Từ những năm 1970, Mỹ và phương Tây đã chạy theo cuộc đua tập trung vào công nghệ và tính thực dụng. Và tấm gương cho giới trẻ chính là khởi nghiệp sớm, họ được khuyến khích vào đại học nhưng bỏ giữa chừng.
Ban ngày học khoa học còn ban đêm lập trình, thành lập công ty công nghệ và phát hành chứng khoán ra công chúng. Đó là giấc mơ Mỹ, cũng là của giới trẻ phương Tây nói chung. Nhưng mặt trái của việc thành công bất chấp và làm giàu bằng mọi giá chính là một xã hội Mỹ hỗn loạn và nợ công tăng nhanh.
Tỷ phú Warren Buffett từng ví von rằng: “Chỉ khi thủy triều rút thì bạn mới phát hiện ai đang bơi mà không mặc quần áo”. Cơn thủy triều mang tên Covid đã làm lộ ra nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội Mỹ và phương Tây, một kinh tế bùng nổ là cơ hội cho những kẻ lừa đảo dễ dàng qua mắt người khác bằng nhiều chiêu trò, từ mức lợi suất cao chót vót nhưng không hề có thật cho đến doanh thu được thổi phồng lên so với thực tế.
Chạy theo cơn lốc của thời đại công nghiệp 4.0, giáo dục ít khi nhắc đến các môn liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc, lịch sử, triết học, văn học, ngôn ngữ… mang tính nhân văn. Trong khi, đây là những môn học quan trọng nhằm đào tạo con người toàn diện, phát triển nhiều khả năng, tạo nền tri thức rộng, tạo ý thức lịch sử, nhân loại, để làm công dân, làm người văn hóa.
Theo TS Nguyễn Xuân Xanh, Anh quốc nổi tiếng có nền giáo dục nhân văn truyền thống, ở hai đại học lớn Cambridge và Oxford, để đào tạo những “gentlemen” của giai cấp quý tộc. Gentlement chính là người có một tri thức được vun xới, một khẩu vị tao nhã, một tinh thần ngay thẳng, công bằng, bình thản, một thái độ cao thượng và lịch sự trong hạnh kiểm; đó là những phẩm chất tự nhiên của một tri thức rộng; chúng là đối tượng của một Đại học; tôi biện hộ cho nó… Khai thác đá bằng những lưỡi dao cạo, hay buộc tàu bằng sợi tơ; rồi bạn có thể hy vọng, với những công cụ mảnh mai và sắc sảo như tri thức con người và lý trí con người, có thể chiến đấu với những gã khổng lồ, đó là đam mê và kiêu hãnh của con người.
College Mỹ buổi ban đầu thường được ví như “trái tim” của giáo dục nhân văn Mỹ. Vì nguồn gốc giáo dục nhân văn xuất phát từ đó, và một phần từ các college hôm nay. Những năm sau thế chiến thứ hai, nghiên cứu khoa học được mùa lớn, khoa học và công nghệ phát triển dữ dội, người ta tập trung vào nghiên cứu, xao lãng bớt môn giáo dục nhân văn. Nhiều nhà giáo dục khai phóng lên tiếng bi quan về sự xuống cấp của giáo dục khai phóng ở Hoa Kỳ. Rõ ràng, sức sống của một quốc gia, ngay cả Hoa Kỳ, tùy thuộc vào việc các campus tạo ra nhiều công dân hay chỉ nhiều chuyên gia.
Baruch Lev, giáo sư của ĐH New York, từng nói: “Ở thời kỳ tươi đẹp thì trông ai cũng tốt nhưng bạn sẽ bị thị trường trừng phạt 1 cách cay đắng nếu như không phân biệt được đúng sai”. Và giáo dục khai phóng chính là nền tảng để mỗi người tự ý thức tốt – xấu, đúng – sai, chính – tà… Giáo dục khai phóng cho thế kỷ XXI, theo định nghĩa của Hiệp hội cảc Đại học và College Mỹ, là “một lối học làm cho các cá nhân có năng lực mạnh mẽ, và chuẩn bị họ xử lý được tính phức tạp, đa dạng và thay đổi. Nó cung cấp cho sinh viên tri thức rộng của thế giới rộng hơn (chẳng hạn khoa học, văn hóa, và xã hội) cũng như sự nghiên cứu-chiều-sâu trong một lãnh vực đặc biệt của mối quan tâm. Một giáo dục khai phóng giúp sinh viên phát triển một ý thức trách nhiệm xã hội, cũng như các kỹ năng trí thức và thực hành mạnh và có thể chuyển giao được như sự truyền đạt, các kỹ năng phân tích và giải quyết-bài-toán, và một năng lực đã được chứng minh bằng cách áp dụng tri thức và kỹ năng trong những hoàn cảnh của thế giới thật.
Vì lẽ đó, đây là thời điểm thích hợp để giới thiệu cuốn sách “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” đến với đông đảo độc giả. “Tất cả chúng ta cả già lẫn trẻ không đủ thời gian và công sức để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta không nhìn vào bên trong bản thân đủ mức độ để hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình và chúng ta không nhìn xung quanh, nhìn ra thế giới, nhìn vào lịch sử đủ mức độ để nêu những câu hỏi sâu sắc nhất và bao quát nhất”, giải pháp của tác giả là: “Ngay bây giờ, tất cả chúng ta có thể sử dụng nền giáo dục khai phóng nhiều hơn một chút để làm người lao động tốt, giúp chúng ta trở thành những người đối tác, bạn bè, cha mẹ và người công dân tốt”.