Theo cập nhật của trang worldometers, đến tối 9-4 (giờ Việt Nam), số ca tử vong ở Tây Ban Nha đã vượt mốc 15.000, cao thứ hai thế giới chỉ sau Ý. Tại Nhật, số ca nhiễm vượt mốc 5.000 và chưa có dấu hiệu chậm lại.
Theo đó trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 446 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 15.238 (con số tính đến 20h30 ngày 9-4 giờ Việt Nam).
Số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 4.226 ca, lên 152.446 ca.
Ý ghi nhận thêm 610 ca tử vong vì COVID-19 hôm 9-4. Trong khi đó số ca nhiễm mới ở quốc gia châu Âu này là 4.204.
Cả hai số liệu này đều tăng so với một ngày trước đó. Hôm 8-4, Ý có 542 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này, trong khi số ca nhiễm mới “chỉ” là 3.836.
Hungary kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc vô thời hạn
Hungary sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc vô thời hạn để ngăn COVID-19 lây lan. Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 9-4 thông báo lệnh mới trên Facebook cá nhân, đồng thời yêu cầu người dân tuân thủ kể cả trong dịp lễ Phục Sinh.
Cho tới nay, Hungary đã ghi nhận 980 ca nhiễm và 66 trường hợp tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên chính phủ Hungary thừa nhận con số thực tế có thể cao hơn vì nước này đang tiến gần giai đoạn lây nhiễm hàng loạt.
Canada dự báo 1,9 triệu ca nhiễm, 22.000 ca tử vong vì COVID-19
Các quan chức y tế Canada cảnh báo số ca tử vong vì COVID-19 của nước này có thể lên đến 11.000-22.000 người vào cuối đợt đại dịch. Cụ thể, Canada dự báo sẽ có 500-700 người chết cho đến ngày 16-4. Số ca tử vong tại đây hiện nay là 435, cùng với 18.447 ca nhiễm.
Canada cũng cho biết họ có thể ghi nhận từ 934.000 đến 1,9 triệu ca nhiễm cho đến khi đại dịch kết thúc. Chính quyền địa phương trên toàn Canada đã cho ngừng tất cả hoạt động kinh doanh không thiết yếu nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan.
Tại Hà Lan, số ca nhiễm mới đã tăng thêm 1.213, lên tổng cộng 21.762 ca trong ngày 9-4. Bộ Y tế nước này cũng cho biết số trường hợp tử vong đã tăng 148, lên tổng cộng 2.396 ca.
Bộ Y tế Singapore cùng ngày ghi nhận 287 ca nhiễm mới, đây là lượt tăng trong ngày cao nhất của Singapore cho tới nay. Đến nay nước này đã có 1.910 ca nhiễm và 6 ca tử vong.
Phần Lan kéo dài các biện pháp chống dịch tới 13-5
Chính phủ Phần Lan ngày 9-4 xác nhận sẽ kéo dài đa số các biện pháp khống chế dịch COVID-19 thêm 1 tháng, tới 13-5.
Trước đó chính phủ Phần Lan cấm tụ tập trên 10 người nơi công cộng và đóng cửa dịch vụ công cộng, các nhà hàng chỉ được bán mang về.
Phần Lan hiện có 2.487 ca nhiễm và 40 trường hợp tử vong.
Gavi góp 29 triệu USD cho các nước nghèo
Gavi, liên minh toàn cầu phi lợi nhuận về vaccine, ngày 9-4 thông báo sẽ quyên góp 29 triệu USD vào hệ thống y tế của 13 quốc gia thu nhập thấp nhằm hỗ trợ các nước này chống dịch COVID-19.
Những nước sẽ được nhận trợ cấp gồm Myanmar, Cộng hòa Congo, Ethiopia, Malawi, Afghanistan, Sudan, Zimbabwe, Nam Sudan, Timor-Leste, Guinea-Bissau, Tajikistan, Bhutan và Liberia.
Khoảng 39% số trợ cấp ban đầu sẽ được chi cho trang thiết bị bảo hộ của nhân viên y tế. Phần còn lại sẽ được đầu tư vào hoạt động xét nghiệm và giám sát dịch bệnh, người phát ngôn Gavi, ông James Fulker, cho biết.
