Mỗi năm có gần 5 triệu du khách chen chúc nhau đến những ngôi đền đổ nát huyền thoại của thành phố cổ Angkor.
Thế nhưng ở phía bắc Campuchia, gần sát biên giới Thái Lan, rừng rậm vẫn còn cất giấu hàng ngàn kho báu khác của một vùng trước đây do Khmer Đỏ kiểm soát.
Theo chân nhà văn Pháp André Malraux trong quyển La voie royale (Con đường vương giả) viếng thăm những ngôi đền bất tử còn bị du khách lãng quên.
Con đường ngoằn ngoèo đi xuyên qua rừng rậm đến một mỏm đá của ngọn núi Dangrek nằm ngay trên biên giới phân chia miền Bắc Campuchia với Thái Lan. Rồi phải lội bộ theo một con đường dốc đứng đầy bụi bặm. Khắp nơi chỉ thấy bóng dáng của quân đội.
Những bao cát chất đầy công sự chiến đấu, những mái tôn khổng lồ được ngụy trang kín đáo cho doanh trại, binh lính cởi trần ngồi đánh bạc, một số khác nằm vắt vẻo trên võng nghe nhạc. Trên giá chất đầy súng máy, phóng lựu, đại liên…
Phía sau những thùng đạn, các khẩu súng cối chĩa nòng về hướng rừng rậm rạp. Binh sĩ Campuchia canh giữ ngôi đền Ta Moan Thom như một kho báu của dòng họ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Cách đó 100 mét, phía sau lùm cây là quân đội Thái Lan! Phải cố sức hơn nữa mới vượt qua được rào cản cuối cùng, rồi xin phép, có người bám theo để leo lên đến bậc thang cuối cùng của ngôi đền.
Trong ngôi đền nhỏ được bảo vệ hoàn hảo, hai quân đội Thái và Khmer đối diện nhau, không mang vũ khí. Thờ thần Shiva của Ấn Độ giáo, ngôi đền được xây dựng trên nền của một tu viện vào thế kỷ 9.
Giống như ngôi đền lớn Preah Vihear nằm trên một mỏm núi đá lớn cách đó 200km về hướng đông, nó là mục tiêu tranh chấp biên giới ngày càng gay gắt giũa hai quốc gia.
Năm 2011, hơn 30 binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ chung quanh các ngôi đền khiến cho dân làng phải tháo chạy.
Tuy nhiên Tòa án Công lý quốc tế đã ra phán quyết có lợi cho Campuchia. Hai quân đội gườm nhau giữa những khối đá chạm khắc từ hàng ngàn năm. Tuy nhiên, tình hình đã dịu dần và du khách bắt đầu xuất hiện lác đác ở hai ngôi đền.
Hai viên ngọc của đế chế Khmer là pháo đài cuối cùng của Khmer Đỏ, với kinh đô là thị trấn Anlong Veng.
Ở phía bắc, trên biên giới, là một tòa nhà hiện đại khổng lồ với mặt tiền rực sáng ánh đèn neon mỗi đêm đón tiếp hàng trăm người Thái Lan.
Sòng bạc vốn bị cấm tại Thái Lan, là một nguồn lợi béo bở được các quan chức địa phương bảo vệ cẩn mật.
Không xa đó, tại một khoảng rừng trống, một đống tro tàn được cất giữ trong ngôi nhà nhỏ mái tôn rỉ sét. Vào tháng 4-1998, xác của tên trùm diệt chủng Pol Pot được hỏa thiêu tại đây.
Lão tướng Ta Su thở dài nói: “Chúng tôi sống ở đây, không nhiều người lắm”. Đi theo Khmer Đỏ ngay từ đầu, được Hun Sen ân xá năm 1996, ông lão tiếp tục kể: “Ông ta được đốt bằng một đống vỏ xe cũ và mấy cái bàn học sinh”. Người phụ nữ canh giữ nơi này đưa cho lão mấy cây nhang: Để làm gì? Đã mất hết rồi! Chẳng còn làm được gì nữa!
Năm 1970, Ta Su được 23 tuổi, đang làm thầy giáo trong vùng Preah Vihear thì được “giác ngộ cách mạng”. Năm 1973, anh ta bị mất cánh tay phải trong một trận đánh ác liệt với quân Lon Nol.
