Học Anh văn (để chuẩn bị vốn ngoại ngữ cho việc du học nước ngoài) ở tại Việt Nam hay ở nước mà học sinh có ý định du học là điều khiến nhiều phụ huynh học sinh trăn trở.
Phương án nào cũng có những mặt thuận lợi cũng như bất tiện đi kèm. Gần đây, nhiều mẩu quảng cáo du học Anh ngữ tại các quốc gia Đông Nam Á càng khiến phụ huynh, học sinh bối rối.
Sáng suốt trước quảng cáo
“Chắc hẳn là đối với rất nhiều bạn, Philippines là một đất nước khá xa lạ. Mình cũng nghĩ giống như các bạn trước khi đến đây. Nhưng sau khi học tiếng Anh và làm việc ở đây, suy nghĩ của mình đã hoàn toàn thay đổi.
Tiếng Anh được người dân ở đây sử dụng gần như là ngôn ngữ chính. Người dân được học tiếng Anh từ khi còn rất nhỏ.
Và hầu hết tất cả các trường phổ thông và đại học Philippines giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và đều học theo giáo trình của Mỹ.
Nếu như bạn đang tìm kiếm một môi trường học tiếng Anh hoàn hảo về chất lượng cũng như về giá cả, vậy tại sao bạn không đến Philippines? Bạn sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều mà chất lượng hoàn toàn không thua kém so với các nước khác.
Bên cạnh đó, ngoài thời gian học tập vất vả, các bạn có thể thư giãn tại những bãi biển tuyệt đẹp, những hòn đảo đẹp như thiên đường và những khu trung tâm mua sắm khổng lồ, xa hoa.
Bạn không cần phải có visa hay bất kỳ thủ tục phức tạp nào khi muốn sang đây học. Những gì bạn cần làm chỉ là mua vé máy bay và Let’s go”.
Trên đây là mẩu quảng cáo du học Anh văn tại Philippines khá hấp dẫn của một trung tâm Anh ngữ quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam. Chị Thùy Hương, quận Thủ Đức cứ đọc đi đọc lại quảng cáo và quyết định nhờ tư vấn viên.
Liệu việc học Anh văn ở Philippines có đạt được mục tiêu đọc thông viết thạo mà hầu như tất cả mọi học viên đều nhắm đến? Phương pháp dạy, giáo trình, giáo viên có chuẩn không? Những câu hỏi này chỉ có lời giải chính xác khi học viên đã dấn thân, chấp nhận gặt hái kết quả tốt hay trả giá đắt.
Xu hướng du học nước ngoài để củng cố, hoàn thiện vốn tiếng Anh trước khi học đại học ngày càng trở nên phổ biến.
Nếu như học Anh văn ở các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Canada, Úc đòi hỏi học sinh phải chứng minh tài chính, trình độ Anh văn tối thiểu mới được cấp visa thì hiện nay đã có một bộ phận học sinh chọn các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines để học tiếng Anh.
Những quốc gia Đông Nam Á có mức học phí và chi phí sinh hoạt thấp, thủ tục lại tương đối đơn giản, nên dần dần thu hút không ít học viên tham dự.
Qua kinh nghiệm dạy ngoại ngữ, viết sách nhiều năm, thầy Lê Huy Lâm, Trưởng chi nhánh 2 Trung tâm Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phân tích: “Mặt bằng chung về tiếng Anh thì chắc chắn là Philippines hơn mặt bằng chung tiếng Anh của Việt Nam, nhưng nói là “môi trường học tiếng Anh hoàn hảo về chất lượng” thì cần phải xem lại.
Tôi có dịp gặp nhiều đồng nghiệp người Philippines, họ nói tiếng Anh lưu loát, nhưng phát âm và cách dùng từ của họ không phải là mẫu mực để ta có thể nhắm làm mục tiêu học hỏi.
Tôi cũng chưa nghe ai khen (mà nói cho khách quan thì cũng chưa nghe ai chê) việc xuất ngoại học tiếng Anh ở Philippines.
Kinh nghiệm cho thấy là nếu chuyện đó tốt thì sẽ có nhiều phản hồi tích cực. Trong giới học thuật, chúng tôi cũng chưa từng nghe ý kiến tích cực về cơ sở đào tạo nào ở Philippines”.
Theo thầy Lê Huy Lâm, nếu đi chơi và trải nghiệm văn hóa thì không có vấn đề gì nhưng nói là đi chơi kết hợp với học tập tiếng Anh thì câu chuyện này kém thuyết phục.
