“Jo đã bỏ lỡ ba năm quần vợt lúc 19, 20 và 21 tuổi. Trong những năm đó, anh ta chỉ thi đấu năm tuần lễ mỗi năm (vì chấn thương). Theo tôi, Jo đang ở độ tuổi 24 hoặc 25 chứ không phải 28”, huấn luyện viên người Úc nói và tin rằng sẽ còn nhiều bất ngờ đến với tay vợt Pháp hạng 7 thế giới.
Tại Roland Garros vừa kết thúc, Jo-Wilfried Tsonga gác vợt ở bán kết trước David Ferrer (1-6, 6-7 (3), 2-6).Lối chơi bùng nổ của anh đã không “đè” được khả năng bao sân quá tốt trên sân đất nện của đối thủ lớn tuổi hơn. “Jo đã không bỏ lỡ trận đấu, mà chính chúng ta”, Yannick Noah khẳng định. Theo nhà vô địch giải 1983, người hâm mộ Pháp đã bỏ rơi gà nhà Tsonga vì họ đã no nê trong hơn bốn giờ xem trận bán kết Nadal – Djokovic trước đó. “Nhiều người đã đi vệ sinh khi Jo bắt đầu trận đấu. Khi họ quay lại chỗ ngồi, Jo đã bị dẫn 0-4”, Noah nói. Bình thường, Noah không phải lúc nào cũng dịu dàng với các tay vợt Pháp thế hệ hiện nay, thậm chí anh trách họ là thiếu tính chiến đấu và khả năng đi đến tận cùng tham vọng. Nhưng lần này, Noah không cho rằng Tsonga không chịu được sức ép nên thua trận, mà chủ yếu là anh thiếu sự ủng hộ của khán giả nhà. “Jo thi đấu ván đầu tiên như trên sân trung lập. Không ai có thể hình dung kịch bản như vậy với Murray tại Wimbledon hoặc Hewitt ở Australian Open. Jo đã không thua, mà tất cả chúng ta thua”.
Với lối chơi bùng nổ, Tsonga đặc biệt nguy hiểm trên mặt sân cỏ
Đây có lẽ là đặc điểm của Tsonga. Để tung ra những cú đánh bùng nổ, anh cần sự hưng phấn trong thi đấu. Mà điều này thường đến từ sự ủng hộ của khán giả, đặc biệt khi anh nằm ở “cửa dưới”, tức bị đánh giá thấp hơn đối thủ. Anh chơi hay theo kiểu “năm ăn năm thua” trước cùng đối thủ cũng thích chủ động ghi điểm như Roger Federer hoặc Novak Djokovic. Nhưng khi đối thủ chơi quá kiên trì, Tsonga là người “tự sát” trước tiên.Đó là trường hợp của Andy Murray. “Gặp Andy chẳng khác nào ác mộng. Bạn cảm thấy bóng luôn đánh trả trở lại như chạm vào bức tường”, Tsonga giải thích.Chính vì thế mà hai lần Tsonga gác vợt trước Murray đều trong bốn ván ở Wimbledon (tứ kết 2010 và bán kết 2012).Và tại bán kết giải Queen’s Club tuần rồi, anh lại thua sau khi dẫn trước ván đầu (6-4, 3-6, 2-6). Người xem luôn tiếc nuối cho Tsonga theo dạng “giá như anh chơi thận trọng hơn”. Nhưng cũng chính vì dám thoát ra khỏi sự thận trọng mà Tsonga có không ít trận thắng chiếm trọn cảm tình của khán giả, dù anh đánh bại “con cưng” của họ như Federer tại tứ kết Wimbledon 2011.
Trong trận thắng ngược Federer sau khi bị dẫn trước hai ván, Tsonga đã ghi điểm rất ngẫu hứng từ cú đánh trái tay cầm vợt một tay (thay vì hai tay như thường thấy). Trên mặt sân cỏ, những pha lên lưới ghi điểm của Tsonga cũng rất ngẫu hứng. Huấn luyện viên Rasheed hiểu rõ cá tính của cậu học trò nên ông chỉ tập trung cải thiện các cú đánh ghi điểm tự nhiên hơn là tìm cách thay đổi lối chơi.Có lẽ vì chơi bản năng như vậy nên có lúc Tsonga không quá bận tâm tìm huấn luyện viên mới thay thế ông thầy Eric Winogradsky gắn bó từ 2004-2011.Tsonga chỉ làm việc cùng huấn luyện viên Rasheed từ đầu năm 2013.
Trên mặt sân cỏ ở London, Tsonga luôn có những kỷ niệm đáng nhớ. Lần đầu tiên anh lọt vào Top 100 thế giới là tại Queen’s Club trong trận thắng đương kim vô địch Lleyton Hewitt. Tại đây, lần đầu tiên anh biểu diễn cú nhảy vung hai tay mừng chiến thắng được nhiều khán giả Anh yêu thích. Và tại Wimbledon sắp tới, Tsonga tự tin có khả năng đoạt giải sau khi từng đánh bại bộ tứ hàng đầu ở các giải Grand Slam. “Jo từng vào chung kết (Australian Open 2008) nên tôi tin rằng anh ấy có thể đoạt một danh hiệu Grand Slam. Điều đáng mừng là anh ấy cũng tin rằng mình có thể làm được điều đó. Trên mặt sân cỏ, Jo tỏ ra đặc biệt nguy hiểm”, huấn luyện viên Rasheed nói.
Huỳnh Quang