Một cuộc khảo sát mới đây tại Mỹ cho thấy giới trẻ “Thế hệ Z” (Generation Z) còn cảm thấy đơn độc hơn người già. Họ gặp nhiều nguy cơ cho sức khoẻ do cách sống cô lập với xã hội.
Trong khi đối với nhiều người, sự cô đơn đến và đi như những ngọn sóng cao trên mặt biển, chỉ xuất hiện trong vài phút hay vài giờ rồi trở lại bình thường thì đối với không ít người trẻ Mỹ, sự cô đơn là “con sóng thường trực” tấn công họ liên tục, hết ngày này qua ngày khác, gây ra lắm vấn đề cho sức khoẻ thể chất và tinh thần, đôi khi rất nghiêm trọng.
Cô đơn, từ một lối sống đến vấn nạn cho xã hội
“Đơn độc kinh niên”, “Đơn độc từ trong máu” đã được tờ The New York Times xem là “thảm hoạ xã hội” trong một bài viết năm 2017.
Một cuộc khảo sát mới do công ty bảo hiểm Mỹ Cigna thực hiện cho thấy trong giới trẻ Thế hệ Z sinh sau thế kỷ 20 có một số người còn đơn độc hơn cả người già sống trong viện dưỡng lão.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện trên 20.000 người Mỹ tuổi từ 18 trở lên, 48,3 % người được hỏi thừa nhận “thỉnh thoảng” hoặc “thường xuyên” bị rơi vào tâm trạng cô đơn so với 38,6% người từ 72 tuổi trở lên. Thành phần từ 18-22 tuổi của Thế hệ Z là bị nặng nhất.
Nghiên cứu cũng phát hiện khác biệt lớn giữa nam và nữ về mức độ đơn độc, thường cao hơn ở nam Một phần nguyên nhân khiến giới trẻ Thế hệ Z cảm thấy đơn độc là do thiếu kết nối với cuộc sống và con người ngoài đời thật, trong khi kết nối với không gian ảo lại chiếm rất nhiều thời gian.
“Những người thường xuyên mặt đối mặt (face-to-face) với người khác ngoài đời ít rơi vào sự cô đơn so với những người ít tương tác. Tương tác mặt đối mặt đóng vai trò rất quan trọng. Những người bỏ nhiều thời gian cho gia đình và trò truyện với bạn bè sẽ ít cảm thấy đơn độc hơn. Sức khoẻ của họ cũng tốt hơn nhiều so với những người ít hoặc không mặt đối mặt với người khác và sống khép kín trong môi trường tù túng” – nghiên cứu kết luận.
Tình trạng giới trẻ cô đơn tại nước Anh phổ biến đến nỗi mới đây chính phủ Anh phải thành lập một cơ quan đặc biệt theo dõi hiện tượng này và tìm cách khắc phục sau khi một báo cáo phát hiện có hơn 9 triệu người Anh “thỉnh thoảng” hay “thường xuyên” sống trong tâm trạng cô độc.
Tại Canada, tình hình cũng chẳng khá hôn. Tiến sĩ Andrew Wister, giám đốc trung tâm nghiên cứu tâm trạng tại Đại học Simon Fraser University ở tỉnh British Columbia cho biết cứ 5 người thì có một người thường cảm thấy mình cô đơn hay bị cô lập với xã hội bên ngoài.
Bác sĩ gia đình Robin Lennox hiện giảng dạy tại đại học McMaster University ở Hamilton thuộc tỉnh Ontario cho biết nhiều cuộc khảo sát phát hiện ra có từ 25-30% người Canada thuộc mọi thành phần tuổi tác từng trải qua tâm trạng đơn độc.
“Nguy cơ cho sức khoẻ từ việc sống cô đơn, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài có rất nhiều, kể cả chết sớm và tự sát. Sống cô đơn dẫn đến lo âu, trầm cảm, lạm dụng thuốc kích thích và ma tuý, ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ; việc kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu cũng khó khăn hơn” – ông nói.
Một báo cáo năm 2017 tại Canada cho thấy những người sống đơn độc hay ẩn dật tại một nơi xa nơi thị tứ cũng gặp nhiều nguy cơ cho sức khoẻ không thua gì những người sống trong các cộng đồng giới tính khác và nghèo khó.
Tại Hàn Quốc, thành phần trẻ thích sống độc lập và khép kín được gọi là “honjok”. Một bạn trẻ thuộc thành phần này tự nói về mình: “Chúng tôi sống trong thời đại phải làm việc vất vả nhưng tương lai không hể bảo đảm, vậy thì tại sao không sống cho mình mà phải lo toan vì người khác?
