Chuẩn bị tâm lý với kịch bản xấu nhất trước khi tiếp nhận “liệu trình” đối tác công – tư (PPP) có lẽ cũng không thừa.
Ưu điểm của loại hình này là giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách trong ngắn hạn, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia có ngân sách eo hẹp trong khi có nhu cầu rất lớn về phát triển hạ tầng.
Chile là một tình huống điển hình mà Ngân hàng Thế giới biểu dương. Bản báo cáo công bố năm 2008 nhìn lại 21 dự án PPP có tổng đầu tư 5 tỉ USD trong giai đoạn 1993-2001. Để giảm rủi ro cho khu vực tư nhân và đo lường phản ứng của thị trường, chính quyền Chile được xem là khá thận trọng khi tổ chức đấu thầu dự án theo quy mô từ nhỏ đến lớn, thu hút 27 liên danh và 40 nhà đầu tư trong, ngoài nước đến từ 10 quốc gia. Quy trình đấu thầu minh bạch và cạnh tranh, khuyến khích mức doanh thu tối thiểu đối với từng dự án.
“Hưng cảm” PPP với Chile nhưng cũng đừng quên nhiều quốc gia thất bại. Nhìn lại cơn “trầm cảm” Mexico sau khi đổ vỡ chương trình đường thu phí. Cuối năm 1995, Chính phủ nước này phải thu hồi 23/52 dự án PPP được cấp phép, thanh toán khoản nợ 7,6 tỉ USD cho các ngân hàng và công ty xây dựng. Chỉ có 5 dự án thành công, tương ứng tỷ lệ chưa đến 10%.
Nhiều nguyên nhân cộng hưởng rút ra từ thất bại. Một là chi phí xây dựng phát sinh tăng khoảng 25%, doanh thu thấp hơn 30% so với dự báo. Hai là điều kiện ràng buộc để thắng thầu là thời hạn nhượng quyền quá ngắn (15 năm), khiến phí đường bộ đẩy lên 8,5 lần, thu 0,17USD/km từ mức 0,02USD khi lập dự án. Ba là đường nhượng quyền xây dựng song song với đường không thu phí. Bốn là tác động từ việc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng năm 1994. Ổn định vĩ mô cũng là một trọng số, góp phần quyết định dòng vốn tư nhân chảy vào PPP.
Thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của các dự án PPP.
Nhìn sang Thái Lan. Dự án đường thu phí Don Muang khởi công năm 1989 có tổng đầu tư 489 triệu USD, thời hạn nhượng quyền 25 năm, vỡ trận do Chính phủ không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Việc không giải tỏa đường miễn phí trên cùng tuyến khiến lưu lượng xe qua đường thu phí giảm, doanh thu không đạt như dự kiến, nhà đầu tư ngụp lặn trong nợ nần. Chính phủ buộc can thiệp bằng cách tăng phí đáng kể và tiếp nhận những khoản nợ phát sinh trong thời gian nhà đầu tư thực hiện dự án.
Bi kịch Don Muang ít nhiều có điểm tương đồng với dự án BOT cầu Phú Mỹ. Được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao giữa UBND TP.HCM và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC), cây cầu dây văng dài 2,4 km, rộng 4 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2 và quận 7. Khởi công tháng 2.2007, đến tháng 4.2010, dự án chính thức đưa vào khai thác. Tháng 9.2011, PMC ra văn bản hoàn trả dự án cho thành phố. Lý do là thành phố không thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng gồm phân luồng giao thông để ưu tiên cho xe qua cầu Phú Mỹ và chậm trễ hoàn thiện đường vành đai 2 kết nối vào cây cầu này, làm giảm lưu lượng.
- Xem thêm: Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP -Bài 2: Hướng tới tư duy bình đẳng trong hợp đồng
Thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của các dự án PPP. “Cơ địa” không phù hợp có thể khiến biệt dược thành độc dược, tàn phá nền kinh tế trong dài hạn. Lúc ấy, kinh nghiệm, như câu nói của ai đó, có khi chỉ như chiếc lược dành cho những cái đầu hói.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập:
Cần xây dựng trung tâm PPP “phi” hành chính
Tôi đề xuất thành lập Trung tâm PPP theo mô hình các nước và khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới. Lưu ý rằng cơ chế đầu tư PPP mới được hình thành trên thế giới từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Theo đó, ý thức được tính mới, tính phức tạp của phương thức đầu tư này xét từ các góc độ pháp lý, chính trị, kinh tế và xã hội, hầu như ở tất cả các quốc gia lựa chọn PPP (khoảng 67 nước) đều chủ động thành lập các cơ quan chuyên trách được gọi là Trung tâm PPP hoặc dưới tên khác với cùng chức năng hỗ trợ Chính phủ trong việc lập và thực thi chính sách về PPP.
Các trung tâm này không phải là cơ quan hành chính có thẩm quyền quyết định mà thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và tư vấn về chính sách và pháp luật liên quan đến PPP, cũng như lưu trữ và công bố thông tin về các dự án PPP, hỗ trợ thẩm định các dự án, hỗ trợ đàm phán và xử lý các tranh chấp về PPP. Tóm lại, đó là cơ quan chuyên môn, nơi tập trung trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm có liên quan.
Trong điều kiện của Việt Nam, một khi nhu cầu triển khai các dự án PPP còn khá lớn trong tương lai, để nâng cao và bảo đảm chất lượng đồng đều và thống nhất cho các dự án PPP trong cả nước, tôi đề xuất thành lập thí điểm cơ quan/tổ chức này, đặt dưới quyền của Chính phủ theo mô hình của nhiều nước.
(*) Trong bài có sử dụng một số tư liệu trong bài viết mà tác giả đã công bố năm 2014.