- Xem thêm: Campuchia – có thể bạn chưa biết?
Bệnh viện nằm dưỡng thương cũng bị phi cơ Mỹ oanh tạc! Là một cấp chỉ huy tại chiến trường, đến năm 1979, Ta Su còn phải chiến đấu với quân đội Việt Nam.
Anh ta chạy về Pailin, một pháo đài khác của Khmer Đỏ, nơi nổi tiếng thế giới với mỏ kim cương. Năm 1996, Ta Su là cố vấn của Liên Hiệp Quốc về giải giới các phe phái. Được “biên chế” vào quân đội Campuchia, ông ta lên đến cấp tướng.
Ta Su nói: “Trong thời kỳ Khmer Đỏ, không có chuyện cướp cổ vật trong các ngôi đền, và những chuyến du lịch đến Angkor nằm dưới lá cờ đỏ của chúng tôi. Các thủ lĩnh của chúng tôi chết trong nghèo khổ, họ chỉ biết sống trong lều bạt. Không ai làm giàu trên lưng dân chúng. Chỉ sau đó, chuyện cướp bóc mới bắt đầu”.
Khi đến thị trấn Banteay Chhmar ở phía nam, chẳng có gì cho thấy nó đã từng là kinh đô của một đế quốc và pháo đài quân sự.
Trong rừng, người ta gặp ngôi đền Samnang Ta Sok và những ngọn tháp bốn mặt xuất hiện giữa rừng cây như Angkor Wat đã từng xuất hiện trước mắt nhà khảo cổ Henri Mouhot vào thế kỷ 19.
Pierre Loti viết trong quyển Hành hương Angkor: “Đống đổ nát mà chúng tôi nhìn thấy thực sự được bảo vệ rất tốt bởi một cánh rừng dày đặc như thế”.
Tại một bức tường bao quanh, một nhóm của Bộ Văn hóa đang tim cách moi móc chiếc phù điêu Lokhesvara với 32 cánh tay, độc nhất tại Campuchia.
Ông Sy phụ trách chỉ huy nói: Mưa rào biến tất cả thành một vũng bùn nhão, phải dùng máy cưa cắt những cây gòn khổng lồ, lập danh sách cổ vật và ráp nối các mảnh vụn. Nếu thiếu mất một mảnh, phải lục lạo tìm kiếm trong sỏi đá.
Bị đánh cắp hàng loạt
Năm 1994, vùng này bị Khmer Đỏ chiếm giữ. Tình trạng hỗn loạn khuyến khích binh lính bảo vệ tổ chức đánh cắp cổ vật. Từng đoàn xe tải chở các bức tượng, đầu hồi, phù điêu, thậm chí cả những đoạn tường dài chạy về hướng Thái Lan. Cổ vật lưu hành trên thị trường mà không ai làm gì được.
Ông Sy cho biết: “Trên bức tường này, chỉ còn lại hai khuôn mặt Lokhesvara trong số tám cái lúc nguyên thủy. Một còn được cất giữ tại Viện bảo tàng Phnom Penh, một được trưng bày tại Cleveland (Mỹ), hai cái khác nằm trong bộ sưu tập tư nhân tại Bangkok, và hai cái còn nằm trong lòng đất, phải đào lên. Không phải do thời gian làm hư hỏng bức tường mà là bọn cướp cổ vật gây ra”.
Hon Rita là kiến trúc sư tại Phnom Penh phụ trách giám sát công trình. Sáng hôm nay, anh phải tháo dở 5m tường để khôi phục lại.
Ở đây không có xi măng, phải pha trộn vôi với đá ong để nối kết những tảng đá gốc theo phong cách xưa. Những khối đá khác được chen vào bằng mối nối khít rim.
Trong lúc đào bới, anh tìm thấy những con dao khắc bằng thép nhỏ: “Bọn cướp dùng chúng để khắc vào đá và đập vỡ bức tường, bởi chúng chỉ lấy phần mặt của các bức tượng. Để có hy vọng thu hồi được, chúng tôi hợp tác chặc chẽ với Interpol, điều tra những kẻ thu mua”.
