Tám nhà hát với 12 vở diễn thuộc các thể loại kịch, chèo, cải lương, dân ca, kịch hình thể đã tạo được một hiệu ứng trong mơ không chỉ đối với người làm nghề trong suốt những ngày diễn ra liên hoan (từ 9 đến 16-9): Không một suất diễn nào còn chỗ trống, thậm chí người ta còn kê thêm ghế, ngồi ở cả lối đi. Trước giờ diễn, hàng đoàn người xếp hàng, nhích từng bước vào khán phòng.
Sức hút
“Ông không phải là bố tôi”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Điều không thể mất”, “Nàng Sita”, “Ngọc Hân công chúa”, “2000 ngày oan trái”… Tác phẩm nào cũng đầy ắp tính nhân văn và đặc biệt là tính thời sự vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày hôm nay. Những năm 80 của thế kỷ trước, khán giả yêu đến cuồng nhiệt Lưu Quang Vũ, chờ đón từng tác phẩm của ông, bởi qua đó, ông nói thay họ về những điều ngang trái, bất công; những điều giả dối, bóng đen quyền lực; đạo đức xuống cấp… Và bởi người ta tìm thấy ở ông một chỗ dựa tinh thần để rồi không mất đi hy vọng về những điều tốt đẹp ở đời. Điều đó giải thích, tại sao gần 30 năm đã qua, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn có một sức hút đến vậy. Người ta hay nói đến tính dự báo trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ, nhưng có lẽ đó là một cách nói về những vấn đề bất ổn đương thời, bằng trái tim vô cùng nhạy cảm của mình, ông đã nhận ra trước mọi người, đưa vào tác phẩm của mình và buồn thay, sau mấy chục năm, nó vẫn còn đấy, thậm chí có vấn đề còn tồi tệ hơn.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Về phương diện làm nghề, nhà phê bình, nghiên cứu văn học, sân khấu Ngô Thảo nhận xét: “Chẳng biết nên vui hay nên buồn khi mà hơn 30 năm đã qua, sân khấu chưa xuất hiện được tác giả nào tài năng như Lưu Quang Vũ. Biết bao kịch bản của nhiều tác giả khác cũng đã được dựng, biểu diễn một vài buổi xong rồi không đọng lại. Có lẽ điều làm nên sự khác biệt của Lưu Quang Vũ là tác phẩm của ông chứa đựng những vấn đề xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, không bao giờ cũ…”.
Lời thề thứ 9
Chơi sang
Nếu chỉ để “hâm nóng” hoặc “thử phản ứng” tình yêu của khán giả với sân khấu thì ở góc độ nào đó, liên hoan này có thể nói là thành công. Nhưng nếu để chính những nhà hoạt động sân khấu, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật có dịp nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại quá khứ một thời oanh liệt để tìm ra những hướng đi mới hơn, khôi phục lại sự hấp dẫn vốn (đã từng) có của sân khấu đối với khán giả – như kỳ vọng của ban tổ chức – thì quả thật liên hoan sẽ là một “bài học” đắt đỏ và ít hiệu quả. Dựng lại những tác phẩm của ông trong bối cảnh hiện nay để làm sao “vừa có Lưu Quang Vũ, vừa có chúng ta trong đó” (lời của NSƯT Lê Chức) là một thử thách không đơn giản đối với các nhà biên kịch, đạo diễn. Kịch bản thì vẫn thế nhưng đã có những ý kiến khen, chê về cách làm mới cũng như thiếu sự sáng tạo (rập khuôn vở cũ). Đã có sự trăn trở, suy tư và cả những điều hụt hẫng…
Mùa hạ cuối cùng
Nói một cách công bằng, mặc dù các vấn đề được đặt ra trong kịch của Lưu Quang Vũ đặt trong bối cảnh ngày nay là không mới, nhưng với sự dàn dựng của đội ngũ nghệ sĩ hiện nay, nó vẫn giữ được những cảm xúc riêng. Đây là một kỳ liên hoan thu hút được sự quan tâm của khán giả nhiều nhất, kể từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều người cũng không quá lạc quan với “hậu” liên hoan bởi nhìn lại thì thấy khán giả đến với liên hoan, phần lớn là những người đã từng được xem vở diễn của ông thời ấy; số còn lại là sinh viên các trường nghệ thuật và các bạn trẻ đã được nghe, được đọc về ông. Còn khán giả ngày nay nói chung, khác trước rất nhiều: Họ có nhiều xu hướng thưởng thức nghệ thuật khác nhau, và thưởng thức cũng với những tâm thế khác nhau… Vậy thì liệu sự “hâm nóng” khán giả trong một tuần diễn ra liên hoan có đủ nhiệt để “thổi bùng” lên sự đam mê làm nghề cũng như tạo được sự đột phá trong sáng tạo của nghệ sĩ – yếu tố quyết định để kéo khán giả trở lại với sân khấu?
Ông không phải là bố tôi
Nàng Sita
Và cuối cùng, thêm một băn khoăn nho nhỏ: Cái tên Lưu Quang Vũ đã là một đảm bảo cho việc “lôi” khán giả đến nhà hát rồi. Nhưng không hiểu sao, ban tổ chức lại khiêm tốn, không bán vé – cho dù chỉ ở mức “tượng trưng”, nghĩa là chỉ bằng 1/10 – 1/20 vé xem các “ngôi sao” sấn khấu ca nhạc biểu diễn!? NSƯT Lê Chức cho biết: “Trong văn hóa nghệ thuật, đôi khi không thể cái gì cũng quy ra tiền được. Tôn vinh một tác giả giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật trẻ nhất, người có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật sân khấu trong một giai đoạn là việc nên làm…”. Đúng thế, giá trị nghệ thuật khó có thể đánh giá bằng tiền. Nhưng rõ ràng, trong thời buổi này, cần có một cách làm chuyên nghiệp hơn để “Liên hoan” không chỉ là liên hoan vui vẻ, vỗ tay, khen thưởng xong là… xong, đợi kinh phí để tiếp tục tổ chức liên hoan các kỳ sau.
Diễm Vân