Có thể gọi các diễn giả, chuyên gia trong Diễn đàn Startups Việt trong và ngoài nước (do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại khách sạn Rex vừa qua) là những người truyền cảm hứng cho các startup – các nhà khởi nghiệp trẻ…
Đến từ đất nước Isarel, ông Shlomo Nimrodi được giới thiệu là vị Giám đốc điều hành (CEO) Ramot theo phương châm “hướng đến kết quả”.
Là một nhà quản lý có bề dày “kinh nghiệm quốc tế” trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau hơn 25 năm qua, cho đến tháng 5.2012, ông là CEO của Ramot – Trung tâm Gắn kết kinh kinh doanh của tổ chức nghiên cứu lớn nhất ở Isarel, thuộc Đại học Tel Aviv (TAU).
Kinh nghiệm Startups Isarel
Chia sẻ vấn đề Hệ sinh thái khởi nghiệp của Isarel và vai trò của các cơ sở học thuật, ông Shlomo Nimrodi giới thiệu những hoạt động nghiên cứu mang tính chất hàn lâm gắn kết thực tiễn của TAU.
Hằng năm, TAU đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển khá tốt từ các nguồn tài trợ đa quốc gia và các đối tác khác nhau. Nổi bật là những dự án của các nhà khoa học trẻ được Hội đồng Nghiên cứu châu Âu – ERC chọn tài trợ. Con số dự án xuất sắc được tuyển chọn này luôn gia tăng trong vòng 11 năm qua.
Chính nhờ sự vượt trội, tạo được uy tín, đã đưa TAU vào vị trí thứ 3 với số lượng hợp đồng: 32, chỉ đứng sau Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (số lượng hợp đồng: 84) và Max Planck Society (số lượng hợp đồng: 53).
Ông Shlomo Nimrodi cho rằng sự thành công của các dự án, nhất thiết phải chú ý tính khả thi và phát triển. Thực tế, hoạt động này càng được thực hiện tốt hơn khi nằm trong Hệ sinh thái khởi nghiệp của TAU. Nơi đây bao gồm một tổ chức tài chính, các công ty đa quốc gia và các trung tâm đổi mới.
Ngoài ra, các dự án khởi nghiệp của TAU thành công còn nhờ vào chính sách thu hút nhân tài. Trong vòng 5 năm qua đã có hơn 300 nhà nghiên cứu (hầu hết là người Isarel) từ các trường đại học hàng đầu thế giới như: Harvard, Yale, Stanford, Berkeley, MIT… trở về nước.
Đa phần, họ chọn TAU làm cơ sở nghiên cứu mới. Trung tâm ở đây mang tính chất nghiên cứu liên ngành, như: Thần kinh học, Phát triển thuốc mới, Công nghệ nano, Nghiên cứu sinh học ung thư, Khoa học dữ liệu, Tin sinh học, Dữ liệu lớn, An ninh mạng, Năng lượng tái tạo, In 3D…
Tính chất học thuật được chú trọng song song với nhiều quỹ hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo được thành lập; trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm của TAU dành cho chương trình Vườn ươm các dự án công nghệ mạng.
- Xem thêm: Những gương mặt khởi nghiệp ấn tượng
TAU còn là một trung tâm kết nối kinh doanh, thương mại hóa công nghệ như một quy trình phát triển mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cao.
Tuy vậy, đối với việc vận hành hoạt động này, các nhà khởi nghiệp chỉ trả khoản nợ đã vay từ các quỹ đầu tư khi nào các phát minh, sáng chế, sản phẩm kinh doanh thành công, thu được lợi nhuận. Ngược lại, nếu các công trình gặp rủi ro, thất bại, họ thực sự gặp khó khăn, không thể thu hồi vốn, khoản nợ sẽ được xóa.
Sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu của ông Shlomo Nimrodi về vấn đề Hệ sinh thái khởi nghiệp của Isarel và vai trò của các cơ sở học thuật tại Diễn đàn Startups Việt, một lần nữa, càng được cử tọa quan tâm.
Bỗng dưng, chúng tôi liên tưởng đến nhận xét về câu chuyện khởi nghiệp của Isarel của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu trong buổi sáng khai mạc Diễn đàn.
Những ý kiến này ông cũng từng chia sẻ tại buổi tọa đàm Báo chí – Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng thành phố, vì cả nước, nhân ngày 21.6: Khởi nghiệp của Isarel thành công nhờ 3 nhóm yếu tố: Một là văn hóa dân tộc, đó là tinh thần phản biện, chấp nhận thất bại để thành công, suy nghĩ và hành động toàn cầu. Hai là có chương trình phát hiện và bồi dưỡng nhân tài quốc gia. Ba là chính sách của nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa các trường đại học với các tài năng hoặc doanh nghiệp. Đây là 3 điều chúng ta có thể học từ Isarel.
