Từ đầu thế kỷ 20, cả mỹ thuật và nhiếp ảnh đều bước sang một trang mới, khi không chỉ đặc tả sự vật, hiện tượng mà còn gửi vào đó các ý niệm, quan điểm cho mọi thứ thoát ra khỏi hiện thực để chạm đến cái gọi là sự tưởng tượng và siêu thực.
Khác trước đây, người ta thấy rằng, các đường nét, kết cấu, màu sắc cũng có thể độc lập, làm nên các tác phẩm kỳ thú, trong tranh là tranh trừu tượng, còn trong ảnh là ảnh trừu tượng. Chỉ cần bấm máy là ra hình và vẻ đẹp mơ màng, triết lý, ảnh trừu tượng đã trở thành một phong cách sáng tác và giải trí nổi bật của cả thế kỷ.
Đặc điểm của ảnh trừu tượng là sự tả người – vật một cách mông lung- bí ẩn, song vẫn xuất phát từ thực tế, với những gì gần gũi xung quanh. Nó thường thiên về các chi tiết, đoạn khúc như một lát cắt của sự sống, biến những thứ mộc mạc, quen thuộc thành cầu kỳ, lạ mắt, thậm chí khó hiểu, khiến công chúng bất ngờ và phải suy luận. Bức ảnh trừu tượng đầu tiên là tác phẩm Kính vạn hoa ra đời năm 1917 của nghệ sĩ Alvin Langdon Coburn (Mỹ). Kế đó là Cái chao đèn 1920 của Man Ray và 10 đám mây 1922 của Alfred Stieglitz…
Trong buổi đầu, các tác giả tiền phong mới chỉ tiếp cận một số đề tài bằng kỹ thuật chụp photogram, chụp sát, cô lập, hoặc cho đối tượng lặp đi lặp lại nhằm tạo nên sự huyền bí, dị thường. Thế nhưng, đến nay mọi người đã có thể sáng tác với muôn chủ đề và nhiều cách thức ở bất cứ đâu, lúc nào mà không phải chuẩn bị tư tưởng như các loại ảnh khác.
Nghệ sĩ ảnh trừu tượng nói chung đụng cái gì chụp luôn cái đó, gồm cây cỏ, sông nước, đường sá, nhà cửa, đồ dùng, con người, bóng đổ, sự phản chiếu, miễn là không chụp nguyên một vật, mà chỉ đưa ra thoáng nhìn về vật ấy có vẻ mơ hồ, lạ lẫm. Một trong các thủ pháp hay được dùng ở đây là sự phân chiết, chia tách người, vật, cảnh thành nhiều phần và chỉ đặc tả một phần hay chi tiết đặc sắc.
Với thủ pháp này, có thể phóng to, khắc họa vẻ đẹp của các tinh thể, sơn dầu, cánh hoa, cánh bướm, râu mắt côn trùng… và vì phóng đại nên khi lên ảnh sẽ khiến người xem không biết đó là cái gì, cho tới khi được giải thích. Ngoài phóng đại, cũng có thể thu nhỏ một vật đặc tả nó như một phần của bức tranh lớn hơn. Thủ pháp thứ hai là tập trung vào đường nét, kết cấu, màu sắc, làm sự vật sinh động, rực rỡ, lung linh thêm.
Thường thì vật ấy trước đó rất ảm đạm, ít ai chú ý, và sau khi chụp trở nên nổi trội – ấn tượng. Thủ pháp thứ ba là chụp qua gương, ghi đè, dùng các hiệu ứng bên ngoài như sự xao động bởi sóng gió, sự khúc xạ – đổ bóng, sự biến đổi do nhiệt – ánh sáng, sự xuất hiện của các vật ngẫu nhiên và xử lý hậu kỳ tạo nên vẻ méo mó, mờ ảo.
Dù ở thủ thuật nào thì điều tiên quyết ở mỗi tác phẩm là phải có hình thù kỳ lạ để người xem không dễ nhận ra và bị bối rối. Chúng thường là những đường cong queo, hình học đan xen, thể trạng gai góc, tư thế chênh chao mang lại cảm giác thú vị. Màu sắc rực rỡ cũng đóng vai trò quan trọng vì nó cuốn hút, càng đậm càng gây chú ý. Trong các loại ảnh, chỉ có ảnh trừu tượng là đa sắc nhất, một lúc thấy trăm màu. Bên cạnh màu tự nhiên, nghệ sĩ còn cho nó những màu theo tâm trạng để biểu đạt các cảm xúc vui, buồn, hồi hộp, lo sợ, thanh bình hay náo loạn. Cũng có khi ảnh chỉ mang hai màu đen trắng vì đen trắng thường khó đoán hơn, tăng tính bí hiểm.
