng triệu người khác sống cô lập thêm 6 tuần nữa.
Katherine nói: “Tôi hiểu cách ly lần này nghiêm ngặt hơn. Các quy định chỉ chấp thuận sự viếng thăm của người bạn đời không ở chung nhà, nhưng bạn bè thì không”. Kể từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus, các chuyên gia cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại Covid-19 sẽ liên hệ đến tất cả mọi người không phân biệt già trẻ hay nghề nghiệp.
Úc đã được ca ngợi là quốc gia quản lý tốt đợt dịch đầu tiên. Nhưng vài ổ dịch bùng phát vào tháng 6 ở Melbourne và khu vực lân cận, đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thành phố ma
Thành phố Melbourne, nơi ghi nhận hàng trăm trường hợp dương tính mỗi ngày, đã dần dần thắt chặt các biện pháp. Nguyên nhân là do trong đợt 2 bùng phát dịch bệnh, nhiều người dương tính với Covid-19 đã không tuân thủ lệnh cách lý tại nhà. Trong số hàng ngàn cuộc kiểm tra của cảnh sát phối hợp với quân đội, có đến trên 800 người đã không có mặt ở nhà để tự cách ly. Và mức phạt đã được bang Victoria tăng lên đến 5.000 đô la Úc để răn đe hơn.
Sự bùng phát trở lại khiến thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrews phải đưa ra lệnh tái cách ly từ ngày 8-7 trong nỗ lực tránh một đợt dịch thứ 2. Các quán cà phê và nhà hàng phải đóng cửa trở lại, các thẩm mỹ viện cũng vậy.
Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt này không đủ để kềm hãm dịch bệnh. Do đó, từ chủ nhật 2.8, ‘tình trạng thảm họa’ được ban bố ở Melbourne và biện pháp cách ly được nâng lên cấp độ 4. Đồng thời lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng ở Melbourne từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng cho đến ngày 13-9-2020. Từ sáng thứ 5 này, chỉ có các cửa hàng thiết yếu mới được phép mở cửa bán. Khi ra ngoài, mọi người bắt buộc phải mang khẩu trang; nếu vi phạm sẽ bị phạt 200 đô la Úc. Hầu hết mọi người đều chấm hành tốt, dù có một phong trào nhỏ chống đối lại lệnh mang khẩu trang. Vào ban ngày, người dân chỉ được đi lại trong vòng bán kính 5km từ nhà của mình như đi mua sắm các thứ thiết yếu, đi khám bệnh hay tập thể dục…
Daniel Andrews, Thủ hiến bang Victoria, cũng ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh và cơ quan hành chánh không thiết yếu kể từ ngày 6-8-2020. Những người đến cơ quan làm việc phải có giấy phép do người sử dụng lao động cấp. Là nhân viên trong lãnh vực viễn thông, Point Serge, một người Pháp sống ở Melbourne hơn 40 năm, đã làm việc từ xa từ cuối tháng 3.
Ngoài ra, công ty còn yêu cầu anh nghỉ 1 ngày trong tuần do nhu cầu công việc giảm sút. Anh bộc bạch: “Tôi là nhân viên thâm niên nên có nhiều ngày nghỉ phép để bù. Những đồng nghiệp trẻ của tôi phải nghỉ không lương. Nhưng như vậy cũng đã là may mắn rồi”. Chính phủ có chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp kéo dài đến năm 2021, nhưng tình hình của nhân viên ăn lương vẫn bấp bênh. Đó là chưa kể những người thiếu may mắn đã mất việc làm.
Bill Morton, một người bán sách của thành phố lớn thứ 2 này, rất buồn khi thấy khu phố mà bình thường rất nhộn nhịp, bây giờ tựa như một “thành phố ma”. Và cảm giác kỳ lạ đó là tiếng chuông xe điện vang lên to hơn và dài hơn bình thường chỉ vì đường phố vắng tanh.