Cái gọi là hạnh phúc đời sau rất mơ hồ, vậy thì tại sao chúng ta không ưu tiên cho hạnh phúc ngay bây giờ khi có điều kiện? Xã hội chúng ta đang sống rất bất ổn và giới trẻ ngày càng mất hy vọng vào tương lai.
Họ cảm thấy không có quyền lực gì trong xã hội này và trong thế giới này. Họ chọn đầu tư vào hiện tại để tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân mình, và xem đây là ưu tiên số một chứ không phải gia đình và con cái”.
Những trợ thủ robot
Nhiều người trẻ châu Á sống đơn độc, tách khỏi gia đình và sống một mình, đang tìm đến sự trợ giúp của máy móc như bạn đồng hành.
Xu hướng này thấy rõ tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản khi số người không lập gia đình và sống đơn độc ngày càng tăng. Các đồng hành trí khôn nhân tạo đã lấp đầy lỗ hổng tình cảm của họ.
Và đây cũng là thị trường béo bở cho các công ty công nghệ kinh doanh trong lĩnh vực này. Tháng 5.2018, tại Trung Quốc xuất hiện chó robot Fuli cao 30 cm được trang bị trí khôn nhân tạo (AI) để tương tác tình cảm với chủ nhân.
Hai bên cùng chăm sóc cho nhau chứ không phải chỉ máy chăm sóc cho người. Con chó cũng đòi hỏi được chủ quan tâm chăm sóc với những phản ứng giận hờn hay hạnh phúc.
Lai tạp giữa con hải cẩu nhỏ Parp của Nhật Bản (bạn của những người già) và thú ảo Tamagotchi, Fuli có thể tự chuyển động và được trang bị những bộ thụ cảm kiểm tra sinh trắc học để biết được tâm trạng của chủ và phản ứng thích hợp.
Theo Zhang Jianning, cha đẻ của Fuli, con chó thông minh cũng có thể giúp chủ nhân làm những việc vặt như nhận thư khi chủ đi vắng và kết nối với dịch vu cấp cứu nếu thấy chủ ngã bệnh.
Fuli xuất hiện lần đầu tại hội nghị Yunqi 2050, sân chơi cho các nhà sáng tạo và doanh nhân trẻ. Zhang, tốt nghiệp Viện Nghệ thuật trung ương tại Bắc Kinh, cho biết anh thiết kế Fuli không chỉ là một đồ chơi đơn thuần mà còn để giúp số người trẻ đơn độc ngày càng nhiều tại Trung Quốc có “bạn đồng hành” đúng nghĩa của nó.
Nhưng phiên bản “bạn tốt nhất của con người” do Zhang phát triển chỉ là một trong rất nhiều trợ lý AI đang tạo cơn sốt trong thế giới công nghệ tại châu Á trong những năm gần đây.
Trước nhu cầu càng cao về một cỗ máy có thể chia sẻ vui buồn cho những người cô đơn, các công ty đã đua nhau nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm mới tận dụng công nghệ trí khôn nhân tạo.
Từ thú robot đến bạn gái thực tại ảo (virtual reality girlfriend), các “bạn tốt nhất của con người” xuất hiện tại Đông Á đã biến hai trợ lý trên không gian ảo Siri của Apple và Alexa của Amazon thành robot đồng hành.
Người tiêu dùng cũng mở rộng hầu bao và trái tim để đón nhận chúng. “Thực tế hiện nay cho thấy có nhiều người trẻ thích nói chuyện với máy móc hơn là với con người.
Ở đây là đồng hành với robot – Kitty Fok, giám đốc điều hành của công ty phân tích công nghệ the IDC China, trụ sở tại Bắc Kinh nhận định – Khi các yếu tố xã hội và kinh tế tác động lên hiện tượng sống độc thân và sống một mình tăng, nhu cầu về bạn đồng hành AI sẽ tiếp tục mở rộng”.
Theo thống kê mới nhất của chính phủ, hiện có hơn 80 triệu người sống độc thân tại Trung Quốc. Các chuyên viên về lối sống tin rằng con số thật cao hơn nhiều và sẽ đạt đến trên 160 triệu vào năm 2050.
Chính phủ Trung Quốc ước tính đến năm 2020, số đàn ông trẻ độc thân sẽ vượt quá số phụ nữ trẻ độc thân đến 30 triệu người, hậu quả của chính sách 1 con và trọng nam khinh nữ kéo dài.
