Xin đừng nhầm lẫn các nữ triết gia tại châu Âu thế kỷ XVII mới là những phụ nữ đầu tiên bước vào thế giới phức tạp của triết học.
Ngay từ thuở sơ khai, suốt từ châu Á đến châu Phi, các nữ hiền nhân đã luôn song hành với các nam hiền triết và họ cũng chưa bao giờ kém cạnh trước các đối thủ lý luận khác giới. Chỉ là chế độ phụ hệ đã sớm lờ đi điều đó, giống như đã sớm lờ đi vai trò rường cột của nữ giới trong xã hội mẫu hệ một thời.
1. Vừa là vợ vừa là đối thủ
Trong Áo nghĩa thư Brihadaranyaka, kinh điển lý luận lâu đời nhất của Ấn Độ (thế kỷ IX-VI trước Công nguyên), ở chương 3 có ghi chép câu chuyện đấu trí giữa Gargi Vachaknavi, một nữ triết gia cổ đại, và Yajnavalkya, một trong những bậc thầy triết học đầu tiên của nhân loại. Song thú vị hơn cả là Vachaknavi vẫn chưa phải là nữ chân nhân đầu tiên.
Cũng trong Áo nghĩa thư Brihadaranyaka nhưng ở chương 2, Maitreyi, tên tuổi của một nữ hiền triết khác đã được nhắc đến. Người này cũng chính là vợ của Yajnavalkya, song lại thường được nhớ đến như là đối thủ triết học của ông nhiều hơn. “Nếu thiếp có được toàn bộ sự giàu có của thế giới này, thiếp sẽ bất tử chứ?”, chính câu hỏi ấy của Maitreyi đã khởi động đề tài “mối quan hệ giữa tri thức và chủ nghĩa vật chất”.
Suốt nhiều thế kỷ, các nam triết gia Ấn Độ liên tục đối đáp với các nữ hiền nhân (có khi cũng chính là vợ của họ). Adi Shankara (788-820), người thành lập trường phái Advaita Vedanta, đã luôn tranh luận với Mandana Mishra, một nam hiền triết nổi tiếng cũng thời. Nhưng người đứng ra làm “trọng tài” giữa họ lại là Ubhaya Bharati, vợ của Mishra. Đặc biệt hơn cả là Bharati đã tuyên bố Shankara là người chiến thắng. Tuy nhiên, “cho đến khi đánh bại được cả thiếp đây, các hạ không thể tự nhận là đã thắng phu quân của thiếp”, Bharati nói.
- Xem thêm: Cái gì vĩ đại nhất?
Shankara thoải mái đồng ý để Bharati thế chỗ của chồng bà. Họ đối đầu nhau trong suốt 17 ngày, mổ xẻ từ kinh Vệ Đà (Veda) đến các trường phái triết học khác nhau trên khắp đất nước Ấn Độ. Bharati không đánh bại được Shankara, nhưng bà lại khôn khéo lái sang chủ đề khác là tình yêu vì biết Shankara vẫn độc thân từ thuở niên thiếu đến lúc này. Shankara không từ chối, song ông đề nghị Bharati thư thả cho mình một tháng để tìm hiểu vấn đề cho được kỹ càng trước đã.
2. Những tên tuổi rạng danh sử sách
Tất nhiên, không phải mọi nữ hiền nhân đều là vợ của nam hiền triết và cũng không phải chỉ Ấn Độ mới có nữ triết gia. Dù vậy, đã nói đến triết học Ấn Độ thì cũng không nên bỏ lỡ nữ tư tưởng gia Akka Mahadevi (1130-1160). Quê hương của Mahadevi là Udutadi, Karnataka, Tây Nam Ấn Độ. Bà đặc biệt nổi bật vì đã có một tư duy cực kỳ cấp tiến trong thời đại phụ quyền: bình đẳng giới. Để đấu tranh cho lý tưởng của mình, Karnataka kịch liệt đương đầu với tất cả. Bà phản đối phân biệt giới tính, đẳng cấp, ngôn ngữ và cả quy định trang phục nữa.
