Từ thời xa xưa, truyền thống hội họa đã phát triển ở tiểu lục địa Ấn Độ. Các tác phẩm hội họa Ấn Độ có từ thời đại Ajanta và Ellora như các kinh tạng Phật giáo viết trên lá cọ, các bức tiểu họa của trường phái Mughal và Kangra…
Theo các tài liệu, những bức tranh này được sử dụng để trang trí nơi cửa ra vào, phòng dành cho khách từ những ngày trước. Hội họa truyền thống của Ấn Độ có những nhánh nhỏ trong hội họa của Ajanta, Sittanvasal và Bagh thể hiện tình yêu thiên nhiên và quyền năng tự nhiên qua tranh vẽ.
Hội họa Ấn Độ phát triển theo thời gian, pha trộn với những ảnh hưởng khác nhau của truyền thống. Những bức tranh dân gian Ấn Độ cũng rất nổi tiếng khắp nước cũng như trên toàn thế giới. Những bức tranh dân gian này phản ánh ảnh hưởng của truyền thống và phong tục địa phương. Một số phong cách vẽ tranh nổi tiếng của Ấn Độ rất đáng chú ý.
Hội họa hang động
Loại hình hội họa hang động có niên đại từ thời tiền sử. Một số tác phẩm thuộc giai đoạn này là những bức bích họa ở Ajanta, Ellora, Bagh, Sittanavasal. Chúng phản ánh sự thiên trọng về tính tự nhiên. Những bích họa hang động Ấn Độ đã cho thấy tổ tiên là những người đã từng sinh sống trong các hang động. Sắc đỏ là màu chủ yếu được sử dụng trong những bức vẽ này.
Màu xanh lá cây, vàng và xanh dương hoặc đen cũng được sử dụng, được chiết xuất từ các khoáng sản. Đối tượng của những bức họa thay đổi theo thời gian và khu vực. Động vật và con người là những mô tả thường thấy trên các bích họa hang động. Chúng là những hình họa vẽ chồng lên nhau bằng cách sử dụng các dạng hình học biểu trưng cho con người và động vật riêng lẻ.
Hội họa Madhubani
Những bức tranh được gọi là hội họa Mithila thuộc về ngôi làng nhỏ Maithili thuộc bang Bihar của Ấn Độ. Ban đầu, nó được phụ nữ trong làng thực hiện. Họ vẽ những bức tranh trên tường ngôi nhà của mình. Những bức tranh minh họa cho các suy nghĩ, ước mơ, mong muốn và hy vọng của họ. Khi thời gian trôi qua, những bức họa đã trở thành một phần của các lễ hội và sự kiện đặc biệt như hôn nhân, lễ đặt tên. Chúng được thực hiện bằng ngón tay, cọ, que nhỏ, cành/nhánh cây con và các màu tự nhiên. Những bức họa Madhubani được thể hiện bằng cách sử dụng các dạng thức hình học.
Tiểu họa
Những vật thu nhỏ được vẽ tay một cách thủ công đẹp mắt với kích thước nhỏ xíu. Chúng được thể hiện đầy màu sắc và quyến rũ bậc nhất làm nổi bật phong cách vẽ riêng biệt của từng nghệ nhân đầy tinh tế và phức tạp khiến cho loại hình này trở nên vô cùng độc đáo. Chúng được thể hiện trên các chất liệu dễ hư hỏng như giấy, vải… Suốt thế kỷ 17, từ Tây Himalaya những bức tiểu họa của Ấn Độ bắt đầu có những tiến triển.
Chúng chịu ảnh hưởng nhiều của các bích họa thế kỷ 18. Các ghi chép cho thấy sự đóng góp của hội họa Mughal cho tranh tiểu họa Ấn Độ là nhờ sự phổ biến truyền thống mỹ thuật Ba Tư. Nhờ vậy, phong cách hội họa này đã được các nghệ nhân cải thiện liên tục qua các triều đại cai trị khác nhau.
Hội họa Mughal
Hội họa Mughal là sự kết hợp giữa phong cách Hồi giáo, Ba Tư và Ấn Độ. Những tác phẩm hội họa phát triển trong suốt thế kỷ 16 – 19 theo cùng sự phát triển cai trị của triều đại Mughal ở Ấn Độ. Những bức họa được thể hiện dưới nhiều hình thức khác biệt ở các vùng khác nhau của đất nước Ấn Độ. Những bức họa này sở đắc một số đặc điểm quan trọng dường như bắt nguồn từ thời trị vì Humayun ở Ấn Độ.