Còn tại Nhật Bản, năm 2015 chỉ có 25% nam giới ở độ tuổi lập gia đình chịu lấy vợ và chỉ có 1/7 phụ nữ ở độ tuổi này lấy chồng, thấp kỷ lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong số những người “không thích làm đám cưới” có 60% không có mối quan hệ nào “vắt vai” vào thời điểm phỏng vấn.
Tại Hàn Quốc, theo nghiên cứu mới nhất của chính phủ, số căn hộ đơn thân từ mức thấp nhất vào năm 1990 chuyển sang mức cao nhất vào năm 2015. Hơn ¼ căn hộ chỉ có một người sống ở trong.
Cơ hội cho các công ty kinh doanh sự đơn độc
Dù tỉ lệ hôn nhân giảm trên toàn thế giới, xu hướng giảm thấy rõ nhất tại Đông Á khi các nhân viên văn phòng, dịch vụ hay lao động nhà máy hầu như không có thời gian để tìm bạn tại những điểm giải trí, nơi công cộng, party do họ phải làm việc quá nhiều giờ.
Tại Trung Quốc, giới trẻ trên dưới 20-30 tuổi sống đơn độc và làm việc tại các thành phố lớn được gọi là “thế hệ tổ ấm không người chia sẻ”.
Để giúp họ giải tỏa cô đơn, một ngành kinh doanh đang nở rộ, đó là karaoke và nhà hàng đặc biệt dành cho những người độc thân đến giải toả sự trống vắng.
Khi ngày càng có nhiều người trẻ không muốn lập gia đình và có con, thì sống đơn độc đã trở thành “vấn đề lớn” cho cả gia đình và xã hội.
Nhiều người trẻ say mê với công việc họ đang làm, xem đây là niềm vui chính và độc thân là một dạng “tự trị, giải phóng khỏi những phiền thoái mà các thế hệ trước gặp phải.
Tuy nhiên, sống đơn độc hoá ra không đơn giản như họ tưởng, đặc biệt là “lỗ hổng” cảm xúc”. Đây chính là cơ hội cho các sản phẩm AI như Fuli ra đời để lấp vào lỗ hổng này.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, quay về căn phòng quen thuộc tự do nhưng vắng lặng, không có ai tương tác, Fuli và những “sinh vật” máy giống nó là giải pháp tốt nhất chống lại sự trống vắng, đơn độc.
Làm tốt không thua gì Fuli tại Trung Quốc còn có robot XiaoIce nói tiếng phổ thông của Microsoft. Khác với các cỗ máy trò chuyện cũ với giọng nói máy móc, XiaoIce có giọng nói truyền cảm như giọng nói người với câu cú khá hoàn hảo.
XiaoIce còn có thể giúp chủ nhân một số việc vặt giống như Cortana, đối thủ của nó trên Siri. Ví dụ báo động trên điện thoại chủ nhân khi phát hiện được bất thường trong nhà.
“Mục tiêu chính của thế hệ robot AI tương tác mới là tạo cho chủ nhân cảm giác họ đang trò chuyện với người thật chứ không phải robot. Tương tác người-người là đòi hỏi số một của thế hệ robot AI mới” – một kỹ sư phần mềm thuộc đội sáng tạo XiaoIce của Microsoft nhận định.
Một số công ty còn đi xa hơn khi biến đồng hành thành “người tình” thật sự của chủ nhân. Lúc đó, robot biến thành búp bê máy với khả năng như người, thậm chí biết… quan hệ tình dục!
Năm 2016, công ty công nghệ Vinclu trụ sở tại Tokyo đã giới thiệu Azumi Hikari, một trợ lý dưới dạng ảnh ảo trong chiếc ly thuỷ tinh gọi là Gatebox.
Hikari không chỉ biết mở tắt đèn như bất kỳ trợ lý ảo nào khác mà còn là “bạn gái” của chủ nhân theo nghĩa khiêm tốn nhất của từ này.
Dù không bằng Joi (đồng hành AI của diễn viên Ryan Gosling trong bộ phim khoa học giả tưởng Blade Runner 2049), giọng nói của Hikari rất quyến rũ với trang phục thay đổi liên tục rất hấp dẫn. Suốt ngày, cô gửi cho chủ những tin nhắn yêu thương và “chúc công việc được như ý”, hạnh phúc.
