“Trên miền đồi gầy gộc đá ong, vẫn nở tươi đóa hoa Đường Lâm thơm thảo. Được bầm Nhị hà ấp ôm, được bố Ba Vì che chở, Kẻ Mía của ngàn xưa trải qua bao cuộc bể dâu vẫn giữ được gần như vẹn nguyên nét đẹp cổ kính truyền đời.
Ngày ánh bình minh rẽ các am mây, thấy núi Tản sừng sững; thấy bãi Sà Mâu, gò Trống, gò Voi, gò Yên ngựa, gò Văn Miếu, rộc Kiêng, Mũi Giáo… biến hóa vô chừng.
Và trong linh khí ngất trời ấy, ta vẫn nghe được huyền âm của đình Mông Phụ, tiếng kinh vi diệu của Chùa Mía, để lá phướn tâm lại khẽ reo vui trong cơn gió thiền…” (**).
Lấy những dòng viết đẹp về quê hương của nhóm bạn văn người Sơn Tây làm cảm hứng, chúng tôi quyết tâm chinh phục Đường Lâm vào một buổi sáng cuối tháng 2.
Làng còn.. cổ
Hướng dẫn chúng tôi là đôi vợ chồng khá nhiệt tình người Hà Nội – Giang Hưng. Vì không có chút định kiến và thông tin về làng cổ nên cả hội phiêu lưu Bắc – Nam đã có được một chuyến vi vu nhẹ nhàng.
Xuôi theo đại lộ Thăng Long khoảng 46km về phía tây, không gian lịch sử văn hóa đặc trưng xứ Đoài dần hiện ra trước mắt.
Càng đến gần làng, những đôi mắt chật chội từ đô thị giờ đây đã được đắm mình thỏa thích trong bầu không khí bao la. Hà Nội những ngày qua ấm hơn sau đợt không khí lạnh nhưng cái hanh hao rét miền Bắc vẫn còn lưu luyến vùng đất này.
Nhờ thế mà những dừng hình trong sương sớm rất đẹp của đạo diễn Việt Linh với cổng làng, con trâu, cây đa, bờ ruộng… trong ấp Mê Thảo cứ ngỡ đã xa bỗng hiện về gần.
Ngày 18 tháng Giêng, người làng Đường Lâm nô nức tổ chức chương trình Lễ tưởng niệm Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền) tổ dựng nước trung đại (944-2011).
Song song đó là chương trình đại lễ cầu cho quốc thái dân an và đại hội Ngô tộc diễn ra tại sân đền thờ Tiền Ngô Vương. May mắn cho cả nhóm khi được hòa mình vào bầu không khí thiêng liêng này.
Qua từng câu chuyện kể của các vị trưởng thượng, phái đoàn tự thưởng cho mình niềm vui chung khi hãnh diện là con cháu nhiều đời của Bố Cái Đại Vương.
Tương truyền Đường Lâm nghèo nhưng do đức độ của Người mà trời động lòng sinh nguyên khí, sinh tướng nam, tướng nữ thuở đầu công nguyên theo Hai Bà Trưng đánh giặc.
- Xem thêm: Chiều thành cổ Sơn Tây
Bảy trăm năm sau (766) cũng tại Đường thôn ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh đã chào đời để khắc chạm vào lịch sử dân tộc những công cao đức trọng.
Tiếp theo gần hai trăm năm nữa (938) lịch sử lại vinh danh người anh hùng áo vải xuất chúng Ngô Quyền với khí độ “ngàn năm giặc còn khiếp sợ”. Rồi bà chúa Mía thác thiêng luôn chở che phò trợ cho muôn dân đất Mía sinh sống an lành.
Không trách những dãy nhà hiện đại nằm cô đơn trong làng cổ, bởi bản thân chúng cũng chỉ là sản phẩm tiêu biểu cho các não trạng tân thời, cả hội chúng tôi đều thốt lên: “Làng vẫn… còn cổ”.
Dấu ấn của một làng Việt cổ đại diện cho nền văn minh châu thổ sông Hồng vẫn còn in đậm trên những mảng tường đá ong và nếp sống thâm trầm của những người dân vùng Sơn Tây giàu truyền thống.