Morton, phòng viên của hãng thông tấn AFP, thổ lộ: “Người dân ít nhiều bị mất tinh thần. Gần như mọi thứ đều đóng cửa, tạo nên bầu không khí rất lạ, đáng lo ngại”.
Melbourne là thủ đô văn hóa của nước Úc, thế mà các nhà hát và phòng hòa nhạc đều im hơi lặng tiếng, các nhà hàng đóng cửa, gây ra tình trạng bấp bênh đáng lo ngại cho nhân viên. Point Serge cho biết: “Tôi đã đặt chỗ vào ngày 7 tháng 7 để kỷ niệm 34 năm ngày cưới của chúng tôi. Trưa hôm đó, họ thông báo đóng cửa. Cuối cùng, chúng tôi phải đặt thức ăn mang về để tổ chức tại nhà”.
Andrew Park, chủ một quan rượu, đã cố gắng hạn chế thiệt hại bằng cách tập trung vào bán các loại cocktail bán mang đi. Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời chứ không thể lâu dài. Andrew Park cho phòng viên AFP biết: “Nhưng khách hàng đi bộ dường như cũng biến mất dần. Nỗi lo của tôi là mọi người sẽ ngừng đặt hàng từ các hộ kinh doanh nhỏ như tôi”.
“Phải mất nhiều năm để hồi phục”
Daniel Andrews, Thủ hiến bang Victoria, cảnh báo đội ngủ nhân viên bang rằng phải mất “nhiều năm để hồi phục”. Bill Morton ước tính doanh số cửa hàng sách của ông đã giảm xuống 25% so với trước đại dịch. Bây giờ, hiệu sách phải phụ thuộc vào trợ giúp của chính phủ và các cơ chế được đưa ra để bù đắp vào chi phí như tiền thuê nhà… “Chúng tôi có thể trụ được trong một thời gian nhưng không thể cầm cự trong dài hạn với sự sụt giảm doanh số hiện nay”, Bill Morton nói. “Có rất nhiều mối quan tâm trong giới kinh doanh. Họ tự hỏi phải làm gì để vượt qua thử thách này”, Bill Morton nói tiếp. Đồng thời anh cũng cho biết nhiều người đã bỏ cuộc.
Maggie May, người cùng với chồng điều hành cửa hàng lưu niệm, đã điều chỉnh công việc kinh doanh của mình khi những hạn chế đầu tiên được ban hành trong những tháng đầu của đại dịch. Maggie May đã chuyển sang phát triển bán hàng trực tuyến. “Đó là một thử thách, nhưng cũng là một trải nghiệm sáng tạo”, chị nói.
Maggie May tâm sự: “Tôi đã trải qua nhiều giờ để tự động viên, vì nếu buông xuôi, bỏ mặc cho sự sợ hãi xâm chiếm tâm hồn, bạn sẽ kết thúc một ngày trong vô vọng, khiến bạn càng âu lo hơn”.
Tự cách ly ở nhà làm cho đời sống người dân bang Victoria khó khăn hơn. Sau khi vượt qua đại dịch lần 1, họ nghĩ rằng đại dịch đã lui vào quá khứ. Point Serge than thở: “Chúng ta đã có thể trở lại cuộc sống gần như bình thường với việc nới lỏng các giới hạn như mở cửa lại các quán bar, nhà hàng… Con trai chúng tôi có em bé 19 tháng; chúng sống chỉ cách chúng tôi vài km, nhưng chúng tôi không gặp chúng từ tháng 3”. Những ngày mùa đông năm nay ở Melbourne khá là khắc nghiệt. “Và hôm nay trời lại mưa, nhiệt độ không vượt quá 6oC. Với thời tiết như vậy, chúng tôi cũng không muốn ra ngoài chút nào”, Point Serge buồn bả nói.
Hiện nay, bang Victoria có trên 12.000 ca dương tính với Coronavirus trên tổng số 19.000 ca trên toàn nước Úc tính từ đầu năm 2020 đến nay. Victoria cũng là bang có nhiều người chết vì Covid-19 nhất với 147 ca tử vong trên tổng số 232 trên trên toàn quốc.