Việc vốn ngoại chi phối tại các doanh nghiệp nội có thương hiệu lớn, lâu đời đang đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý về việc làm sao để mở cửa đón dòng vốn ngoại nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của doanh nghiệp nội cũng như Nhà nước không bị thất thu thuế như trường hợp các doanh nghiệp FDI trước đây.
Với việc Công ty TNHH Vietnam Beverage mua vào hơn 53,59% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB), Sabeco đã trở thành doanh nghiệp bia đầu ngành Việt Nam gián tiếp được người Thái sở hữu.
Nhìn vào danh sách các ông lớn ngành bia tại Việt Nam, ba cái tên được nhắc đến tiếp theo là Heineken, Habeco, Carlsberg, với thị phần năm 2017 lần lượt là 21,8%, 16,7% và 9,7%.
Trong đó, Habeco là doanh nghiệp duy nhất được người Việt sở hữu chi phối (ở đây là Bộ Công thương), hai đơn vị còn lại đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Điều này đồng nghĩa với việc hơn 70% thị phần bia trong nước đang bị chi phối bởi nhà đầu tư ngoại. Đó là chưa tính đến việc bản thân Habeco đã có sự tham gia của Carlsberg (với 16,7% sở hữu cổ phần) và đang có ràng buộc pháp lý về quyền được mua tiếp cũng như các thương hiệu bia ngoại khác đang có thị phần như Sapporo, SAB Miller, San Miguel…
Đối với lĩnh vực sản xuất ống nhựa, hai doanh nghiệp đầu ngành là Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) đang chi phối ngành, với khoảng 60% thị phần, trong đó thị phần mỗi công ty xấp xỉ 30%.
Nhựa Bình Minh đã được nhà đầu tư Thái Lan mua chi phối, còn Nhựa Tiền Phong có 15% vốn cổ phần được sở hữu bởi cổ đông Nhật Bản.
Doanh nghiệp xếp thứ ba về thị phần là Đệ Nhất (khoảng 10% thị phần cả nước) có vốn từ Đài Loan. Chỉ riêng với cơ cấu sở hữu trên, khoảng 40% thị phần sản xuất ống nhựa trong nước đã bị nhà đầu tư ngoại chi phối.
Trong ngành dược, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) hiện được coi là doanh nghiệp trong nước có thị phần cao nhất, với doanh thu hợp nhất hơn 4.400 tỉ đồng năm 2018.
Hiện nay, cơ cấu sở hữu của DHG có hai cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (43,31% vốn điều lệ) và Taisho Pharmaceutical (35% vốn điều lệ).
Đầu tháng 3-2019, Taisho đã nộp hồ sơ chào mua công khai cổ phiếu DHG, với khối lượng hơn 28 triệu cổ phiếu, tương đương gần 21,7% vốn điều lệ.
Nếu thực hiện chào mua thành công, sở hữu của Taisho tại DHG sẽ tăng lên gần 57% và DHG sẽ trở thành công ty nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Trước đó, Abbott đã hoàn tất sở hữu 51,7% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC).
Trong danh sách các công ty dược lớn tại Việt Nam còn có Công ty cổ phần Pymepharco (PMY), có doanh thu lớn thứ hai về dược phẩm với cổ đông lớn nhất là Stada Service Holding B.V (sở hữu 62% vốn điều lệ).
Tại Công ty cổ phần Traphaco, Magbi Fund Limited – nhà đầu tư đến từ Hong Kong đang là cổ đông lớn nhất, tỷ lệ sở hữu 25% vốn điều lệ.
Với cơ cấu sở hữu phân tán như hiện nay, xác suất để Traphaco bị thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoại trong ngắn hạn có thể chưa lớn, nhưng doanh nghiệp có lợi thế về thương hiệu, vị thế trên thị trường, đặc biệt là vị thế trong lĩnh vực Đông dược, nên khả năng khối ngoại sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu.
- Xem thêm: Thu hút vốn ngoại: mong chờ bước đột phá
Nhìn chung, nhà đầu tư ngoại tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp dược lớn, hoặc những doanh nghiệp đã đầu tư lớn về cơ sở sản xuất nhưng chưa tạo được doanh thu đang là xu hướng diễn ra tại thị trường Việt Nam.
Với xu hướng này, bên cạnh tỷ lệ lớn thuốc tiêu thụ trong nước được nhập khẩu, việc trực tiếp mở nhà máy tại Việt Nam song song với mua thâu tóm doanh nghiệp dược là yếu tố khiến ngành dược ngày càng phụ thuộc vào nhà đầu tư ngoại.
Hiện chỉ có mảng phân phối dược phẩm là chưa rơi vào tay nhà đầu tư ngoại do vấn đề pháp lý, theo cam kết WTO và các văn bản pháp luật của Việt Nam.