Thanh kiếm của vua Gia Long cho đến bây giờ dường như không có một thông tin gì cụ thể. Hiện thanh kiếm đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng, kế cận với bộ áo giáp của vua Càn Long (Trung Quốc). Dưới thanh kiếm có biển ghi hàng chữ bằng 4 thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Dòng tiếng Pháp là: Sabre ayant probablement appartenu à l’empereur d’Annam Gia Long (1802-1820).
Lần tham quan đó, do điều kiện về khoảng cách và ánh sáng hạn chế, chúng tôi không thể quan sát tận tường thanh kiếm này. Cách đây hơn 10 năm, nhà khoa học Võ Quang Yến cư ngụ ở Paris nhờ có mối quan hệ với vị Quản đốc Bảo tàng nên đã được trực tiếp “cầm trên tay” thanh kiếm này, sau đó viết bài mô tả rất chi tiết, kèm với hình ảnh minh họa chụp ở nhiều góc cạnh khác nhau và phổ biến trên trang thông tin khoa học http://vietsciences.free.fr/, ngày 22-2-2009. Bài viết có tên: Thanh kiếm Thái A của vua Gia Long. Xin được trích đoạn:
“Tôi không phải là người độc nhất tò mò đi tìm xem thanh gươm này. Nhưng tôi lại đã xin được ông Quản đốc Viện Bảo tàng mở tủ cho tôi chụp hình. Không biết bao giờ mới có dịp may như thế nầy, tôi đã chụp ngang, chụp dọc, chụp trên, chụp dưới,…
Thanh kiếm gồm có hai phần: một lưỡi dài khoảng một thước và một cán ngắn bằng một phần năm lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng, có thể đầu một con giao hay một con cù không sừng, bằng vàng chạm trổ. Có người Pháp cho nó giống một đầu con chó (Note E). Cổ rồng nối liền đầu rồng và đốc kiếm (garde) làm thành đốc gươm (fusée) là một dãy bảy vòng ngọc thạch giống bảy đốt tre dính liền với nhau qua những đường gân bằng vàng với đằng cuối một vòng mạ vàng nằm giữa bốn chuỗi san hô xanh đỏ. Miệng rồng nhả ra một băng mạ vàng cũng mang phía ngoài bốn chuỗi san hô xanh đỏ uốn quanh về đốc kiếm làm thành cánh đốc kiếm (quillon). Ở đằng cuối, cánh đốc kiếm nầy mở rộng ra quanh lưỡi kiếm, có chạm trổ những hình lá và nạm những hột kim cương. Lưỡi kiếm hình hơi cong là một thanh thép sáng ngời, khắc ở phần trên một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và tên gươm bằng ba chữ Hán: Thái A Kiếm. Tên nầy không phải ngẫu nhiên mà có…”.
Tra cứu trong nhiều tư liệu, vừa qua, chúng tôi đọc thấy trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) số tháng 10-12 năm 1933 có một bài viết liên quan đến thanh kiếm này. Bài có tên: Tài liệu của ông André Salles do ông Henri Cosserat viết. Nội dung với phần mở đầu cho độc giả biết rằng: sau khi ông André Salles là Thanh tra các xứ Thuộc địa, và là người cộng tác thường xuyên của tạp chí mất đi, bà vợ của ông ấy đã chuyển cho Hội Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) những tư liệu mà ông đã thu thập được khi đang còn làm việc. Trong số các tài liệu này có hai bài báo cắt ra từ các báo tháng 10-1913, hai tài liệu này đã làm cho các vị trong tạp chí khá bất ngờ. Nguyên văn được ông Hà Xuân Liêm dịch sang Việt ngữ in trong tập Những người bạn cố đô Huế tập XX (1933):
Tài liệu 1: Mục tin ngắn của báo Journal ngày 3-10-1913
“Một vụ trộm tại Bảo tàng Quân đội
Người ta đã đập vỡ một tủ kính và đánh cắp một cây kiếm của An Nam.
Vào hôm qua, thứ năm, ngày mà công chúng được phép vào xem phòng trưng bày của Bảo tàng Quân đội, tức Sở Thương binh, vậy mà vào lúc bốn giờ, sau khi đóng các cửa và đi tuần như thường lệ, những người canh giữ bảo tàng đã hô hoán lên rằng một tủ kính đã bị đập vỡ, một lưỡi gươm của An Nam, vỏ gươm và đai gươm đã bị mất.
Gươm, vỏ và đai đều được trang trí với những tấm vàng, đỏ ngọc và một hạt ngọc trai. Toàn bộ biểu thị một giá trị khá cao.
