Chiếc xe buýt du lịch đưa chúng tôi xuất phát từ đại lộ Champs Elysees lúc 8 giờ sáng, xe chạy qua những con đường thơ mộng của thủ đô Paris để đi đến địa phận nước Đức. Cô hướng dẫn viên cho cho chúng tôi biết xe sẽ đến Đức khoảng 2g chiều, và địa điểm tham quan đầu tiên là lâu đài Heidelberg của thành phố cùng tên. Đồng thời cô cũng cho biết lâu đài Heidelberg là một trong những tour châu Âu thu hút được nhiều du khách nhất đến từ nhiều nước trên thế giới khi đến với thành phố Heidelberg. Nơi đây còn được biết đến như thành phố của sinh viên, ở đó có trường Đại học Heidelberg; ngôi trường cổ nhất nước Đức và là một trong các trường hàng đầu tại châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu.
Sau khi ăn trưa tại một quán ăn rất rộng bên đường cách biên giới Pháp-Đức không xa, chúng tôi tiếp tục lên đường. Khoảng hơn hai tiếng sau, xe đi vào trung tâm thành phố Heidelberg. Những con đường ngắn quanh co, hai bên là những tòa nhà cổ với lối kiến trúc rất lạ mắt. Từ xa, chúng tôi đã thấy thấp thoáng hình dáng của tòa lâu đài cổ kính này. Càng đến gần, càng thấy sự hoang tàn đổ nát của nó. Người tài xế cho xe chạy vòng để tìm nơi đỗ xe, cuối cùng xe đưa chúng tôi đến con đường dọc một con sông; cách tòa lâu đài khá xa. Dòng sông rất đẹp, rất lãng mạn nằm gọn trong một thành phố cổ kính mà sau này chúng tôi được biết tên của nó là sông Neckar.
Từ nơi đỗ xe, chúng tôi phải đi bộ thêm hơn 1km nữa mới đến được chân của ngọn đồi nơi tòa lâu đài tọa lạc. Sau khi người hướng dẫn dặn dò về vị trí của chiếc xe đỗ cho mọi người định vị để có thể tập trung về đây theo đúng giờ quy định. Đoàn chúng tôi được tham quan tại đây hơn 2 tiếng đồng hồ.
Được biết, lâu đài Heidelberg được mệnh danh là đẹp nhất nước Đức. Thật không thể tưởng tượng; lâu đài nằm trên một ngọn đồi có độ cao ước chừng 100m, và cũng trải dài với chiều dài gần như thế, bên dưới là dòng sông hiền hòa. Phải nói rằng tòa lâu đài cổ như một bằng chứng của sự thông minh, sức sáng tạo và khả năng vô biên của con người nơi đây hàng mấy trăm năm trước.
Đi theo con đường quanh co ven chân đồi, chúng tôi lần lên trên để tiếp cận lâu đài. Sự khổng lồ càng lúc càng hiện rõ, sự vĩ đại ngoài sức tưởng tượng mỗi lúc một nhân lên. Nổi bật bao trùm lên khu thành là di dích đổ nát của một phế tích trải dài giữa vùng đất phủ đầy màu xanh. Lâu đài Heidelberg hiện lên hết sức nổi bật với màu đỏ tự nhiên của những viên đá sa thạch. Đứng từ lâu đài chúng tôi có thể phóng tầm mắt ra ngắm nhìn toàn bộ khu phố cổ Heidelberg. Cũng như đứng trên đồi Mont martre ở Paris, từ đây nhìn xuống toàn cảnh khu phố hiện ra trông như một bức tranh thần thoại.
Tài liệu về lịch sử nước Đức cho biết lâu đài Heidelberg được xây dựng từ thế kỉ 13 theo lối kiến trúc từ thời kì phục hưng kết hợp với Gothic. Nơi đây đã từng diễn ra rất nhiều các biến động trong lịch sử mà cụ thể là diễn biến mở rộng lâu đài kéo dài xuyên suốt 3 thế kỷ. Tiêu biểu nhất là trong chiến tranh kéo dài 9 năm về việc kế thừa vùng Pfalz (1688-1697), các bá tước bị thua quân đội Pháp. Dấu ấn của nó chính là những bức tường đỏ bám rêu hết sức cổ kính vẫn còn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm và biến động, đặc biệt là Thế chiến thứ 2 (1914-1918), nhưng nét đẹp của lâu đài, cùng khung cảnh đầy chất thơ vẫn khiến cho biết bao du khách khi đến đây phải nao lòng. Bước vào đến sân trong của lâu đài, chúng ta có thể nhận thấy rõ các thời kỳ xây dựng khác nhau: Bên tay trái là các di tích còn lại của thành quách mang tính phòng thủ từ thế kỷ 15-16. Bắt đầu từ giữa thế kỷ 16, lâu đài bắt đầu biến đổi trở thành một nơi ngự trị hào nhoáng của các lãnh chúa. Dãy nhà Ottheinrichsbau (1557-1566) ở bên tay phải và dãy nhà Friedrichsbau (1601-1607) trước mặt là những thành tựu nổi tiếng nhất thời kỳ kiến trúc Phục hưng Đức.
