Ngày 21-4, 101 nhà khoa học đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực hòa bình, văn học, y học, vật lý, hóa học và khoa học kinh tế đã đưa ra Tuyên bố chung gửi tới các nguyên thủ quốc gia nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu và Ngày Trái Đất 2021.
Tuyên bố kêu gọi các quốc gia “giữ nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất” với ba hành động cụ thể: (1) Chấm dứt mở rộng sản xuất dầu, khí đốt và than mới dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất hiện có; (2) Loại bỏ dần các hoạt động sản xuất dầu, khí đốt và than hiện có một cách công bằng, xem xét tới trách nhiệm cũng như khả năng của từng quốc gia; (3) Đầu tư vào kế hoạch chuyển đổi để đảm bảo tiếp cận 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu, hỗ trợ các nền kinh tế đa dạng hóa nguồn năng lượng và thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các cộng đồng trên toàn thế giới có cuộc sống thịnh vượng thông qua quá trình chuyển dịch công bằng trên toàn cầu.
Tuyên bố chung nêu rõ, biến đổi khí hậu đang đe dọa hàng trăm triệu sinh mạng và sinh kế của người dân trên khắp các châu lục, và đang khiến hàng nghìn loài sinh vật gặp nguy hiểm. Cho đến nay, hoạt động đốt các nhiên liệu hóa thạch – than, dầu và khí đốt – là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu.
Theo 101 nhà khoa học, hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra gần 80% lượng khí thải CO2 kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Không chỉ là nguồn phát thải hàng đầu, quá trình chiết xuất, tinh chế, vận chuyển và đốt nhiên liệu hóa thạch còn gây ra ô nhiễm cục bộ cùng các chi phí môi trường và sức khỏe. Những chi phí này đang là gánh nặng đối với người dân địa phương và các cộng đồng yếu thế. Các hoạt động công nghiệp tồi tệ đã dẫn đến vi phạm nhân quyền và hệ thống nhiên liệu hóa thạch đã khiến hàng tỷ người trên toàn cầu không có đủ năng lượng để sống một cuộc sống yên ổn.
Vì vậy, việc ngừng mở rộng dầu, khí đốt và than đá ngay của các quốc gia là để tránh thảm họa khí hậu.
Bản Tuyên bố chung đề nghị Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu năm nay phải hướng tới một giải pháp toàn cầu với hệ thống nhiên liệu hóa thạch có quy mô toàn cầu, không tiếp tục cho phép mở rộng ngành công nghiệp này. Nhất là khi trong chặng đường dài đã qua, chính sách của các quốc gia vẫn thường đi sau yêu cầu của khoa học.
“Đối với cả con người và hành tinh, tiếp tục hỗ trợ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris là vô cùng cấp bách. Việc không thực hiện mục tiêu giới hạn nhiệt độ tăng 1,5 °C của Thỏa thuận Paris có nguy cơ đẩy hiện tượng nóng lên toàn cầu tới mức không thể cứu vãn được nữa.
Thế nhưng, Hiệp định Paris không đề cập đến dầu, khí đốt hoặc than đá. Trong khi đó, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch tiếp tục lên kế hoạch cho các dự án mới. Các ngân hàng tiếp tục tài trợ cho các dự án mới. Theo báo cáo gần đây nhất của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, đến năm 2030 sẽ sản xuất thêm 120% than, dầu và khí đốt so với mức giới hạn nhiệt độ 1,5°C. Các nỗ lực nhằm đáp ứng Thỏa thuận Paris và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cản trở nếu nguồn cung tiếp tục gia tăng.
Giải pháp đã rất rõ: nhiên liệu hóa thạch phải được giữ trong lòng đất.
Các nhà lãnh đạo, chứ không phải ngành công nghiệp, là những người có quyền lực và trách nhiệm đạo đức để thực hiện những hành động quyết liệt giải quyết cuộc khủng hoảng này.” – Tuyên bố của 101 nhà khoa học đạt giải Nobel viết.
* Trong bối cảnh liên quan, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) gồm 25 tổ chức và nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững đã bảy tỏ sự ủng hộ với lời kêu gọi của 101 nhà khoa học nêu trên.
Đại diện VSEA – bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, cho biết: Liên minh mong chờ nhiều chuyển đổi của Việt Nam trong vấn đề này sẽ được hiện thực hóa ngay trong các chính sách về phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới, như: Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
- Xem thêm: 10 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí