Không biết có phải vì hàng loạt sản phẩm công nghệ được khoác giao diện đen thẫm “dark mode” (chế độ tối) trong năm 2019 hay không mà bức tranh công nghệ của năm cuối cùng của thập niên 2010 cũng không có quá nhiều điểm sáng.
“Chế độ tối” trên website hay app sẽ thay màu trắng thành đen, và các mảng màu tươi sáng sẽ không còn nữa. Chữ trắng và nền đen sẽ trở thành chủ đạo. Trang darkmodelist.com đã tổng hợp được có 92 ứng dụng và dịch vụ phổ biến hiện đã có dark mode.
Có thể nói, với trào lưu dark mode, giới công nghệ năm nay đã “chìm vào bóng tối” theo nghĩa đen và cả một chút nào đó theo nghĩa bóng.
Dark mode lên ngôi
Làn sóng dark mode năm 2019 đã quét qua các tên tuổi như Apple, với hệ điều hành dành cho iPhone, iPad và máy Mac hiện đều đã có “chế độ tối”. Google dĩ nhiên cũng không đứng ngoài cuộc khi trang bị dark mode cho Android Q và các app Gmail, Chrome.
Danh sách các app cho phép người dùng chuyển sang “giao diện bóng đêm” còn có Twitter, Slack, Soundcloud và Microsoft Office (bản mobile)… Trừ mạng xã hội Facebook vẫn chưa có dark mode, các dịch vụ “chị em” với mạng xã hội này là WhatsApp, Messenger và Instagram đều đã có “chế độ tối”.
Chuyển từ các giao diện tươi sáng, rực rỡ sang tối tăm không phải để cho vui hay thêm phần cá tính. Dark mode được cho là hạn chế ánh sáng xanh có hại cho người dùng và tiết kiệm pin cho thiết bị. Việc “nhà nhà chuyển sang dark mode” dẫn đến tình trạng sản phẩm nào chưa có chế độ này sẽ lạc lõng, giống như nhà nhà đều “cúp điện” còn mỗi mình ta rọi thẳng đèn vào mắt người dùng!
Lẽ đương nhiên, dark mode dù đang là “phong trào” mới của năm 2019, nó cũng là chủ đề gây tranh cãi như mọi vấn đề khác trong giới công nghệ. Đã có tranh cãi xoay quanh việc nền đen chữ trắng sẽ gây nhức mắt, thậm chí chóng mặt cho người dùng. Điều thú vị tình cờ là dark mode lên ngôi vào năm mà bức tranh công nghệ cũng khá dark – tức nhiều mảng tối.
“Võ lâm ngũ bá” và phong trào phản kháng
Những cái tên lớn nhất trong giới công nghệ, nhất là nhóm “võ lâm ngũ bá” (Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft) tiếp tục trở thành trung tâm của phong trào phản kháng chống lại các ông lớn công nghệ (techlash) trong năm 2019.
Những gã khổng lồ công nghệ ngày càng trở thành các đế chế khổng lồ, sở hữu khối lượng thông tin vô tận về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người dùng, và chi phối gần như mọi hoạt động của con người chúng ta. Phong trào techlash xuất hiện trước những bê bối về thu thập thông tin người dùng, xử lý dữ liệu không đúng cách, tiếp tay cho thông tin sai của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Báo cáo xếp hạng nơi làm việc lý tưởng của Glassdoor hồi đầu tháng 12 là minh chứng rõ nhất cho xu hướng các gã khổng lồ công nghệ “mất điểm” không chỉ với người dùng mà còn với những người lẽ ra có thể sẽ trở thành nhân viên của họ. Facebook trượt 16 bậc xuống vị trí 23 trên bảng xếp hạng “100 nơi làm việc tốt nhất” của Glassdoor, trong khi Google tuột 3 hạng xuống thứ 11. Apple đứng hạng 84, Microsoft hạng 21 và Amazon thậm chí còn không nằm trong Top 100.
Facebook năm nay bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt 5 tỉ USD vì bê bối lộ thông tin người dùng trong vụ Cambridge Analytica “nổi tiếng” hồi năm 2016, và tiếp tục bị chỉ trích vì quảng cáo liên quan đến chính trị, còn YouTube (thuộc Google) vẫn bị lên án vì dung túng quảng cáo bẩn, tin tức giả.
