Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6-5, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi xuống, giá dầu giảm và đồng yen – vốn được coi là tài sản an toàn – lại mạnh lên, giữa bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ – Trung bất ngờ trở nên xấu đi. Mở cửa phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,2%.
Trong khi đó, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 cũng hạ 39,10 điểm (0,62%), xuống còn 6.296,70 điểm, sau khi Tổng thống Donald Trump vào ngày 5-5 cho biết mức thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25% từ ngày 10-5, và đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế 25% đối với 325 tỉ USD hàng hóa của nước này “trong thời gian ngắn”.
Dòng thông báo trên trang cá nhân Twitter của Tổng thống Trump đã phủ bóng đen lên thị trường toàn cầu, xóa tan sự lạc quan trước đó của giới đầu tư về triển vọng đàm phán thương mại thành công giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Báo The Wall Street Journal cùng ngày cũng cho biết, Trung Quốc đang cân nhắc hủy các cuộc đàm phán với Mỹ trong tuần này sau lời đe dọa trên của tổng thống Mỹ.
Sau ba phiên đóng cửa nghỉ lễ liên tiếp từ cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giao dịch trở lại trong phiên này và hòa theo đà giảm của các sàn châu Á, do quan ngại về tình hình căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Mở cửa phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 730,82 điểm (2,43%), xuống 29.350,73 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 93,61 điểm (3,04%), xuống 2.984,73 điểm.
Trong khi đó, thị trường tài chính Nhật Bản vẫn đóng cửa nghỉ lễ đến hết ngày 7-5. Đồng yen của Nhật Bản lại mạnh lên so với đồng USD trong phiên này, giao dịch ở mức 110,67 yen/USD, còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lại suy yếu trước đồng bạc xanh, giao dịch ở mức thấp nhất kể từ ngày 23-1 là 6,8108 NDT/USD.
Đồng tiền chung châu Âu giảm 0,18% giá trị so với đồng USD, xuống 1,1180 euro/USD, giữa lúc chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh với rổ sáu đồng tiền chủ chốt tăng lên 97,574.