Một số nghệ nhân bậc thầy của thời kỳ này là Basawan, Kesu Das, Lal, Miskin, Daswanth và Dalchand. Các họa tiết có thể được nhìn thấy trong các bức họa Mughal là những đám mây cuồn cuộn, các thiên thần có cánh, cảnh chiến đấu, cây cối, chim chóc và động vật trong hình dạng hiện thực. Những bức họa này cũng thể hiện cuộc sống của những người cai trị, và hệ thực vật đa dạng.
Hội họa Mysore
Đây là một hình thức hội họa cổ điển của miền Nam Ấn Độ phát triển ở thành phố Mysore, bang Karnataka. Trong suốt triều đại Raja Krishna Raja Wodeyar ở Mysore, phong cách hội họa đặc biệt này đã đạt đến đỉnh cao dưới sự bảo trợ của cung đình. Những lá vàng mỏng được sử dụng phổ biến trong những tác phẩm hội họa. Chúng đòi hỏi sự tập trung lớn và làm việc cần mẫn để tạo ra những bức tranh đặc biệt.
Các đề tài phổ biến nhất của những bức tranh này là cảnh từ thần thoại Hindu, các vị thần và nữ thần Hindu… Chúng mê hoặc người xem vì cái đẹp, vẻ thanh nhã và sự phức tạp, tinh vi của tác phẩm. Trước kia, các sắc màu được lấy từ khoáng sản và thực vật, nhưng ngày nay màu đặc và loãng (màu nước) được sử dụng trong các bức tranh của Mysore.
Hội họa Pahari
Những tác phẩm hội họa được tạo tác tại các bang của Jammu, Kashmir và Himachal Pradesh của Ấn Độ và danh xưng này cũng được trao cho các tác phẩm hội họa Rajput được thể hiện tại hai bang này. Nó phát triển trong thời gian suốt từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Những bức tranh này chủ yếu được thể hiện dưới dạng những bức tiểu họa. Các đề tài của bức họa được lấy từ các sử thi, cổ sự, những bài thơ và dân ca về các vị thần Rama và Krishna. Sau đó, theo thời gian, đề tài cũng phát triển và xoay quanh tình yêu và sự sùng đạo hết lòng của tín đồ.
Hội họa Rajput
Hội họa Rajput có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17 ở bang Rajasthan hoàng gia. Những tác phẩm hội họa này ảnh hưởng mạnh mẽ phong cách Mughal trong thời kỳ Mughal cai trị gần như tất cả các bang của Rajasthan trong suốt thời gian đó. Đề tài của những bức họa này xoay quanh sử thi vĩ đại Ramayana và Mahabharata, Cuộc đời của thần Krishna, các phong cảnh và con người.
Những bức tranh này được thực hiện trên pháo đài, tường của cung điện, havelis (ngôi nhà phố hoặc biệt thự truyền thống ở Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh; thường là những ngôi nhà có ý nghĩa lịch sử và kiến trúc). Màu sắc sử dụng cho những bức tranh này được lấy từ thực vật, vỏ ốc xà cừ, đá quý, khoáng sản, vàng và bạc…
Hội họa Tanjore
Đây là hình thức nghệ thuật bản địa của “Thanjavur” cũng được biết đến như là thành phố “Tanjore” của Tamil Nadu. Đây là một trong những hình thức hội họa cổ điển nổi tiếng của miền Nam Ấn Độ. Những bức họa này được phân biệt với các loại tranh khác do việc sử dụng các màu sắc rực rỡ, bố cục dày đặc và sự phong phú bề mặt. Chúng là những tác phẩm chạm đắp nổi mang lại hiệu ứng 3 chiều.
Những bức tranh này được thêm thắt các mẩu trang trí bằng đá quý, mảnh thủy tinh và ngọc trai. Những bức họa có nguồn gốc ở Ấn Độ dưới thời trị vì của Cholas vào thế kỷ 16. Các nghệ nhân từ Tanjore, Trichy và Madurai vẽ tranh theo phong cách này. Đề tài chính cho những bức tranh này là các vị thánh, các vị thần và nữ thần Hindu.
