Trong khi toàn cầu có hơn 270.000 người chết vì COVID-19, nhiều nền kinh tế đang chật vật gượng dậy sau đại dịch với tỉ lệ thất nghiệp tăng ở mức chưa từng có. Việt Nam 23 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo cập nhật của trang worldometers.info, tính tới 6h hôm nay 9-5 giờ Việt Nam, toàn cầu có hơn 4 triệu người nhiễm virus corona chủng mới, hơn 275.000 ca tử vong và 1,3 triệu ca hồi phục.
Mỹ vẫn đang là nước có số người chết cao nhất với hơn 78.000 trường hợp. Anh đứng thứ 2 với hơn 31.000 người, kế đó là Ý, Tây Ban Nha và Pháp.
Việt Nam 0 ca mới, thêm 23 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong 12 giờ qua Việt Nam không có ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm cả nước vẫn là 288, trong đó 148 ca nhiễm nhập cảnh.
Tính đến 6h ngày 9-5, đã 23 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong ngày 8-5, Việt Nam có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và ra viện. Tổng số ca khỏi bệnh hiện là 241, chiếm 84% tổng số bệnh nhân.
Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên 14,7%, Canada 13%
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho biết các lệnh giãn cách, phong tỏa phòng dịch COVID-19 đã xóa sổ 20,5 triệu việc làm ở Mỹ trong tháng 4.
Điều này cũng có nghĩa đại dịch đã làm biến mất gần như toàn bộ số việc làm đã được tạo ra trong thập kỷ trước và đẩy tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ từ 4,4% trong tháng 3 lên 14,7% trong tháng 4.
Tại Canada, nước láng giềng của Mỹ, cũng có khoảng 3 triệu người mất việc trong 2 tháng qua, nâng tỉ lệ thất nghiệp của nước này lên 13%.
Nơi nới lỏng, nơi siết lại
Trong ngày 8-5 đã ghi nhận tín hiệu nới lỏng các biện pháp lòng dịch bệnh ở một số nơi. Tại Hong Kong, các phòng tập gym, quán bar, tiệm làm đẹp và rạp phim đã được mở lại.
Tại Iran, lần đầu tiên trong hơn hai tháng, các buổi lễ cầu nguyện ngày 8-5 đã được tổ chức tại nhiều tỉnh nhưng chưa được tại thủ đô Tehran.
Chính quyền Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ thăm Israel. Như vậy ông Pompeo trở thành một trong những chính khách cao cấp đầu tiên nối lại hoạt động công du quốc tế sau dịch.
Dù vậy tại Đức, chỉ vài ngay sau khi công bố kế hoạch mở cửa dần nền kinh tế, chính quyền một số địa phương cho biết sẽ áp đặt lại những biện pháp phong tỏa sau khi xuất hiện ổ dịch mới.
Chính phủ Anh cảnh báo sẽ không có những thay đổi đáng kể nào trong lệnh phong tỏa toàn quốc trong tuần tới khi số người chết vì COVID-19 của nước này đã vượt qua 31.000.
Ngày thứ 6 liên tiếp Nga tăng hơn 10.000 ca bệnh trong 24 giờ
Nga đang nổi lên như một điểm nóng mới của đại dịch khi ngày 8-5 nước này ghi nhận hơn 10.000 ca bệnh COVID-19 mới. Đây cũng là ngày thứ 6 số ca bệnh tăng thêm theo ngày ở Nga ở mức hơn 10.000 ca.
Theo AFP, thống kê của chính phủ Nga cho biết nước này tăng thêm 10.669 ca bệnh trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh đã xác định của Nga lên 187.859 ca. Cũng đã có thêm 98 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 1.723.
Mặc dù một số quan chức Nga đang xem xét việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch hiện nay song WHO cảnh báo Nga đang trải qua tình huống “dịch bệnh bị trì hoãn”.
Bé trai 5 tuổi ở New York chết vì bệnh hiếm gặp liên quan COVID-19
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, ngày 8-5 thông báo về trường hợp một bé trai 5 tuổi ở New York đã chết vì chứng bệnh viêm hiếm gặp được cho là do COVID-19 gây ra.
Đã có 73 ca bệnh nhi được ghi nhận tại bang New York cho thấy trẻ bị bệnh nặng với các triệu chứng tương tự như bệnh Kawasaki và hội chứng sốc độc tố.
Bệnh Kawasaki là bệnh viêm mạch máu hệ thống cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tổn thương chủ yếu trên các mạch máu có kích thước trung bình và nhỏ mà quan trọng nhất là hệ mạch vành.
Tên bệnh được đặt theo tên bác sĩ Nhật Bản Kawasaki Tomisaku, người có công phát hiện bệnh này lần đầu vào năm 1961.
Cũng theo ông Cuomo, cơ quan y tế bang New York đang điều tra về căn bệnh này và khuyến cáo các phụ huynh cần phải đưa trẻ tới viện ngay nếu con họ bị sốt kéo dài hơn 5 ngày.
Các triệu chứng khác kèm theo gồm tiêu chảy hay nôn ói, khó thở, màu da nhạt hơn, đau ngực và lờ đờ, không tỉnh táo.
Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh là nơi đầu tiên tháng trước phát cảnh báo về căn bệnh hiếm gặp này ở trẻ em. Sau đó Pháp, Ý và Tây Ban Nha cũng thông báo ghi nhận nhiều ca bệnh tương tự.
Mặc dù mối liên hệ giữa bệnh này và virus corona chủng mới chưa được chính thức xác định, song các nhà khoa học tin rằng nó có thể có liên quan.
Brazil ghi nhận mức kỷ lục 751 người chết một ngày
Quốc gia bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất tại châu Mỹ La tinh ngày 8-5 thông báo đã ghi nhận số người chết theo ngày tăng lên mức kỷ lục với 751 người chết. Theo đó, tổng số người chết vì corona tại Brazil đã lên gần 10.000 người.
Với 10.222 ca mới tăng thêm trong 24 giờ qua, Brazil hiện có tổng cộng hơn 145.000 ca bệnh COVID-19. Ngay cả thế các chuyên gia vẫn cho rằng những số liệu này chưa phản ánh đúng thực trạng dịch bệnh ở Brazil.