Năm nào cũng khoảng mùng mười tháng chạp là má tôi phân công cho mấy chị em lặt lá mấy cây mai sau nhà.
Mấy cây mai nằm trên bờ cái ao to tướng đang nuôi cá tra và cá trê phi, con nào con nấy từ 1 tới 2kg, có ngạnh có nghề như những cây kiếm nhỏ chứa nọc độc mà khi bị cá “chém” không khác gì như bị đao kiếm của kẻ thù. Người bị chém đau nhức, nóng lạnh phải uống thuốc, xông hơ mấy ngày mới hết. Đã vậy, 3 cây mai, cây nào cây nấy cao nghều nghệu, cành lá sum suê hết biết. Phần thân của nó lại de ra phía ao nhiều hơn phía trong bờ nên mỗi khi leo trèo lên mấy cành nhỏ đưa ra bờ ao đứa nào cũng le lưỡi lắc đầu vì sợ té xuống cái ao đầy những lưỡi kiếm độc.
Dù muốn hay không tôi nghiễm nhiên trở thành “nhóm trưởng” của nhóm lặt lá. Mấy đứa em tôi nhao nhao “Chị Hai có kinh nghiệm tướt mấy cành ngoài ao, tụi em làm trong này cho. Nếu có té xuống chị cũng biết cách lội vô mau lẹ, còn tụi em… khờ lắm chị ơi…”.
Tôi trề môi:
– Tụi bây khôn quá hén. Chuyện nào khó thì chị Hai chị Hai, còn món nào ngon không nghe nhắc tới tên tui…
– Chị nói vậy oan cho tụi em quá chị Hai. Trong nhà có món ngon nào em đều dành phần cho chị nhiều nhứt, chị hỏng tin hỏi má đi.
– Mày thì được, còn con Hiền với con Lành kìa! Nó nhớ tưởng gì tới tao, nên bây giờ hai đứa bây lãnh phần ngoải đi.
Con Lành với con Hiền mếu máo nhìn tôi, cầu cứu:
– Em biết chị Hai nói vậy chớ chị Hai lúc nào cũng thương em út, gánh phần nặng nề, đâu nở bỏ tụi em hén chị Hai.
Hai đứa nó biết khôn, đánh trúng tâm lý tôi là đứa luôn đỡ đần trong nhà nhưng tôi nói lẫy tụi nó cho tụi nó biết sự cực khổ của bà chị, luôn gánh gồng chuyện nặng nhọc cho gia đình, phụ giúp má tôi kể từ khi ba mất.
Nói lẫy đương vài câu cho đám em nó sợ rồi cũng bắt tay đi làm. Tôi ra lệnh:
– Ba đứa bây mỗi đứa một cây phía trong, tao bao thầu phía ngoài. Nếu tao có té thì phụ kéo tao lên chớ cá chém là hết ăn Tết đó nhen.
– Dạ… dạ… dạ…
Ba đứa dạ rân, mừng rỡ. Mấy đứa em mặc quần áo bình thường, còn tôi phải trang bị một cái quần vải bằng kaki phòng “tai nạn”. Ba đứa em êm xuôi, còn tôi thì lặt mấy cái lá tươi xanh đang bám chắc cành, thân hình đung đưa như ngồi trên dây xiếc, vừa làm vừa nhìn đám cá đang bơi lội nghinh ngang phía dưới mà nổi da gà.
- Xem thêm: Hoa mặt trời
“Rồi dặt dìu, mùa Xuân theo én về… Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên… Với khói bay trên sông… Gà đang gáy trưa bên sông…”. Con Tâm hát vang vài hát mà tôi yêu thích. Tôi nghe nó hát cũng nhẩm hát theo, trong lúc hứng khởi, bàn tay lơi lỏng, níu cành không chặt khiến tôi rơi tòm xuống nước như trái mít rụng.
