Sang thời hiện đại, cái tôi nội cảm trữ tình ít nhiều đã nhuốm màu duy lý phương Tây, cách nói bắt đầu có những ràng buộc logic và hình thức chặt chẽ, nghiêng về kiểu tư duy tư biện… cái duy tình linh hoạt uyển chuyển trong ngữ cảnh chức năng truyền thống giảm dần.
Khắc xuất, khắc nhập
Ấy là đặc tính Cây tre trăm đốt trong cổ tích Việt. Nó chi phối và thể hiện trong tính cách Việt, trong điệu lời, trong thể thơ nhịp chẵn đong đưa sáu tám khả trường khả đoản… Trước hết là do nhân tố cơ chế ngôn ngữ tiếng Việt loại hình đơn tiết, ranh giới giữa các âm tiết – tương ứng với đơn vị nhỏ nhất mang nghĩa – cố định hoặc lâm thời trong chuỗi âm thanh. Người Việt quen kiểu nói đủng với đỉnh, lo khổ lo sở, ham danh chuộng lợi… nên từ khả năng đứng riêng lẻ, độc lập mà góp phần làm nên truyền thống ngữ văn của người Việt như rút gọn, chơi chữ, tách từ, kiến tạo thể thơ… linh hoạt trong từng ngữ cảnh.
Đặc điểm âm tiết tiếng Việt đã góp phần tạo nên hiện tượng chẻ đôi – tách xen… trong sự phô diễn năng lực biểu hiện của âm tiết trong lời ăn tiếng nói, trong ngôn ngữ thơ ca dựa vào tính linh hoạt ở từng tình huống phát ngôn, tương ứng hoàn cảnh. Nhằm xác định ranh giới các từ, tạo khoảng trống, liên tưởng… hiện tượng chẻ đôi – tách từ như là một cách xử lý ngôn ngữ tự nhiên thường gặp trong các loại hình ngôn ngữ đơn lập – phân tích. Chia đôi là hiện tượng tách các từ vốn đi liền với nhau (láy hoặc ghép) trong một tổ hợp nghĩa thành các từ nhỏ – vốn khó đứng độc lập và không mang nghĩa lại độc lập có nghĩa trong hàm ý nhấn mạnh, biểu cảm đa nghĩa… với kiểu nói mà ta thường gặp Đất đâu đất lạ đất lùng, Nói ra xấu thiếp hổ chàng, Thân anh đi lẻ về loi một mình…
Hiện tượng tách từ, chẻ đôi từ vốn khá phổ biến trong lời ăn tiếng nói, trong thành ngữ ca dao với những từ láy, từ ghép AB được tách thành A với/với chả B kiểu như ăn với uống, đi với chả đứng, xinh với chả đẹp… tạo nên khả năng nhấn mạnh, nghiêng về sắc thái âm tính chê bai. Có hàng loạt thành ngữ theo dạng thức này như nắng dãi mưa dầu, dãi gió dầm sương, ra ngẩn vào ngơ, gìn vàng giữ ngọc, hồn lạc phách xiêu, ăn trắng mặc trơn… Những thành ngữ này được vận dụng trong thơ ca (có tính tương xứng sóng đôi, song hành), đặc biệt là nhịp thơ 6-8 và được các nhà nghiên cứu lưu tâm. Triều Nguyên trong Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt đã khái quát: “Tách từ để đặt vào cấu trúc đối xứng. Cấu trúc đối xứng chứa từ bị tách thường gồm 4 âm tiết theo mô hình ABA’B’. Từ bị tách chủ yếu nắm ở vị trí BB’, nhưng cũng có trường hợp nhằm vào AA'” (Nxb Thuận Hóa, 2000). Chớ nghe lời phỉnh tiếng phờ – Thò tay vào lờ mắc kẹt cái hom. A, A’ (lời – tiếng) – B, B’ (phỉnh – phờ) được tách ra để đặt vào ngữ cảnh lời phỉnh tiếng phờ nhằm khẳng định nhấn mạnh sự cảnh giác thận trọng trong nụ cười trí tuệ dân gian. Những từ bị tách – ghép tạo vai trò ngữ pháp và nghĩa lâm thời theo kiểu tư duy thực tiễn của người Việt. Thủ đoạn khéo đến tinh vi làm người dễ vướng, sinh nợ mà phờ phạc gỡ mãi không ra. Mô hình này thường gặp trong thành ngữ, tục ngữ ở dạng láy như Đất lề quê thói, ăn vóc học hay, trầy vi tróc vảy… như một kinh nghiệm sống. Rõ ràng, bên cạnh môi trường tự nhiên và xã hội, ngôn ngữ hành xử đã góp phần hình thành cội nguồn tư duy mang tính thực tiễn dung hợp của người Việt.
