Hẹn hò, yêu đương rồi mới tiến đến hôn nhân là chuyện xưa rồi. Bây giờ, giới trẻ Nhật Bản quyết định cưới trước. Thay vì chạy theo tiếng gọi con tim, họ chuyển sang lựa chọn lý trí. Cho dù là nam hay nữ độc thân cũng chỉ việc lập một tài khoản online, tự giới thiệu bản thân và khởi động cuộc “săn vợ hoặc chồng”.
Đất nước “săn” đủ thứ
Nhật Bản là quốc đảo châu Á có diện tích khoảng 377.972km2 và dân số khoảng 126 triệu người. Người Nhật nổi tiếng khắp thế giới là dân tộc giàu chữ “nhẫn” nhất. Song cũng chính trong đất nước “nhẫn” này, giới trẻ hình như có phần khá vội vàng. Sinh viên mới bước vào năm thứ 3 đã sốt sắng tìm kiếm việc làm. Họ gọi hoạt động tìm việc trước khi tốt nghiệp là “sh#katsu”, tức “săn việc”. Mỗi người đều tự làm hàng chục hồ sơ xin việc, gửi đi khắp nơi, sẵn sàng chịu thương chịu khó thực tập để đổi lấy cơ hội được thuê chính thức lúc ra trường.
Những thập niên suy giảm dân số gần đây, xứ sở hoa anh đào còn trội lên một xu hướng cực sốc: “ninkatsu”, tức “săn thai”. Họ tích cực khuyến khích phụ nữ có thai bằng mọi cách. Từ năm 2009, lượng trẻ em Nhật Bản chào đời bằng thụ tinh ống nghiệm đã lên tới 26.680 bé.
Vào năm 2007, nhà xã hội học người Nhật Yamada Masahiro (sinh năm 1957) bất ngờ giới thiệu một thuật ngữ mới: “konkatsu”, tức “săn chồng”. Ông thậm chí bắt tay với nhà báo Shirakawa Tôko (1961), xuất bản cuốn sách hướng dẫn “săn chồng”, Konkatsu jidai (Thời đại săn chồng), chỉ cho các chị em Nhật Bản cách thức “săn chồng” từ A-Z.
Sau khi tiếp thu ý tưởng của Masahiro, cư dân đất nước Mặt trời mọc mở rộng thêm lĩnh vực mới: săn vợ. Konkatsu trở thành thuật ngữ chỉ chung cho hoạt động “săn vợ/chồng”.
Nỗ lực cứu dân số già
Bắt đầu từ khoảng thập niên 1970, đường biểu đồ tỷ lệ sinh của Nhật Bản tụt dốc. Số trẻ em chào đời liên tục thấp hơn lượng người tử vong. Nhật Bản là đất nước khoa học kỹ thuật tân tiến, nhưng quan niệm xã hội thì không thay đổi bao nhiêu so với thời phong kiến. Vai trò và vị trí của phụ nữ bị xem nhẹ. Các chị em một khi đã kết hôn phải buông bỏ sự nghiệp, trở thành người vợ nội trợ toàn thời gian. Vì không chịu nổi sự bó buộc này, nhiều phụ nữ Nhật Bản thà chẳng có chồng con gì hết. Họ từ bỏ kết hôn và nếu đã lỡ “theo thuyền sang bến” thì mạnh dạn ly hôn.
Trước tình trạng dân số ngày càng lão hóa, chính phủ Nhật Bản lo sốt vó. Họ tìm đủ mọi cách khuyến khích cánh chị em nghĩ lại, trong đó có việc thúc đẩy “konkatsu-săn chồng”. Trong thời đại săn chồng, Masahiro và Tôko khéo léo lèo lái tư duy của nữ giới. Họ phân tích so với việc tự mình vất vả kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ nữ nên kết hôn với đàn ông có đồng lương bằng hoặc cao hơn mình. Như thế thì tổng thu nhập tối thiểu cũng là gấp đôi, đảm bảo không lo đói khổ.
Sau Masahiro và Tôko, 2 đài truyền hình của Nhật Bản là NHK và Fuji TV cũng vào cuộc. Họ liên tục chiếu các chương trình konkatsu thực tế, đem ý tưởng “săn chồng” đến cả những vùng nông thôn, đảo xa hẻo lánh nhất đất nước. Thời đại săn chồng thực sự khai màn. Trên khắp nước Nhật, các buổi hẹn hò giấu mặt được tổ chức. Nam nữ tham gia che nhân diện bằng khẩu trang, mặt nạ; cùng trao đổi về thói quen, sở thích và đặc biệt là nghề nghiệp, thu nhập cá nhân. Chỉ cần đôi bên cảm thấy tương xứng là liền tiến tới cơ quan đăng ký kết hôn, làm hôn thú. Một số cặp còn lập “hợp đồng hôn nhân”, nêu rõ các điều kiện mà đối tượng khế ước phải tuân thủ trong đời sống vợ chồng.