Nếu nhìn vào cuộc sống của Karnataka, bạn sẽ thấy nữ triết gia này thật sự dám nói dám làm. Bà không hề phụ thuộc vào bất cứ một ai mà chọn lối sống tự cung tự cấp. Karnataka cũng chỉ sùng kính thần Shiva. Bà bất tuân mọi nguyên tắc từ trong kinh thư đến các khuôn mẫu tiêu chuẩn của dòng tộc, thể chế. Lúc còn trẻ, Karnataka kết hôn với lãnh chúa Kaushika, nhưng lại đề ra điều kiện ngủ riêng phòng, chỉ chung đụng khi nào mình đồng ý.
Khi đức phu quân cố tình phá vỡ giao ước, Karnataka liền lột sạch quần áo trên người, cứ thế đi bộ trên đường. Bà tiến thẳng tới Anubhava Mantapa, trung tâm thảo luận triết học đương thời, và đụng mặt nhà thơ, triết gia danh giá Allama Prabhu ở đó.
- Xem thêm: Người bị thời gian trói buộc
Prabhu không hiểu được tại sao Karnataka lại hành động như vậy nên cả hai cùng ngồi xuống tranh luận. Cuối cùng, Prabhu bị Karnataka thuyết phục. Đến mức, ông còn nổi giận mà quát lên rằng, “Loại phu quân đó đáng bị giết, chặt xác ra và đốt trụi trong bếp lửa”. Cũng sau “cuộc nổi dậy” đầy kịch tính này, Karnataka trở thành nữ hiền nhân được tôn kính rộng khắp.
Rời Ấn Độ và đến Trung Quốc, chúng ta lại càng thấy phụ nữ từng quan trọng với triết học Trung Hoa thuở sơ khai đến mức nào. Trong Đạo đức kinh vào thế kỷ VI trước Công nguyên, Lão Tử đã lập luận rằng một nước lớn cũng giống như một đàn bà khôn ngoan vậy. “Nữ tính luôn áp đảo nam tính bằng sự tĩnh lặng”, ông viết. Và nữ hiền nhân nổi bật nhất của họ, Ban Chiêu (45-116), cũng chính là người đã hoàn thành Hán thư, một tài liệu lịch sử về giai đoạn Tây Hán từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 25.
Về thực chất, Hán thư được bắt đầu viết bởi Ban Cố, anh của Ban Chiêu. Tuy nhiên, ông đã qua đời trước khi hoàn thành nó. Ngoài các ghi chép sự kiện lịch sử, Hán thư còn có nhiều bài luận dài về địa lý, văn học, tài chính… Đặc biệt, nó dành riêng một số trang cho con gái. Ban Chiêu hết sức để tâm tới vấn đề giáo dục bình đẳng, muốn cho các bé gái sự ăn học giống như các bé trai.
Tại khu vực Trung Đông, chúng ta có Rabi’a của Basra (714-801), một nữ triết gia đồng thời là thành viên sáng lập của Hồi giáo thần bí (Sufi giáo). Thuở nhỏ, Basra bị bán làm nô lệ. Tuy nhiên, bà đã vượt qua mọi khốn khó để trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng lớn.
Cũng trong khu vực Trung Đông, vào thế kỷ XVI, một nữ thi sĩ đồng thời là nữ triết gia tiếng tăm đã xuất hiện. Bà là A’ishah al-Ba’uniyyah, đến từ Damascus, Syria. Từ Syria, al-Ba’uniyyah tới Cairo học tập và nghiên cứu cùng nhiều học giả khác. Bà có đến hơn một tá các tác phẩm thơ và văn xuôi, chủ yếu bàn về sự ăn năn, chân thành, nhớ nhung và yêu thương.