Ngôi đền Banteay Chhmar là quần thể kiến trúc cổ lớn thứ 3 tại Campuchia, đón tiếp tối thiểu 2.000 du khách nước ngoài mỗi năm. Sắp tới, UNESCO có thể xếp nó vào loại di sản thế giới.
- Xem thêm: Thăm Campuchia theo một cung đường mới
Buổi tối, côn trùng dường như muốn thắp sáng những tảng đá của ngôi đền Ta Prohm ở giữa hồ nước. Nhà văn Pierre Loti viết: “Những con đom đóm nhảy múa khắp nơi với những đóm lửa tí hon của mình. Ở cửa vào làng là trụ sở Hiệp hội Tơ lụa Mekong, huấn luyện cho phụ nữ nghề dệt lụa cổ truyền”.
Martin Maindiaux, người sáng lập tổ chức phi chính phủ cách nay 20 năm, cho biết: “Ở đây, ngày xưa người ta nuôi tằm, lấy tơ.
Nhưng bọn Khmer Đỏ đã phá hủy tất cả. Tơ lụa là hàng cao cấp của giới quý tộc hoàng gia. Các phụ nữ làm việc ở đây đều là trẻ con vào năm 1975. Người Campuchia không tha thứ cho tội ác này. Nhưng quá khứ đã qua rồi”.
Ngày nay, 50 phụ nữ đã tìm lại được nụ cười của các vũ nữ apsara trong các phù điêu hàng ngàn năm. Họ sản xuất mỗi năm được 6.000 chiếc khăn lụa, bày bán ở Siem Reap và Paris.
Đi về hướng đông là quần thể Koh Ker khổng lồ cũng bị nạn cướp cổ vật hoành hành. Thành phố ngang tầm với Angkor trong thế kỷ 10, cho đến năm 1960, nó còn cất giữ được nguyên vẹn một công trình duy nhất: nhà hát chạm khắc trong một khối đá và nhiều bức tượng khổng lồ.
Đến thập niên 1970, chúng bị đánh cướp, vận chuyển sang Bangkok qua ngã Poipet, rồi đưa sang châu Âu bán cho các nhà sưu tập tư nhân.
Một số được tìm thấy tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitain tại New York, Los Angeles hay Denver. Eric Bourdonneau, thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) Siem Reap, tích cực truy tìm cổ vật bị đánh cắp, cho biết: “Năm 2011, trong cuộc bán đấu giá của nhà Sotheby’s tại New York, một trong các bức tượng này bị phát hiện. Cuộc giao dịch bị hủy bỏ vào giờ phút chót.
Sau nhiều lần thương lượng, nó được trả lại. Năm bức tượng khác cũng được thu hồi sau khi chứng minh là đồ ăn cắp. Nhà hát còn thiếu ba bức tượng. Chúng tôi đã có danh sách các vụ buôn bán lúc đó. Nhưng khó biết được chúng còn ở Thái Lan hay nơi nào khác”.
Bên dưới kim tự tháp khổng lồ cao 36m, với các hào sâu, 70 ngôi đền hội tụ và tường bao quanh, ngày nay Koh Ker được bảo vệ rất cẩn mật.
Eric Bourdonneau nói: “Những vụ cướp quy mô lớn của thập niên 1980-1990 dường như đã qua rồi. Nhưng với 5.000 địa điểm được ghi nhận, phải xem toàn cõi Campuchia là vùng đất khảo cổ. Không thể nào canh giữ tất cả được.
Tên cướp nổi tiếng nhất trong lịch sử vẫn chính là nhà văn André Malraux của thập niên 1920! Ông thành lập cả một đạo quân đánh cướp cổ vật, không ngần ngại dùng cưa đá cắt đứt các phù điêu của ngôi đền Banteay Srei và chất lên xe bò chở đi…
Năm 800, thành phố xinh đẹp còn đang xây dựng đã bị bỏ hoang
Với chiếc môtô, chở theo tên đệ tử Sakada Sakhoeum, từ năm 2002, nhà khảo cổ người Pháp Jean-Baptiste Chevance rảo khắp vùng núi thánh Kulen có những con suối chảy đến Angkor. Vươn thẳng lên trời cao, ngọn núi có những cánh rừng già bảo vệ kiên cố, lý tưởng để xây dựng một pháo đài.
