Fintech, ngành y tế và hậu cần đã chứng minh sự tăng trưởng vững chắc trong nửa đầu năm 2019, theo một báo cáo gần đây của Cento Ventures về tình hình rót vốn cho các startup công nghệ ở khu vực Đông Nam Á.
Theo một báo cáo gần đây của Cento Ventures – một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, các công ty khởi nghiệp dựa vào công nghệ của khu vực Đông Nam Á đã thu hút gần 6 tỉ USD qua hơn 332 vụ giao dịch trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, các lĩnh vực fintech – công nghệ tài chính, chăm sóc sức khỏe và hậu cần cho thấy sự tăng trưởng vững chắc.
Báo cáo cho thấy các khoản đầu tư trong nửa đầu năm 2019 thấp hơn so với nửa đầu năm 2018 – với 8,3 tỉ USD trong hơn 177 giao dịch.
Tuy nhiên, công ty đầu tư mạo hiểm này cho rằng tổng đầu tư trong cả năm 2019 sẽ ngang bằng với tổng đầu tư của năm 2018 với dự kiến rằng các kỳ lân như Grab, Go-jek, Traveloka và Tokopedia sẽ thu hút những khoản đầu tư lớn trong nửa năm sau.
Việt Nam chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong nửa đầu năm 2019, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi Indonesia chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng số vốn đầu tư thì Malaysia, Thái Lan và Philippines có vẻ giữ nguyên tỷ lệ so với những năm trước, báo cáo cho biết.
Dưới đây là một số điểm nổi bật chính từ báo cáo Đầu tư công nghệ Đông Nam Á của Cento Ventures – Báo cáo nửa đầu năm 2019.
- Phần lớn lượng vốn sẽ tiếp tục liên quan đến một vài cái tên quen thuộc.
- Các công ty ở giai đoạn sau đang thực hiện những vòng gọi vốn lớn hơn, đưa những startup này lên trên mức định giá 100 triệu USD.
- Các giao dịch nhỏ (dưới 500 nghìn USD) đã tăng đột biến trong nửa đầu năm 2019.
- Việc tăng rót vốn cho những công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu được thúc đẩy bởi các quỹ tăng tốc và ươm mầm khởi nghiệp.
- 50 phần trăm đầu tư công nghệ trong nửa đầu năm 2019 được đóng góp bởi “các thương vụ lớn”.
- Số lượng sự kiện thanh khoản trong nửa đầu năm 2019 tương đối cao, tuy nhiên, tổng số tiền thu được vẫn còn thấp.
- Sự kiện thanh khoản lớn nhất trong nửa đầu năm 2019 là thương vụ Go-jek mua lại Coins với giá 72 triệu USD.
Báo cáo cũng cho thấy rằng các dịch vụ bán lẻ trực tuyến và dịch vụ địa phương, cùng với các công ty “đa ngành” vẫn là các danh mục được tài trợ nhiều nhất, trong khi các danh mục khác như bất động sản, tự động hóa kinh doanh, công nghệ tiếp thị và quảng cáo cũng đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng.
Dịch vụ tài chính và du lịch tiếp tục thu hút đầu tư, nhưng hậu cần và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực được tài trợ nhiều nhất trong nửa đầu năm 2019.