Tìm vốn – câu chuyện chim và rùa
Một diễn giả khác được giới thiệu đến từ Hoa Kỳ là ông Gibs Song, Cố vấn Quỹ Đầu tư Big Basin Capital (một công ty đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon).
Trước khi gia nhập Big Basin Capital vào năm 2013, ông từng làm việc tại các trường đại học, công ty khởi nghiệp, các công ty toàn cầu tại 4 quốc gia khác nhau. Hiện tại, Gibs Song còn là Giám đốc điều hành của K-medical holdings.
Phong cách trình bày cởi mở, ông Gibs Song chia sẻ: Tôi sinh ra trên đất nước Hàn Quốc nhưng từ thuở nhỏ được theo gia đình định cư tại Canada.
Khi lớn lên, tôi làm việc ở nơi đầu tiên là Công ty Samsung. Đây là công ty tôi gắn bó khá lâu; có lúc đã giữ vai trò làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Samsung.
Năm 2009, tôi rời Samsung và tự cho phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn, dành nhiều thời gian lái xe chu du khắp nước Mỹ. Tôi quan niệm đây là sự trải nghiệm mới mẻ, trong cuộc sống phong phú của con người. Nhưng tự tinh thần năng động, thích làm việc đã chống lại sự thư nhàn kéo dài của tôi!
Cho đến lúc cảm thấy cần phải bắt đầu một công việc mới, tôi gia nhập Big Basin Capital. Năm 2015, tôi sang Việt Nam với vai trò Quản lý Quỹ Đầu tư Big Basin Capital. Tại sao tôi lại sang Việt Nam? Câu chuyện không thể kể tóm tắt trong thời gian quá ngắn, nên xin bày tỏ vào dịp khác.
Với kinh nghiệm nhiều năm về quản lý, ông Gibs Song tiếp tục trao đổi, phân tích về cách thức tìm vốn đầu tư của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Có nhiều loại vốn từ các nguồn quỹ đầu tư.
Ở đây, ông nhấn mạnh đến hai loại: Vốn đầu tư thiên thần và vốn đầu tư mạo hiểm. So sánh song hành về hai loại vốn, nhưng điều căn bản, ông Gib Song luôn nhắc nhở các nhà khởi nghiệp trẻ nên cân nhắc, chọn lựa những điều phù hợp nhất, chọn đúng đối tượng, định giá đúng, nắm bắt rõ lịch sử đầu tư chuyên ngành, câu chuyện đầu tư trong quá khứ, hiện tại và tiên liệu tình hình đầu tư trong tương lai…
Thường, nhà đầu tư thiên thần sẵn lòng dành nhiều thời gian để nghe câu chuyện về dự án của startup – khởi nghiệp; họ sẽ quyết định khi bị thuyết phục từ câu chuyện hay về dự án (tất nhiên vốn đầu tư này không lớn lắm).
Trái lại, nhà đầu tư mạo hiểm sẽ “soi” kỹ dự án; họ yêu cầu báo cáo tiến trình dự án, thống kê số liệu; họ có thể đề nghị “một ghế” trong Hội đồng quản trị; họ có vốn đầu tư lớn từ nhiều người và muốn nắm tính khả thi của dự án một cách chặt chẽ. Ông Gibs Song so sánh dí dỏm hai trường hợp như câu chuyện chim và rùa: Chim đẻ trứng và bắt sâu nuôi con; còn rùa đẻ con xong rồi, lại bỏ đi.
Ông đã từng gặp thất bại, chưa? Tất nhiên làm sao tránh khỏi điều đó! Ông Gibs Song chia sẻ 2 trường hợp. Trước đây, khi Dự án Nghiên cứu tạo chất tạo platinum (bạch kim) để thay thế vàng của GS Cho (Đại học Stanford) cho thấy nhiều tính khả thi. Dự án được đầu tư 1 triệu USD.
Nhưng không ngờ, sau đó không lâu, giá bạch kim bị tụt giảm và giá vàng lại tăng lên. Thế là, dự án của GS Cho bị phá sản. Trường hợp thứ hai lại là một kinh nghiệm khác.