Sau chuyến tham quan thôn Mông Phụ, chúng tôi dùng cơm tại ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm để thắm thía câu ca dao “Chẳng đi nhớ cháo Dốc ghề/ Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên”.
Chùa còn… xưa
Rời Mông Phụ, chúng tôi ghé qua Đông Sàng để thấy rõ hơn nét chân thực của câu ca dao “chùa Bắc, Đình Đoài”.
Từ phía trung tâm thôn, nghỉ chân bên quán nhỏ, thưởng thức ly nước chè Cam Lâm, nhâm nhi phong kẹo gối, chúng tôi thong dong thả ánh nhìn vào ngôi đình đền Phủ, nguyên là một hành cung thờ bà Chúa Mía.
Bà lão hàng trà vừa rót trà, vừa pha thêm vào đó là giọng kể rành mạch ngọt như “kẻ Mía kéo mật trộn đường”. Rằng Chùa Mía tên chữ là Sùng Nghiêm Tự.
Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Chùa được xây dựng từ rất lâu. Đến thế kỷ XVII, chùa bị bỏ hoang.
Rồi có nàng cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong hay còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) trong Tổng Mía, sau khi lên kiệu rồng trong phủ chúa Trịnh Tráng đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn… thuộc tổng Cam Giá (tức Tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại ngôi chùa.
Về sau nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà, đã tạc tượng đưa vào phối thờ ở chùa và còn có đền riêng đồng thời gọi bà là “Bà Chúa Mía”.
Đến nay, dù đã qua nhiều lần tu bổ, song quy mô tôn tạo chùa từ thời Bà chúa Mía dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Bước qua khu chợ làng Mía, khách vãng chùa nhìn thấy cửa Tam Quan và tòa gác chuông oai vệ. Là ngôi nhà ba gian làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, gác chuông chùa còn được dụng công thiết kế với các góc mái đều gắn đao triện.
Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá.
Bên ngoài đã trang nghiêm, bên trong nội điện còn uy nghi hơn với Tiền Đường, Đại Hùng Bảo Điện, Thượng Điện… được cấu trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”.
Điểm độc đáo trong toàn bộ khối công trình là các tòa Tam quan, Chính điện, Thượng điện, Nhà tổ, hành lang san sát nối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen, tọa dáng thành hình chữ Mục.
Chùa được làm bằng nhiều loại gỗ quý với các bức phù điêu được chạm khắc công phu như hình tứ linh, hình hoa lá ẩn chứa những mật ngữ huyền diệu vô cùng.
Tượng Phật ở đây không chỉ đặc sắc về hình dáng, mà còn phong phú về số lượng. Hàng trăm pho tượng lớn nhỏ bằng đồng, mộc và bằng đất là hàng trăm vẻ mặt, cử chỉ, màu sắc với dáng điệu sống động phi phàm.
Nổi bật trên nền chùa là pho tượng Tuyết Sơn, tượng bá Đại Hòa Thượng, tượng Bồ Tát Nam Hải Quan Thế Âm, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Tứ Bồ Tát, tượng hai Thái tử Thiện Hữu, Ác Hữu và tượng Bà Chúa Mía…
Với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc đáo kể trên, chùa Mía đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Chùa cổ thâm nghiêm, chỉ tiếp khói mây làm lữ khách
Vườn rừng rộng rãi, chỉ nương hoa cỏ biết xuân thu
Người xưa đã nói vậy thì phải nghe. Nghe để chuyến về của chúng tôi thay vì nặng lòng trước những phá hoại nhân danh tôn tạo đang uy hiếp làng cổ, chùa cổ thì ai nấy cũng hoan hỉ mở lòng. Làm gì có chuyện đời như ý! Thôi thì “còn gặp nhau thì hãy cứ vui” vậy (thơ Tôn Nữ Hỷ Khương).
(*) Trích từ quyển Tiếng vọng đất hai vua do NXB Văn hóa thông tin phát hành