Iran có thêm 117 người chết, 1.634 ca nhiễm mới
Hãng tin AFP dẫn thông báo từ Bộ Y tế Iran hôm nay 9-4 cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 117 người chết, tổng số tử vong là 4.110 người.
Cùng với đó Iran cũng ghi nhận thêm 1.634 người nhiễm mới, nâng tổng số người bệnh COVID-19 của nước này lên 66.220.
Tây Ban Nha tăng thêm 683 người chết, hơn 5.700 người nhiễm
Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm nay 9-4 cho biết số người chết vì COVID-19 của nước này trong 24 giờ qua tăng thêm 683 người, từ 14.555 người ngày 8-4 lên 15.238 ngày 9-4. Như vậy số người bệnh chết theo ngày của Tây Ban Nha hôm nay 9-4 đã chậm lại sau 2 ngày tăng.
Trong khi đó số người nhiễm mới tăng thêm 5.756 người, từ 146.690 ca ngày 8-4 lên 152.446 ca ngày 9-4.
Indonesia tăng kỷ lục số ca nhiễm: 337 ca trong một ngày
Hôm nay 9-4 theo hãng tin Reuters, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm corona theo ngày tăng cao nhất, 337 ca, kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tháng trước. Như vậy tới nay nước này có tổng cộng 3.293 người bệnh.
Cùng với đó, nước này có thêm 40 người chết vì COVID-19, nâng tổng số người chết cả nước lên 280 người.
Tại Malaysia, thêm 109 ca nhiễm và 2 người chết được ghi nhận trong 24 giờ qua. Theo hãng tin Reuters, đến nay nước này có 4.228 ca nhiễm, cũng là nước có số ca nhiễm lớn nhất trong khu vực.
Ngoài ra Bộ Y tế Malaysia xác nhận có thêm 2 người chết, tổng số người bệnh COVID-19 chết của nước này tới nay là 67 người.
Các bộ trưởng ASEAN họp đặc biệt về COVID-19 ngày 14-4
Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay 9-4 cho biết các bộ trưởng Đông Nam Á sẽ tổ chức phiên họp trực tuyến đặc biệt về dịch bệnh COVID-19 ngày thứ ba tuần tới (14-4) để bàn giải pháp ứng phó đại dịch này.
Số ca bệnh ở Nhật vượt mốc 5.000
Tổng số người nhiễm virus corona chủng mới ở Nhật ngày 9-4 đã là 5.002 ca, chưa có dấu hiệu chậm lại bất kể việc Nhật đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 6 khu vực khác. Hãng tin Reuters dẫn số liệu về tình hình dịch bệnh tại Nhật do Đài NHK công bố hôm nay 9-4.
Theo đó, các ca bệnh mới được ghi nhận tại gần như mọi khu vực ở Nhật. Trong số đó, theo hãng tin Kyodo (Nhật) có ít nhất 5 cảnh sát tại Fujisawa, một thành phố ở ngay phía nam thủ đô Tokyo.
Philippines đã có hơn 4.000 ca nhiễm
Bộ Y tế Philippines hôm nay 9-4 cho biết nước này đã có thêm 206 ca bệnh mới và 21 người chết vì COVID-19.
Theo hãng tin Reuters, như vậy tới nay quốc gia Đông Nam Á này đã có 4.076 ca nhiễm, với 203 người tử vong và 124 người đã khỏi bệnh (tăng thêm 28 người).
Nga tăng số ca nhiễm mới kỷ lục theo ngày
Theo hãng tin Reuters, hôm nay 9-4 Nga ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao kỷ lục với 1.459 ca, nâng tổng số ca bệnh toàn quốc lên 10.131 người. Trong khi đó, số bệnh nhân COVID-19 chết ở Nga cũng tăng thêm 13, nâng tổng số người chết tới nay là 76 trường hợp.
Hơn 620.000 người đi phương tiện công cộng trong ngày đầu Vũ Hán dỡ phong tỏa
Theo Thời báo Hoàn Cầu, trong ngày đầu tiên dỡ phong tỏa tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 8-4, số người dùng các phương tiện giao thông công cộng tăng vượt mốc 620.000. Theo cơ quan giao thông Vũ Hán, trong ngày 8-4 đã có 346 xe buýt, 7 tuyến tàu điện ngầm và các dịch vụ taxi hoạt động trở lại.
