Sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin dưới dạng điện toán đám mây đang là xu hướng tất yếu trên thế giới và tại Việt Nam. Với các công ty khởi nghiệp (startup) sử dụng dịch vụ điện toán đám mây được cho là giải pháp tối ưu, giúp triển khai nhanh và tiết kiệm chi phí.
Dịch vụ điện toán đám mây phù hợp cho các startup
Khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, thay vì tự họ phải đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (máy chủ, máy trạm, phần cứng, phần mềm…) thì có thể thuê ngoài toàn bộ dịch vụ này. Có thể hiểu với mô hình điện toán truyền thống trước đây cũng tương tự như một doanh nghiệp muốn sử dụng điện, nước phải đầu tư nhà máy của riêng mình. Còn với mô hình điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể mua điện, nước của các nhà cung cấp chuyên nghiệp mà không phải đầu tư nhà máy và họ chỉ phải trả cho lưu lượng sử dụng.
Như vậy với mô hình dịch vụ đám mây sẽ rất phù hợp với các startup. Bởi khi các startup có bất kì ý tưởng sảng tạo nào thì có thể thuê ngoài dịch vụ đám mây để thử nghiệm ngay lập tức (với mô hình điện toán truyền thống thì thời gian đầu tư hạ tầng phần cứng phần mềm sẽ mất thời gian hơn), cho kết quả nhanh (sớm biết được ý tưởng có khả thi hay không). Nếu thử nghiệm thành công thì có thể dễ dàng triển khai quy mô lớn ngay lập tức vì hạ tầng điện toán thuê ngoài dễ dàng sẵn có và đáp ứng cho điều này.
Ông Digbijoy Shukla, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh Startup, AWS khu vực ASEAN phân tích, trong một công ty khởi nghiệp thường có ba khoản chi phí lớn nhất bao gồm: con người, công nghệ và marketing. Thường các startup có ngân sách eo hẹp nên việc quản lý nó hiệu quả sẽ quyết định sự thành công của họ.
Ông Digbijoy Shukla cho rằng, dịch vụ điện toán đám mây rất phù hợp với startup vì đây là đối tượng cần hợp lý hóa chi phí hơn các doanh nghiệp thông thường.
Nói về ích lợi mà dịch vụ đám mây mang lại cho các startup, ông Digbijoy Shukla cho hay: “Đầu tiên nó đảm bảo hiệu quả về mặt chi phí bởi trong điện toán đám mây có mô hình trả tiền thuê ngoài dịch vụ công nghệ theo mức độ sử dụng mà không cần mua sắm trang thiết bị”.
Thứ hai, theo ông Digbijoy Shukla là nó cho phép thí điểm, nếu thất bại thì thất bại nhanh và giảm thiểu được tác động về mặt chi phí hành chính hoặc chi phí tài chính. Còn nếu thí điểm thành công thì có thể mở rộng ra nhanh chóng. Ví dụ một startup có sáng kiến mới và thí điểm sáng kiến đó, nếu nó thành công thì từ vài cái máy chủ ban đầu có thể mở rộng lên hàng nghìn máy chủ nhanh chóng trên điện toán đám mây.
Nhưng ngược lại nếu họ thất bại thì có thể dừng thuê máy chủ và chỉ trả tiền cho những cái gì mà họ đã sử dụng, không bị lãng phí tiền đầu tư mua máy chủ. Điện toán đám mây sẽ là xuất phát điểm tốt nhất để các startup bắt đầu.
AWS cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ đám mây khác nhau
AWS hiện là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn của thế giới có trụ sở chính tại Mỹ. Giải pháp của AWS giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí rất nhiều. Một vài công cụ tiêu biểu bao gồm:
AWS Cost Explorer và AWS Budgets: sẽ giúp cho người dùng quản lý được chi phí đồng thời có thể đặt ra các mức ngưỡng mà nếu chi phí chạm đến mức đó thì sẽ tạo ra những cảnh báo. Dự toán này thể được thực hiện theo tháng, quý, năm và nó được cài đặt để gửi cảnh báo cho những người khác nhau như đội kỹ thuật, bộ phận kế toán tài chính…
AWS Trusted Advisor: là công cụ nghiên cứu phân tích môi trường của các startup và đưa ra những khuyến nghị về tối ưu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu năng, an ninh bảo mật, khả năng đảm bảo độ ổn định thông qua khắc phục sự cố… để đảm bảo rằng chi phí tối ưu hóa hiệu năng được đảm bảo cao nhất và không có lỗ hổng bảo mật. Khi sự cố xảy ra thì có thể khắc phục tốt nhất.
