Đến thành phố hấp dẫn bậc nhất của Nhật Bản, nơi mỗi năm đón khoảng 50 triệu lượt khách du lịch (gấp 34 lần dân số), nơi sở hữu tới ba cụm di sản văn hóa thế giới UNESCO cùng 211 di sản văn hóa quốc gia (chiếm gần 20% số di tích quốc gia của cả Nhật Bản), nhớ gì không nhớ, lại nhớ người lái xe buýt, thật là…
Lần nào tới đây, dù là ghé qua hay ở lại dăm ba ngày, thì người mà tôi hay gặp nhất ở Kyoto chính là bác, bác lái xe buýt ạ.
Đi bộ thì chịu rồi, Kyoto không phải một thành phố nhỏ để có thể khám phá bằng cuốc bộ. Kyoto có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại chả thua kém Tokyo. Nhưng thăm thú Kyoto với tôi thì buýt là tiện nhất, với những tuyến xe mang tên điểm đến luôn, chả phải tra kiếm gì phức tạp. Bến buýt ở ngay cửa trước nhà ga trung tâm Kyoto, các chuyến liên tục khởi hành, trông đúng như thoi đưa, vé đi trong ngày 500 yen (khoảng 100 ngàn đồng), còn nếu đi lẻ thì 210 yen, rẻ hơn đi tàu điện nhiều.
Đi tàu điện ngầm thì chỉ hành khách nhìn thấy nhau, mà nhiều khi cũng chả buồn nhìn, lên tàu rồi người ngủ gà ngủ vịt người cắm mặt vào sách hay nhoay nhoáy cái điện thoại. Đi xe buýt thì kiểu gì cũng gặp bác lái xe, để chắc không bị lố ga, lên xe nói với bác ấy điểm cần đến, là khi xe gần tới, bác ấy sẽ ngoắc mình xuống, trước khi xuống thì nhớ chìa cái vé ngày, hoặc nếu đi lẻ thì cho xu vào hộp.
Lái xe buýt ở Nhật kiêm cả bán vé và soát vé chứ không như buýt Hà Nội hay TP.HCM bên cạnh lái xe còn thêm lơ. Và ở Kyoto, bác tài còn kiêm phát thanh viên, người nào cũng đeo một cái micro nhỏ. Khách lên xe, bác chào; khách xuống xe, bác cám ơn; đường đông quá bác thông báo; gặp đoạn đường xấu, có ổ gà, bác cũng thông báo luôn, lại còn xuýt xoa bày tỏ cảm xúc.
Hồi đầu lên xe, tôi lấy thế làm ngạc nhiên lắm. Cứ thắc mắc, nước Nhật tự động hóa hàng đầu thế giới, sao không cài đặt hệ thống thông tin tự động trên xe mà lại bắt bác tài thêm việc? Nhưng rồi tôi nhận ra điều kỳ diệu lớn lao trong cái micro nhỏ bé của bác lái xe buýt ở Kyoto…
Thử tưởng tượng, người lái xe ngày lao động 8 tiếng không khác gì một cái máy sau tay lái, không trò chuyện, không nói tiếng người…
Thử tưởng tượng, những hành khách đi buýt với lộ trình cài đặt sẵn, với những thông báo cài đặt sẵn, chỉ có thông tin, còn thì hoàn toàn vô cảm… Mà không chỉ buýt đâu. Ở đất nước chế tạo ra rô bốt đầu tiên trên thế giới này, máy móc vẫn không thay thế cho con người.
Trên sân ga từ tàu nhanh shinkansen, tàu thường hay tàu điện ngầm, ở Nhật, sẽ luôn thấy các nhân viên nhà ga làm việc tích cực khi tàu đến, khi tàu đi – họ ngó ngược xuôi xem mọi thứ ổn chưa, phất cờ, lúc ấy tàu mới chạy. Vậy mà hay một cái, không chỉ tàu (có đường đi riêng) mà buýt ở Nhật (chạy chung đường với các phương tiện giao thông khác) đố thấy sai giờ, chuẩn từng phút.
Mạng lưới buýt ở Kyoto khá phức tạp với khách nước ngoài. Ngoài số xe, bạn còn phải nhớ hướng. Một lần tôi lên xe đúng số, nhưng sai hướng. Vì vậy đi khá lâu thấy ngờ ngợ, bèn lên phía trước hỏi. Bác tài bảo tôi lên nhầm xe rồi, cũng số này nhưng là xe khác, song cứ yên tâm ngồi đó, tí nữa xuống bến, sẽ đổi sang xe cùng số, hướng ngược lại. Đến bến đổi xe, bác xuống xe đưa chúng tôi đến đúng xe cần lên, trao đổi với bác tài bên ấy (dĩ nhiên là tiếng Nhật), chắc bảo ý giải thích chuyện chúng tôi lên nhầm xe. Và bất ngờ nữa, bác ấy còn không cho chúng tôi trả tiền chuyến đi nhầm!
Một dạo đọc báo thấy kể về một chuyến tàu ở Nhật chỉ duy trì để chở duy nhất một nữ sinh từ nhà tới trường và ngược lại, ngày cô ấy tốt nghiệp cũng là ngày chuyến tàu này ngưng hoạt động – một số người đọc bán tín bán nghi. Nhưng nếu bạn đã từng đi tàu, đi buýt ở Nhật thì bạn sẽ tin điều ấy là sự thật.