Để tạo nên phẩm tính giàu âm điệu, nhịp đong đưa, dễ nhớ dễ thuộc, dễ truyền miệng… ca dao thường vận dụng cách chẻ đôi đẩy đưa này, tạo nên hiệu ứng sâu sắc, tinh tế và truyền cảm hơn. Ai cũng biết nhãn lồng là loại quả quý ngon. Vậy mà tách ra bằng cách đan xen chữ thì có vẻ nôm na chân chất mà rất đỗi dí dỏm tinh tế trong trường liên tưởng đa nghĩa. Hỡi cô cắt cỏ bên sông – Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây. Quan điểm ứng xử thực dụng trong lối sống nhờ cách nói này mà được nhẹ hóa, không còn thuần túy lý trí kinh nghiệm, linh hoạt trong tính cách. Làm người phải đắn phải đo – Phải cân nặng nhẹ phải dò nông sâu. Thơ ca là một dạng hiện thực – tâm trạng, tuôn chảy trong trường cảm xuc, chưng cất lại theo một kiểu tư duy. Cho nên nó vượt qua cái logic ngữ nghĩa ổn định mà tạo nghĩa lâm thời trong giao cảm tiếp nhận. Đắn đo là tổ hợp từ chặt chẽ mang nghĩa “cân nhắc giữa nên và không nên, chưa quyết định được” (Từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học) và được dân gian khéo léo tách ra và cứ như kéo dài sự trì hoãn, phát huy được giá trị tu từ tri nhận và biểu cảm.
Kỹ năng thành tài năng
Trên nền tảng đặc điểm tư duy ấy, từ ca dao truyền miệng sang thơ văn thành văn ít nhiều đã được bác học hóa đậm dấu ấn cá nhân sáng tạo. Mối quan hệ giữa chữ và nghĩa trong thơ qua tay người sử dụng trở nên có tính năng linh hoạt và đa dạng. Nghĩa của từ là linh hồn của từ. Cấu trúc nội tâm của thi sĩ làm nên ngữ pháp trong mỗi bài thơ.
Người Việt nghiêng về cách nói nhịp chẵn cân xứng hài hòa. Giống như địa danh hầu hết là hai tiếng như một di chỉ trầm tích văn hóa mang điệu hồn dân tộc. Giống như nhịp thơ 6 – 8 như sóng vỗ bờ, nhịp võng đong đưa. Và ngay cả thơ cách luật ngũ ngôn, thất ngôn, ngược lại với Trung Quốc theo nhịp chẵn trước lẻ sau, thơ Việt truyền thống lẻ trước chẵn sau miên man. Dễ hiểu vì sao hiện tượng tách từ tạo nên nhịp đôi, đối xứng hài hòa, vừa để liên kết dòng thơ, vừa nhấn mạnh điều muốn nói, vừa gợi tả cảm xúc… xuất hiện rất nhiều trong ca dao và dần được bàn tay chuyên nghiệp của các nhà thơ nâng từ mức kỹ năng thông minh lên tài năng sáng tạo trong những tình huống cụ thể bất ngờ. Hiện tượng tách từ dựa trên hai phương thức tuyển lựa và kết hợp tạo nên cấu trúc đặc biệt mới trong thi ca mang lại giá trị thẩm mĩ ở tính độc lập mang chức năng gợi tả và tính liên kết lựa chọn chữ phụ thuộc nhiều vào tính tương hợp, quan hệ “hô ứng” tương xứng ở trục kết hợp. Hiện tượng tách xen thành các vế tương đương được các nhà thơ phát huy trong thơ lục bát, song thất lục bát, chủ yếu dựa vào loại hình âm luật điệu tính tương phản cao – thấp hòa phối ngữ âm trong dòng thơ tạo nên nghĩa tu từ.
