Mỗi vị hoàng đế luôn đề cao tinh thần tự tôn triều đại, niềm tự hào đối với giang sơn, xã tắc theo một cách riêng khác nhau. Ngay từ khi mới lên ngôi, vua Khải Định đã có ý thức khẳng định tư tưởng ấy bằng việc đặt ra các ngày lễ kỷ niệm, trong đó có lễ Khánh niệm Hưng quốc, nhằm tưởng nhớ công lao gây dựng của tổ tiên triều Nguyễn.
Ban đầu, lễ Khánh niệm Hưng quốc có tên gọi là “Lễ Kỷ niệm” được vua Khải Định cho đặt tên vào tháng 2 năm 1918 và chuẩn cho lấy ngày 2 tháng 5 âm lịch hàng năm làm ngày lễ. Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 1, mặt khắc 24 còn khắc lý do vì sao vị vua thứ 11 của triều Nguyễn lại tổ chức ngày này như sau: “Có một thời gian nan gây dựng thì sau mới có những năm tháng thụ hưởng thành quả yên vui. Được sống những năm tháng thành quả yên vui thì phải nhớ tới một thời gian nan gây dựng… Đối với triều ta thì năm Gia Long nguyên niên là năm khởi đầu tạo dựng thành công sau bao gian nan vất vả, lẽ nào lại nỡ bỏ qua để đi kỷ niệm ngày nào khác. Vì thế, về ngày kỷ niệm chuẩn đổi lại, lấy ngày mồng 2 tháng 5, tức là ngày đầu tiên Thế tổ Cao Hoàng đế triều ta sau hơn hai mươi năm gian khổ hoàn thành võ công đại định thiên hạ mà vẻ vang lên ngôi nhận mệnh lớn”.
Vì đây là ngày lễ đặc biệt quan trọng đối với Vương triều nên trước đó cả tháng, vua Khải Định đã xuống dụ cho Bộ Lễ chuẩn bị mọi việc được tươm tất, chu đáo. Tới ngày lễ, vua Khải Định đích thân dẫn Tôn Nhân phủ cùng với đình thần văn võ ra Thế miếu kính cẩn hành lễ bái yết. Lễ xong, vua trở về cung thiết triều nghi tại điện Cần Chính để nhận lễ chúc mừng. Cũng vào ngày hôm đó, tất cả quan lại, binh lính và dân chúng đều được chuẩn cho được nghỉ làm, vui chơi.
Khi thấy khắp nơi, dân chúng hân hoan, rộn ràng tổ chức ngày lễ Kỷ niệm, thậm chí có nơi còn bỏ qua cả ngày Tết Đoan dương để hòa chung ngày lễ với triều đình. Vua Khải Định vui mừng mà nói rằng: “Điều đó chứng tỏ đức trạch to lớn của liệt thánh đã thấm đượm sâu sắc trong lòng dân chúng, cũng còn cho thấy tấm lòng thuần hậu của dân ta hướng tới văn minh và đức hóa triều đình, khiến trẫm vô cùng mừng rỡ và càng thêm phần tin yêu. Nhưng nếu chỉ dùng hai chữ “Kỷ niệm” không thôi thì e lẫn lộn và chưa hợp với nguyện vọng của nhân dân. Để ghi lại ngày vui mừng và thể hiện lòng ghi tạc không quên thì chi bằng đặt cho một cái tên gọi đẹp đẽ để lưu truyền mãi mãi. Vì vậy, hai chữ “Kỷ niệm” sẽ phỏng theo cách gọi là lễ Khánh niệm Hưng quốc. Truyền thông lục cho khắp trong ngoài kinh thành đều biết để tuân hành”.
Đến năm 1921, vị vua thứ 11 của triều Nguyễn đã cho chuẩn thêm vào ngày Khánh niệm Hưng quốc, triều đình sẽ tổ chức một buổi tế Anh Duệ Hoàng thái tử (tức là Hoàng tử Cảnh, con trai cả của vua Gia Long). Bởi theo vua Khải Định thì Anh Duệ hoàng thái tử, khi còn trẻ tuổi đã theo đi đánh trận, khảng khái ra tận phương xa làm con tin, góp phần hoàn thành võ công sáng nghiệp của Thế tổ Cao hoàng đế, thực là trung hiếu vẹn toàn, công lao to lớn để lại cho xã tắc, rất đáng tôn sùng thờ phụng. Vì vậy, vua đã chuẩn cho lập một miếu thờ riêng, hàng năm vào ngày 2 tháng 5 âm lịch đến lễ tế, biểu dương công lao oanh liệt và an ủi hương hồn cho Anh Duệ Hoàng thái tử. Cũng vào tháng 10 năm đó, vua Khải Định còn lệnh cho quan Nội các soạn định nhạc chương dùng riêng trong ngày Khánh niệm Hưng quốc.
Tháng 2 năm 1922, để chuẩn bị cho ngày lễ Khánh niệm Hưng quốc đến gần, vua dụ bảo quần thần rằng: “Việc cử hành lễ Khánh niệm Hưng quốc đã trở thành điển lệ. Năm nay là năm Nhâm Tuất, chính là năm tròn hoa giáp với năm Thế tổ Cao Hoàng đế triều ta hoàn thành công cuộc đại định. Tất cả thần dân trong thiên hạ cùng được chung hưởng thái bình yên vui, thực đều nhờ có đức nghiệp cao cả của người để lại. Hôm nay là ngày được nghỉ ngơi, nên cử hành điển lễ chào mừng thật long trọng để biểu dương chiến công thuở trước. Truyền cho Bộ Lễ trích thêm ngân khoản gấp đôi số tiền chiếu theo lệ thường để tiến hành”.
Lễ Khánh niệm Hưng quốc năm đó, theo Mộc bản triều Nguyễn sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 1, mặt khắc 29 ghi chép lại thì ngoài những nghi lễ phê chuẩn trước đó, vua Khải Định còn truyền cho Bộ Lễ, trích ra một trăm năm mươi đồng từ số tiền thờ tự, mang đến nhờ Quý tòa chuyển cho Quý Giám mục An Lí Sư (Allys) ở nhà thờ Tường Phủ Cam cử hành lễ tưởng niệm những người đã từng giúp đỡ Anh Duệ Hoàng thái tử điện hạ khi sang làm con tin ở phương Tây. Ngoài ra, vua Khải Định cũng gửi Quý Giám mục đem những lời tưởng niệm cảm khái nhiệt thành của vua trong chỉ dụ, thông báo tới các nhà thờ thuộc giáo phận của Quý Giám mục cai quản, để cho mọi người cùng biết mà cử hành lễ tưởng niệm.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay lễ Khánh niệm Hưng quốc không còn được tổ chức nữa, nhưng dấu ấn về về một ngày lễ đặc biệt nhằm nhắc nhở tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trong họ tộc Vương triều Nguyễn vẫn còn được lưu giữ trong sách vở…