Cơ hội “bắt” vợ, chồng như ý
Đặt vào văn hóa lối sống của Nhật Bản, konkatsu rõ ràng đi ngược quan niệm truyền thống. Thời phong kiến, người Nhật theo tục lệ “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Từ khi đổi sang chế độ quân chủ lập hiến hiện đại, người Nhật mới chuyển qua tự do yêu đương, kết hôn. Vậy mà chưa được mấy thập niên, họ đã vội bỏ qua bước yêu, “cưới luôn cho nóng”. Nhiều nhà văn hóa, tác giả, học giả Nhật Bản đã phải ôm mặt than trời, không ngừng chỉ trích konkatsu dung tục, đạp đổ các thuần phong mỹ tục.
Trái lại, Chính phủ và người dân Nhật Bản không phàn nàn chi. Cánh phụ nữ độc thân Nhật Bản đặc biệt yêu thích konkatsu, thậm chí còn “nâng cấp” nó lên thành phiên bản mới: “konkatsu-săn chồng ưu tú”. Thay vì nhắm vào các đối tượng có điều kiện kinh tế ngang bằng mình, nữ giới Nhật Bản ngắm mục tiêu những “mày râu hoàn hảo về mọi mặt”.
Đầu tiên, phụ nữ Nhật Bản nỗ lực nâng cấp bản thân. Họ tích cực tham gia các lớp học nấu ăn, cắm hoa, làm vợ… lấy chứng chỉ, biến mình thành “ứng cử viên cô dâu ưu tú nhất”. Konkatsu chỉ xét điều kiện, chị em nào càng giỏi giang, hoàn hảo thì càng có cơ hội “săn chồng ưu tú” cao hơn. Trong thế giới số hóa ngày nay, việc quảng bá bản thân lại càng dễ. Phụ nữ Nhật Bản chỉ việc tải ứng dụng hẹn hò, mở tài khoản là thoải mái khoe mình. Họ cũng đăng tải luôn “các yêu cầu đối với đối tượng muốn kết hôn”, sau đó chờ nhận được lời mời, lọc dữ liệu và chọn ra “chú rể tiềm năng” ưng ý nhất. Người Nhật rất trung thực, ít có kẻ gian lừa đảo hôn nhân. Các chị em có thể tin tưởng vào hồ sơ cá nhân của những nam giới muốn làm quen với mình.
- Xem thêm: Ngày hôm nay đã chung riêng sum vầy
Tất nhiên, đàn ông Nhật Bản không hề bị động. Họ cũng sử dụng konkatsu trực tuyến, lọc dữ liệu tìm ra người phụ nữ xứng đáng với mình nhất. Konkatsu từ “săn chồng” chuyển sang “săn vợ/chồng”. Cả nữ lẫn nam giới Nhật Bản đều trở thành các “thợ săn” lão luyện, khôn khéo truy tìm “con mồi”. Khi giữa “kẻ săn” và “con mồi” thỏa mãn điều kiện của nhau, họ sẽ hẹn gặp mặt ngoài đời thực. Trải qua xác thực thông tin và có ý muốn “nên đôi”, họ tổ chức đám cưới luôn, không cần hẹn hò.
Trước những năm 1990, giới trẻ Nhật Bản vẫn còn nhiều người lãng mạn, mơ mộng một ngày ông tơ bà nguyệt xui khiến gặp được đối tượng định mệnh của đời mình. Sau những năm 1990, họ xác định rõ ràng muốn kết hôn với người có ngoại hình ra sao, bao nhiêu tuổi, thu nhập hàng tháng mấy con số… Lấy nhau rồi mà không yêu, không hợp thì đơn giản là ly hôn. Thú vị là từ khi konkatsu thịnh hành, tỷ lệ ly hôn ở Nhật Bản lại có chiều hướng giảm. Nếu vào năm 2009, tổng số vụ ly hôn là 253.350 vụ thì tới năm 2015 đã giảm xuống còn 226.220 vụ, và tới năm 2017 lại tiếp tục giảm xuống còn 212.260 vụ.