Rời Trung Đông và tiến vào Lục địa Đen, bạn sẽ bắt gặp một nữ hiền nhân cực kỳ quan trọng là Nana Asma’u (1793-1864). Asma’u đến từ Sokoto Caliphate, Bắc Nigeria. Vì là con gái của một học giả yêu nữ quyền nên Asma’u sớm được cha cho ăn học từ nhỏ. Bà cũng thường xuyên cùng cha đàm đạo. Đến tuổi trưởng thành, Asma’u vừa trở thành một chính trị gia vừa sáng lập mạng lưới giáo dục Yan Taru (vẫn còn hoạt động).
Quay trở lại châu Á và ghé bán đảo Triều Tiên, chúng ta sẽ thấy được hiện thân cho sự tự hào của phụ nữ Chos#n, Im Yunjidang (1721-1793). Yunjidang cũng đặc biệt quan tâm vấn đề bình đẳng giới. Bà tự tin không hề thua kém các nam triết gia, khẳng định “hoàn toàn nghiêm túc trong mong muốn trở thành một hiền triết”.
3. Châu Âu cổ đại cũng có nữ triết gia
Dù châu Âu chính xác là nơi triết học phát triển rầm rộ nhất, đặc biệt là từ thế kỷ XVII trở, nhưng nó không phải là nơi khai sinh. Từ trước Công nguyên, Platon (427-347), triết gia Hy Lạp cổ đại được đánh giá cao nhất, đã thừa nhận triết học thật sự xuất phát từ Ai Cập, Chaldea, Ba Tư và Ấn Độ.
Trong tác phẩm của Diogenes La#rtius (180-240), một tác giả viết tiểu sử của Hy Lạp thời cổ đại, người ta cũng thấy có một chương về nữ hiền nhân Hipparchia (350-280).
Ngoài ra, còn cả 100 trang về các nữ triết gia cổ đại khác, trong đó có cả Julia Domna (160-217). La#rtius cũng rất thích thú với triết học Trung Quốc. Ông dành hẳn hơn 90 trang để bàn về Khổng Tử. Ngay cả trong thế kỷ XVII-XVIII, thời kỳ Khai sáng, nhiều triết gia châu Âu vẫn tự hào là đã tìm thấy nguồn cảm hứng từ triết học phương Đông. Thế nhưng sự tự hào ấy đã nhanh chóng bị quét khỏi trời Tây.
Bắt đầu từ thế kỷ XIX, châu Âu đã cố ý lờ đi những tên tuổi triết gia không phải người da trắng và là phụ nữ. Nhiều người thậm chí còn nỗ lực xóa luôn khởi nguồn của triết học, để tự cho nó là “con đẻ” của phương Tây tiến bộ. Người đầu tiên là Christoph Meiners (Anh), tác giả của History of the Origin, Progress and Decay of the Sciences in Greece and Rome (Nguồn gốc Lịch sử, Sự Tiến bộ và Suy thoái của các Môn Khoa học ở Hy Lạp và Rome, xuất bản năm 1781).
- Xem thêm: Quy luật của trời đất
Tiếp nối Meiners là Wilhelm Tennemann (Đức), người “tái định” lịch sử triết học bằng cuốn sách Geschichte der Philosophie (Lịch sử Triết học, xuất bản năm 1798). Đến G.W.F. Hegel (Đức), ông tuyên bố phải loại trừ tất cả các công trình học thuật phương Đông ra khỏi triết học, vì nó… “thiếu tư duy, triết lý”.
Ngày nay, sự kỳ thị đã được xóa bỏ. Cả triết học phương Đông lẫn tư tưởng triết lý từ các nữ hiền nhân thuở xưa đều được trân trọng. Nhưng một vấn đề mới lại nảy sinh. Đó là nếu triết học đã từng là thế giới của phụ nữ, vậy thì ngay bây giờ, các chị em có nên đòi lại nó?