– Ầm… Đùng…
Nước cá tanh tưởi văng lên mặt khiến tôi muốn ngộp thở. Mấy con cá bu lại như đám giặc cướp vừa bắt được kẻ thù. Chúng nó hung hăng chém vào tay tôi vì hai tay không trang bị áo “bảo hộ”, còn chiếc quần dài thì đã chống đỡ chúng nó hữu hiệu. Đám em la lên, đứa chạy đi lấy cái gào múc nước, đứa lấy cây trúc đưa ra cho tôi nắm, kéo lên. Hai bàn tay tôi cứng đơ, tê nhức không nắm chặt được cây trúc trơn lùi, cái gào tát nước thì ngắn ngủn, đưa không tới.
Đang lúc nguy khốn, má tôi về tới, bà chạy ra quăng sợi dây dù xuống trước mặt tôi nghe cái tủm. Tôi quấn đầu dây vào tay cho bà kéo lên. Con Tâm dìu tôi lập cập bước vô nhà.
Má pha nước ấm cho tôi tắm, rồi nói:
– Má dặn rồi mà con không nghe. Má mắc công chuyện đi một chút, cũng may về tới kịp. Mai năm nay lớn quá, má mượn chú Bảy lẩy dùm nhưng mấy ngày này chú kẹt công chuyện không phụ được. Tụi con lớn rồi, làm gì cũng phải chuẩn bị, tính toán kỷ lưỡng rồi hẳn làm. Mấy đứa kia làm trong bờ đất không sao, còn con ít ra phải chuẩn bị dây cột vào gốc phòng khi bị té, chuẩn bị dây dù để cứu hộ khí té xuống nước… Hồi đó, má đi công tác với anh em, khi lội qua sông phải cột chặt miệng bao ni lông đựng đồ đạt rồi ôm cái bịch lần theo sợi dây dù căng qua sông mà bơi. Sau này, biết bơi rồi thì dễ dàng hơn nhiều. Tụi con dân ở gần sông nước phải biết bơi lội. Bữa nào má nhờ con Út qua dạy tụi con tập lội cho thành thạo má mới yên tâm.
- Xem thêm: Những chậu hoa chiều cuối Chạp
Má lấy vôi ăn trầu quẹt lên chỗ đau đã tấy đỏ rồi sai con Tâm ra tiệm thuốc mua mấy viên thuốc cảm, đau nhức cho tôi. Người tôi gai gai, xương sống ơn ớn lạnh, đầu nhức như búa bổ. Má bắt nồi cháo lên bếp, rồi ra sau làm cá để nấu nồi cháo cá cho tôi. Con Hiền vừa coi chừng nồi cháo vừa nhìn tôi khóc như mưa. Nó trách tôi:
– Chị Hai làm… mà không chuẩn bị chu… đáo như má đã dặn. Chị ỷ y lắm… cái tay sưng vù làm sao… chị… đi… học.
Giọng tôi run run trong mền:
– Má dặn… mà chị… dễ ngươi… Không sao…ao…đâu…âu…
Tôi thiếp đi không biết bao lâu thì giật mình vì tiếng má gọi:
– Dậy ăn cháo rồi uống thuốc. Không sao đâu con. Người ta đánh giặc, súng bắn gãy tay gãy chưn còn sống được, cái này cá vồ chém mà nhằm nhò gì. Ăn cháo cho nóng, uống thuốc vô là bớt liền hà.
Chén cháo nóng hôi hổi, miếng cá ngọt thơm mùi hành tiêu. Tôi cố ăn cho hết chén cháo. Mồ hôi vả ra trên cổ, trên lưng. Ăn xong, uống mấy viên thuốc rồi nằm nghỉ.
***
Chiều 30 Tết, nụ mai đã lác đác nở trên cây phía sau nhà. Tôi cưa mấy nhánh nhiều nụ vào chưn lên bàn thờ ba. Bàn thờ sáng hẳn, rạng rỡ với màu sắc, hình dáng của mùa xuân. Ảnh ba nhìn tôi với nụ cười thân thương. Tôi đốt nén nhang cắm lên bàn thờ, miệng lầm rầm:
– Ba ơi! Tết này con 18 tuổi. Sắp thi tốt nghiệp rồi đó ba. Ba phò hộ cho con học hành giỏi giang, có được cái nghề để phụ má nuôi mấy em ăn học nghe ba…
Hương trầm thoang thoảng, khí trời mát mẻ dịu êm. Ngoài kia, tiếng người cười nói xôn xao một góc trời đã dậy hương xuân.