Trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 11% về 10%/năm. Tuy nhiên, trần lãi suất tiền gửi vẫn giữ nguyên so với trước, 7,5%/năm.
Khi những số liệu từ đầu năm đến hết tháng 4 được công bố, cho thấy tốc độ tăng tiền gửi tiết kiệm cao hơn nhiều so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng, nhiều người dự báo đã về một đợt giảm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước ngay trong tháng 5 này và thực tế đúng như vậy. Xét trên bình diện toàn hệ thống, vẫn có ngân hàng còn gặp khó khăn trong khâu huy động, nhưng tình hình chung là đa số các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước, đều dư thừa thanh khoản. Điều phải đến đã đến, tiền từ khu vực dân cư vẫn đổ vào ngân hàng trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chưa cải thiện nhiều, khiến các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động để tự cứu mình. Nói cách khác, việc tìm “đầu ra” cho đồng vốn huy động đang là mối bận tâm chủ yếu của các ngân hàng thương mại trong giai đoạn hiện nay. Huy động nhiều làm gì khi không cho vay được, trong khi vẫn phải trả tiền lãi cho người gửi?
Mới cách nay không lâu, các ngân hàng thương mại còn lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm thu hút người gửi tiền và Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng trần lãi suất để buộc các ngân hàng thương mại tuân thủ luật chơi, không được “xé rào”. Hệ quả là lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại luôn “kịch trần” ở tất cả các kỳ hạn ngắn. Vậy mà bây giờ, để tự giảm bớt lượng vốn huy động, nhiều ngân hàng phải chủ động hạ lãi suất tiền gửi xuống khá xa so với trần lãi suất. Các ngân hàng thương mại lớn, khởi đầu là Vietcombank, đã tiến hành hạ lãi suất tiền gửi, khiến cuộc đua lãi suất cao kết thúc một cách đầy bất ngờ.
Tuy nhiên, điều mà nền kinh tế mong đợi là lãi suất cho vay giảm lại chưa được đáp ứng, dù từ đầu năm đến nay, Chính phủ nhiều lần thúc giục Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng giảm lãi suất cho vay để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Dù lãi suất tiền gửi tối đa là 7,5%/năm thì chỉ một số doanh nghiệp được ngân hàng đánh giá tốt mới có thể vay vốn mới ở mức 9%/năm, còn đa số các khoản vay cũ dao động trong khoảng 14 – 17%/năm. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại nhanh chóng đưa lãi suất cho vay các khoản vay cũ về dưới 13%/năm và các ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đã tuân thủ. Với các ngân hàng thương mại cổ phần, dù không được nhanh như vậy, nhưng họ cũng sẵn sàng hơn trong việc gia hạn các khoản nợ cũ với mức lãi suất thấp hơn và điều này giúp hạ lãi suất cho vay nhanh hơn so với trong năm 2012.
Với một góc nhìn khác, nếu xét mức suy giảm tín dụng trong bốn tháng đầu năm 2012, thì việc tăng trưởng tín dụng đạt 2,1% từ đầu năm đến nay cũng là một tín hiệu tích cực. Các chuyên gia đánh giá, một khi công ty mua bán nợ xấu đi vào hoạt động vào quý III, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể sẽ đạt được mục tiêu 12% trong năm nay. Trong đó, việc xử lý nợ xấu sẽ có tác động quan trọng đối với việc kích thích cầu tín dụng. Lãi suất cho vay sẽ còn giảm thêm nếu các điều kiện kinh doanh được cải thiện. Chỉ khi lãi suất cho vay giảm mạnh, cầu tiêu dùng tăng kích thích các doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào sản xuất – kinh doanh, thì việc tăng trưởng tín dụng mới thực sự là cơ hội cho nền kinh tế đi vào giai đoạn phát triển ổn định.
Minh Hằng