Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, ảnh đường phố có lẽ là loại ảnh dễ chụp nhất, cũng có nội dung phong phú nhất, trải dài trên nhiều lĩnh vực.
Với loại ảnh này, có thể chụp bất cứ thứ gì, từ phong cảnh, kiến trúc, chân dung đến các sự kiện, sinh hoạt, đồ dùng, động vật mà vẫn đẹp, ý nghĩa.
Mặc dù ra đời từ năm 1839, với tác phẩm Đại lộ Boulevard du Temple, song ảnh đường phố bắt đầu được biết rộng rãi từ các năm 1850, nhờ công của nghệ sĩ người Pháp Charles Negre. Khi ông thực hiện một loạt ảnh về nhà cửa, hàng quán, người bán rong và những nhạc sĩ chơi dạo ở Paris.
Những bức ảnh cho thấy một thành phố Pháp rất diễm lệ, nhộn nhịp và quy tụ khá nhiều ngành nghề khác nhau. Kế thừa ông, các nghệ sĩ sau này đã liên tục mở rộng đề tài, và đưa đây trở thành một sân chơi lớn nhất hiện nay.
Nói về ảnh đường phố là nói về những khung cảnh phố phường, đường sá với những con người, sinh vật trong đó.
Hoặc là những công việc đang diễn ra dưới một mái nhà, song vẫn gợi nhớ tới đường phố vì có những đặc điểm liên quan đến ngõ xóm, chợ búa, bến bãi cùng các hoạt động đi lại và phô diễn. Tựu chung, ảnh thường đặc tả những sinh hoạt cộng đồng như lao động, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí.
Ngoài ra là những thói quen hơi lạ, bốc đồng cùng những cảm xúc vui buồn của mỗi cá nhân quanh ta. Vì chủ đề đa dạng, nên các nghệ sĩ có thể thoải mái sáng tác.
Có người thích chụp ảnh kiểu ăn liền với những gì quen thuộc hằng ngày, như cảnh một nhóm người đang chờ xe buýt trên vỉa hè; một đám trẻ đá bóng giữa lòng đường; các cụ già tập dưỡng sinh ven bờ hồ, một phụ nữ xách làn đi siêu thị, một thanh niên sửa mái tóc ở hiệu hay một em bé nghịch đồ chơi giữa phòng… cùng rất nhiều sinh hoạt thân thương, bình dị của cuộc sống.
Tuy quen thuộc, ngày nào cũng thấy nhưng trong mắt nghệ sĩ thì mỗi lúc chúng lại lóng lánh, hấp dẫn riêng.
Lại có người chọn đề tài rất kỹ, chỉ thích chụp một cảnh đặc biệt, thậm chí còn đi tìm những mặt đối lập như nhà cũ/ nhà mới, đường tốt/ đường xấu, quán đông/ quán vắng, kẻ giàu/ người nghèo, người khỏe/ người bệnh, người vô gia cư, người đồng tính, các băng đảng, tệ nạn cùng nhiều góc khuất trong xã hội.
Dù ở nội dung nào, vui hay buồn, mỗi tác phẩm đều được phản ánh rất tự nhiên, có gì chụp nấy, đưa ảnh đường phố là loại ảnh thật thà nhất trong nhiếp ảnh.
Ảnh đường phố chân thật ở rất nhiều điểm. Thứ nhất là nó không đi tìm những yếu tố giật gân, gây sốc; những sự kiện quá quan trọng thu hút mọi người bàn tán, đến nỗi tác giả vì lợi ích mà phải dàn dựng, sắp đặt. Nó thường chỉ khắc họa những gì gần gũi đời thường mà vẫn khiến chúng ta yêu mến, xúc động. Ngay cả khi khai thác đề tài mới, thì người chụp vẫn luôn đặt tính trung thực lên hàng đầu.
Thứ hai là nó thường chụp dưới ánh sáng tự nhiên, và đa số chỉ có hai màu đen trắng, tránh sao lãng và hướng người xem vào đối tượng chính.
Tuy vậy, để tác phẩm hấp dẫn có nhiều chất thơ – kịch tính, người ta vẫn phải dùng một số thủ pháp nhất định, như thay đổi góc độ, lựa chọn tinh tường thời gian chụp (các khoảng khắc vàng để cảnh sắc, động tác, nét mặt biểu cảm nhất), đồng thời dùng các hiệu ứng tự nhiên như bóng đổ, sáng tối, phản chiếu… nhằm tăng sự tương phản – đối lập, cũng chú ý đến các tỷ lệ, hình học, kết cấu để tạo ra sự dày dặn, sinh động.
- Xem thêm: Ảnh trừu tượng, mông lung, bí ẩn
Đặc biệt trong nhiều bức ảnh còn có các chi tiết hài hước hoặc bi lụy, đánh thức cảm xúc người xem. Một số ảnh được chụp một màu cho cảm giác bình yên – lắng đọng trong khi số khác lại có bốn màu biểu thị sự rực rỡ, đa dạng hay náo nhiệt.
Vì ảnh có tính ngẫu nhiên, tình cờ, cộng với đề tài rộng mở nên người chụp cũng phải là người linh hoạt, biết quan sát, bước chậm, chụp nhanh và dùng mọi thiết bị từ máy ảnh tới điện thoại để tác nghiệp, vì mọi thứ diễn ra rất nhanh, nhiều khi chỉ trong chớp mắt.
Bù lại, nó cũng cho rất nhiều cơ hội, như một hành trình đi khám phá hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác (gồm ẩm thực, thời trang, âm nhạc, vũ thuật, điện ảnh, truyền thông…), từ nơi này đến nơi kia (trên xe cộ, dưới gầm cầu, bên bờ kênh, trong quán xá/ sàn đấu/ rạp chiếu bóng…), từ quen đến lạ, từ chuyện nhà tới chuyện nước, cũng cho gặp gỡ nhiều người, cảnh đời, số phận cùng các luồng tư tưởng.
Kết quả là một kỷ niệm, sự giải trí và vốn kiến thức to lớn về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội… Ảnh đường phố do vậy đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác. Nhiều nghệ sĩ xưa nay được nổi tiếng đều là nhờ những tác phẩm về đường phố.
Khó có thể kể hết các tác giả thành công hiện giờ về loại ảnh này. Song đầu tiên phải nhắc tới là anh Martin Roemers, một nhiếp ảnh gia người Hà Lan, sinh năm 1962.
Ảnh của anh rất giàu trải nghiệm, khi khai thác nhiều vấn đề từ hậu Đại thế chiến II tới chiến tranh lạnh, các sự kiện dân số – môi trường và một mảng đề tài khá lôi cuốn là sự đô thị hóa ở các thành phố trên thế giới, nơi có dân số bình quân tới hơn 10 triệu người.
Trong bộ ảnh Metropolis, bằng thủ pháp chụp phơi sáng lâu, anh đã cho thấy thành phố nào cũng rất đông đúc, chật chội, hỗn loạn. Ở đâu cũng ngợp người, xe cộ lao đi như bay, loang loáng như một dải sáng.
Tuy nhiên, nhiều thứ rất đẹp, sặc sỡ, đầy sức sống, và dù chỉ một góc đường nhìn qua người xem vẫn khẳng định đó là một khu phố sầm uất.
Tổng cộng, anh đã chụp được 22 thủ phủ của thế giới, trong đó Tokyo chứa tới 38 triệu người, Delhi 25, Thượng Hải 23…
Nếu như Martin Roemer nghiêng về những gì sôi nổi – quốc tế, thì Carmelo Eramo của Italia, 45 tuổi, lại thiên về những phút giây tĩnh lặng và của quê hương. Là một nghệ sĩ tự học cách đây 15 năm, cứ lúc rảnh rỗi, anh thường rong ruổi khắp nơi, ghi lại từng ngôi nhà cổ, từng con phố xưa và những người già ở các thành phố.
Cùng đó là nhiều sinh hoạt dân dã mộc mạc như phơi phóng ngoài hiên, cắt tóc bằng kéo, đi cầu thang bộ, uống trà, đọc báo, chơi đùa…
- Xem thêm: Ảnh chồng ảnh, hai thế giới hòa một
Đa số ảnh còn có màu đen trắng với nhiều bóng đổ, mang tới một cảm giác trầm buồn, mơ mộng.
Ảnh có thông điệp rõ ràng, đề cao truyền thống, cứ như thể anh sợ nó sẽ bị phôi phai và trở thành ký ức theo thời gian.
Mọi thứ vẫn nguyên, song qua ảnh, người xem cũng cảm nhận nó đang mất dần, và thêm trân trọng các di sản.
