Một chương trình nghệ thuật trình diễn, âm thanh, video và sắp đặt thị giác trên tầng thượng
Time Between cùng hợp tác với Sân khấu Kịch Quốc Thảo hân hạnh giới thiệu “Ether: The Rebirth – Tái sinh”, một chương trình giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật trình diễn, âm thanh, video và sắp đặt thị giác trên tầng thượng của tòa nhà 8 tầng tọa lạc tại Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, nơi Sân khấu Kịch Quốc Thảo đang hoạt động. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày chỉ trong một ngày, triển lãm tái hiện lại sân thượng như một không gian công cộng và truyền cảm hứng cho các cuộc trò chuyện về cách các không gian trong thành phố có thể được sử dụng để giới thiệu nghệ thuật đương đại tới công chúng.
Theo nghĩa đen, Ether có nghĩa là bầu trời, không gian và được xem là yếu tố cơ bản thứ năm bên cạnh bốn yếu tố: đất, không khí, nước và lửa trong nhiều dòng triết học và tinh thần học. Ether đại diện cho tinh thần, khả năng suy nghĩ và giao tiếp cũng như và năng lượng sáng tạo của con người. Ether là một ẩn dụ cho cho những gì vượt ra ngoài trải nghiệm hàng ngày của chúng ta.
‘Ether’ mời khán giả lên một hành trình thử nghiệm khám phá chính mình cùng các nghệ sĩ và các tác phẩm trên một không gian lơ lửng – ở giữa – nơi tầng thượng, nơi không thuộc về mặt đất cũng không thuộc về bầu trời. Không gian đó, có thể được kết nối một cách ẩn dụ với trạng thái càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của con người hiện đại, trạng thái ở giữa, mơ hồ – về mặt địa lý, giới tính, xã hội, chính trị hay tôn giáo – diễn ra trong thời đại của chủ nghĩa xê dịch, trong xã hội công nghệ phát triển với đầy ắp thông tin, hàng hóa, và vô số các sự lựa chọn.
‘Ether: The Rebirth – Tái sinh’’ là chương trình nghệ thuật thứ ba trong chuỗi chương trình ‘Ether’ với ý tưởng được phôi thai, hình thành và phát triển trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do đại dịch covid-19. Không thể phủ nhận rằng virus corona đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách kể từ đầu năm 2020. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại một cách thấu đáo về cách chúng ta sống, xác định lại về nơi chốn, cách thức và lý do chúng ta làm việc cũng như sáng tạo nghệ thuật. Từ tiếng Anh ‘Rebirth’ có nghĩa là quá trình tái sinh hay hồi sinh hoặc chỉ hành động tái xuất hiện hoặc bắt đầu phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ suy thoái. ‘Ether: The Rebirth – Tái sinh’ đề cập đến chu kỳ bất tận của cuộc sống: sinh ra, sống, chết và tái sinh với thái độ lạc quan và hy vọng vào sự hồi sinh.
‘Ether: The Rebirth – Tái sinh’ mời mỗi nghệ sĩ kể những câu chuyện và trải nghiệm của họ trong khoảng thời gian khó khăn này thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Chương trình hy vọng sẽ mang lại những giây phút gần gũi và những cuộc trò chuyện giữa những người có mặt tại sự kiện, khán giả hoặc các nghệ sĩ tham gia trên không gian sân thượng, nơi họ có thể tìm thấy sự cộng hưởng giữa nhau hoặc một khoảnh khắc tĩnh lặng và hư vô để đi vào các cuộc đối thoại nội tâm trong chính bản thân mình.
Dự án nghệ thuật ‘Ether: The Rebirth – Tái sinh’ nằm trong khuôn khổ chương trình Idea Booster của Viện Goethe Tp. HCM.
Thời gian: Ngày 28.11.2020, 16h30 – 21h00
Địa điểm: Sân thượng Sân khấu Kịch Quốc Thảo, Lầu 8, 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP. HCM
Vào cửa tự do
Về các nghệ sĩ và tác phẩm:
1. Trần Minh Đức
“Hạnh Phúc Giữa Các Vì Sao”
Video
Sắp đặt điêu khắc và các đồ vật tìm thấy
Lấy cảm hứng từ hình tượng lồng đèn Ông Sao trong dịp Tết Trung Thu dành cho trẻ em và sự đoàn viên gia đình được trẻ em Việt Nam yêu mến, ‘Hạnh Phúc Giữa Các Vì Sao’ như một lời nhắn gởi cùng lời mong ước của người nghệ sĩ thực hiện tác phẩm cho một Hạnh-phúc chan hoà tình yêu, niềm tin và ánh sáng của những điều ước sẽ thành hiện thực. Từ đó, các câu hỏi vui vẻ được đặt ra: những Ngôi sao đến từ đâu & được tạo ra như thế nào?
