Việc VN-Index khá chật vật, loay hoay với ngưỡng 500 điểm cho thấy thị trường đang mong mỏi những diễn biến “mới lạ”.
Phiên giao dịch cuối tuần, ngày 9-8, VN-Index đã một lần nữa khỏa lấp ngưỡng 500 điểm vào những phút cuối. Nhưng chính sự vội vã của chỉ số này khiến cho nhà đầu tư không cảm thấy thoải mái và thiếu tin tưởng. Diễn biến này càng cho thấy rõ hơn việc tâm lý thị trường đang thiếu một điểm tựa. Nếu không nhờ biến động tăng khá mạnh trong đợt khớp lệnh đóng cửa chiều 9-8 thì VN-Index khó duy trì lại được mức trên 500 điểm khi mà diễn biến chính suốt phiên là giảm điểm. Trong khi VN-Index thể hiện sự nỗ lực đẩy giá thì HNX-Index đã không thể “cãi” khi đóng cửa trong sắc đỏ.
Trong tuần, khối ngoại vẫn tiếp tục giữ trạng thái bán ròng. Đà bán của khối ngoại được nối tiếp từ tháng 7 sang tháng 8, tuy nhiên cường độ bán cũng đã giảm. Đáng chú ý, khi thị trường nỗ lực để hồi phục thì khối tự doanh công ty chứng khoán đã tranh thủ chốt lời sau đợt thu gom nhiều cổ phiếu blue-chip giảm điểm trước đó. Khối tự doanh đã tập trung xả hàng ở các mã blue-chip có thị giá cao, trong khi lại đẩy mạnh thu gom vào các mã có thị giá thấp hơn. Điển hình nhất là ba phiên giao dịch cuối tuần, khối tự doanh mua ròng về mặt khối lượng nhưng lại bán ròng về mặt giá trị.
Sau mùa công bố lợi nhuận, các tin tức vĩ mô sẽ được chú ý trở lại. Tuy nhiên, sự trống vắng thông tin lại càng thể hiện rõ bởi kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi chậm với những vấn đề tồn đọng đang trong quá trình được giải quyết, tháo gỡ. Lúc này, ngay cả diễn biến giảm điểm của các chỉ số chính cũng không phải là điều đáng ngại. Thị trường đang trong giai đoạn “cần lắm” những diễn biến mới, một “ly cà phê” để tâm lý thị trường linh hoạt trở lại.
Tại báo cáo chiến lược đầu tư mới nhất, dựa trên phân tích về các yếu tố kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, cán cân thương mại, tỷ giá, diễn biến giá vàng…, Công ty chứng khoán VDSC đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong tháng 8. Kịch bản thứ nhất là khả năng thị trường có thể giằng co với thanh khoản thấp với vùng biến động kỳ vọng của VN-Index nằm trong khoảng từ 480-510 điểm. Kịch bản thứ hai là khả năng VN-Index có thể giảm thêm một đoạn nữa về vùng 465-470 điểm do yếu tố thanh khoản không hỗ trợ và giá cần giảm về vùng thấp hơn để kích thích sự tham gia của nhà đầu tư.
Dù trạng thái thị trường hiện đang khá mỏi mệt nhưng việc lựa chọn cổ phiếu mục tiêu là việc cần cân nhắc trong thời gian tới bởi dẫu sao cũng không thể bỏ qua mùa vụ cuối năm. Theo đánh giá của Phòng phân tích Công ty chứng khoán VCBS, thị trường đã tăng điểm tốt trong hai tháng đầu quý II, sự điều chỉnh và tích lũy là cần thiết trước khi tăng trở lại. Dòng tiền được kỳ vọng sẽ có sự phân hóa, mức tăng điểm sẽ không đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu. Các nhóm ngành nổi bật trong giai đoạn sáu tháng cuối năm vẫn sẽ là các nhóm ngành đặc thù, nhận được nhiều sựưu ái từ chính sách như dầu khí, hóa chất, xây dựng cơ bản, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm – những ngành ít chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế. Thị trường hiện tại thích hợp với đầu tư trung và dài hạn với mục tiêu là các mã có cơ bản vững chắc và triển vọng sáng. Quá trình tích lũy và giằng co trong ngắn hạn của thị trường sẽ mở ra cơ hội tốt cho các nhà đầu tư mua dần các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc và triển vọng sáng, nhất là những mã đầu ngành và đã được chiết khấu giá ở mức hợp lý. Theo VCBS, các nhóm ngành nên lưu ý có thể kể đến như dầu khí hóa chất, xây dựng cơ bản, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm và cao su săm lốp…
Còn ở thời điểm hiện tại, những thông tin gây lo lắng như mưa bão và vụ việc sữa New Zealand bị nhiễm khuẩn lại là cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực sản xuất thực phẩm thiết yếu và ngành sữa. “Sóng gió” có thể nổi lên ở các nhóm ngành này, đặc biệt là các cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất sữa, ngành vốn đã luôn có sức hấp dẫn.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 12-8, VN-Index lại mất điểm và tạm rời mốc 500 điểm. Chốt phiên chỉ số này dừng ở 499,46 điểm. Toàn phiên có 31,9 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị 913,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong đó, số lượng cổ phiếu thỏa thuận là hơn 6 triệu đơn vị với giá trị 444,77 tỉ đồng. Thị trường giao dịch uể oải. Lực mua thực sự yếu ớt cho dù áp lực bán không lớn. Vài cổ phiếu tăng trần thì hoặc là lực mua quá yếu, khối lượng giao dịch thấp hoặc là thị giá đang ở mức cực thấp.
Song Hà