Ian Brumpton-England, 49 tuổi, cũng là một người thích sự nhẹ nhàng, yên bình và chủ yếu chụp ảnh London – Anh và Paris – Pháp. Anh thường khắc họa phố phường vắng vẻ, có bóng người, bóng nhà đổ dài kỳ lạ.
Mọi người hoặc đi cách xa nhau, hoặc đứng một mình trong sự suy tư. Điều này rất hiếm thấy ở một thành phố đông nghịt và hối hả như London, kinh đô của thế giới.
Bình thường, nó sẽ chẳng bao giờ lặng lẽ như vậy, nhưng bằng cách nào đó nghệ sĩ đã tìm được những khoảng tĩnh, hơn thế còn rất hoang sơ, cổ quái, tuy rằng ít người song rất nhiều bóng in trên nền đường, vách tường, trong khi ở đằng sau hoặc trước nhân vật lại có hào quang chói lóa như bình minh để đánh thức mọi thứ trở dậy.
Brian Sparks – Thụy Điển, 44 tuổi, không chỉ ghi được cảnh đẹp dọc đường, mà còn dễ dàng nhân đôi nó bằng cách chụp ảnh qua sự phản chiếu.
Anh thường chờ mọi người băng qua những ô cửa kính, và nhờ thế nhân đôi họ, mà nếu nhìn không kỹ sẽ có cảm tưởng như một đôi song sinh thật đang đi trên phố.
Ngoài ra, anh còn dùng tỷ lệ 1/2, thay vì 1/3 như thông thường khi tạo ảnh hài hòa, để cảnh vật được tập trung, khiến người xem phải chú ý vào giữa bức ảnh.
Với các tác phẩm đen trắng, họ rất dễ bị đánh lừa bởi ảo giác, song với bốn màu thì dễ phát hiện hơn, ai nấy đều bất ngờ khi biết hai người đó thật ra chỉ là một.
Trước anh, cũng đã có vài người dùng hiệu ứng phản chiếu, nhưng theo kiểu một cái bóng và thường chỉ chụp bóng, thôi hình.
Tương tự Brian Sparks, Umberto Verdoliva- Italia, 57 tuổi, cũng chụp ảnh qua lớp kính hay mành để tóm bắt những gì diễn ra phía sau.
Nhưng do không đối chiếu, lại khắc họa nhiều cảnh vật chồng chéo, nên hình ảnh thường bị mờ và hư ảo như một giấc mơ, màn sương. Nói chung, chúng được thực hiện theo nguyên lý về vật cản trước mắt, làm suy giảm tầm nhìn và thị lực.
Bên cạnh dùng kính, anh cũng liên tục thay đổi góc độ và hình học, nhằm đem lại sự thú vị cho ảnh, trong đó có nhiều chi tiết nên thơ, siêu thực hoặc trào phúng – dí dỏm.
Lee Jeffries- Anh, 47 tuổi, có lẽ là một tác giả nổi tiếng nhất về người vô gia cư, nghèo khổ ở các thành phố đương đại.
Vốn là một kế toán, khi gặp một cô gái không nhà, anh đã quyết định dùng ảnh để đặc tả chân dung, nói lên những nỗi khốn khổ: sự cô đơn, buồn bã, tiều tụy, đói khát… của những người vô gia cư, và dùng nó quyên tiền giúp đỡ họ.
Ban đầu, anh chụp ảnh tại thành phố quê hương Manchester, và đến nay là khắp cả châu Âu và Mỹ.
Ảnh của anh luôn làm người xem xúc động bởi chi tiết – chân thực, thể hiện rõ từng cá tính, nét buồn vui, suy nghĩ và hy vọng ở mỗi nhân vật.
Có ảnh chụp đơn, có ảnh chụp đôi hoặc ba người rất tình cảm, cho thấy tuy sống lang thang ngoài đường phố, vỉa hè, song họ vẫn cố gắng vượt qua số phận và tin tưởng vào tương lai.
Ngoài các nghệ sĩ trên, còn có các bạn trẻ tài năng như Andreas Paradise (Hy Lạp), Dmitry Stepanenko (Ukraine), Ilya Shtutsa (Nga), Mustafa Dedeoglu (Thổ Nhĩ Kỳ), Nicolas Portnoi (Pháp), Peter Levi (Thụy Điển), Oscar Palomares (Tây Ban Nha), Thomas Leuthard (Thụy Sĩ)…