Tháng 2.2020, Trần Minh Đức tới Nhật Bản để tham gia lưu trú sáng tác tại không gian nghệ thuật Yamamoto Seika, Osaka. Đức chuẩn bị cho triển lãm hai người “Memorable Moments | Kỉ niệm” tại đây, triển lãm khai mạc ngày 20.3 kéo dài đến 30.3 với các hoạt động trình diễn, nói chuyện với khán giả trong suốt thời gian diễn ra triển lãm. 18.3.2020, Việt Nam đóng cửa biên giới để ngăn ngừa sự lây lan của covid-19 và các chuyến bay từ Nhật về Việt Nam cũng bị tạm hoãn lại. Không ai ngờ, từ thời gian đó đến giờ đường bay từ Nhật về Việt Nam đã bị đóng lại, mặc dù ngày 15.9 có thông báo mở lại đường bay nhưng ưu tiên cho các chuyến bay đi từ Việt Nam và với các chuyến bay từ Nhật về Việt Nam thì vô cùng hạn chế và chỉ phục vụ cho các trường hợp rất đặc biệt. Đức đã ở Nhật hơn 9 tháng.
Trần Minh Đức (SN 1982) là nghệ sĩ thị giác sinh ra và học tập tại Sàigòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm của Đức tập trung khảo sát đặc trưng của cuộc sống, con người và lịch sử đô thị tại nơi anh đang sống, nghiên cứu mối liên hệ và sự tương tác giữa tập thể và cá nhân, giữa các ý niệm về tính chất địa phương và ngoại lai. Anh bị lôi cuốn vào những hình ảnh quá khứ truyền cảm hứng cho hành động của con người với các định dạng đã bị phân mảnh và vô hình như những câu chuyện lịch sử truyền miệng, lịch tôn giáo, bưu thiếp, và các tài liệu hay vật thể được tìm thấy. Tác phẩm của anh trải dài từ nghệ thuật trình diễn, nhiếp ảnh, tranh cắt dán collage tới in ấn, sắp đặt, hình ảnh chuyển động và âm nhạc. Anh đã được nhận học bổng của Hội đồng Văn hóa Châu Á ACC, Mỹ 2015 và lưu trú từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2017. Anh đã tham gia chương trình AIR tại Tokyo Wonder-Site, Nhật Bản (2011), Creators Beyond Pressures, Yangon, Myanmar (2012), Sasebo Art Project, Nagasaki Nhật Bản (2015); Sa Sa Art Project, Phnôm Pênh, Cam-pu-chia (2015); Bétonsalon Centre d’Art et Researche, Paris, Pháp (2016); Art in General, New York, Mỹ (2017); Haenghwatang, Seoul, Hàn Quốc (2018); Culture Space Yang, Jeju, Hàn Quốc (2019), Yamamoto Seika, Osaka từ tháng 2 2020, FIGYA, Osaka từ tháng 6 2020. Anh hiện đang sinh sống tại Osaka và làm việc cùng chương trình nghệ sĩ lưu trú Super Studio Kitakagaya SSK, Osaka, Nhật Bản. Trần Minh Đức tốt nghiệp cử nhân khoa Hội họa, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã có các triển lãm rộng rãi ở trong nước và quốc tế.
2. Nguyễn Chung
“Hoàng yến trong mỏ than”
Tác phẩm trình diễn bởi Nguyễn Chung
Nguyễn Chung (SN 1990, Việt Nam) là một nghệ sĩ, biên đạo múa và người hướng dẫn chuyển động hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hành nghệ thuật của Chung khám phá mối giao thoa giữa múa, trình diễn đương đại và nghiên cứu về cơ thể để tìm hiểu mối quan hệ giữa thân-tâm-trí. Các tác phẩm của Chung tập trung vào trải nghiệm/cảm giác của cơ thể, liên kết với chuyển động cơ thể, chạm (xúc giác), âm thanh, thời gian, không gian, và tương tác với đồ vật.
Chung tốt nghiệp Học Viện múa Việt Nam vào năm 2009. Trong giai đoạn từ 2009-2016, Chung bắt đầu sự nghiệp diễn viên múa chuyên nghiệp tại công ty múa Arabesque (Việt Nam), T.H.E Dance Company (Singapore) và Cinevox Junior Company (Thụy Sĩ) và năm 2013 đoạt giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi múa hiện đại quốc tế tại Hàn Quốc.
