Lúc còn ở trong nước chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ, một đồng nghiệp đã nói: “Qua Mỹ mà không đến San Francisco là coi như… chưa biết nước Mỹ!”. Câu nói có lẽ chỉ gợi sự tò mò vì đối với đa số người Việt, “Cựu Kim Sơn” (San Francisco) là một địa danh khá quen thuộc, xuất hiện khá nhiều qua sách giáo khoa ngày trước, truyện, nhạc và cả phim ảnh hiện nay…
Sau khi lưu trú ở Los Angeles và San Jose được hơn 1 tuần, chúng tôi cùng người thân đi San Francisco. Lên tàu từ San Jose từ sớm, tàu chạy khoảng hơn nửa tiếng là đến nhà ga Caltrain Station của thành phố biển này. Người thân đi cùng cho biết ở San Francisco không có nhiều điểm tham quan như ở Paris, tuy nhiên đây là nơi nổi tiếng vì có mùa hè mát mẻ, thậm chí là khá lạnh so với những người phương xa đến từ những vùng xích đạo. “Đặc sản” của thành phố chính là sương mù, có những ngày sương mù phủ hết cả một thành phố, tạo nên một quang cảnh khá kỳ lạ.
Đúng như vậy! Ấn tượng và rất thú vị là cả thành phố mờ ảo trên một vùng đồi dốc trùng điệp, những con đường trong thành phố không hề bằng phẳng như những thành phố khác, mà có độ dốc khá lớn. Có những con dốc cao ước chùng hơn 45 độ nằm giữa những tòa cao ốc chọc trời trông rất lạ mắt. Những building văn phòng nhôm kính theo kiến trúc hiện đại điển hình, bên cạnh những tòa nhà có thiết kế cổ điển và phong cách rất đẹp. Những ngôi nhà theo kiến trúc Địa Trung Hải thanh thoát tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, hài hòa ở một trong những thành phố lớn của nước Mỹ đầy sôi động.
Nơi đầu tiên chúng tôi được đưa đến tham quan chiêm ngưỡng là đường Lombard Street. Phải nói rằng người Mỹ đã tạo nên một con đường “có một không hai” trên thế giới. Nằm giữa Hyde và Leavenworth, đường Lombard Street nổi tiếng là đường phố dốc rất đặc biêt. Đoạn đường chỉ kéo dài khoảng 400m, được lát bằng gạch đỏ nằm ở đồi Russia.
Với thiết kế quanh co hình zig zag nhằm giảm tốc khi lái xe ở độ dốc nghiêng 27 độ, nó được xem là một trong những con đường ngoằn ngoèo nhất thế giới. Bên đường, có bậc cấp để người đi bộ đi lên đỉnh đồi. Hai bên đường có trồng rất nhiều loại hoa đủ màu sắc. Đằng sau các hành cây xanh là những tòa nhà đóng cửa im ỉm, nghe đâu giá nhà ở hai bên con đường lên đến cả chục triệu đô!
- Xem thêm: Di sản xe cáp San Francisco
Được biết, con đường độc đáo này mới được xây dựng từ năm 1922, chỉ dành cho những người có tay lái vững do đi qua 8 khúc cua tay áo rất ngặt, ngắn. Do đó, cảnh sát quy định chỉ được lái tối đa 8km/giờ. Nhìn những chiếc xế hộp chậm chậm uốn qua uốn lại như đang xem một bộ phim…câm vậy! Đứng trên đỉnh đồi Lombard có thể ngắm cảnh một phần thành phố mờ mờ ảo ảo qua lớp sương mù.
Chụp vài tấm hình lưu niệm ở đây xong, chúng tôi đi theo một con đường ngắn để ra biển. Trên đường dọc theo vịnh biển có nhiều bến thuyền. Chúng tôi vào một bến thuyền có tên là Fisherman’s Wharf (bến Ngư phủ). Bến thuyền này dành cho người đánh cá hay những người thích câu cá. Vào bên trong bến, khung cảnh khá nhộn nhịp. Những ngôi nhà được thiết kế theo kiểu thường thấy trong Disneyland.
Cả một khu vui chơi, giải trí kéo dài dọc theo bờ vịnh và với nhiều cửa hàng ăn uống (chủ yếu là hải sản), nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo thời trang mùa hè… Ở bến tàu này có du thuyền chạy vòng quanh vịnh hay sang Alcatraz với giá vé 15 USD/người.
Thật ngạc nhiên, ở phía tay phải của vịnh biển, chúng tôi thấy có hai chiếc tàu chiến, trong đó có một chiếc là tàu ngầm còn neo đậu ở đây. Một chiếc có ghi hàng chữ USS Pampanito. Hai chiếc tàu này trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa binh sĩ Mỹ tham chiến tại mặt trận Thái Bình Dương. Nó được neo đậu ở đây như một chứng tích của lịch sử.
Từ Fisherman’s Wharf đi bộ một đoạn ngắn về hướng mặt trời mọc là đến Cầu Tàu 39. Ở khu vực này tấp nập du khách đang đứng xem hàng trăm hải cẩu đùa nghịch. Những con hải cẩu béo phục phịch, đủ loại lớn nhỏ, kêu eng éc. “Nhà” của chúng là những tấm phao gỗ lớn bồng bềnh trên biển. Chúng nằm phơi nắng, giành ăn loạn xạ. Trên trời, từng đàn hải âu phụ họa chiêm chiếp giành mồi.
