Một ngày lạnh gió và mưa phùn, chúng tôi rời Đồng Văn. Cái ẩm ướt của sương núi và không khí ảm đạm của chập chùng những núi đá tai mèo khiến người lữ khách phải chùng lòng, có gì ở chốn cao nguyên ấy khiến bước chân rời đi không thể không quay về?
Con đường nối thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc ngày mùa đông dường như cô độc hơn. Lặng lẽ uốn mình trườn theo những sườn núi và biến mất trong đám sương mù của một khúc quanh lưng chừng trời. Chiếc xe vào cua, và chúng tôi bàng hoàng trước những sắc màu trên cao nguyên đá.
Một đám trẻ con người Mông từ những con đường tắt trên vách núi Pải Lủng (Mèo Vạc – Đồng Văn) ùa ra trên con đường mang tên Hạnh phúc.
Bọn nhóc đi thành từng tốp nhỏ, ba người, năm người. Con trai đi với con trai, con gái đi với con gái. Những đứa sàn sàn tuổi nhau đi với nhau.
Nhóm nào nhóm đó tung tăng nô đùa, dạo bước, chảy nhảy, bất chấp con đường đẫm nước, những mỏm đá tai mèo lạnh buốt, những lối mòn trắc trở vắt vẻo trên vách núi, lưng đèo.
Phần lớn đám con trai mặc bộ đồ truyền thống áo cài khuy chín nút hoa chè màu đen. Trên đầu, trên cổ quấn khăn bảy màu đặc trưng của Đồng Văn để ủ ấm.
Đám con gái thì sặc sỡ đến choáng ngợp bởi những bộ váy áo lấp lánh, nhiều màu. Dường như chiếc áo nào cũng là áo mới, khăn váy nào cũng là khăn váy mới, họa tiết hoa văn khá cầu kỳ và bắt mắt.
Các em xuất hiện trên con đường đi về Mã Pì Lèng hùng vĩ. Làm cho cao nguyên đá trở nên bừng sáng và ấm áp đến lạ lùng.
Nhóm dung dăng dung dẻ dắt tay nhau. Nhóm ngồi bên taluy đường bâng khuâng ngắm nhìn bạn bè tung tăng bay nhảy. Hoặc đơn giản là túm tụm vào nhau, nói cười rúc rích.
Đám con trai say mê với việc “đi tán gái”. Nếu thấy thích cô gái nào là tìm cách dang tay chặn lại trên đường đi. Tìm cách lấy bằng được khăn trùm đầu hoặc là vỗ tay vào lưng để thể hiện sự âu yếm. Cánh con gái e ấp chạy né tránh, mặt mũi bừng đỏ vì ngượng ngập trong khi mấy nhóc trai thích chí cười vang.
Từ Pải Lủng đi Lũng Phìn – Mèo Vạc, chúng tôi cứ đi và dừng, đi và dừng vì trẻ em người Mông đi chơi đông quá, đan xen vào nhau và tạo thành một bức tranh màu hoành tráng và ấn tượng đến bất ngờ.
Một vài du khách người Tây chạy xe máy qua cũng ngẩn ngơ trước “ngày hội trên đường” của đám trẻ.
Một du khách rút phong bao lì xì màu đỏ mừng tuổi năm mới khiến đám nhóc hân hoan và cười tươi hớn hở, dù chỉ là một chút quà nhỏ của người lữ khách đường xa.
Chúng tôi dừng lại khá lâu bên đám trẻ con đang chơi cầu lông gà ở Lũng Phìn, nơi có món rượu ngô nổi tiếng của cao nguyên đá.
Đám trẻ chơi cầu lông gà khá say mê, bằng những chiếc vợt đánh cầu tự tạo với tay cầm bằng gỗ và bản vợt cũng bằng gỗ hoặc nhựa cắt ra từ những chiếc thùng cũ hỏng.
- Xem thêm: Một thoáng Hà Giang…
Hai người một cặp, các cặp đứng chen chân trên đường, cứ vừa đánh cầu vừa di chuyển từ gần nhà lên góc quanh trên núi rồi lại lùi ngược về, bất chấp sương mù và giá lạnh.
Người lớn và trẻ con đứng vây xung quanh, cười nói, nô đùa. Mấy cậu bé thích thú với trò chơi đeo ngựa, cõng nhau chạy vòng quanh các bạn đang say trận đấu.
Những sắc màu cao nguyên đá bừng sáng và rộn ràng, những niềm vui hân hoan và mộc mạc. Những phút bình yên và hạnh phúc đến nao lòng nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc. Có phải vì thế mà năm nào tôi thấy mình cũng trở lại Hà Giang?