Hồi này đi đâu cũng nghe người ta bàn đến một loại hình kinh doanh du lịch hấp dẫn, gọi là homestay. Trong tiếng Anh thì có hai từ chỉ nhà ở là home và house, vậy sao không ai gọi là housestay nhỉ?
Cũng trong tự điển, chữ home ngoài nghĩa là nhà ở còn có nghĩa khác là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn, trong khi đó chữ house thì thuần túy chỉ là nhà ở mà thôi.
Nói về nhà ở thì có khác nhau giữa các vùng miền. Ở ĐBSCL, vùng thượng nguồn có mùa nước nổi, mỗi năm con nước có thể dâng cao hai ba mét, nên người dân thường cất nhà sàn; vùng nước ngập không sâu thì đắp nền và cất nhà kê táng, gọi là nhà kê.
Nhà nghèo thì cất nhà chôn chưn, dùng cây tạp có sẵn trong vườn như gòn, đủng đỉnh làm cột cái, tre hay tràm làm cột con, chôn sâu vào đất để gió bão không làm ngả nghiêng. Đặc biệt là cây gòn hay đủng đỉnh khi chôn vào đất ẩm còn ra rễ nên sống rất dai, giữ cho ngôi nhà chắc chắn.
Nhưng như vậy thì dù có ở vùng không ngập mà nếu thích thì mình cũng có thể cất nhà sàn để ở, chứ cần gì phải đến vùng ngập lụt để thưởng thức thú ở nhà sàn!
- Xem thêm: Nét duyên cho quê mới
Hóa ra chuyện người ta cất công đi xa hàng trăm cây số không phải để ở được cái nhà đó, mà đúng hơn là để thưởng thức những điều mới lạ của nơi đó, từ thiên nhiên đến sinh hoạt cộng đồng, để có thể hiểu về văn hóa của nơi mình đến thăm.
Để có được một chuyến đi tốt đẹp như vậy, đòi hỏi hai phía, khách và chủ, phải hiểu rõ mình cần gì và mình có gì. Ví như khách Sài Gòn muốn trải nghiệm mùa nước nổi vùng Đồng Tháp Mười thì nên cho khách ngủ trên những căn nhà sàn, để đêm nghe tiếng nước óc ách, cá quẩy đuôi đớp mồi chùn chụt dưới sàn nhà.
Nếu bữa cơm tối mà khách đòi ăn lươn xào sả ớt như thói quen ở Sài Gòn thì chủ nhà nhã nhặn giải thích, như: “Mùa này mà anh/chị chọn lươn thì thật là đúng bài, vì nước đương lên, lươn đủ mồi, nên xương mềm thịt béo. Nhưng dân cố cựu ở đây thường ăn lươn nướng trui xé phay trộn rau răm chấm cơm mẻ, món này nhậu với rượu nếp là hết chê nghen”.
Rồi chủ nhà có dịp giải thích cho khách biết là vùng này, mùa này, nước ngập sâu ba bốn mét, nên không thể nào trồng sả và ớt được. Việc bắt lươn cũng rất độc đáo, khi nước tràn đồng, người ta gom cỏ và lục bình trôi nổi, tạo thành những cái mô cỏ, bên trong có thể để chút mồi ốc hay cua.
- Xem thêm: “Làm mới” du lịch miền sông nước
Rồi khoảng tầm ba bốn giờ sáng, trời trở lạnh, lũ lươn rút vào trong các mô này, vừa ấm áp lại vừa có mồi ăn, nên chúng nấn ná ở lại không chịu đi. Vậy là người ta chỉ việc ngồi trên xuồng, dùng một cái rổ tre hay vợt lưới, xúc từ bên dưới các mô cỏ thì bắt được lươn dễ dàng. Như vậy, khách ngoài việc thưởng thức món ăn dân dã, họ còn hiểu thêm cách người dân sống cùng sinh thái vùng này.
Ngồi ngắm đồng nước bao la, hiểu được tôm cá, cỏ cây, con nước lên xuống theo mùa, chọn đúng món ăn dân dã và nghe chủ nhà chia sẻ kiến thức bản địa bằng giọng đặc sệt miền Nam, thì đây mới thật sự là cái “home” mà người ta muốn tìm và thưởng thức, cái home này không thể nào tìm thấy giữa đất Sài Gòn.
Cũng là món lươn đó, nhưng nếu khách đến miệt U Minh, Cà Mau lại khác. Nơi đây, người ta bắt lươn bằng cách đặt lờ hay đặt trúm. Lờ là dụng cụ đan bằng tre, giống như một cái trống, hai đầu để hai cái hom, lươn chui vào dễ dàng nhưng không chui ra được.
- Xem thêm: The Kadupul – Đóa quỳnh hương nở đêm
Trong khi trúm là khúc tre để nguyên, thông hết các mắt tre chỉ giữ lại mắt cuối cùng, miệng trúm cũng có cái hom. Thường thì đặt lờ hay trúm vào buổi chiều, sáng bét mắt mới đi dỡ. Khi đặt lờ phải lấy cỏ phủ bên trên để che bớt ánh sáng, vì lươn ở đây quen sống trong rừng tràm, ngại ánh sáng.
Lươn ở vùng này nhiều và mập nhứt là vào cuối mùa mưa. Cách chế biến cũng khác. Thường thì người ta cũng nướng trui nhưng lại chấm với mắm cá lóc chưng rắc tóp mỡ vàng lựng bên trên với tiêu đen giã dập. Đa phần là ăn với đọt choại còn búp chưa bung lá.
U Minh ngày trước các rừng tràm còn dây leo dày đặc, ban ngày cũng chỉ có ánh sáng mờ mờ. Vì vậy, ngồi ăn cơm trưa với món lươn nướng thì thỉnh thoảng cũng phải vỗ đùi cái chát, vừa đập muỗi vừa diễn tả cảm xúc “ngon không thể nói được”!
Tóm lại, để loại hình homestay thật sự thu hút khách, phải làm sao cho không có cái “home” nào giống với cái “home” nào, như vậy mới mong khách “stay” một vài ngày để khám phá và thưởng thức những điều mới lạ. Nếu không thì thay vì đi tìm các homestay, người ta sẽ chọn “stayhome” (ở nhà) cho khỏe chứ đi đâu xa làm gì cho cực!