Ở đây, xuất hiện những kiểu ăn xin rất quái lạ. Du khách đang nhởn nhơ dạo chơi, bỗng giật mình la toáng vì một bóng ma đen sì, nhe hàm răng trắng nhởn, đội đất chui lên từ một lùm cây bên đường. Người bạn đi cùng cư ngụ ở đây cho biết đó là cách giúp khách giảm stress kiểu Mỹ! Anh chàng da đen tha đâu về lùm canh xanh cao chừng mét rưỡi, nấp trong đó, chờ khách đi qua hù chơi để kiếm tiền.
- Xem thêm: 15 thành phố lâu đời nhất nước Mỹ
Ai cũng giật bắn người, chợt hiểu ra, cười nắc nẻ rồi móc ví gửi lại mấy đồng lẻ. Tuy nhiên cũng có những cách kiếm tiền rất văn hóa của các nghệ sĩ đường phố đến từ khắp nước Mỹ và cả vùng Caribê, Jamaica, Puerto Rico…, họ ca hát tưng bừng, nhộn nhịp. Những nhân tượng cho khách chụp hình rồi bất ngờ cựa quậy làm khách hú vía, rú lên cười ngặt nghẽo và móc ví thưởng cho… tượng!
Đi dọc ven bờ vài trăm mét là đến chiếc cầu Golden Gate, chiếc cầu như là biểu tượng của San Francisco. Cầu treo này nối giữa San Francisco và Martin Country ở phía Bắc, được khánh thành vào năm 1937 sau hơn 7 năm xây dựng. Đây là cây cầu treo lớn nhất thế giới thời đó. Được thiết kế với màu đỏ và vàng đậm, cầu nổi bật mọi lúc, ngay cả trong thời tiết sương mù dày đặc.
Ra khỏi bến thuyền, chúng tôi đi theo trục đường chính có tên là Market Street. Con đường san sát cửa hàng thời trang dành cho đủ mọi lứa tuổi. Người bạn đưa đến một trạm xe điện để mua vé đến Khu phố người Hoa. Xe điện có hình dáng như một khối chữ nhật nằm ngang trang trí nhiều màu sắc. Những chiếc xe này được gọi là “xe điện cáp ngầm” (cable car).
Đây là hệ thống tàu điện cuối cùng còn sót lại trên thế giới, hiện nay chủ yếu để phục vụ du khách như một cách giới thiệu một phương tiện giao thông có từ cuối thế kỷ XIX. Giá vé là 7 USD/người. Xe chạy chưa đến 20 phút là đến một khu phố trông khá gần gũi, tương tự như khu chợ 13 ở Paris mà chúng tôi đã có dịp ghi lại trong một ký sự trước. Khu phố người Hoa này được thành lập từ rất sớm.
Sau Chiến tranh Nha phiến, chính quyền Trung Hoa mở cửa giao thương với các nước phương Tây, ban đầu rất đông người Trung Hoa sang vùng đất mới làm ăn, đa số tham gia làm đường tàu; tiếp đến là cả làn sóng ngời sang đây để khai thác vàng trong những năm 1848-1851, tạo nên những cơn sốt vàng tại Mỹ vào giữa thế kỷ XIX. Các dãy phố đều trang trí bằng hai màu đỏ – vàng chủ đạo với kiến trúc thể hiện tính cách của những người Hoa tha hương. Có những khu vực trông như một góc của chợ Bến Thành; nhiều hàng quán và cửa hàng thuần Việt với đủ các món ăn của cả 3 miền…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: San Francisco là thành phố có mật độ dân số chỉ sau New York. Thành phố này còn nổi tiếng vì có rất đông người đồng tính đến sinh sống. Có thể nói San Francisco là một trong những thành phố đa dạng văn hóa nhất ở bờ Tây của nước Mỹ. Ở đây từng diễn ra các sự kiện văn hóa nổi tiếng nhất cả nước suốt thập niên 1960 và là cảm hứng của nhiều nhà văn nổi tiếng như Mark Twain, Jack London.
San Francisco cũng được biết đến vì có nhiều viện bảo tàng nổi tiếng như San Francisco Museum of Modern Art thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Nhưng quan trọng hơn cả, San Francisco đã cung cấp rất nhiều lựa chọn giải trí cho những người sinh sống hay đến thăm thú thành phố này. Tại đây có các đội bóng thành danh bao gồm San Francisco Giants và Golden State Warriors (bóng rổ), San Francisco 49ers (bóng bầu dục)…
- Xem thêm: Bốn cung đường hấp dẫn nhất nước Mỹ
San Francisco cũng có những thể loại nhạc sống. Một số nhạc sĩ nổi tiếng nhất thế giới có tour diễn tại đây mỗi năm, bao gồm The Fillmore và The Independent. Đặc biệt, thành phố có nhiều rạp hát rất nổi tiếng như San Francisco Theater, American Conservatory Theater… Có thể nói San Francisco có thể thỏa mãn tất cả những nhu cầu giải trí dành cho tất cả mọi người..