Giấc ngủ giúp bạn khỏe khoắn, tỉnh táo và vui vẻ. Tuy nhiên, nó sẽ bị ảnh hưởng mỗi khi chúng ta bị stress. Stress có thể phát sinh do công việc, do những chuyện không vui xảy ra trong gia đình hay với bạn bè.
Nó không những gây khó khăn cho cuộc sống của chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe như gây ra các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, thần kinh và một số rối loạn giấc ngủ.
Thông thường, khi bị stress, những ai có tính hay lo lắng thì dễ bị rối loạn giấc ngủ hơn người bình thường. Gần đây đã có nhiều nghiên cứu chứng minh stress còn gây ra một số rối loạn khác trong khi ngủ như nghiến răng, chứng tê liệt, nói mê và có nhiều cơn ác mộng.
Chứng nghiến răng trong khi ngủ là một bệnh lý thường ít được quan tâm do chỉ xảy ra trong khi ngủ, cơ bản là trong đêm.
- Xem thêm: 20 rối loạn giấc ngủ bạn nên tránh
Nhiều khi bản thân người bệnh cũng không nghĩ mình bị bệnh, nhưng chứng nghiến răng có thể gây ra tổn thương không hồi phục được trên bề mặt răng, gây mòn răng và làm cho hai hàm không khép kín được.
Có thể nhận biết chứng này khi sáng thức dậy cảm thấy nhức đầu, đau tai, đau hàm hay mặt, còn răng trở nên nhạy cảm với nước lạnh hơn bình thường. Nhận biết sớm và điều trị sớm sẽ giúp tránh bị mất răng hay tụt nướu răng.
Đầu tiên, người có triệu chứng phải đến phòng khám nha khoa xin cung cấp một thiết bị bảo vệ răng để đeo vào ban đêm cùng với thuốc dãn cơ. Tất nhiên, người bệnh sẽ được tư vấn thêm về tâm lý để có cách giải tỏa những lo lắng.
Có thể áp dụng một số biện pháp như không nhai bất cứ thứ gì ngoài thức ăn trong ba bữa mỗi ngày (tránh dùng chewing gum, kẹo), tối ngủ đắp một khăn ấm lên trên má phía trước tai để giúp dãn cơ hàm, tránh ăn uống những chất có caffeine, rượu…
Nếu ai đó có cảm giác như bị “bóng đè” thì người ấy có thể bị chứng tê liệt trong giấc ngủ, đến khi mới vừa tỉnh giấc thì cảm thấy như có gì đè nặng lên ngực, không thể nhúc nhích cơ thể mặc dù tinh thần đã tỉnh táo, khiến một cảm giác sợ hãi bao trùm nhưng không thể kêu lên được dù rất cố gắng.
Chỉ vài phút sau, mọi chuyện mới trở lại bình thường. May mắn là chứng tê liệt trong khi ngủ không gây hại nhiều cho sức khỏe, nhưng người bệnh có cảm giác bất an vì không biết nó sẽ kéo dài trong bao lâu và khi nào sẽ lặp lại.
Nhiều bác sĩ khuyên rằng cách tốt nhất để thoát ra khỏi tình trạng bất động là cố gắng làm một số cử động như nháy mắt, đảo mắt nhìn xung quanh phòng, chớp mắt, cử động các ngón tay.
Để có thể ngăn ngừa chứng tê liệt trong giấc ngủ, có thể nằm nghiêng khi ngủ, đi ngủ đúng giờ mỗi ngày, tập thể dục đều đặn (nhưng đừng quá gần lúc đi ngủ) và nhất là tìm mọi cách để tránh bị stress.
Nếu trong sáu tháng liền mà tuần nào cũng bị một đợt tê liệt trong giấc ngủ thì nhất định phải đi khám bác sĩ chuyên khoa vì lúc đó tình trạng như thế đã khá nặng, nếu không có biện pháp chữa trị sẽ bị mất ngủ thường xuyên.
- Xem thêm: Để rơi vào giấc ngủ
Khi bị stress, trầm cảm, thiếu ngủ, nhiều người còn bị chứng nói trong khi ngủ. Mặc dù rối loạn này cũng không quá nguy hiểm nhưng có thể gây phiền muội, làm cho người khác ngủ chung bị mất ngủ. Hằng ngày đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tránh uống rượu và bình tĩnh xử lý các khó khăn là biện pháp cơ bản giúp giảm được chứng này.
Ác mộng có thể xảy ra khi ăn quá no trước khi đi ngủ, khi uống thường xuyên một số thuốc (các loại thuốc chống trầm cảm, an thần, hạ áp…) hoặc do thiếu ngủ hay buồn rầu, lo lắng, căng thẳng thần kinh.
Có thể làm giảm sự xuất hiện của những cơn ác mộng bằng cách giải quyết sớm nguyên nhân gây stress, duy trì lịch làm việc điều hòa, tránh căng thẳng quá mức, tập thể dục thường xuyên, có điều kiện thì tập yoga hay ngồi thiền.