Nếu nói là người Philippines dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai thì Malaysia, Singapore cũng không kém họ là mấy, còn nếu đặt vấn đề như vậy thì đi một số nước châu Phi (nơi tiếng Anh cũng được dùng làm ngôn ngữ thứ hai) thì sao? Chi phí rẻ là rẻ bao nhiêu?
Học viên có nhiều chọn lựa và cần sáng suốt để không bị những lời quảng cáo dụ dỗ.
“Ao nhà” có hơn?
Khi theo học tại các trung tâm Anh ngữ trong nước, học sinh cũng sẽ gặp tình trạng giáo viên bản ngữ phát âm dễ nghe/khó nghe, người dạy hay, người dạy thiếu sinh động. Nôn nóng tăng tốc khả năng Anh ngữ nên không ít du học sinh chọn cách đi tắt đón đầu.
Việc du học ở nước ngoài đồng nghĩa với chuyện chấp nhận hên xui may rủi, bởi ngay cả người Singapore cũng phải nhìn nhận Anh ngữ của họ là “Singlish”.
Nhiều du học sinh Việt Nam sang Singapore gặp phải khó khăn trong giao tiếp ban đầu, cách dùng từ khác nhau cũng khiến du học sinh gặp khó khăn, lúng túng.
“Học Anh văn ở đâu cũng vậy, có hay có dở. Vấn đề là các em nên xem địa chỉ đào tạo ở nước ngoài nằm ở đâu, giáo trình, thông tin về giảng viên, chi phí học, rồi so sánh với mức giá đó ta có thể học trong một môi trường “hoàn hảo” về tiếng Anh ở nước mình hay không”, thầy Lê Huy Lâm nhắc nhở.
Đừng tính đến chuyện đi du lịch, vì muốn du lịch nói tiếng Anh thì học viên có thể ra khu phố Tây ở Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (Q.1, TP. Hồ Chí Minh) cũng được, hoặc du lịch giá rẻ đến Thái Lan, Malaysia, nơi có những khu vực đông người nước ngoài sinh sống.
Nếu đăng ký du học, cho dù chỉ là khóa tiếng Anh mà không tìm hiểu thông tin kỹ càng chẳng khác gì với việc xem quảng cáo trên mạng và mua hàng, chẳng hề có một thông tin bổ sung nào về chất lượng hàng hóa và bảo hành.
Thạc sĩ Phùng Cảnh Thành, từng nhận học bổng du học Anh thì cho rằng dù học ngoại ngữ trong nước hay với giáo viên người bản xứ, thì nỗ lực của bản thân vẫn mang yếu tố quyết định.
Đừng bao giờ nghĩ rằng sang Anh hay Mỹ một năm là tiếng Anh của mình tự nhiên sẽ “như gió”! Học tiếng Anh ở một nước nói tiếng Anh chỉ có thể tiến bộ khi du học sinh xác định rõ ràng mục tiêu học tập và quan trọng nhất là phải chọn được đúng trường học.
Các trung tâm Anh ngữ ở nước ngoài cũng vàng, thau lẫn lộn. Đừng vì sính ngoại mà quên kiểm tra thông tin, chất lượng giảng dạy của trung tâm trước khi bỏ hàng trăm triệu đồng du học xứ người.
Các bãi biển Philippines xinh đẹp hay trung tâm mua sắm nhộn nhịp ở Singapore, Malaysia sẽ dễ dàng làm du học sinh vừa học, vừa chơi nếu thiếu ý chí và quyết tâm.
Hiệu quả thật sự chỉ đạt được – cho dù học ở bất cứ quốc gia nào – khi người học cố gắng hết sức, tranh thủ thực hành mọi lúc mọi nơi, đồng thời phải tuân thủ lịch học một cách chính xác và khoa học.
Nếu muốn du học tiếng Anh ở các nước Đông Nam Á để giảm chi phí trước khi sang học đại học ở các nước Âu – Mỹ, các học sinh hãy cố gắng luyện nghe thật tốt khi ở Việt Nam. Người học tiếng Anh rất giỏi ở Việt Nam cũng gặp trở ngại khi lần đầu giao tiếp ở nước ngoài.
Ngay cả việc học trong lớp không hiểu, học viên cũng cần mạnh dạn trình bày khó khăn của mình để giáo viên thông hiểu và có phương pháp hỗ trợ mình tiến bộ.
“Để hạn chế khó khăn trong việc nghe hiểu, trước khi du học, bạn hãy tập nghe thật nhiều và nên nghe nhiều giọng tiếng Anh của những người đến từ các nước nói tiếng Anh khác nhau và nắm thật chắc văn phạm”, thầy Phùng Cảnh Thành lưu ý.