Tài liệu lịch sử của Đức cho biết tòa lâu đài được bắt đầu xây dựng từ khoảng năm 1214. Ban đầu nó chỉ là một pháo đài của vùng, từ đó cho tới thời kỳ Phục hưng, nó đã được nâng cấp từ pháo đài lên thành một lâu đài với kiến trúc kiên cố và tiện nghi. Từ thời vua Elector Ludwig V (1508-1544), tòa lâu đài đã mang dáng dấp như những phần còn tồn tại cho tới ngày nay. Đó là những ngôi tháp tròn kiên cố xây dựng liền với tường lâu đài, khu thư viện…
Tới thời vua Elector Otto Heinrich (1556-1559), tòa thành một lần nữa được mở rộng và trở thành kiến trúc Phục hưng tiêu biểu nhất cho vùng bắc Alpes. Lâu đài Heidelberg cũng cho thấy sự hiện diện của kiến trúc Baroque trước khi kiến trúc này trở thành phổ biến ở Đức.
Qua thời gian, vua Elector Friedrich IV (1592-1610) đã kết hợp kiến trúc Phục hưng – Baroque bằng việc xây dựng thêm khoảng sân rộng phía trước lâu đài, từ đó có thể nhìn toàn cảnh thành phố Heidelberg như đã nói ở trên. Mặc dù bị vây khốn trong suốt 30 năm của cuộc chiến tranh 1618-1648, tòa lâu đài vẫn không hề bị hư hại đáng kể. Tuy nhiên trong cuộc chiến ly khai Phục hưng, còn được biết đến với tên khác là cuộc chiến Orleans vào năm 1688-1689, quân đội kỵ binh Pháp đã phá hủy tòa lâu đài cũng như thành phố Heidelberg thêm một lần nữa vào năm 1693.
- Xem thêm: 10 lâu đài hoành tráng nhất thế giới
Việc xây dựng lại lâu đài cũng như thành phố bị trì hoãn và cho tới năm 1720, chính quyền thời đó đã quyết định dời đến Mannheim, nơi có một công trình kiến trúc Baroque lớn nhất của nước Đức.Năm 1764, sét đánh và hỏa hoạn tiếp tục phá hủy lần nữa, tòa lâu đài mới được tu sửa. Nhưng phế tích trước đó của lâu đài đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước chống lại sự đàn áp của Napoléon…
Trong suốt thế kỷ 19, một phần của tòa lâu đài đã được xây dựng lại và công việc này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Tuy vậy, những thông điệp của thời gian mà tòa lâu đài mang trong mình vẫn được truyền tải nguyên vẹn tới khách tham quan. Đặc biệt khung cảnh ấy đã quyến rũ và kỳ thú của nó đã được được đưa vào trong nhiều tác phẩm văn học của Mark Twain, Goethe, Sir Walter Scott hay Victor Hugo, nhưng cho dù có sức tưởng tượng thế nào đi nữa, người đọc cũng rất ngỡ ngàng khi thực tế có cơ hội được chạm tay vào các bức tường của tòa lâu đài cổ kính và được thả hồn vào cảnh quan hết sức lãng mạn ở nơi đây.
Trên đường đi xuống, mặc dù rất mệt vì đoạn dường đi bộ khá dài, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất khoan khoái vì ít nhất đã một lần thấy được một kỳ quan của con người có từ 700-800 năm trước đang tồn tại với thời gian…
Trở lại con đường dọc sông Neckar, một địa điểm khác rất ấn tượng; đó là chiếc cầu Carl Theodor. Cùng với tòa lâu đài, cây cầu này đã gần 800 năm tuổi bắc qua sông Neckar. Cầu gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố Heidelberg kể từ khi được xây dựng cho đến nay. Trong thời kỳ chiến tranh đã bị quân phát xít Đức phá hủy hai nhịp, nhưng sau đó được chính quyền và người dân địa phương tái dựng vào năm 1947.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ tham quan tổng thể lâu đài Heidelberg, chúng tôi được hướng dẫn đi qua khu phố cổ nghỉ ngơi, ngồi thưởng thức ly cà phê tại quảng trường phía sau nhà thờ Thánh Linh (Heiliggeistkirche). Khu phố này là nơi duy nhất không bị dội bom trong Đệ nhị thế chiến nên vẫn còn giữ được nét đẹp Baroque nguyên thủy và hài hòa. Tại khu phố cổ này có nhiều cửa hàng ăn uống và dịch vụ, do đó du khách cũng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều món ăn ngon, nổi tiếng của Đức. Tiêu biểu phải kể đến như bia Đức, xúc xích Đức, quà lưu niệm…
Trong lịch sử hình thành và phát triển của thế giới, châu Âu là nơi diễn ra rất nhiều biến động, trong đó Đức là một trong những quốc gia trải qua nhiều hưng phế nhất, mà cụ thể là ở đây, tòa lâu đài Heldelberg như là một chứng tích bất biến với thời gian còn tồn tại đến ngày nay. Mặc dù hiện nay nó chỉ là “phế tích”, nhưng không bị con người phá hủy. Có lẽ nó không chỉ mang tới vẻ đẹp lãng mạn tuyệt vời nhất, mà còn là nơi để người đời sau khám phá quá trình của hệ thống kiến trúc trong lịch sử, để biết được sự phế hưng của một dân tộc qua hình ảnh một di tích đang mãi trơ gan cùng tuế nguyệt…