Cuộc điều tra đã được tiến hành đã không tìm ra manh mối. Người ta có thể làm hiện lên những dấu tay trên kính; kính đã được mở ra rất khéo léo nhờ một cái kéo bằng chì có kích thước rất nhỏ.
Số du khách tới viếng Bảo tàng ngày hôm qua là khá cao và du khách ngoại quốc chiếm đa số”.
Tài liệu 2: Mục tin vắn của báo Temps, số ngày 4-10-1913
Mất trộm ở Bảo tàng Quân đội
Một vụ trộm quan trọng đã xảy ra vào ngày hôm qua tại Bảo tàng Quân đội. Trong khi người trông coi Bảo tàng bận hướng dẫn khách du lịch vào thăm các phòng, thì một kẻ gian táo bạo vẫn chưa tìm ra, đã cạy ổ khóa một tủ kính trưng bày một loạt vũ khí An Nam cổ rất đẹp, do cuộc viễn chinh lần đầu tiên của Pháp mang từ nước An Nam về.
Kẻ cắp đã lấy một bao kiếm bằng da thêu vàng cà nạm ngọc quý, và một cái đai kiếm bằng da nạm kim hoàn, khuy cài của đai kiếm chạm trổ có nạm một hạt ngọc tuyệt đẹp rất lớn.
Tướng Niox; Quản đốc Bảo tàng Quân đội và ông Guérin, cảnh sát trưởng đang điều tra”.
Một tài liệu khác của ông Salles là lá thư của vị tướng Quản đốc Bảo tàng gởi cho ông để trả lời những vấn đề liên quan đến vụ mất trộm. Trong thư, vị tướng xác nhận bọn trộm chỉ lấy mất cái bao kiếm mà thội! Nguyên văn lá thư trả lời như sau:
– Bộ Chiến tranh Paris, ngày 6 tháng 10 năm 1913
– Bảo tàng Quân đội Trung tướng Niox, Quản đốc Bảo tàng Quân đội
– Quản đốc Phòng Thương binh Chỉ huy thương binh
Kinh gởi Ông Salles – Thanh tra Thuộc địa hồi hưu
Số 23 đường Vanneau, Paris
Kính thưa ông,
Tôi xin ghi nhận những lời chỉ dẫn mà ông đã có nhã ý đến những âm mưu của các nhà cách mạng An Nam, mà theo ông, họ có thể là những tác giả vụ trộm cây gươm quý.
Vả lại, tôi không tin điều đó, cây gươm chưa bị lấy đi, mà chỉ là cái bao gươm. Tôi đã rất nghi ngờ về tác giả vụ này. Tuy nhiên, tôi rất cám ơn ông đã thông tri cho tôi và tôi sẽ cho sử dụng các thông tin đó.
Kính mong ông đồng ý chấp thuận cho những lời cảm ơn của tôi, xác nhận cho những khảo sát đặc biệt nhất của tôi.
Trung tướng Niox”.
Ngoài ra, trong số các tư liệu đó còn có một tư liệu khác liên quan đến vụ mất trộm, nhưng thời gian sau đó 9 năm. Ngày 12-6-1922, ông Phó Quản đốc Bảo tàng Quân đội lúc đó đã viết một lá thư gởi ông Carnot; một người bạn thân của ông nguyên Thanh tra Salles. Bức thư này đã mô tả cây kiếm rất rõ ràng trước khi cái bao kiếm bị mất, và cũng tương đối phù hợp với mô tả của ông Võ Quang Yến năm 2009. Bức thư như sau:
“Paris, ngày 22 tháng 6 năm 1922
Bạn thân của tôi,
Bằng cách trung thành, chuyển cho bạn lá thư của ông Salles. Tôi gởi kèm theo đây những điều chính xác về cây gươm quý của Hoàng đế Gia Long:
– Gươm vẫn còn ở Viện Bảo tàng đã được khóa kỹ sau khi mất cái bao kiếm xảy ra. Việc này không phải vào năm 1916 mà vào ngày 1-10-1913 ở phòng Aumale; phòng Thuộc địa ở tầng thứ ba, trên phòng Napoléon. Người ta không bao giờ tìm lại được cái bao kiếm nữa.
Vậy, theo như hiện trạng thì cây kiếm gồm có một đốc kiếm và lưỡi kiếm, không có bao kiếm, cũng không có các phần phụ.
Miêu tả: Lưỡi kiếm thông thường với một họng kiếm duy nhất, lẽ tất nhiên ở bên trên, khoảng 0,10m có nạm khắc những chữ An Nam.