Vào khoảng năm 800, vua Jayavarman II xây dựng nơi đây thành kinh đô của mình, nhưng thành phố đẹp đẽ đã bị bỏ hoang trước khi hoàn thành.
Năm 1936, một phái đoàn của Bảo tàng Guimet và EFEO đã cứu được một số cổ vật quý giá của một vụ đánh cướp quy mô. Những mái vòm và cột đá đã thoát khỏi tay bọn buôn lậu.
Vào cuối thập niên 1960, nhà khảo cổ Jean Boulbet định cư ở đó và hoàn thành được danh sách cổ vật. Nhưng thời thế đổi thay, đất nước Chùa tháp rơi vào ly loạn.
Cả vùng rơi vào tay Khmer Đỏ, bị chúng cô lập và làm thay đổi các dòng sông để Seam Reap bị chết khô. Các cứ điểm phòng không đặt trên cao bị oanh tạc, chỉ cách ngôi đền trên núi có 200m. Dân chúng bị cô lập.
Phải chờ đến cuối thập niên 1990, các con đường mới khai thông trở lại. Ngày nay những bậc thang hoành tráng dẫn lên núi Kulen là lối đi hấp dẫn cho người Campuchia đến khấn vái với tượng Phật nằm, bên cạnh một thác nước xinh đẹp.
Năm 1993, chính phủ thành lập công viên quốc gia rộng 37.500ha với 50 nhân viên kiểm lâm. Các địa điểm khảo cổ được tháo gỡ mìn bẫy từ năm 2008, với hơn 40 người dân bị thương hay mất mạng vì chúng.
Jean Baptiste Chevance, thuộc tổ chức phi chính phủ, Quỹ Khảo cổ và Phát triển (ADF) chỉ huy một nhóm 70 công nhân đào bới, tìm thấy hoàng cung và một ngôi đền.
Tại Poeng Thal, gần một con suối ông tìm thấy tượng thần Vishnou nằm và con rắn Naga huyền thoại có năm cái đầu. Nhưng còn vô số điều bí ẩn khác để khám phá.
Angkor vẫn là viên ngọc quý giá tuyệt đối của nghệ thuật Khmer
Năm 2012, tổ chức này gây quỹ và hợp tác với một tập đoàn quốc tế để tiến hành chiến dịch giám sát toàn vùng bằng tia laser. Là một kỹ thuật của quân đội, thiết bị này được đặt trên máy bay trực thăng để lùng sục một vùng đất cố định.
Kết quả thật kinh ngạc: bên dưới tàng cây lá rậm rạp của cánh rừng già là gần 3.200 ngôi đền! Nó chứng tỏ đây là một thành phố đã bị chôn vùi bên dưới cỏ cây.
Nhưng khu vực này vẫn còn quá nhỏ. Năm 2015, Bộ Văn hóa cùng Viện Viễn Đông Bác cổ bắt đầu tham gia, để tiến hành lùng sục toàn bộ vùng núi Kulen.
- Xem thêm: Đền đài và cảnh đẹp quyến rũ ở Karnataka
Con đường phía nam dẫn đến Angkor, một viên ngọc quý giá tuyệt đối của nghệ thuật Khmer. Khách du lịch khắp nơi đổ xô về đây, chiếm đến 12% GDP của Campuchia.
Năm 1993, chỉ có vài ngàn du khách nước ngoài đến thăm các ngôi đền của Angkor. Ngày nay là gần 3 triệu trong tổng số 5 triệu của toàn vùng. Khoảng 30% du khách là người Trung Quốc và 10% Hàn Quốc.
Một con đường lớn đang được xây dựng ở phía đông triền núi. Từ căn nhà sàn gỗ nằm trên đỉnh đọt cây của ngọn núi Kulen, Jean-Baptiste Chevance nói: “Một trang sử mới mở ra cho vương quốc này.
Những ngôi đền bằng gạch nung mà ngày nay chúng ta phải khổ sở dùng xe gắn máy leo lên theo những con đường mòn, ngày mai sẽ đến được bằng xe hơi thoải mái.
Người ta sẽ phá rừng để làm bãi đậu xe, và những quán ăn rẻ tiền sẽ mọc lên quanh các ngôi đền. Khi đó, chúng tôi sẽ phải đi xa hơn để khám phá những không gian mới, một vương quốc mới nằm phía trên các đám mây”.