Từ 0h 8-4 đến 17h cùng ngày đã có 624.300 hành khách đi phương tiện công cộng trong đó 184.000 khách đi xe buýt, 336.300 khách đi tàu điện ngầm và 104.000 khách đi taxi. Số khách ra vào Vũ Hán cũng tăng: 52.000 người rời Vũ Hán bằng tàu, máy bay và xe buýt, 31.000 người vào thành phố.
Thượng Hải sẽ mở cửa lại trường học vào ngày 27-4
Theo Hãng tin Reuters, người đứng đầu ủy ban giáo dục của thành phố Thượng Hải, ông Lu Jing, hôm nay 9-4 cho biết các trường học tại thành phố này sẽ mở lại một phần từ 27-4.
Theo ông Lu Jing, các lớp học cuối cấp ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được phép nối lại việc học từ 27-4. Trong khi đó, các trường sẽ chuẩn bị thêm để đưa các lớp học khác trở lại học bình thường trước ngày 6-5, thời gian cụ thể sẽ do từng trường công bố.
Chưa có dấu hiệu dịch bệnh tại châu Âu đã lên tới đỉnh điểm
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Âu (ECDC) cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan và cướp đi mạng sống của rất nhiều người tại khắp châu Âu, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch tại châu lục này đã lên tới đỉnh điểm.
Báo cáo công bố ngày 8/4 của ECDC nêu rõ số ca tử vong tại châu Âu cao hơn mức dự đoán ở các nước Bỉ, Pháp, Italy, Malta, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Anh, và chủ yếu rơi vào những người trên 65 tuổi.
ECDC đánh giá dù một số bằng chứng ban đầu từ Italy và Tây Ban Nha cho thấy số lượng người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 đang giảm nhưng “hiện giờ chưa thấy có chỉ dấu nào cho thấy bệnh dịch tại châu Âu đã lên tới đỉnh điểm”.
Giám đốc ECDC Andrea Ammon cho biết dựa trên các bằng chứng hiện có và tình hình hiện tại, “nguy cơ virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan là điều có thể xảy ra”. Bà cảnh báo hiện còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp ngăn ngừa lây lan, trong đó có giãn cách xã hội, dù các biện pháp này có thể gây gián đoạn hoạt động kinh tế và xã hội.
Giám đốc ECDC cũng kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phối hợp từng bước dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội qua đỉnh dịch nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo.
Cùng ngày, văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu nhấn mạnh rằng giờ chưa phải lúc để nới lỏng các biện pháp chống dịch. Theo giới chức y tế, hiện là lúc các nước châu Âu cần gia tăng nỗ lực tập thể trong phòng chống dịch bệnh.
Theo dõi biểu đồ báo cáo về số ca tử vong và số ca nhiễm của worldometers.info, châu Âu hiện là điểm nóng của dịch. Nhiều nước ở “Lục địa Già” liên tục ghi nhận các ca nhiễm mới ở mức 4 con số và tử vong ở mức 3 con số mỗi ngày. Hiện dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng hơn 60.000 người và khiến khoảng 700.000 người nhiễm bệnh tại châu Âu.
• Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa sau hạn chót ngày 15-4. Theo kế hoạch, ông Macron sẽ có bài thông điệp quốc gia tối 9-4 giờ địa phương để thông báo các biện pháp mới chống dịch.
Hàn Quốc tạm ngưng chính sách miễn visa với 90 nước từ 13-4
Theo hãng tin Yonhap, trong cuộc họp báo chung của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp hôm nay 9-4, chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ dừng các chương trình miễn visa (thị thực)với 90 quốc gia đang áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với công dân Hàn Quốc từ thứ hai tuần tới (13-4) để ngăn làn sóng lây lan dịch COVID-19 từ nước ngoài.
Bên cạnh việc dừng chương trình miễn thị thực, tất cả các visa có thời hạn 90 ngày đã được cấp trước ngày 5-4 năm nay cũng sẽ không còn hiệu lực. Tính tới hôm nay 9-4, Hàn Quốc có tổng số 10.423 ca bệnh, trong đó có 861 ca nhập khẩu.