Nếu gọi Ấn Độ là một quốc gia của đền thờ sẽ không sai. Đó là nơi duy nhất trên thế giới người ta tin tưởng vào sự hiện hữu của 33 triệu vị nam thần và nữ thần!
Bạn có thể nhẩm tính rằng chỉ cần 2 ngôi đền để thờ một vị thần thì trên cả nước sẽ có bao nhiêu ngôi đền để đến thắp nhang cúng tế! Tất cả những ngôi đền này đều có lịch sử, giai thoại, thần thoại riêng và một số còn có những điều bí hiểm đi kèm theo. Bạn sẽ được thăm viếng những ngôi đền kỳ quặc, ở đó thờ vị thần có kinh nguyệt và một số ngôi đền trừ tà, chuyên làm pháp thuật. Những bí ẩn kỳ lạ bao quanh cácngôi đền này làm cho chúng trở nên hấp dẫn.
Đền Mahendipur Balaji, tại Rajasthan: nơi chuyên trừ quỷ và làm bùa phép
Tại vùng Dausa bình yên thuộc bang Rajasthan của Ấn Độ, hàng ngàn tín đồ kéo đến ngôi đền Mahendipur Balaji để tự mình trừ ma, quỷ và các vong linh đi theo phá phách mỗi ngày. Tự trừng phạt mình cực nặng, từ đổ nước sôi lên người đến treo mình lên trần nhà, xiềng xích vào tường hay đập đầu vào vách đá để trục xuất tà ma.
Là ngôi đền bí hiểm nhất tại Ấn Độ, Balaji còn là nơi các giáo sĩ làm phép thuật đủ các kiểu, từ cứu người đến hại người. Tại đây người ta không ăn chay và khi đi ra khỏi ngôi đền không được phép ngoái đầu lại nhìn vì đó là cách thức mời ma quỷ quay lại cơ thể mình.
Đền Kamakhya Devi tại Assam thờ nữ thần kinh nguyệt
Nằm trên đỉnh đồi Nilachal tại Guwahati, bang Assam là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất Ấn Độ: Kamakhya Devi. Thế nhưng ngôi đền không có bức tượng nào để thờ cúng, mà chỉ có một cục đá yoni (âm hộ) của thần Devi Sati, vợ của thần Shiva, phủ một tấm vải lụa màu đỏ. Hàng năm vào lúc gió mùa, nữ thần có kinh và ngôi đền đóng cửa suốt 3 ngày.
Đây cũng là lúc cử hành lễ hội sinh sản Tantric hay Ambubachi Mela tại đây, cho đến ngày thứ 4 thì đền mở cửa. Người ta còn nói: con suối ngầm chảy bên dưới chính điện của ngôi đền biến thành màu đỏ trong 3 ngày này. Tín đồ dùng tấm vải màu đỏ để che đậy tảng đá yoni, trong 3 ngày nữ thần có kinh.
- Xem thêm: 10 lễ hội kỳ lạ ở Ấn Độ
Ngôi đền Devji Maharaj Mandir: lễ hội ma “Bhoot Mela”
Vào lúc trăng tròn mỗi tháng, đền Devji Maharaj Mandir tại Utta Pradesh là nơi người ta đến tụ họp để tự mình xua đuổi tà ma ra khỏi cơ thể. Nghi thức chung là chiếu ánh sáng vào viên long não cầm trong lòng bàn tay để xua đuổi ma quỷ.
Người ta cũng có thể dùng chổi đập vào mình hay chạy lòng vòng để trừ tà. Nhưng truyền thống kỳ quái nhất là lễ hội Bhoot Mela hàng năm, tức là hội chợ ma diễn ra trong sân đền để an ủi các vong linh. Chắc chắn đây là một bí ẩn khó lý giải nhất của Ấn Độ. Bạn có muốn tham gia không?
Ngôi đền Kodungallur Bhagavathy tại Kerala: hiếp đáp nữ thần
Ngôi nhà trên mặt đất của nữ thần Bhadrakali, hóa thân của nữ thần Kali, là đền Kodungallur Bhagavathy hàng năm có một lễ hội kỳ quái gọi là Bharani kéo dài suốt 7 ngày. Đàn ông và đàn bà mặc quần áo màu đỏ, mang gươm giáo tràn vào đền thờ, chạy lòng vòng trong trạng thái lên đồng.