Từ ca dao sang thơ ca với ý thức tự giác của tài năng sáng tạo đã giúp “Nhà thơ thường làm cái công việc mà người bình thường khó có thể làm”. Hiện tượng khéo léo tách các chữ vốn trống nghĩa, không độc lập thành cách chữ có nghĩa và độc lập đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, như Hữu Đạt đã phân tích “Mối quan hệ giữa chữ và nghĩa trong thơ”. Tài năng trí tuệ nắm vững ngôn ngữ dân tộc và “trường cảm xúc mạnh, nhà thơ đã biến mối quan hệ này từ chỗ không hiện thực về mặt nghĩa logic thành hiện thực về mặt nghĩa giao tiếp, cảm nhận” (Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1996). Ngẩn ngơ “ở trạng thái không còn chú ý đến chung quanh, vì tâm trí đang còn ở đâu đâu” (Từ điển Tiếng Việt). Từ một tổ hợp hàm nghĩa trạng thái tâm lý chung như vậy, tác ra độc lập trong tính liên kết – gợi tả chứa đựng cảm xúc sâu sắc cái tâm trạng của người đang yêu, như cách nói của ca dao Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ. Nhớ là đặc sản của yêu. Trong trường liên tưởng ngữ nghĩa nó gợi lên cái ngớ ngẩn, ngẩn tò te, ngơ ngác, ngơ ngơ… rất thật mà khó nói ra, trống mà đầy tràn của người mang bệnh tương tư kêu trời ở kẻ ôm đầy giấc mộng như Tản Đà Trời cao gọi mãi không thưa – Biết ai ra ngẩn vào ngơ canh chầy.
Sự phô diễn năng lực biểu hiện của âm tiết tính tiếng Việt trên sân khấu thi ca xuyên suốt trong thơ cổ điển từ Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)… cho đến cận đại như Thương vợ (Tú Xương)… Trong đó, Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu là hai nhà thơ dân tộc, bác học hàn lâm mà rất đỗi nôm na bình dân… nên đạt đến tính đại chúng nhiều thời. Truyện thơ Nôm hài hòa giữa tự sự và trữ tình qua điệu hồn 6 – 8. Vai trò của Nguyễn Du đối với tiếng Việt được sánh với Puskin đối với văn học Nga. Cái thông minh vốn có trong cách nói dân gian được Nguyễn Du thể hiện rất tài hoa về năng lực phô diễn của âm tiết trong hiện tượng chẻ đôi này. Nó được thể hiện tập trung rõ nhất ở chặng đường Kiều từ khuê phòng ra chốn lầu xanh.