Khoảng năm 2011, trong buổi gặp gỡ bạn bè, một vị bác sĩ, bạn của ông Gibs Song đã giới thiệu về cậu con trai thông minh, có nhiều sáng chế và gợi ý ông nên đầu tư vào sản phẩm của Rift.
Nhà đầu tư gần như quên lãng câu chuyện này; nhưng không ngờ, sản phẩm ấy về sau được “ông chủ” Facebook mua với giá 2 tỉ USD. Hiện tại, sản phẩm của Oculus Rift đã được ứng dụng khá tốt trong nhiều lĩnh vực công nghệ. Ông Gibs Song cho rằng lẽ ra ông phải để mắt khi nghe những thông tin như vậy; lẽ ra, nhà đầu tư phải nhạy bén, nắm bắt cơ hội.
Tuy vậy, ông Gibs Song cũng cho rằng, đối với những nhà khởi nghiệp, sự kiên trì cũng tạo cơ hội thành công; bởi có thể lúc ban đầu, họ bị nhà đầu tư từ chối nhưng cơ hội có thể mỉm cười với họ tiếp theo đó.
Ví dụ, trường hợp của Microsoft, Facebook, eBay, Apple, Dropbox, v.v. Chúng ta phải biết lắng nghe, quan sát, nắm bắt kịp thời những diễn biến xung quanh. Trong cuộc hành trình dài, phải tìm đối tác cùng đồng hành.
Khi gặp khó khăn, thất bại, đừng đổ thừa vào những điều gì gì đó để chùn bước. Mượn lời Bill Gates, ông nêu một thông điệp truyền cảm hứng: If you were born poor, it’s not your mistake; but if you die poor, it’s your mistake (Nếu bạn sinh ra là con nhà nghèo thì không phải là lỗi của bạn; nhưng nếu bạn chết nghèo thì đó là lỗi của bạn).
Làm thế nào để tồn tại trong một thế giới cạnh tranh?
Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê), nguyên Giám đốc Tài chính Công ty Misfit, hiện chị là Giám đốc của Facebook tại Việt Nam. Kiều Trang chia sẻ kinh nghiệm đã qua: Misfit do ông Sonny Vũ, chồng của chị và hai người bạn sáng lập vào năm 2012.
Misfit là công ty chuyên sản xuất các vòng đeo đo sức khỏe, giám sát hoạt động cơ thể, nhằm giữ gìn sức khỏe tốt hơn. Misfit chủ trương chọn chất xám, trí tuệ sáng tạo của đội ngũ khoa học Việt Nam, phát huy tài năng Việt Nam, làm việc tại Việt Nam nhưng cơ sở sản xuất được đặt ở Hàn Quốc.
Nhưng, khi sản phẩm công nghệ đã hoàn hảo rồi, một bài toán khó khác đặt ra cho công ty là làm thế nào để tồn tại, khi đối mặt với các cuộc cạnh tranh thị trường?
Kiều Trang chia sẻ tiếp: Chính vì vậy, sau khi nghiên cứu nhu cầu và sở thích của khách hàng, chúng tôi thấy cần phải tạo được sự thu hút sản phẩm từ những mẫu mã design mới, đẹp.
May mắn đã đến với chúng tôi, từ những cuộc thi design sản phẩm đã mang lại kết quả khá tốt. Misfit Shine nhận được 2 giải thưởng danh giá là Red Dot và A’ Design Awards.
Dần dần, đi sâu vào chiến lược kinh doanh, trước yêu cầu thúc buộc từ thành công đến phát triển, chúng tôi chọn giải pháp hợp tác với các công ty lớn (điều này cũng giống như ý kiến phát biểu của ông Gibs Song “trong cuộc hành trình dài, phải tìm đối tác cùng đồng hành”).
Kết quả thật khả quan: Misfit Shine đã “gắn” với một số thương hiệu lớn như Coca Cola Red Shine, Victoria Secret Shine, Swarovski Shine, Speedo Shine, Swarovski Shine, Solar Powered Edtion. Sau cùng, Misfit được nhượng lại cho Fossil Group, một tập đoàn lớn, vào năm 2015, với giá 260 triệu USD.
Với ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Rynan Holdings JSC từng thành công trên nhiều lĩnh vực, sở hữu nhiều bằng phát minh khoa học, nhưng khi đến tuổi về hưu, từ Canada, ông đã trở về quê nhà Trà Vinh tiếp tục lập nghiệp. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Mỹ chọn lọc giới thiệu sơ nét công trình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.
Gợi mở vấn đề đầy ấn tượng trước người nghe, ông nhấn mạnh: Trong thời đại công nghiệp 4.0, cho thấy xuất hiện hình thức kinh doanh khá mới mẻ, hiệu quả.
