Những ngày này đi trong thành phố nhìn đâu cũng thấy hoa. Có lẽ do cái nắng nung người, gay gắt của mùa hè khiến các loài hoa cũng bung cánh chăng?
Trước hết là những chùm hoa phượng đỏ thắm, rực rỡ như tín hiệu của mùa hè, cũng là sự dự báo cho kì nghỉ hè đang lấp ló đâu đó, thật gần.
Tiếp đến là những bông sao vàng đang tiếp tục rơi xuống từ các gốc sao cổ thụ trong thành phố, hứa hẹn những trái sao sẽ quay tít trong gió khi mùa mưa tới.
Chưa hết, đây đó trên các ngã đường, những cây bông hoàng hậu với màu vàng chanh duyên dáng đang rũ xuống từng chuổi, từng chuổi hoa thành những sợi tơ vàng óng, đẹp như một giấc mơ.
Bên cạnh các loại hoa mùa hè, đập vào mắt tôi khi đạp xe lang thang trong thành phố, có lẽ là sắc tím bằng lăng.
- Xem thêm: Hoa cỏ tháng Tư
Từ con đường vòng quanh bờ hồ với rất nhiều quán cà phê đến con đường dẫn xuống chợ và rải rác đường này, đường kia bông bằng lăng cứ nhô lên tím rịm làm dịu mát cái nắng hè chói chang, gay gắt.
Khác với loại bằng lăng núi hay bằng lăng ổi trồng trong các chậu lớn như loài hoa kiểng để trang trí sân nhà, những cây bằng lăng nước này đây cả hoa, cả lá đều hoành tráng, khí thế hiện diện trên các nẻo đường.
Những chiếc lá dài, to đong đưa trên cành vững chải, tỏa rộng với từng nhánh bông như những mũi tên nhọn gắn đầy những chùm hoa màu tím sẫm, tím nhạt hay tím hồng khiến người nhìn ngắm ngây người, mê mẫn.
Và thoáng cái mùa hè trong mắt ta chợt trở nên lãng mạn, dịu dàng, tươi mát dù cơn mưa mong đợi mấy ngày qua vẫn còn trêu ngươi với vài trận mưa đầu mùa rồi biệt tăm chưa trở lại.
Hoa bằng lăng tím trong thành phố quê nhà hút hồn tôi là vậy khiến tôi nhớ có lấn qua Bến Tre tôi lại càng mê đắm bởi trên khắp các con đường của thành phố thuộc tỉnh Trúc Giang xưa này ngập tràn sắc tím bằng lăng.
Không biết ai đó đã có ý tưởng lấy bằng lăng làm cây chủ đạo của thành phố này nên hầu hết các con đường đều tím tái, tím rịm hoặc tím hồng bằng lăng.
Có đường hai bên lề rực tím sắc hoa, nhìn thông thống từ đầu đường đến cuối đường chỉ toàn một màu tím mê hồn, ngút mắt.
Có đường một bên là bằng lăng, bên kia là hoàng hậu. Tím vàng quấn quýt diệu kì rực rỡ khiến người đi qua không thể không đứng lại thích thú ngắm nhìn.
Lần ấy, tôi đã mang sự ngưỡng mộ những con đường đầy sắc tím ấy vào thăm một nhà văn đáng kính ở đây, người được xem như cây đại thụ cuối cùng trong văn học của vùng đất miền Tây này.
Ở tuổi 90, người ngồi trước mặt tôi mắt vẫn sáng ngời, trí nhớ vẫn tinh anh và những nhận xét của ông về đời sống, về văn chương, con người vẫn sâu sắc, thấu tình như ngày nào ông còn múa bút trên văn đàn.
Chợt nhớ, lâu nay nhiều người vẫn gọi ông là “Ẩn sĩ của vườn dừa”, là “Người hiền Nam Bộ”. Đúng vậy chăng, ông có giống những bậc hiền nhân xưa đã dùng văn chương phụng sự cho cái đẹp đồng thời chọn thái độ sống “minh triết bảo thân”?
Chỉ biết trong lòng tôi, từ những ngày tập tành viết lách, tôi vẫn hướng về ông như một tấm gương trong “rừng văn trận bút” mà học tập.
Ngồi bên ông nhắc chuyện xưa, chuyện nay sao trong tôi vẫn bảng lảng cái màu tím của những cây bằng lăng bên vệ đường.
Hình như với tôi, tâm hồn ông cũng nhân hậu, đằm thắm như sắc tím dịu dàng, man mác đang đầy ắp trong không gian nơi đây.
- Xem thêm: Hàng hoa sinh viên
Chợt nhớ nhà văn đã từng viết ở đâu đó rằng “Người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau lớn của số đông thầm lặng”, đó chẳng phải là bài học cho lũ hậu bối chúng tôi sao?
Từ những bài thơ, những tập truyện ông viết như để trả “Nợ nước mắt” * cho đời, lúc nào nỗi đau của số đông thầm lặng cũng xuất phát từ máu thịt, từ nỗi đau của chính người viết nên đã khắc vào tim óc người đọc những vết cứa đau rát mà đẹp đến nao lòng.!
Chúng tôi từ biệt nhà văn nổi tiếng khi nắng bên ngoài đã dịu. Cái bắc tay ra về nhuốm chút bịn rịn, bùi ngùi. Đó là cái cảm giác khi ta chia tay một người mà không biết có còn gặp lại và có thể đây là lần gặp cuối cùng.
Bởi trong cuộc sống vô thường, những con người hiếm quý như ông lại càng có vẻ mỏng manh dễ vỡ biết chừng nào!
Bây giờ, khi tôi đi trên những con đường tím hoa bằng lăng của quê nhà, cây đại thụ của văn học miền Nam ấy đã về cõi vĩnh hằng.
Mới biết lần gặp ông mấy năm trước đúng là lần cuối cùng. Dẫu biết “sinh ký, tử qui” là chuyện bình thường mà sao vẫn nghe lòng tiếc nuối, rưng rưng.
Có phải vì thế mà hôm nay khi đi qua những con đường nở đầy hoa bằng lăng lòng tôi cứ nhớ miên man.. Vẫn cái màu tím ngăn ngắt ấy mở ra, mở ra dịu dàng, man mác trong tinh mơ, trong chiều muộn.
Cái màu tím như thầm nói với tôi về những cống hiến lặng lẽ của những đời người, đời cây cho cuộc sống đa thanh, đa sắc vẫn giữ được chút lãng mạn nhẹ bổng như tơ này!
*Tên tập truyện của nhà văn Trang Thế Hy