“Có Hikari trong nhà thật là thú vị” – một diễn viên nói. Giá một Gatebox hiện nay khoảng 2.700 USD và đang được bán tại Mỹ và Nhật. Phát ngôn viên của Vinclu cho biết những người dùng Gatebox rất hài lòng về sản phẩm này.
“Lỗ hổng cảm xúc đã được lấp đầy phần nào!” – một khách hành của công ty nói. Hikari rất được quan tâm ở Nhật Bản.
Công ty Line Corp., chủ nhân của dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất Line ở Nhật đã trở thành cổ đông đa số tại Vinclu từ năm ngoái. Tuy nhiên, không chỉ có Hikari mà những “trái tim đơn độc” tại Nhật Bản và các nước Đông Á còn có thể tìm được những trợ lý AI khác.
Năm 2017, công ty Trung Quốc iQiyi, chủ nhân của dịch vụ video do Baidu sở hữu, đối thủ của Netflix đã thêm trợ lý AI vào VR headset để thu hút thêm khách hàng.
Trợ lý ảo này là một avatar nữ tên “Vivi” sẽ giúp người dùng dịch vụ chọn video từ danh mục của iQiyi. Nhưng Vivi còn có khả năng nhảy múa, nói lời tình tứ với chủ nhân và phản ứng “sung sướng” khi chủ nhân chạm vào mình, dĩ nhiên là trong môi trường ảo.
Tuy nhiên, sau khi báo chí phương Tây chỉ trích Vivi kích dục, iQiyi đã phải loại trợ lý này ra khỏi headset VR. Đại diện công ty cho biết sau khi lập trình lại, Vivi sẽ tái hiện.
“Cô gái Rachel” và giới hạn của “đồng hành ảo”
Tại Couger, một start-up công nghệ mới của Nhật Bản, các kỹ sư đang phát triển một đồng hành AI có thể đưa vào VR headset, TV và cả màn hình laptop, điện thoại.
Sản phẩm “Virtual Human Agent-VHA) sẽ dùng công nghệ không dây và blockchain để chỉ xuất hiện ở nơi chủ nhân muốn (headset chẳng hạn).
Trong video trình diễn, phiên bản VHA thử nghiệm chuyển dễ dàng từ màn hình desktop đến smartphone của chủ nhân và khi camera smartphone chỉ vào vật dụng nào trong phòng nó sẽ có lời bình về vật dụng đó.
Khi camera hướng về chiếc ghế ngồi, VHA phát ra giọng nói: “Đó là một chiếc ghế dễ thương!”. Phát ngôn viên của Couger cho biết chỉ thêm vài năm phát triển nữa, VHA có thể theo chủ nhân từ nhà ra xe, vào thành phố, tức là luôn bám theo chủ nhân như bóng với hình.
“Khi đó, những con người đơn độc sẽ không còn cảm thấy đơn độc nữa” – ông nói. Phiên bản thử nghiệm VHA được Couger gọi là “cô gái Rachel”.
Giám đốc điều hành Couger, ông Atsushi Ishii, cho biết người dùng có thể chọn hình dáng trợ lý mình thích, nam hay nữ khi VHA bán ra thị trường vào năm 2019.
“Quan trọng hơn cả là VHA phải phản ứng giống như con người vì nói chuyện người-người bao giờ cũng thích hơn người-máy. Nhưng trợ lý chỉ trở thành một đồng hành tốt nếu chủ nhân cho nó biết nhiều điều về họ, ví dụ như cái gì cần và các yêu cầu khác trong cuộc sống hàng ngày – Ishii nói – Đối với những người sợ mất cắp thông in cá nhân khi quan hệ quá thân mật với trợ lý, VHA tích hợp công nghệ blockchain sẽ bảo đảm các thông tin này không thể xâm nhập được”.
Tuy nhiên, nhà tâm lý Takahiro Kato tại thành phố Kyushu của Nhật Bản chuyên tư vấn cho những người sống đơn độc bị các triệu chứng nặng nhất của sự lo âu và cô lập xã hội khuyến cáo: “Đồng hành AI có thể tạo ra những tương tác xã hội chúng ta cần một cách tích cực với nhiều lợi ích. Tuy nhiên, bạn không nên từ bỏ hoàn toàn tương tác trong thế giới thật”.
Joyce Chao, nhà tâm lý bệnh viện giảng dạy tại Đại học Hong Kong University cũng cảnh báo là không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào đồng hành ảo “vì còn rất lâu chúng mới có thể giống hoàn toàn đồng hành thật bạn bè hay những người láng giềng, dù những gì đồng hành AI đang làm được đã là quá tuyệt”.