Đó là một hãng vận chuyển hàng đầu thế giới, không làm chủ một chiếc xe nào; một công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới, không làm chủ một kho hàng nào; một công ty cung cấp dịch vụ lưu trú khắp nơi trên thế giới, không làm chủ một căn hộ nào. Thế giới đang không ngừng phát triển!
Vậy mà, hàng ngày, tại sao chúng ta cứ nghe nhan nhản trên các phương tiện truyền thông phản ánh, cảnh báo cho biết có quá nhiều cái sai đã và đang xảy ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống con người: nào là vấn nạn thực phẩm bẩn, nào là vấn nạn phân bón giả, không khí, đất, nước bị ô nhiễm…
Vấn đề ở đây, chúng ta phải làm đúng lại cái đã sai. Ông Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ: Mục đích ra đời và hoạt động của Công ty Rynan Agrifood là để làm lại cho đúng, loại trừ cái sai; và hơn thế nữa, sẽ làm mới, làm tốt hơn sản phẩm qua ứng dụng Internet kết nối vạn vật vào nông nghiệp…
Kết nối Startups Việt…
Tại Diễn đàn, các diễn giả Việt Nam và Việt kiều còn chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn, bổ ích, gồm các chuyên gia như Thạch Lê Anh (Việt Nam) với nội dung tham luận Mang Silicon Valley đến Việt Nam; Tuấn Phạm (Hoa Kỳ) – Vai trò xúc tác của các ngân hàng trong hệ sinh thái khởi nghiệp: Cách tiếp cận của Silicon Valley Bank; Nguyễn Francis Tuấn Anh (Hoa Kỳ) – Startup Việt trong thời đại công nghệ 4.0; Linh Lê (Hoa Kỳ) – Khi nhà khoa học trở thành doanh nhân; Nguyễn Kỳ Phùng, Phó GĐ Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã báo cáo khá cụ thể về Tình hình hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Diễn đàn đã tổ chức ba phiên thảo luận chuyên đề về xây dựng các giai đoạn phát triển startups, đưa Startups Việt ra thế giới… Khá đông các nhà doanh nghiệp trẻ đã tham gia tìm kiếm đối tác đầu tư qua các buổi tọa đàm và gặp gỡ bên lề.
Ngoài ra, với mục đích trao đổi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, từ chương trình pitching (trình bày), các startup có tên dưới đây đã giới thiệu sản phẩm công nghệ sáng tạo của họ một cách bài bản, cụ thể và được các chuyên gia trong, ngoài nước đặt câu hỏi phản biện, góp ý, bổ sung.
Hy vọng, qua Diễn đàn kết nối, Startups Việt sẽ có kinh nghiệm và tìm được cơ hội thành công không những chỉ trong nước, trong khu vực mà còn vươn xa ra thế giới…
Ami: Công ty công nghệ 4.0 với tầm nhìn tham vọng kết nối toàn bộ 100 triệu người Việt Nam thông qua một hệ thống thông minh gồm các sản phẩm phần mềm, ứng dụng và các thiết bị phần cứng kết nối Internet để tạo nên hệ sinh thái cho thành phố thông minh.
Bột rau má sấy lạnh Quảng Thanh: Bột rau má được chế biến siêu mịn và có sản phẩm hoàn thiện với nguyên liệu đảm bảo an toàn và công nghệ sản xuất mới.
EyeQ Tech: Dựa vào thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo để nhận diện người và giấy tờ có trùng hợp hay không…
Ekid Studio: Đồ chơi giáo dục thông minh, sử dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo, có thẻ ráp hình, tập vẽ tran tô màu công nghệ AR.
Cyfeer (Cyhome): Sản phẩm công nghệ quản lý căn hộ và tiện nghi, bảo đảm các dịch vụ tốt cho người thuê nhà…
Hand Free: Ứng dụng miễn phí, phục vụ việc tìm chuyên gia thực hiện mọi công việc trong nhà, như sửa điện nước, vệ sinh máy lạnh, sửa khóa, sửa xe, giặt ủi, chuyển nhà, trông thú cưng…
SEJONG VIETNAM JSC: Dựa trên nền tảng Internet vạn vật kết nối cùng với các giải pháp tích hợp mang tính đột phá để tạo thêm giá trị gia tăng và cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần kiến tạo cộng đồng xanh và bền vững.
FinFT.com: Nền tảng kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startups với các nhà đầu tư trong và ngoài nước…