Tâm trạng mất – còn giữa tự ngã – tha nhân đầy chênh vênh của kẻ từng “lên voi xuống chó” thường rất khó nói. Nhiều khi chỉ là tiếng thở dài theo gió đẩy đưa nhịp bổng trầm con tim quặn thắt. Đó là cái cá biệt độc đáo mà nói lên cái phổ quát nhân sinh phận người. Tài năng và tấm lòng của thi nhân trong hoạt động sáng tạo thi ca đã làm cho âm thanh biến hóa linh hoạt, cấp nghĩa mới cho âm thanh. Hạnh phúc giống nhau nhưng nỗi đau riêng khác. Cho nên, không phải ngẫu nhiên tâm trạng Kiều từ chỗ Êm đềm trướng rủ màn che – Tường đông ong bướm đi về mặc ai… đến lầu xanh ong bướm lả lơi… là những câu thơ tự sự – trữ tình đầy trăn trở tự vấn ở kẻ bán thân mà đầy ý thức thương thân, tách các chữ ra khỏi tổ hợp vốn có tạo ra những khoảng trống giữa các chữ “không độc lập”, “không có nghĩa” đầy hàm nghĩa mới ở giá trị tu từ. Vì ai rụng cải rơi kim? Tình yêu lý tưởng chạm tay vụt bay. Vẫn là Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai!
Mở đầu cảnh Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân là chênh vênh chia cắt nửa tình nửa cảnh… rày trông mai chờ… trong nỗi đau cô độc tha hương mang cảm thức buồn trông… Trốn theo Sở Khanh, Cũng liều nhắm mắt đưa chân không xong, nhận những trận đòn dữ dội của Tú Bà, vùi liễu dập hoa, hồng rụng thắm rời... Chết là hết Lấy thân mà trả nợ đời cho xong chẳng đặng… Vào nghề lầu xanh bằng “bài giảng nhập môn” của mụ Tú mà thuộc lấy làm lòng – Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề. Làm sao Chơi cho liễu chán hoa chê… bước qua nỗi thẹn thùng mà hành nghề chuyên nghiệp. Chưa hành nghề thì chưa thể dạn dày từng trải. Cho nên mới có cách nói mặt dạn mày dày mang tâm trạng đau đớn ê chề tột bậc trơ ra, lì ra khi phải nhập cuộc khách làng chơi.
Này là “cái giá” nức tiếng rất cao của nàng Kiều ở chốn lầu xanh cho khách chơi tìm đến. Biết bao bướm lả ong lơi – Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm. Theo Từ điển Tiếng Việt, lả lơi: tỏ ra suồng sã thiếu đứng đắn trong quan hệ nam nữ (thường là nữ đối với nam). Cười nói lả lơi. Con mắt lả lơi… Còn bướm ong: dùng để chỉ kẻ chơi bời, ve vãn phụ nữ. Cách tách ra và kết hợp lại bướm lả ong lơi trong cấu trúc nhịp song hành cụ thể mà mờ nghĩa, trống mà đầy, kể chuyện mà quặn lòng, cá biệt mà phổ quát đến mức độc đáo.
Vậy là môi trường dạy cho con người cách sống dần quen Nói dày dạn gió sương, bướm ong chán chường chỉ là kể ra đến phổ quát sáo mòn, tách ra theo cách đan xen Mặt sao dày gió dạn sương – Thân sao bướm chán ong chường bấy thân vừa tạo nên hai nhịp đôi đối xứng hài hòa, vừa như nhịp thở dài trĩu sâu trong lồng ngực đầy day dứt, khổ đau dằn vặt. Thương phận Kiều hay thương cho thân mình. Trí thức mang tâm hồn nghệ sĩ đầy ưu tư và kỹ nữ mang kiếp cầm ca đồng điệu thân phận bọt bèo trong tiết điệu nhẹ mà đay, tường minh trong nghĩa phổ quát mà day dứt đến khó tả trong tri nhận lâm thời. Và cứ thế, gió thổi trang giấy lật phất phơ ngọn cỏ. Song sa vò võ phương trời – Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng mà lạt phấn phai hương, dơ dáng dại hình, ngậm thở ngùi than, qua thì thì thôi…