Làm việc độc lập từ năm 2017, Chung đã hoàn thành các dự án Nghệ Sỹ lưu trú như Deep in the Mountains (Hàn Quốc), Southeast Asia Choreolab, (Malaysia), The International Choreographers Residency – American Dance Festival (Durham, Mỹ), Platform/s-ADF Alumni-Kelola Workshop (Yogyakarta, Indonesia).
3. Nhi Lê
“Vô Đề”
Tác phẩm trình diễn bởi Nhi Lê
Bằng cách tiếp cận giàu trí tưởng tượng và thơ mộng, Nhi Lê phản ánh vòng quay vô tận của cuộc sống: sinh ra, sống, chết và tái sinh trong trình diễn của mình.
“Nhi Lê (Người Không Gian) là nghệ sĩ thị giác sinh sống tại Sài Gòn, Việt Nam. Thực hành của cô tập trung vào việc khơi gợi suy nghĩ về nguyên bản con người và những giá trị, yếu tố ảnh hưởng đến hành vi, thói quen trong xã hội hiện đại. Nghiên cứu và khám phá những phương pháp trải nghiệm mới và “kì lạ” cho khán giả là chủ đề lâu dài mà cô quan tâm. Cô tìm kiếm những cảm xúc nguyên thuỷ và đòi hỏi khán giả phải chú ý hoặc thâm chí đưa họ tham gia trực tiếp vào tác phẩm.
Nhi tốt nghiệp trường Studio Arts College International ở Ý. Cô từng tham gia chương trình Nghệ Sĩ Lưu Trú Đông Nam Á (Malaysia), trình diễn trong các dự án nhóm và solo tại Sàn Art, MoTplus và A. Farm (Việt Nam), các tác phẩm của cô được triển lãm ở các gallery quốc tế như UDK Quer Gallery (Đức), Chiasso Perduto Gallery (Ý)…Cô cũng đoạt giải trong khuôn khổ chương trình ‘You Can Talk To Me’ tổ chức bởi Viện iSEE. Gần đây cô tham gia chương trình Idea Booster của Viện Goethe với vai trò là đạo diễn nghệ thuật và nghệ sĩ trình diễn.
Bên cạnh đó, Nhi cũng là điều phối viên của workshop về Nghệ Thuật Trình Diễn Đương Đại ‘Điền Vào Khoảng Trống’, giúp mọi người hiểu rõ hơn về hình thức nghệ thuật này. Cô mong muốn tổ chức nó ở mọi thành phố, không gian mà cô từng đến.”
4. Đoàn Thanh Toàn
Là một nghệ sĩ biểu diễn và nghiên cứu, Đoàn Thanh Toàn tìm đến múa nhằm kết nối cộng đồng, bàn về công lý và tưởng tượng một thế giới queer, bình đẳng. Cơ thể chứa đựng lịch sử, bản dạng, và tiềm năng – các tác phẩm của Toàn tô đậm những đường giao nhau ấy trên cơ thể người diễn. Toàn vừa quan tâm đến chính trị xã hội, vừa tìm kiếm giá trị trong bản chất của chuyển động và sự giao lưu cảm xúc giữa biên đạo múa, diễn viên và khán giả.
Toàn được học múa từ Ananya Dance Theater (múa đương đại Ấn Độ) và biên đạo Patricia Brown (múa trên nền tảng vũ điệu từ châu Phi). Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, Toàn hiện đang làm việc lại Sài Gòn và đã trình diễn ở những không gian như MoT+++, Sàn Art, A. Farm với các tác phẩm độc lập hoặc theo nhóm, cùng các nghệ sĩ biểu diễn, âm thanh, thị giác mà Toàn rất ngưỡng mộ.
Ngoài biểu diễn, Toàn dẫn dắt các buổi workshop để cộng đồng tiếp cận múa, kết nối với cơ thể và những người khác bằng ngôn ngữ chuyển động. Toàn còn điều phối các dự án phát triển, làm thông dịch viên tự do, và người viết.
5. Sơn FM
“Khi độ dài của các vòng lặp khác nhau, chúng tạo ra hiệu ứng chuyển pha, dần dần, sự khác biệt ngày càng mở rộng, điều này có thể tạo ra trải nghiệm lắng nghe mang cảm giác thiền định và thôi miên”.
