Tại lễ khởi công, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, hiện tại, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn 1. Qua đó, đưa vào sử dụng hơn 1.350km từ Hà Nội đến Kom Tum cùng một số đoạn tuyến riêng lẻ khác như: Cao Bằng, Phú Thọ, Đồng Tháp, Cà Mau.
Từ lâu, đoạn tuyến qua Tây Nguyên được xác định là tuyến đường chiến lược đã huy động các nguồn vốn bằng hình thức BOT để triển khai dự án này.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Sau khi nghiên cứu kỹ, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được xác định trùng với quốc lộ 14 nên được chia làm hai dự án.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông
Dự án thứ nhất điều chỉnh đoạn từ km 1667 + 570 – km 1738 + 148 với tổng chiều dài tuyến khoảng 70,16km với quy mô tiêu chuẩn được thiết kế theo hai dạng: đường ngoài đô thị (hai làn xe, tốc độ thiết kế 80km/g) và đi qua đô thị (có quy mô đường phố chính đô thị). Tổng mức đầu tư dự án là 2.633 tỉ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn khác. Thời gian hoàn thành 24 tháng.
Dự án thứ hai đi qua tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, từ km 1824 – km 1876 và cầu Serepok thuộc tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có điểm đầu thuộc phạm vi xã Đăk R’La huyện Đăk Mil (Đắk Nông) và điểm cuối thuộc xã Nam Giang, huyện Đăk Song (Đắk Nông). Tổng chiều dài tuyến này khoảng 50km cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ngoài đô thị và đi qua đô thị, hai làn xe, tốc độ thiết kế 60km/g.
Vùng đất Tây Nguyên là cửa ngõ thông thương giữa ba nước ViệtNam- Lào – Campuchia. Thế nhưng, do điều kiện giao thông còn hạn chế, nên kinh tế khu vực Tây Nguyên chưa thật sự bứt phá. Vì thế, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh sẽ là tiền đề để khu vực Tây Nguyên cất cánh.
Gia Minh tổng hợp