Lần cuối cùng mà bạn chơi đùa – chơi thật sự như một đứa trẻ – là khi nào? Đã bao lâu rồi bạn không thả diều, chơi “board game” với bạn bè, chơi xích đu hay trèo cây?
SuperPark ở Tai Kok Tsui, Hong Kong là một trung tâm hoạt động trong nhà được thiết kế dành cho cả trẻ và người lớn với những trò chơi như bóng rổ, trampoline, ống trượt, khu vực trượt băng và đường đua “pedal-car”. Phụ huynh người Philippines Catherine Clarke rất thích chơi trampoline và bóng rổ cùng với hai con của mình. Vui đùa thoải mái cũng rất quan trọng với người lớn, tương tự như với trẻ. Khi lớn lên, mọi người quá bận bịu với nhiều trách nghiệm và không còn dành thời gian cho chính họ. Thậm chí chúng ta có thể cảm thấy tội lỗi khi muốn được chơi đùa, đặc biệt là vào những lúc có quá nhiều việc phải làm ở cơ quan và nhiều trách nhiệm trong gia đình.
Theo tiến sĩ tâm lý học Esslin Terrighena: “Bận bịu – cảm thấy mệt mỏi, bực bội, căng thẳng và lo lắng – làm cho người lớn chúng ta cảm thấy mình quan trọng, trong khi “ham chơi” dường như đồng nghĩa với sự vô trách nhiệm và chưa trưởng thành. Nhưng sự thật là ngay cả người lớn cũng cần cân bằng giữa công việc và chơi đùa. Chơi không chỉ để vui mà còn để tái kết nối với đứa trẻ trong mỗi chúng ta; có ảnh hưởng rất tích cực đối với sức khỏe cảm xúc và thể chất”.
- Xem thêm: Hãy tận hưởng cuộc sống sau giờ làm việc
Hoạt động vui chơi cũng được xem là giúp tăng lượng dopamine, một loại hormone liên quan đến việc cải thiện tâm trạng, sự phấn chấn, tỉnh táo, sức khỏe hệ miễn dịch và tim mạch. Tăng dopamine cũng tạo hiệu ứng thư giãn, giúp giảm lo âu. Hơn nữa, chơi đùa cũng giúp tăng khả năng sáng tạo trong giải quyết vấn đề, tìm kiếm ý tưởng mới hoặc có cái nhìn tươi mới đối với những thách thức. Đó là cách giúp chúng ta trở nên tự do và “bão não” một cách tự nhiên.
Đối với trẻ, chơi là hoạt động thiết yếu để học hỏi và phát triển. “Vậy tại sao chúng ta lại nghĩ là nên dừng chơi khi thành người lớn? Chúng ta không biết hết mọi thứ về thế giới này và học hỏi là một nhiệm vụ suốt đời, vì thế chơi cũng nên là một hoạt động suốt đời”, tiến sĩ Terrighena nói. Những trò chơi mang tính thách thức như đánh cờ cũng có thể huấn luyện não của chúng ta và có lợi cho việc cải thiện khả năng nhận thức. Còn tác giả, nhà tâm thần học người Mỹ Stuart Brown thì ví việc vui chơi với khí oxy – nó ở quanh ta, nhưng không được chú ý và ghi nhận cho tới khi ta mất nó. Ông Stuart Brown cũng tin rằng sống mà không vui chơi thậm chí có thể làm tăng nguy cơ dính líu vào bạo lực và tội phạm.
Chuyện chơi của trẻ nhỏ có thể liên quan đến trò chơi Lego hoặc búp bê. Nhưng người lớn thì sao? Theo nhà tâm lý học Terrighena, bạn có thể chọn bất cứ hoạt động nào mà mình thực sự thích miễn sao dễ đưa nó vào thời gian biểu và không làm bạn cảm thấy như phải “ôm thêm gánh nặng vào danh sách những thứ cần làm”. Thử nấu một món ăn mới, chơi đố chữ, tập một nhạc cụ, học làm gốm… chỉ là vài ví dụ. “Thời gian vui chơi giúp chúng ta khám phá lại bản thân. Bạn không chỉ hiểu về nhu cầu, mong muốn và cũng hiểu về kỹ năng, khả năng của bản thân như sự kiên nhẫn và sáng tạo. Điều này giúp ta tự tin hơn, lập mục tiêu cho tương lai và sống vui khỏe hơn”, Terrighena nói thêm.