Họ dùng gươm chém vào nhau, máu tuôn xối xả, rồi tràn vào đền thờ la hét, hát hò tục tĩu. Họ không dâng tặng lễ vật mà ném gạch đá vào tượng nữ thần và đập phá đền thờ. Ngôi đền đóng cửa vào ngày thứ 7 của lễ hội để chùi rửa những vết máu và dọn đống đổ nát. Nhờ thế bây giờ nó đã trở thành một ngôi đền thờ nổi tiêng tại Kerala.
Đền thờ Venkateshwara, ngôi đền cạo đầu giàu nhất bang Andhra Pradesh
Hầu hết các ngôi đền đều dựa vào của cúng dường của tín đồ để sinh sống, nhưng một số ít lại có được một thị trường béo bở tuy khá kỳ cục. Đó là bán tóc người cho các nước phương Tây. Đền Venkateshwara là nơi cư ngụ của thần Vishnu, chấp nhận lấy tóc con người làm lễ vật. Ngôi đền vốn có lịch sử lâu đời nhất tại Ấn Độ, có hai gian nhà rộng khổng lồ với vô số thợ hớt tóc làm việc.
Mỗi ngày, họ cạo đầu cho hơn 12.000 tín đồ, thu được gần 75 tấn tóc, mang đi bán được hơn 6,5 triệu USD! Tóc được bán sang Ý cho các nhà máy làm tóc giả và sang Trung Quốc để chiết xuất thành chất liệu bảo quản thực phẩm.
- Xem thêm: Những điều bí ẩn tại đất nước Ấn Độ
Đền Stambheshwar Mahadev tại Gujarat: bí ẩn của sự biến mất
Bạn có muốn viếng thăm một ngôi đền có thể xuất hiện và biến mất trong vòng một ngày? Nằm gần Vadodara, thuộc bang Gujarat, ngôi đền Stambheshwar Mahadev nằm trên bãi biển Ả Rập, thuộc loại bí ẩn nhất Ấn Độ.
Thần Shiva cư ngụ ở đây và chúc phúc cho kẻ nào dám phiêu lưu vào bên trong ngôi đền nổi tiềng nhất Ấn Độ. Điều kỳ lạ nhất của ngôi đền là chỉ có thể đến thăm nó vào lúc thủy triều xuống. Khi thủy triều lên, ngôi đền bị chìm trong nước biển, mất dạng và chỉ tái xuất hiện khi nước rút.
Ngôi đền duy nhất của Brahma
Khi toàn quyền Anh Aurangzeb cai trị Ấn Độ, ông ta đã phá hủy nhiều ngôi đền Hindu, trong đó hầu hết là các ngôi đền tại Pushkar. Có một ngôi đền còn sống sót, để tôn thờ Thượng đế Brahma.
Đó cũng là ngôi đền Brahma duy nhất trên thế giới, thờ Thượng đế ba ngôi trong huyền thoại Hindu. 3 ngôi đó là Shiva, Vishnu và Brahma. Đền được làm bằng đá cẩm thạch, vách tường bên trong được lát bằng những đồng tiền bằng bạc có khắc tên người cúng.
Đền Kal Bhairav Nath tại Varanasi: chỉ cúng thần bằng rượu
Tại thánh địa Vanarasi, nơi cư trú của thần Kal Bhairav, hóa thân của thần Shiva, bạn tin hay không: lễ vật duy nhất để dâng cúng cho thần chính là rượu! Các loại rượu được đổ vào miệng của tượng thần.
Rượu cũng được trao cho tín đồ để làm quà tặng của thần – Prasad. Không giống với những nơi khác, chuyên bán hoa quả, nhang đèn và bánh ngọt để làm lễ vật, các cửa hàng ở bên ngoài ngôi đền Vanarasi chỉ bán rượu.
Đền Devaragattu tại Andhra Pradesh: lễ hội Bani
Ngôi đền cổ Devaragattu tại quận Kournool, thuộc bang Andhra Pradesh, nổi tiếng với lễ hội Bani. Nằm giáp biên giới với bang Karnataka, hàng năm ngôi đền có vô số tín đồ quy tụ, mang theo gậy gộc để đập vào đầu nhau cho đến nửa đêm! Kỷ niệm ngày thần Mala-Malleswara, hóa thân của Shiva, giết chết con quỷ, người ta phải làm cho nhau đổ máu.
Lễ hội đã có từ hơn 100 năm qua, làm cho cảnh sát cũng phải bất lực đứng nhìn. Năm 2014, lễ hội Bani đã làm cho 54 người bị thương nặng. Vào ngày lễ, xe cứu thương chờ sẵn để đưa người bị thương đi cấp cứu.