Vì vậy, ngày nay, các nghệ nhân đương đại chưa ảnh hưởng các hình thức nghệ thuật truyền thống này nên đã xuất sắc trong việc thể hiện những tác phẩm hiện đại theo trí tưởng tượng và sự tự do thẩm mỹ của mỗi một nghệ nhân. Những nghệ nhân ở Madurai phần lớn không được đào tạo ở bất kỳ học viện mỹ thuật nào, nhưng với sự đam mê về hội họa và kỹ năng quan sát tốt, họ đã nắm vững các kỹ năng tô và vẽ theo phối cảnh với tỷ lệ cân xứng.
Nhờ vào sự quan sát những cuốn lịch và sách, báo chí có hình họa mỹ thuật đã truyền cảm hứng cho họ để vẽ nên các bức bích họa. Nghệ nhân sử dụng lòng bàn tay của mình để làm công cụ đo lường trong khi phác thảo để duy trì tỷ lệ cho hình họa. Khuôn mặt của hình họa được thể hiện theo chiều dài của lòng bàn tay và kích thước cơ thể của hình họa là 8 lần chiều dài lòng bàn tay. Theo từng yêu cầu của bức họa, cọ tròn hoặc cọ phẳng.
Công cụ và nguyên vật liệu
Các công cụ và nguyên vật liệu được sử dụng để thể hiện những tác phẩm hội họa truyền thống tại Madurai gồm: 1/Vải là vật liệu cơ bản được sử dụng để vẽ tranh. 2/Sơn được sử dụng để làm nổi bật vẻ đẹp cho bức tranh. 3/Cọ sơn được sử dụng để thể hiện hình ảnh trên chất liệu nền tô nhiều màu. 4/Nước được sử dụng để làm sạch cọ sơn mỗi khi chuyển đổi từ màu này sang màu khác. 5/Vải vụn được sử dụng để lau sạch sơn dư thừa ở trên tường hoặc từ cọ vẽ. 6/Thước tỷ lệ được sử dụng để đo lường hình ảnh tạo nên sự cân xứng giữa các thành phần trong một bức vẽ và cũng được sử dụng để đo chất liệu nền mà trên đó hình họa được thể hiện.
Quy trình
Các bước thể hiện một bức vẽ truyền thống được thực hiện thành nếp. Trước tiên là phác thảo sơ bộ hình ảnh trên nền cơ sở. Nền cơ sở là một bức tường hoặc tấm vải/cotton. Sơn acrylic thường được sử dụng để vẽ thành. Còn thể hiện trên tường có thể là sơn dầu hoặc sơn acrylic và sơn châu Á. Các loại sơn này được sử dụng để phác thảo ban đầu nét vẽ ngoài. Lớp chi tiết thứ hai được thêm vào các phác thảo bên ngoài ban đầu này.
Thêm vào đó, các chi tiết nhỏ như đặc điểm khuôn mặt được phác thảo thêm. Các tranh vẽ truyền thống thường bao gồm các cảnh thần thoại, hình ảnh về các vị thần và nữ thần… Vì vậy, nét phác thảo bên ngoài khuôn mặt của nhân vật được lựa chọn để vẽ cho phù hợp bằng cách sử dụng những tính toán về kích cỡ, các đặc điểm khác của cơ thể cân xứng. Một khi phác thảo cơ bản về hình ảnh và các chi tiết được thể hiện xong, thì tiếp theo là bước tô màu hình vẽ.
Một lớp màu phủ được thực hiện làm màu nền cho hình ảnh (vùng bắt buộc). Lớp màu thứ hai và thứ ba được thể hiện trên màu nền để có được những tông màu khác biệt trong bức tranh. Hơn nữa, những điểm nổi bật được nhấn nhá cho hình ảnh. Như công đoạn cuối cùng, các chi tiết nhỏ như những món đồ trang sức phức tạp, mắt và lông mi… mới được thể hiện và để cho khô. Theo đó những bức họa truyền thống ở Madurai được thực hiện.
Sản phẩm
Các bức họa truyền thống này được vẽ trên tường của các đền thờ ở Madurai. Một số ngôi đền đó là đền Madurai Meenakshi và các ngôi đền khác. Kích thước của những bức họa này thay đổi theo không gian được phân bổ hay trật tự được đưa ra bởi khách hàng. Những bức họa truyền thống này bao gồm các nhân vật thần thoại, các vị thần/nữ thần, phong cảnh. Bích họa này thường được thể hiện bằng sơn dầu để duy trì độ bền. Theo đó, việc áp dụng kỹ thuật hiện đại như các loại sơn ngoại thất cũng được sử dụng để tô vẽ trên các bức tường bên ngoài của những ngôi nhà và văn phòng.