Đốc gươm bằng ngọc có 7 sợi dây tua rời nhau bởi những đường gân đốc kiếm bằng vàng. Nuốm hình quả táo ở đốc gươm bằng vàng chạm (hình đầu chó). Từ mõm chó đi ra hình uốn để giữ ta. Tất cả đều viên ngọc trai và được trang trí với nhiều tấm lắc bằng ngọc trân châu.
Bao kiếm không phải bằng vàng, hai vỏ bọc hai bên và hai đường viền được trang trí bằng ngọc cả hai mặt.
Cái móc đai và khâu treo kiếm bằng gấm và vàng, những hạch bằng ngọc trai; đai kiếm bằng gấm xanh và vàng thật. Những phần ấy đã bị mất trộm cùng với bao kiếm…”.
Cũng cần nói thêm, khi thông tin của vụ trộm này được công bố, những người quan tâm đã đặt ra rất nhiều nghi vấn. Một trong nhiều nghi vấn được đưa ra là trong bài báo đầu tiên không nói gì đến nguồn gốc của thanh kiếm, cũng không nói tại sao nó lại nằm tại bảo tàng này, chỉ nói đơn giản rằng “nó có giá trị lớn” do cái bao kiếm có dát vàng lá và đá quý. Điều đó, có lẽ là để đưa ra một mục tiêu có thể chấp nhận được cho vụ trộm. Tuy nhiên, sự việc xảy ra vào ban ngày, thanh kiếm và bao kiếm chắc hẳn phải có kích thước dài, không phải dễ dấu, nhưng tại sao kẻ trộm chỉ lấy cái bao kiếm, vì rõ ràng nó có thể lấy luôn cây kiếm và giấu đi mà khách tham quan và bảo vệ không thể phát hiện được? Lẽ nào kẻ trộm chỉ lấy cái bao kiếm vì nó có giá trị lớn?
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là câu hỏi: Làm cách nào và trong hoàn cảnh nào mà thanh kiếm của vua Gia Long lại có thể đến tận đây? Tác giả bản tin ở trên đã viết “Đã được mang từ An Nam về trong cuộc viễn chinh đầu tiên của người Pháp”. Cuộc viễn chinh đầu tiên là vào thời điểm nào? Cũng có người đã đặt nghi vấn: phải chăng vua Gia Long đã ban tặng nó cho một đặc phái viên người Pháp trong một cuộc trao đổi quà cáp nào đó, hoặc vào các dịp ký kết các hiệp ước trong thời gian chúa Nguyễn giao chiến với quân Tây Sơn? Tuy nhiên, số đông nhà nghiên cứu nghiêng về thời điểm tháng 7-1885, đó là lúc Pháp tấn công vào Kinh thành Huế, dẫn đến sự kiện vua Hàm Nghi xuất bôn. Kinh Thành Huế đã bị đốt phá, kho tàng bị cướp và thanh kiếm đã bị quân Pháp chiếm lấy.
Cuối cùng, để trả lời cho những nghi vấn đó và cho cả những người đa nghi về chủ nhân thanh kiếm, một tư liệu khác của ông cựu thanh tra Sallet để lại cũng hé lộ chủ nhân của nó. Ông Salles đã trích từ tập L’Indochine avec les francais (tr. 267) nhắc đến việc viên Toàn quyền Pháp đã đến thăm vua Đồng Khánh, dịp này nhà vua có nói qua về thanh kiếm:
“Cây kiếm của vua Gia Long – Vào mùa Xuân năm 1888, có ông Toàn quyền lúc đó là Juiles đến thăm Hoàng đế An Nam Đồng Khánh.
Đây là chuyện mà Hoàng đế nói một cách kín đáo về hai báu vật đã bị cướp đoạt lúc bao vây kinh đô Huế: cây kiếm của vua Gia Long, người sáng lập ra triều Nguyễn; và một chuỗi hột xoàn nhiều mặt, công việc làm xâu chuỗi này được khởi công từ dưới triều Gia Long vào năm 1802, và xong dưới triều Tự Đức vào năm 1889.
Vua (tức Đồng Khánh – TTT chú thích) sẽ rất sung sướng khi chết đi, đã có thể chuộc lại và đem để vào kho báu vật lịch sử và có tính cách tượng trưng ấy mà sự bảo tồn chúng sẽ đem lại hạnh phúc và sự bảo tồn cho nòi giống…”.
Qua những nguồn thông tin đó, có thể nói rằng thanh kiếm đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp đúng là của vua Gia Long. Nó đã được quân Pháp chiếm lấy trong cuộc tấn công vào kinh đô Huế tháng 7-1885, và năm 1913, cái bao kiếm đã bị đánh cắp mà cho đến bây giờ vẫn không tìm ra manh mối…!
- Xem thêm: Vua Gia Long và vùng đất Gia Định