Tác phẩm âm thanh được lấy cảm hứng từ không gian tầng thượng, có nền nhà và kiến trúc khá giống như cảnh cuối cùng của bộ phim ‘A Space Odyssey’ của đạo diễn Stanley Kubrick vào năm 2001. Bằng cách làm việc với sự lặp lại, bộ đôi đưa khán giả vào một hành trình âm thanh để khám phá một vòng luân hồi vô tận của cuộc sống: sinh, sống, chết và tái sinh.
Sơn FM là bộ đôi Nic Ford và Attiss Ngô. Khởi đầu là một dự án âm nhạc ambient được phôi thai tại Sài Gòn. Từ một chuỗi các buổi chơi nhạc cùng nhau nhằm khám phá khả năng của sự lặp lại các mẫu âm thanh và âm thanh được tạo ra từ synthesizer trong các nhạc hiệu thời gian phi số liệu. Vào ngày 3 tháng 9 năm 2020, bộ đôi đã ra mắt xuất bản âm nhạc đầu tiên trong ‘Vinyan’ – một album ambient tổng hợp dưới dạng băng cassette/kỹ thuật số bao gồm những bản nhạc được sáng tác bởi các nhà sản xuất đến từ khắp khu vực Châu Á – trên Siamese Twins Records.
Kể từ năm 2019, bộ đôi đã giới thiệu nhiều màn trình diễn ấn tượng tại nhiều địa điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh và xa hơn nữa, phải kể đến như ‘Ether – Hoàng Hôn Ở Khoảng Giữa’, Time between; ‘The Dreams Within The Dream’, Salon Saigon; ‘Lao xao – Mùa lau trổ bông’, Time Between; Vibration Festival, Zigzagger và SchillerSaigon.
Attiss Ngo
Attiss Ngo là một nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt. Anh có một nền tảng âm nhạc đa dạng, gồm đào tạo cổ điển tại Nhạc viện San Francisco, 8 năm lưu diễn với tư cách là người đứng đầu một ban nhạc psychedelic rock, điều hành một phòng thu tại New York và sản xuất nhạc cho nhiều nghệ sĩ khác nhau, từ nhạc kịch đến Hardcore tới nhạc phim. Là một nghệ sĩ biểu diễn nhạc sống, anh trình bày một cách tiếp cận độc đáo với âm nhạc điện tử thông qua việc sử dụng ‘microtonal synthesis’ và nhịp điệu bất đối xứng, tạo ra những miền âm thanh dày đặc khiến người nghe có thể tạm thời quên đi cái tôi của mình và trôi lạc trong âm thanh.
https://www.facebook.com/attissngo
Nic Ford
Nic Ford là một nghệ sĩ âm thanh, DJ và nhà sản xuất âm nhạc. Nic chuyển đến Việt Nam hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Nghệ thuật Âm Thanh và Nghệ thuật Đa phương tiện tại Trường Đại học Central Lancashire, Anh.
Anh đã tổ chức và chơi nhạc cho các sự kiện âm nhạc trong khu vực kể từ đó. Anh là resident DJ của The Observatory từ khi câu lạc bộ mở cửa lần đầu tiên vào năm 2013. Mài dũa các kĩ năng chơi nhạc từ những giữa những năm 90’, anh giữ vị trí resident DJ tại Dry 201 (Factory Records, New Order) ở Manchester, và là một người sưu tập đầy khát khao các thể loại âm nhạc đa dạng. Anh là một trong hai thành viên của MadderModes, một dự án sản xuất âm nhạc đã có các xuất bản trên một loạt các hãng đĩa ấn tượng bao gồm DRED Records và Millions of Moments.
https://www.residentadvisor.net/dj/maddermodes
https://www.residentadvisor.net/dj/nicford
Sân khấu Kịch Quốc Thảo được thành lập năm 2017 bởi hai đạo diễn và nghệ sĩ Quốc Thảo và Quốc Thuận, trực thuộc Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm Văn học nghệ thuật TPHCM, thuộc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động của Sân khấu Kịch Quốc Thảo bao gồm ba mảng chính: sân khấu thử nghiệm, sân khấu thực hành và sân khấu chính với sức chứa 250 chỗ ngồi. Đây là nơi tổ chức các buổi biểu diễn và các khóa học diễn xuất dành cho sinh viên kịch nghệ.
Đội ngũ sản xuất: Phụ trách curate và sản xuất: Quyên D. Phạm
Thiết kế: alab Các cộng tác viên: Trân Lê, Đạt Hồ, Quốc Duy, Bảo Duy, Khánh Huyền, Thi Nguyễn, Jill D, Lâm Hiếu Thuận, Baptise Duriez