Trong khi đó, Amazon bị cáo buộc chèn ép người bán bên thứ ba trên nền tảng thương mại điện tử của mình, còn Apple nói lời tạm biệt phù thủy thiết kế Jony Ive trong một năm mà hãng bị tố chèn ép đối thủ cạnh tranh, doanh số iPhone sụt giảm vì kém sáng tạo, các sự cố liên quan đến pin iPhone và Macbook Pro.
Những cú trượt chân và thất vọng
Xuất hiện trong nhiều danh sách “gây thất vọng” năm 2019 là Samsung với cú ra mắt thất bại điện thoại gập (foldable) Galaxy Fold hồi tháng 4. Sản phẩm mang màu sắc viễn tưởng – gấp mở để chuyển đổi qua lại giữa hình dạng máy tính bảng và smartphone, gặp vấn đề về màn hình và nhiều lỗi khác, khiến hãng sản xuất Hàn Quốc phải thu hồi các thiết bị đã gửi đến báo chí và các chuyên gia công nghệ để phân tích nguyên nhân hư hỏng.
Việc mở bán chính thức Galaxy Fold cũng phải dời đến tháng 9, và thật không may cho Samsung, lúc này người ta chỉ chăm chăm tìm hiểu sản phẩm có lỗi như hồi tháng 4 không, thay vì trải nghiệm các tính năng của nó.
Những “kỳ vọng lớn lao” nhưng rốt cuộc sụp đổ hoặc không thể cất cánh trong năm 2019 còn có Libra, đồng tiền mã hóa mà Facebook kỳ vọng tạo ra một đồng tiền toàn cầu và hạ tầng tài chính có thể mang lại lợi ích cho hàng tỉ người, chuyện “lên sàn” của Uber và cú ngã quỵ của WeWork, con kỳ lân startup tỉ đôla.
Facebook kỳ vọng với Libra, dự án do mạng xã hội này dẫn đầu với 28 đối tác khác, sẽ giúp không chỉ hơn 2 tỉ thành viên mạng xã hội này mà hàng tỉ người ở khắp nơi trên thế giới có thể thanh toán trực tuyến và giao dịch quốc tế dễ dàng, nhanh chóng và chi phí thấp, chỉ với một chiếc smartphone và kết nối Internet.
Thế nhưng, dự án ngay lập tức vấp phải hoài nghi và chỉ trích từ chính trị gia, các nhà quản lý về tính khả thi của nó, nhất là khi nó dựa trên nền tiền mã hóa (cryptocurrency), một công nghệ vốn cũng còn đầy vấn đề. Chẳng thế mà “ông chủ” Facebook Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về Libra, và chỉ 4 tháng sau khi công bố dự án, 1/4 trong số 28 thành viên sáng lập ban đầu đã rút lui, trong đó có những tên tuổi lớn liên quan đến thanh toán điện tử như PayPal, Visa và Mastercard.
Trong khi đó, Uber được định giá khoảng 120 tỉ USD trước khi bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nhưng cổ phiếu của hãng rớt gần 9% từ 45 USD/cổ phần xuống còn 41 USD ngay trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 10-5. Đến hết phiên giao dịch tuần trước (13-12), giá cổ phiếu Uber chỉ là 28,49 USD/cổ phần, tương ứng với giá trị công ty vào khoảng 48,6 tỉ USD.
Độ chênh lệch giữa giá trị kỳ vọng và thực tế của Uber chẳng là gì nếu so với WeWork, nền tảng cho thuê không gian làm việc chung vốn phải hủy kế hoạch IPO hồi tháng 9, sau khi các báo cáo thẩm định mới nhất cho thấy giá trị công ty chỉ vào khoảng 10 tỉ USD, trong khi nó từng được định giá 47 tỉ USD.
Adam Neumann, người đã xây dựng nên WeWork và giúp nó nhanh chóng trở thành kỳ lân (unicorn, startup được định giá trên 1 tỉ USD khi chưa niêm yết) với việc thu hút dòng tiền đầu tư khổng lồ, trong đó có 10 tỉ USD từ nhà đầu tư Masayoshi Son (CEO SoftBank), cũng từ chức giám đốc điều hành vì bị phanh phui hàng loạt bê bối liên quan đến cách hành xử trong quản trị doanh nghiệp.