Học hết chữ thiên hạ, ấy là nhà Nho bác học Nguyễn Du. Sống trọn nghĩa đời mình mà biết giữ giàng, ấy là nhà thơ đời thường Tố Như. Nói phận Kiều mà ngụ tâm trạng đời mình, từ đó mà tạo ra văn cảnh truyện thơ tự sự – trữ tình để vừa phát huy những nét nghĩa tiềm năng có sẵn trong chữ, vừa sáng tạo ra ý nghĩa mới nảy sinh. Mối quan hệ giữa chữ và nghĩa cứ mãi đong đưa trang Kiều, làm nên phong cách bác học mà bình dân độc đáo Nguyễn Du. Những là rày ước mai ao – Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình…
Chưng cất điệu hồn
Sang thời hiện đại, cái tôi nội cảm trữ tình ít nhiều đã nhuốm màu duy lý phương Tây, cách nói bắt đầu có những ràng buộc logic và hình thức chặt chẽ, nghiêng về kiểu tư duy tư biện… cái duy tình linh hoạt uyển chuyển trong ngữ cảnh chức năng truyền thống giảm dần. Lối sống thị dân, giáo dục được Âu hóa, Pháp ngữ phổ cập, thơ tự do thoát niêm luật… gắn liền với những biến động của xã hội có tác dụng đáng kể đến tư duy và truyền thống ngôn ngữ dân tộc. Trong phong trào Thơ mới vẫn còn một dòng níu giữ hồn quê, rõ nhất là Nguyễn Bính.
Chân quê bước ra phố thị, trót lăn lóc có dư mười mấy tỉnh… mà chưng cất nên hồn quê tinh túy, đằm thắm và thiêng liêng. Hồn quê hồn hậu, bền lâu và lắng sâu làm nên cái hằng số bất biến trong Bài thơ quê hương, với cách nói thân quen mà nhiều lạ hóa ở dạng chọn lựa cố định ban đầu chôn giấu, vàng bạc, chói ngời, ngọc châu bằng cách tách từ. Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc – Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu. Câu thơ có vẻ cổ kính mà không cũ kỹ, ấy là ở phẩm chất gốc dù có mơ phai trước biến đổi thời cuộc mà hồn quê được thổi vào hồn chữ một cách tự nhiên nuôi dưỡng khát vọng nghệ thuật ở thi sĩ Nguyễn Bính của những ngày thơ suông rượu nhạt. “Chỉ có quê hương mới tạo nên từng chữ từng câu thơ Nguyễn Bính” (Tô Hoài). Quê hương gồm nhiều điều, nhưng lời ăn tiếng nói là điệu hồn lưu giữ một nẻo đi về. từ nói mà say thơ ấy là làm cái lẽ thường tình hóa ra tinh túy độc đáo dễ đi vào lòng người là vậy. ai chẳng thường nói xa lắc xa lơ theo kiểu khẩu ngữ dân gian, nhưng chỉ có anh chàng chân quê Hành phương Nam này mới rất đỗi tài hoa trong việc tạo ra những khoảng mờ của chữ. Quê nhà xa lắc xa lơ đó – Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay. Cái dân gian xa lắc xa lơ đó đặt cạnh cái ngôn từ thơ khá hiện đại tha hồ mây trắng bay qua cái ngoảnh lại, tưởng như trống không mà chất đầy tâm trạng u hoài. Nói đúng và hay tiếng nói quê nhà rồi mới hy vọng đúng hay tiếng nói mọi vùng miền.
Từ ca dao say thơ ca là hành trình tiếp biến phong phú trong mối quan hệ kỹ năng cộng đồng và tài năng cá nhân. Nói theo cách của Heidegger, ngôn ngữ không đơn thuần là phương tiện giao tiếp, mà là một chiều kích tồn tại của cuộc sống con người. Liệu mô hình ngữ pháp giáo khoa lấy từ phương Tây về áp dụng cho tiếng Việt và ngôn ngữ mạng đang “hot”, cò còn dưỡng nuôi chất thơ. Ấy là chuyện khác, trong cái sự ngày nay…