Nhờ có hình dạng, màu sắc phong phú, sự huyền ảo – kịch tính, ảnh trừu tượng luôn là loại ảnh vi diệu đánh lừa thị giác. Không chỉ vậy cũng là ảnh ý niệm, chứa nhiều thông điệp gửi tới công chúng. Đó có thể là một lời giới thiệu về một cảnh đẹp, nhưng cũng có thể là sự cảnh tỉnh về một thực trạng báo động. Hoặc đơn giản là một cảm xúc đáng yêu mà tác giả muốn chia sẻ cùng bạn bè, và với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lớn thường tạo nên các cuộc phê bình và dư luận.
Tuy trừu tượng song nhìn kỹ, suy đoán, người xem cũng có thể hình dung ra hình ảnh và ý nghĩa đằng sau nó. Mỗi tác phẩm luôn nói lên một điều gì rất đời thường và bình dị, như một khu rừng, một đại lộ, một chung cư. Song cũng có lúc nó rất khó hiểu, không xác định được ý nghĩa, và trong trường hợp này được gọi là ảnh siêu thực, ảnh về những điều phi lý. Có thể nói qua ảnh trừu tượng, mọi người đến được với khá nhiều thế giới khác nhau.
Thế giới của hình thể, cấu trúc, đường nét. Thế giới của màu sắc, hoa văn, họa tiết. Thế giới của cây cỏ, côn trùng, tinh thể và các vật nhỏ mini. Thế giới của núi non, sông suối, phố phường và các vật siêu khủng, và chỉ cần đứng ngắm một lúc sẽ hiểu. Tuy đối tượng đa dạng, song phần lớn ảnh trừu tượng là ảnh phong cảnh dưới đất và trên trời.
Chụp ảnh trừu tượng tương đối dễ: tất cả những thứ bắt gặp đều có thể trở thành trừu tượng. Chỉ cần một chút sáng tạo nhanh nhạy, biết tìm ra điều đáng nói, và ghi chớp nhoáng các cảm xúc bất chợt cũng sẽ tạo được một tác phẩm hay. Thậm chí nhiều ảnh đẹp còn không phải là được tác giả chụp, mà là do kết quả của sự vô tình bấm máy hoặc máy chụp tự động trong khi mở ống kính, phơi sáng lâu. Vì dễ làm, lại phát huy trí tưởng tượng, sự tự do – ngẫu hứng, chứa nhiều cảm xúc – tư tưởng, ảnh trừu tượng thu hút khá nhiều bạn trẻ làm nghề ảnh.
Hiện đang có khá nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới về ảnh trừu tượng. Một đơn cử phải kể tới là nghệ sĩ Alan Babbitt của Mỹ. Anh sinh ra đã khiếm thị song vẫn thích chụp ảnh, và từ nhỏ đã làm được nhiều ảnh đẹp. Theo nghề ảnh trừu tượng được một thời gian thì năm 2003, anh bỗng mắc thêm bệnh liệt rung, khiến tay chân run rẩy. Không đầu hàng số phận, nghệ sĩ vẫn quyết định theo nghề ảnh và tạo nên một phong cách riêng, gọi là ảnh rung, trong đó mọi hình ảnh đều lao xao, nhòe nhoẹt, hài hước- đúng chất trừu tượng.
Đặc biệt, trong ảnh thường có những tia sáng chuyển động như đèn đường, đèn phát ra từ xe cộ, bảng hiệu, và chúng lung linh, nhấp nhánh trước mắt giống như một trò chơi kỳ ảo của màu sắc. Ảnh khắc họa sự hỗn độn của các thành phố hiện đại như New York, song không hề bức bối- nóng nực, mà mọi thứ hiện lên rất dễ thương, vui nhộn.
Cũng có cách thể hiện thơ mộng và phiêu linh và với các giọt mực lan tỏa là nghệ sĩ Wolfgang Tillmans (Đức). Từ thập niên 80, anh đã nổi tiếng về ảnh đường phố, lối sống Gay và các câu lạc bộ đêm, thế nhưng đến năm 2011 đã chuyển hẳn sang ảnh trừu tượng, và thường không chụp ảnh bằng máy, mà cho giấy ảnh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng trong phòng tối, rồi rắc hóa chất tạo ra những hình ảnh ngẫu hứng. Tùy theo các giọt mực tan chảy thế nào, mà anh đặt tên cho tác phẩm thế đó, cái là bơi lội tự do, cái là tình yêu mong manh hay sự ganh đua rượt đuổi… Phong cách của anh là vừa kiểm soát vừa bỏ lửng chúng cho tác phẩm trữ tình như một khúc ba lát.