Những điểm sáng
Những điểm tích cực hiếm hoi để nhắc về năm 2019 là sự tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ vẫn được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi ý nghĩa cho nhiều ngành nghề, trong đó có giao thông vận tải và y tế.
Theo báo cáo AI Index 2019, tổng lượng đầu tư của lĩnh vực tư nhân vào AI trong năm nay đạt hơn 70 tỉ USD. Hơn 10.000 công ty về AI đã được thành lập từ năm 2015, và các startup nghiên cứu AI trong năm 2019 đã nhận được 37 tỉ USD đầu tư.
Báo cáo của nhận định xe tự hành là một trong những ứng dụng rõ rệt và khả thi nhất của AI, với nhiều mẫu xe đã và đang được thử nghiệm trên khắp thế giới. Gần 10% tổng đầu tư vào AI toàn cầu trong năm qua được rót vào các dự án phát triển xe tự hành (7,7 tỉ USD), trong khi lĩnh vực y khoa và công nghệ nhận dạng gương mặt đều nhận được mức đầu tư là 4,7 tỉ USD.
Một điểm sáng khác là nỗ lực bền bỉ “kìm cương” các gã khổng lồ công nghệ Mỹ của Liên minh châu Âu (EU), mà vị tướng cầm trịch là Margrethe Vestager, cao ủy phụ trách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC). Trong 5 năm qua, nhóm của Vestager đã áp hàng loạt án phạt tỉ đô cho các hãng công nghệ Mỹ, như phạt Apple 14,5 tỉ USD vì trốn thuế ở Ireland hay phạt Google 9 tỉ USD vì một loạt vi phạm luật cạnh tranh.
Sự cứng rắn của Vestager đã khiến EC trao cho “khắc tinh của những gã khổng lồ công nghệ” thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa để tiếp tục đưa các công ty công nghệ vào khuôn khổ, điều mà thế giới đang mong rằng sẽ có nhiều nước noi theo “lá cờ đầu EU”.
Dữ liệu của chúng ta vẫn chưa an toàn
Những vụ đánh cắp dữ liệu liên quan đến hàng triệu, thậm chí chục triệu tài khoản đã trở thành một phần không thể thiếu trong các năm qua. Trong năm 2019, Hãng Norton thống kê thấy có khoảng 4,1 tỉ tệp dữ liệu đã bị đánh cắp trong hàng chục vụ việc riêng biệt. Một trong những vụ đánh cắp dữ liệu lớn nhất năm nay là khi thông tin của hơn 100 triệu người dùng ứng dụng thẻ tín dụng của Capital One lọt vào tay tin tặc.
Thông tin người dùng bị thu thập khi dùng smartphone, mạng xã hội, tìm kiếm trên internet không có gì mới. Một phát hiện chấn động, khiến người dùng thêm lo lắng cho quyền riêng tư của mình, trong năm 2019 là tất cả các thành viên của nhóm “võ lâm ngũ bá” đều lén ghi lại các hội thoại của người dùng với trợ lý ảo tương ứng của các hãng này, và thuê người nghe chúng để cải thiện chất lượng phần mềm AI của mình.
5G và năm khó khăn của Huawei
Những kỳ vọng về việc 5G, thế hệ mới nhất của mạng di động không dây với tốc độ kết nối vượt trội, chắp cánh cho các công nghệ mới của tương lai như robot, xe tự lái, rốt cuộc đã không diễn ra trong năm 2019. CNET đánh giá mặc dù 5G đã có mặt ở Mỹ và vài quốc gia, chúng vẫn chưa hoàn hảo với các bất cập chính như mức độ phủ sóng còn hẹp, giá cao và kén thiết bị.
Cuộc đua 5G đã được nhắc đến và những kỳ vọng về nó được chuyển sang năm 2020. Trong khi đó, điều đáng quan tâm về 5G trong năm 2019 là nó gắn với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
Bất chấp kêu gọi “tránh xa” Huawei của Mỹ với các cáo buộc (không kèm bằng chứng) liên quan đến việc hãng viễn thông Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia, Huawei vẫn giành được các hợp đồng phát triển hạ tầng 5G từ nhiều nước, gồm cả nước phát triển lẫn đang phát triển. Một ứng dụng Trung Quốc khác cũng “vào tầm ngắm” của Mỹ là TikTok, nền tảng chia sẻ video mà Washington cho là có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và thậm chí nghi ngờ gửi dữ liệu về Trung Quốc.