Thật vậy, từ lâu nay, các xung đột về nguồn nước cũng như tranh chấp về lãnh hải đã xảy ra giữa Israel và Jordan, giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Ai Cập và Ethiopia, giữa Palestine và Israel, giữa Bolivia, Peru và Chilê. Trong khuôn khổ Năm Quốc tế Hợp tác về nước, Tuần lễ nước thế giới vừa được Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI) của Thụy Điển tổ chức vào những ngày từ 31-8 đến 5-9 dưới chủ đề “Xây dựng sự hợp tác về nước”, với sự tham dự của 2.600 người nhằm thảo luận những thách thức về nguồn nước sạch tại nhiều điểm nóng trên hành tinh. Theo ông Torgny Holmgren, Giám đốc điều hành của SIWI, trong hơn 50 năm qua, đã có gần 2.000 hình thức bất đồng về những nguồn nước xuyên biên giới, trong đó có bảy trường hợp xảy ra bạo lực, 70% được dàn xếp trên tinh thần hợp tác.
Nhiều khu vực tại châu Phi đang thiếu nước sạch nghiêm trọng
Hiện nay, theo tổ chức WaterAid trụ sở đặt tại London (Anh), có gần 768 triệu người trên thế giới sống không có nguồn nước an toàn và khoảng 2,5 tỉ người, tức 39% dân số toàn cầu, đang sinh hoạt trong tình trạng thiếu vệ sinh. Theo cơ quan tình báo National Intelligence Estimate của Mỹ, trong vòng 10 năm nữa, nhiều nước quan trọng sẽ lâm vào tình thế khó khăn về nước, chủ yếu là thiếu nước sạch cho tiêu dùng, nước chất lượng kém, hoặc lụt lội, vừa gây ra sự bất ổn trong nước, vừa tạo nên những mối căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Dân số càng tăng nhanh thì nhu cầu về nước sạch cũng tăng theo, trong khi nguồn nước sạch ở nhiều nơi đã được khai thác cạn kiệt. Chính vì thế, sự hợp tác về nước là một nhu cầu khẩn thiết giúp điều tiết nguồn nước sạch từ chỗ dư thừa sang chỗ thiếu, đồng thời hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật xử lý nguồn nước tự nhiên để đạt mức khả dụng. Bản báo cáo của SIWI nêu rõ vấn đề nước sạch không thể chỉ được giải quyết bởi các chuyên gia mà cần có sự hợp tác của nhiều tổ chức, cá nhân, công cũng như tư, giữa những người hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, soạn thảo chính sách và thực hiện chính sách.
Năm 2015 là thời hạn cuối cùng của việc hoàn tất các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cũng đã gần kề. Trong hơn 13 năm qua, số người nghèo trên thế giới đã giảm được một nửa, 2,5 triệu người sống trong những khu nhà ổ chuột nay đã có một đời sống khá hơn. Riêng vấn đề nước sạch, theo bà Jan Eliasson, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, việc tăng cường nguồn nước cho cư dân hành tinh đã đạt được mục tiêu, nhưng chất lượng nguồn nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra. Tình trạng thiếu vệ sinh đang là một trong những điểm trì trệ nhất trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, ảnh hưởng đến đời sống của 2,5 triệu người, tức gần 1/3 nhân loại. Đó cũng là lý do tại lễ bế mạc Tuần lễ Nước thế giới, viện SIWI đã giới thiệu Tuyên ngôn Stockholm kêu gọi mọi người xem nước sạch là một mục tiêu cần được quan tâm khi Liên Hiệp Quốc xem xét đến chương trình phát triển toàn cầu sau năm 2015.
Lê Cẩn tổng hợp