Ola Kolehmainen (Phần Lan) lại chú ý vào các mảng khối đan xen rực rỡ của các công trình kiến trúc Á – Âu. Tuy sặc sỡ nhưng hình thù và cách trình bày của ảnh cực kỳ nhẹ nhàng, thuộc phái tối giản. Ảnh thường chụp cận cảnh các chi tiết trên bề mặt và kiểu cách, cho thấy cả họa tiết lẫn chất liệu nhà cửa như gạch ngói, sắt thép, gương kính.
Mọi thứ được lồng ghép, hòa quện lẫn nhau, từ những cái mái, ô cửa, vòm cổng, lối đi, cầu thang, bức tường tới mặt nước, cây cối. Mỗi tác phẩm là tổng hợp của nhiều tầng ánh sáng và nhờ sự xuyên thấu mờ ảo, đem lại một cảm giác vô định của không gian và thời gian. Một số tác phẩm nổi bật là Cống dẫn nước, Cầu thang Đỏ, Nơi ẩn náu của tâm linh.
Lấy cảm hứng từ tranh vẽ phương Tây xưa, tả cảnh thiên nhiên lãng mạn nghệ sĩ Andrew S. Gray (Anh) cũng tạo được nhiều ảnh phong cảnh trừu tượng giống hệt tranh sơn dầu, với các nét cọ mạnh mẽ và màu sắc sặc sỡ. Bằng cách vừa chụp vừa chạy, cho phơi sáng lâu, anh đã có được những tác phẩm đẹp về làng quê Northumberland, quê hương.
Không mờ ảo hoàn toàn như nhiều ảnh trừu tượng khác, ảnh của anh vẫn cho thấy ở đằng xa những chủ thể quan trọng như cái cây, tòa tháp, ngôi nhà có dây leo. Thành thử, nó hư hư thực thực, nhân lên cảm xúc choáng ngợp ở người xem, và cho họ như có thể thả lỏng dấn thân vào trong đó. Ngoài cảnh tượng mơ màng, ảnh còn ấn tượng ở chỗ, có gam màu rất đậm, như là họa sĩ dùng màu phết lên vậy!
Nếu trên là ảnh đồng quê thì dưới đây là ảnh bãi biển của Frances Seward. Chị cũng là người Anh, nhưng đã chuyển tới sống tại Mỹ. Mặc dù có đôi lúc ảnh của chị có màu rực rỡ – sôi nổi, song đa phần mang xu hướng thiền định, nhẹ nhàng – trầm lắng. Thường thấy hai mảng là ảnh sóng nước với một dải xanh lam nằm giữa hai dải vàng (cát và ánh nắng mặt trời), và ảnh mặt trời mọc, lặn trong không gian hết sức bao la, êm ả. Ngoài ý nghĩa về cảnh vật yên lành thì mỗi tác phẩm còn ngụ ý về một sự khởi đầu tinh khôi.
Nghệ sĩ rất khéo léo trong việc vận dụng ánh sáng, làm mọi thứ lúc nào cũng như đang sáng bừng, và lấy cảm hứng từ văn hóa mỹ thuật phương Đông hay tả mặt trời và cuốn kinh Sáng Thế Ký, nói về sự sáng tạo của Chúa khi ngài tạo nên đầu tiên trên thế giới là ánh sáng và tách ánh sáng khỏi bóng tối, và nhờ có ánh sáng cuộc sống mới tươi đẹp. Ảnh của chị chính xác là một sự tách sáng khỏi tối, dù không rõ thời điểm của nó là bình minh hay hoàng hôn, song vì sự lung linh, tỏa sáng mà được cắt nghĩa khác nhau.
Carli Hermes (Hà Lan) là một tác giả hàng đầu hiện nay về ảnh khỏa thân trừu tượng hiện đại, vì phần lớn ảnh khỏa thân trước kia cũng là ảnh trừu tượng. Các nghệ sĩ gạo cội đều dùng khá nhiều thủ pháp như gây méo mó, cho gập vặn người để tạo nên những hình thể không quá dung tục.
Carli Hermes cũng vậy, nhưng anh dùng nhiều thủ pháp tiên tiến hơn, mà đặc biệt là kỹ thuật phản chiếu làm cho ảnh đẹp lạ. Thay vì dùng tay che bộ ngực như một người 10 tay trong một bức ảnh của anh, nghệ sĩ còn dùng các vật thể khác in chiếu lên người, tạo ra vỏ bọc kín đáo mà vẫn gợi cảm. Do vật được lồng vào thân thể nên ảnh không chỉ là ảnh khỏa thân nữa, mà còn chuyển tải nhiều nội dung mới.
Ngoài ra, cũng có khá nhiều nghệ sĩ tài năng khác như Adam Fuss, Angie McMonigal, Candi Qianwen Jiang, Cecilie Jegsen, Hiroshi Sugimoto, Jeroen Peters, Kim Keever, Michael Muraz, Lin Yung Cheng, Paul Aparicio, Robert Berdan, Stefan Sagmeister, Thomas Ruff, William Klein…