AWS Well Architected Tool: công cụ này phân tích các tải công việc hoặc ứng dụng của startup so sánh với thông lệ tốt nhất về ứng dụng. Qua đó nó đưa ra loạt khuyến nghị. Startup thường phải hành động rất nhanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chính vì tốc độ này họ có thể gặp phải những khó khăn về hiệu năng, an ninh bảo mật. Công cụ này nó sẽ giúp khách hàng đánh giá kiến trúc của họ và so sánh với kiến trúc tối ưu của khách hàng.
Ông Digbijoy Shukla cho biết AWS có trên 175 dịch vụ khác nhau được cung cấp, các startup khác nhau có thể chọn sử dụng những dịch vụ khác nhau để phù hợp nhất với họ.
Đầu tiên thì thường các startup sẽ bắt đầu bằng lựa chọn cách sử dụng dịch vụ điện toán đám mây theo cách khi nào cần thì sử dụng còn không cần thì lại giải phóng nó ra để tiết kiệm chi phí. Mô hình theo nhu cầu này (On-demand) nó sẽ đảm bảo độ linh hoạt cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn bắt đầu.
Nhưng sau khi họ đã sử dụng một thời gian nhất định rồi, sau hai đến ba năm họ biết được quá khứ họ sử dụng như thế nào rồi và quy luật sử dụng của họ ra sao. Sau đó họ có thể chuyển sang một mô hình khác như mô hình máy chủ đặt trước. Ví dụ startup cam kết trong vòng từ 1-3 năm tới sẽ thuê chừng này máy chủ để chạy các ứng dụng này với các dịch vụ máy chủ – khi cam kết sử dụng tài nguyên điện toán đám mây trong một thời gian ổn định như vậy sẽ được chiết khấu rất nhiều so với mô hình thuê bình thường. Gói dịch vụ thứ hai gọi là gói dịch vụ tiết kiệm Savings Plans giúp startup có thể tiết kiệm dịch vụ máy chủ tới 72%.
Gói dịch vụ thứ ba là Spot Instances là dịch vụ về cho thuê máy chủ với nhiều dung lượng khác nhau có thể dùng ngay với chi phí có thể tiết kiệm tới 90% so với mô hình cung cấp dịch vụ theo yêu cầu On-demand.
Ngoài ra, AWS còn cung cấp dịch vụ thuê ngoài quản lý hạ tầng công nghệ. Nếu startup phải xây hạ tầng công nghệ thông tin sau đó quản lý vận hành bảo dưỡng bảo trì thì rất là tốn kém bởi họ gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng một đội ngũ CNTT mạnh trong nội bộ. Vậy thay vì họ tự quản lý thì có thể thuê AWS quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Như vậy startup sẽ có thời gian, con người để tập trung vào các đổi mới sáng tạo, kinh doanh thay vì là bận tâm vào quản lý hạ tầng công nghệ mà vốn dĩ đó không phải là thế mạnh cốt lõi.
Được biết, AWS đã đưa ra chương trình AWS Activate – cung cấp cho các startup những công cụ và nguồn lực miễn phí để họ có thể trải nghiệm dịch vụ đám mây để biết về tính hiệu quả của mô hình điện toán này. Chương trình này hỗ trợ startup sử dụng dịch vụ ưu đãi trong khoảng thời gian nhất định. Kể từ khi thành lập năm 2013 đến nay, AWS Activate đã cung cấp AWS credit để sử dụng dịch vụ đám mây với giá trị lên tới 3,5 tỉ đô la cho hơn 140.000 công ty startup.
AWS Activate là chương trình được thiết kế để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Chương trình này cũng được triển khai tại ASEAN. Tại Việt Nam nhiều công ty khởi nghiệp đang được sự hỗ trợ từ chương trình này như NAB Studio – nền tảng phân phối truyện tranh quốc tế, OMT – nền tảng đào tạo quản lý trực tuyến…