Các nhà sản xuất ứng dụng ngày càng phản ứng mạnh về mức phí 30% của các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google, cho rằng đây không khác gì một loại thuế hạn chế khả năng cạnh tranh của họ.
Trong những tháng gần đây, các công ty công nghệ phàn nàn ngày càng nhiều về quyền lực của hai đại gia Apple và Google. Ứng dụng phát nhạc trực tuyến Spotify chỉ trích Apple về các quy định áp đặt trong cửa hàng ứng dụng App Store.
Trong khi đó, một nhà sáng lập của công ty phần mềm Basecamp đã công kích tỉ lệ chia doanh thu trên cửa hàng ứng dụng. Và vào tháng 8, công ty Epic Games (nhà phát triển trò chơi nổi tiếng Fortnite) đã kiện Apple và Google vì cho rằng hai hãng công nghệ này vi phạm các quy định chống độc quyền. Phiên tòa xét xử đơn kiện này dự kiến bắt đầu diễn ra trong năm tới.
Đại gia công nghệ bị “soi” gắt gao
Giờ đây, các công ty ứng dụng bắt tay nhau trong động thái khác thường nhằm chống lại Apple, Google và quyền lực xuất phát từ các cửa hàng ứng dụng của họ. Cụ thể, họ vừa thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Coalition for App Fairness (tạm dịch “Liên minh Công bằng Ứng dụng”) nhằm thúc đẩy các cửa hàng ứng dụng thay đổi và “bảo vệ nền kinh tế ứng dụng”. Trong số 13 thành viên ban đầu của tổ chức có các tên tuổi như Spotify, Basecamp, Epic, Match Group (chủ sở hữu các ứng dụng như Tinder và Hinge)…
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các công ty Internet hàng đầu đang bị “soi” gắt gao trên thế giới. Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến sắp đệ đơn kiện Google phạm luật chống độc quyền, tập trung vào sự thống trị của công ty này trong mảng tìm kiếm trực tuyến. Còn vào tháng 7, quốc hội đã chất vấn giám đốc điều hành của các công ty Google, Apple, Amazon, Facebook về hoạt động kinh doanh của họ tại một phiên điều trần về chống độc quyền.
Chưa hết, Ủy ban châu Âu chính thức điều tra chống độc quyền đối với các thủ thuật trên cửa hàng ứng dụng của Apple và chuẩn bị đưa ra cáo buộc chống độc quyền đối với Amazon vì hành vi lạm dụng sự thống trị của họ trong thương mại Internet.
Trong nhiều năm qua, các đối thủ nhỏ hơn không muốn lên tiếng chống lại các công ty khổng lồ vì sợ bị trả đũa. Tuy nhiên, một loạt động thái mạnh tay nói trên đã khuyến khích họ hành động. Trước mắt, Liên minh Công bằng Ứng dụng sẽ tập trung phản đối việc Apple và Google quản lý chặt cửa hàng ứng dụng của mình, cũng như doanh thu các ứng dụng trên đó.
Hai công ty này gần như kiểm soát tất cả điện thoại thông minh trên thế giới, dựa vào nền tảng và việc phân phối ứng dụng thông qua cửa hàng mình. Cả hai công ty cũng tính phí 30% cho các khoản thanh toán được thực hiện bên trong ứng dụng trên cửa hàng họ.
Các nhà sản xuất ứng dụng ngày càng phản ứng mạnh về mức phí 30% khi cho rằng đây không khác gì một loại thuế hạn chế khả năng cạnh tranh của họ. Trong một số trường hợp, họ nói rằng đang gặp bất lợi trong việc cạnh tranh với chính ứng dụng của Apple và Google. Đáp lại, Apple lập luận rằng phí của họ là tiêu chuẩn được áp dụng tại các chợ trực tuyến.
“Không tốt cho đổi mới sáng tạo”
Website của Liên minh Công bằng Ứng dụng đã đăng tải danh sách 10 nguyên tắc để giúp mang lại sự công bằng hơn trên cửa hàng ứng dụng, như quy trình phê duyệt ứng dụng minh bạch hơn, quyền được giao tiếp trực tiếp với người sử dụng ứng dụng…
Đáng chú ý, nguyên tắc hàng đầu nêu rõ rằng các nhà phát triển ứng dụng không nên bị buộc chỉ sử dụng hệ thống thanh toán của cửa hàng ứng dụng. “Apple đã sử dụng nền tảng mình làm đòn bẩy để giúp các dịch vụ của họ có lợi thế cạnh tranh không công bằng so với các đối thủ.
Điều này không tốt cho người tiêu dùng, sự cạnh tranh và đổi mới sáng tạo” – bà Kirsten Daru, phó chủ tịch công ty Tile (chuyên phát triển thiết bị định vị, tìm kiếm đồ vật bằng Bluetooth), nhận định. Theo bà Daru, Apple trong năm nay đã gây khó cho việc sử dụng ứng dụng của Tile sau khi nó được tích hợp một tính năng cạnh tranh với ứng dụng của Apple.
Liên minh trên ra đời sau nhiều tháng thảo luận giữa giám đốc điều hành các công ty Tile, Epic, Spotify, Match Group. Đây là 4 công ty phản đối mạnh mẽ nhất các công ty công nghệ lớn. Một số cuộc trò chuyện diễn ra sau khi Apple và Google “tống” Fortnite khỏi cửa hàng ứng dụng vào tháng 8 vì vi phạm các quy định thanh toán của họ. Khi cuộc chiến giữa Epic và Apple, Google leo thang, Spotify và Match Group đã lên tiếng ủng hộ công ty trò chơi điện tử này.
Ông Tim Sweeney, giám đốc điều hành Epic, cho biết nhiều nhà phát triển ứng dụng đã ủng hộ công ty này trong cuộc đối đầu pháp lý này nhưng ngại lên tiếng công khai do sợ bị trả đũa.
Theo ông Sweeney, Apple và Google có vô số cách trả đũa mà không bị người ngoài thấy được, như làm chậm ứng dụng, diễn giải lại các quy định theo cách tiêu cực hoặc nói không với các tính năng mới. Ông này cũng thừa nhận việc đối đầu với hai công ty có quy mô lớn gấp mình hơn 200 lần không phải là chuyện dễ. Trong khi đó, Apple lập luận rằng mọi chuyện hoàn toàn do lỗi của Epic.
- Xem thêm: Vì sao Mỹ đòi xử các hãng công nghệ?