Một số vùng da trên cơ thể thường bị mất nước, trở nên khô. Nhưng những vùng da đó lại là những biểu hiện rõ nhất về tuổi tác cao, cũng như tình trạng lão hóa của cơ thể. Khắc phục những dấu hiệu đó sẽ giúp cho cơ thể trở nên trẻ trung hơn.
Khô môi và cách chữa trị
Hiện tượng khô môi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do chịu tác động của nắng, gió, môi trường lạnh hoặc liếm môi thường xuyên, do ảnh hưởng của hóa chất từ son môi, chất xăm môi… và cũng có thể do di truyền.
Trong các loại son bóng có chứa hóa chất có tác dụng kích thích để mang lại vẻ đầy đặn cho đôi môi, nhưng một vài loại hóa chất có thể gây kích ứng môi, làm môi trở nên khô hơn như capxaxin (chất chiết xuất từ ớt), bạc hà và tinh dầu bạc hà hay phenol…
Những loại thức ăn cay và có chứa axit có thể khiến môi bị bỏng và dẫn đến hiện tượng môi trở nên khô hoặc sưng tấy. Người dễ bị dị ứng với các loại đậu nên thận trọng khi dùng các loại son môi có chứa hóa chất chiết xuất từ đậu như các loại bơ, đậu mỡ.
- Xem thêm: Chăm sóc da khô khi trời trở lạnh
Ngoài ra, uống thuốc để trị mụn có thể gây ra tình trạng khô môi. Các loại sản phẩm bôi trực tiếp, đặc biệt là thuốc trị mụn và sản phẩm chống lão hóa như các loại kem trị mụn benzoyl peroxide, hợp chất axit hữu cơ alpha-hydroxy hoặc là retinoid cũng có thể gây ra kích ứng khi tiếp xúc trực tiếp với vùng môi.
Cách khắc phục nhanh nhất tình trạng khô môi là thoa các loại sáp dưỡng hoặc sản phẩm chăm sóc môi được chiết xuất từ dầu thực vật hoặc dầu khoáng khác để làm mềm và chữa lành các vết tấy ở môi.
Nên lựa chọn các loại son môi hoặc son dưỡng môi có chứa chất chống nắng và hãy sử dụng chúng thường xuyên. Ngược lại, cần cảnh giác với các loại son bóng. Nếu đang có vấn đề về môi thì tốt nhất là tạm thời ngưng sử dụng son bóng cho đến khi môi trở lại trạng thái bình thường. Trường hợp cần sử dụng son bóng thì trước khi đánh son, nên thoa một lớp sáp dưỡng lên môi rồi mới bôi son bóng.
Loại bỏ những vùng da sần sùi, khô cằn
Khuỷu tay là vùng cơ thể da dễ bị bỏ quên khi chăm sóc da và chính nó bộc lộ tuổi tác của chủ nhân. Những vùng da như cổ, nách, khuỷu tay, gót chân mắt cá chân, đầu gối do thường không được chăm sóc kỹ bằng kem, cũng chẳng được massage nên dễ bị nhăn, xệ, chai cứng và thâm.
Nếu vùng da quá dày (do da chết bám lại thành tầng) thì cần phải sử dụng sản phẩm làm bạt sừng, bong vảy, sau đó liên tục sử dụng chất dưỡng da. Tốt nhất là thực hiện chăm sóc da toàn thân ngay từ khi còn trẻ, tránh tình trạng một số vùng da bị “lãng quên”. Khi đã trên 40 tuổi mới chăm sóc các vùng da này thì tình trạng đã trở nên trầm trọng, khó gồi phục được nét trẻ trung.
- Xem thêm: Da quá khô, làm sao để duy trì độ ẩm?
Đối với vùng da ở khuỷu tay thì tẩy trang là một trong những bước chăm sóc da quan trọng nhất, giúp cho những tế bào chết ở vùng khuỷu tay bị mất đi để tái tạo tế bào mới, giúp cho vùng da nơi đây mềm mại, mịn màng hơn.
Trước hết dùng nước ấm để ngâm hoặc rửa để làm mềm da. Sau đó, dùng loại kem tẩy trang theo đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm có gắn kèm, lưu ý không chọn loại kem có chứa chất cồn vì loại này khiến cho da dễ bị khô đi. Nên chọn loại kem có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin E, tinh dầu, dưỡng chất của lô hội… Trong trường hợp vùng da ở khuỷu tay quá khô, nên kiên trì thực hiện cách này vài lần mỗi ngày cho đến khi cảm nhận được da nơi đó đã mềm mại hơn.
- Xem thêm: Hiểu làn da hơn để ngăn chặn lão hóa
Sau khi đã tẩy trang, hãy bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho da. Muốn vùng da ở khuỷu tay trở nên mềm mại hơn, dùng một chút dầu ôliu, dầu quả hạnh hoặc dầu cây oải hương để thoa lên vùng da đó, tốt nhất là thoa ngay sau khi tắm vì lúc đó các lỗ chân lông nở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các dưỡng chất ngấm sâu vào bên trong. Massage nhẹ nhàng khuỷu tay trong khoảng 20-30 phút, sau đó rửa sạch lại.
Làm mềm mại gót và mắt cá chân
Để khắc phục tình trạng khô, nứt nẻ gót chân và mắt cá chân, có thể áp dụng các cách sau đây:
- Ngâm chân bằng nước ấm đều đặn mỗi ngày. Nên thực hiện trước khi đi ngủ để giúp máu lưu thông dễ dàng, tạo cảm giác thoải mái. Khi ngâm chân, dùng miếng bọt biển hoặc đá mài để loại bỏ đi những tế bào chết ở vùng gót chân và mắt cá chân, tạo cơ hội cho tế bào da chân mới phát triển. Sau khi ngâm chân xong, nên thoa kem dưỡng ẩm lên hai bàn chân để tăng cường độ ẩm cho chúng, hạn chế nguy cơ bàn chân bị khô nẻ. Có thể dùng dầu thực vật hydrogenated hay dung dịch một muỗng dầu vazeline trộn với một muỗng nước chanh để thoa vào vùng gót bị nứt nẻ.
- Nghiền nát trái chuối rồi đắp lên vùng gót chân hay ngâm chân trong dung dịch nước chanh trong khoảng mười phút, sau đó rửa lại chân cho sạch. Cách làm này không chỉ có hiệu quả trong biệc điều trị chứng nứt gót chân và mắt cá chân, mà còn là liệu pháp thư giãn rất tốt.