Từ thành phố Thanh Hóa chúng tôi qua dốc Cửa Trống, qua chân núi Mã Yên, đi thêm một quãng đường ngắn thì đến làng cổ Đông Sơn – địa danh gắn với nền văn hóa Đông Sơn đã được học từ cấp Một. Thanh Hóa chưa phát triển mạnh về du lịch, có lẽ vì vậy mà ngôi làng xinh đẹp này vẫn còn không khí cổ kính, yên bình.
Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã, cạnh cầu Hàm Rồng, thôn xóm dựa mình vào chân núi Cánh Tiên. Trước mặt có đồng lúa xanh mơn mởn và bến sông tấp nập thuyền bè, ba mặt còn lại là ma trận của hàng trăm ngọn núi đá lẫn núi đất, núi thấp lẫn núi cao, trên núi có chùa Tiên và động Tiên khá đẹp. Làng có bề dày lịch sử hàng đầu ở Việt Nam.Từ thời vua Hùng, Đông Sơn đã là nơi có vị thế trong vùng. Trống đồng, những bộ nông cụ đa dạng, các loại vũ khí, các loại đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc được các nhà khảo cổ tìm thấy trong làng cho thấy từ 2.500 năm trước, Đông Sơn đã có cuộc sống sung túc, thịnh vượng. Trong hơn hai thiên niên kỷ phát triển liên tục, làng luôn có đủ ruộng sâu, ruộng cạn trồng lúa; đất đồi, đất bãi trồng màu; núi đất, núi đá chăn thả gia súc. Cấu trúc của làng đến giờ vẫn nguyên vẹn cấu trúc của một làng thuần nông.Các kiến trúc đình, chùa, miếu được tạo dựng và phân bố hợp lý tạo nên những cảnh giếng nước mái đình rất duyên dáng.
Đi dọc trục đường chính của làng, rồi bước qua các cổng vòm khá kiểu cách dẫn vào từng thôn, ai nấy ồ lên khi thấy những dãy nhà mái lợp ngói thâm nâu trầm mặc.Làng đã bị nhiều ngôi nhà kiểu mới làm mất đi vẻ đẹp nguyên bản nhưng vẫn còn một số góc trông rất cổ xưa.Du khách đứng đó lòng thấy nao nao, cứ như mình được quay trở lại thời mấy thế kỷ trước.Những bậc thềm đá chẳng biết bao nhiêu tuổi, cái giếng trong veo nằm bên sân gạch phủ rêu xanh.Bốn ngõ được lát bằng gạch chỉ đỏ dẫn vào bốn thôn được đặt tên là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng.Cụ Lương Trọng Duệở số 10 ngõ Trí là chủ nhân của ngôi nhà cổ được cụ tổ bảy đời của dòng họ xây dựng từ khoảng hơn 200 năm trước.
Căn nhà được cất với một nhà chính năm gian, hai chái bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương mũi hài.Các vì, kèo, xà, bẩy… chạm trổ rất công phu, cầu kỳ mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà gỗ các tỉnh phía Bắc. Nhà được xây bằng gạch chỉ mỏng, trước hè, mái hiên nhô ra cũng được lợp ngói, hai đầu cột gắn mành trúc đan hình vuông, với mục đích tạo ra bức bình phong chắn gió lớn thổi trực tiếp vào chính giữa ngôi nhà, đồng thời buộc mỗi người khi đi ra hay đi vào đều phải đi từ hai bên, thể hiện sự tôn nghiêm, lòng thành kính của bề dưới với bề trên. Bởi phía sau tấm mành trúc, bên trong ngôi nhà là nơi thiêng liêng nhất, có đặt bàn thờ tổ tiên. Đây cũng chính là một quan niệm phong thủy truyền thống của người Việt xưa. Đông Sơn vẫn còn 13 ngôi nhà cổ trên trăm tuổi và cả giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi. Hầu hết các nhà đều từng bề thế và rất đẹp nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Các chủ nhà gặp nhiều khó khăn trong việc trùng tu, bảo quản nhưng chưa có cách giải quyết.
Không chỉ có ngõ cổ, nhà xưa, Đông Sơn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa phi vật thể. Dân làng vẫn sống tuân thủ theo hương ước, với 120-130 điều quy định cụ thể về tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ… Xưa kia, làng còn được chia thành nhiều “làng” nhỏ thể hiện đời sống tinh thần phong phú, đó là làng Văn – người học chữ Nho, làng Võ – người đi lính, làng Nhạc – người chơi nhạc, làng Hộ – người trông coi Văn Thánh. Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, đền thờ nhà Lê, miếu nhà Bà… Lễ, hội làng Đông Sơn cũng đa dạng không kém với lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh…