Hàng hoa sinh viên chỉ xuất hiện trong những dịp như Valentine, Quốc tế Phụ nữ, 20-11… Những cửa hàng đồng loạt mọc lên trên vỉa hè, ở các ngã ba, ngã tư, dọc theo các trục đường chính.
Vì là ngày lễ nên công an và dân phòng địa phương cũng hỷ xả cho cái tội chiếm dụng lề đường bất hợp pháp của các cô cậu sinh viên kiếm chút thu nhập.
Những cửa hàng nhỏ xíu, san sát nhau. Đồ dùng sơ sài, tận dụng những gì có được. Những tấm bạt buộc vào thân cây để che mưa, che nắng. Xô nhựa, bàn nhựa, ghế nhựa… Những thanh tre buộc vội vàng, những mảnh gỗ ghép lại sơ sài dùng làm giá đỡ. Hoa ít mà người bán thì nhiều. Mỗi người một việc, tíu tít, bận rộn. Hoa thường thường, hồng, cúc, cẩm chướng, đồng tiền… Hoa đẹp không có mấy. Có lẽ do họ không có nhiều vốn. Những bó hoa, những lẵng hoa na ná giống nhau, không có gì đặc sắc, phần lớn để bán cho khách qua đường, giá cả bình dân. Nếu cần hoa đẹp, kiểu dáng cầu kỳ, khách phải vào các shop hoa để chọn lựa.
Cách chào mời cũng rất sinh viên. Ngày Quốc tế Phụ nữ: “Chú ơi! Mua hoa tặng cô đi chú”. “Cô giữ hết tiền. Chú có đồng nào đâu mà mua!”. “Chú cứ mua đi. Cô sẽ trả mà. Phải không cô?”. Những con mắt mở to, tròn xoe chờ đợi… Lễ Tình nhân: “Bác ơi! Mua hoa tặng bác gái đi bác”. “Già rồi, còn tình yêu đâu nữa mà tặng hoa!”. “Mua hoa tặng là gọi tình yêu trở về đó bác”. Chưa hết thú vị vì ý tưởng “gọi tình yêu trở về” của cô hàng hoa sinh viên xinh xinh , láu lỉnh thì bên kia một giọng nam nói với qua: “Già cũng có Tình già của Phan Khôi mà bác”. Mời mọc dễ thương thế, ai nỡ không rút ví ra. Đâu phải mua hoa mà là mua thương mua nhớ, mua những hồi ức, kỷ niệm của một thời đã qua bất chợt hiện về.
Vào các dịp lễ như thế, họ thường bày bán trước một ngày. Từ sáng tinh mơ đã thấy hoa xuất hiện. Những bó hoa đủ màu, tươi roi rói. Hương hoa, hương trầm quyện trong sương sớm. Thì ra họ cũng biết cúng mở hàng để cầu mua may bán đắt. Buôn bán tài tử nhưng cũng cố tỏ ra chuyên nghiệp, cái chuyên nghiệp rất hồn nhiên của trẻ con muốn làm người lớn. Nhiều khi ngày đã tàn mà vẫn thấy rải rác nơi này nơi kia còn người ngồi bán. Họ nép vào nhau trong cái tù mù của bóng cây mà đèn đường không xuyên thấu. Rủ rỉ chuyện trò để giết thì giờ, ngóng những người khách muộn mong bán nốt số hoa còn lại. Họ vẫn kiên trì ngồi đó. Những dòng xe hối hả nối đuôi nhau. Mong sao có khách dừng lại… Chao ôi! Cuộc mưu sinh của những sinh viên nghèo xa nhà tại các thành phố lớn đâu có dễ…
Ở đây nghe đủ các giọng: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và xa hơn nữa… Suốt cả một dải đất miền Trung chó ăn đá gà ăn muối, nuôi một đứa con đi học đã khó, huống chi đài thọ cho chúng học đại học xa nhà. Không dám đòi hỏi nhiều ở bố mẹ, sinh viên nghèo phải tự xoay xở để kiếm sống. Ngoài việc dạy thêm khá phổ biến, họ còn tranh thủ kiếm tiền nhờ những việc khác. Những món tiền gom được sau mấy ngày bán hoa cũng rất có ý nghĩa. Mua sách, tài liệu, dành mua quà mừng sinh nhật bạn, phụ thêm vào tiền ăn sáng để bụng không trống mà đến giảng đường… Sinh viên nghèo trọ học lúc nào tiền cũng thiếu, giật gấu vá vai, đắp đổi nhờ bạn bè.
Họ vẫn ngồi đó trên vỉa hè. Những đoàn người lướt qua… Xe xịn, những bộ cánh đắt tiền, gương mặt phởn phơ, tiền bạc rủng rỉnh thoải mái… Và họ mơ, đang năm thứ nhất mơ đến năm thứ ba, mong được chóng ra trường, kiếm được việc làm có thu nhập kha khá. Rồi mong lấy vợ, lấy chồng, thành đạt… Cứ thế, con người không ngừng đặt cho mình những mục đích, cái sau bao giờ cũng cao hơn cái trước. Để đạt được, họ nín thở mà chạy, quàng chân lên cổ mà chạy, lao về phía trước, không hề tính đến điểm dừng. Rồi đến một lúc nào đó họ giật mình phát hiện ra, nói như Trịnh Công Sơn là sắp đến bờ, quãng đường còn lại quá ngắn.
Cứ xem cuộc đời như một bữa ăn có nhiều món. Đừng vội vàng, hãy nhấm nháp để thưởng thức. Những gì không thích cứ xem là những trải nghiệm, đều có cái giá của nó, làm nên sắc màu của cuộc sống. Quãng đời sinh viên nghèo bận rộn, lo lắng nhưng mà vui. Khó khăn, thiếu thốn thật đấy nhưng hạnh phúc vì mọi cái còn ở phía trước. Việc bán hoa trên vỉa hè để gom những món tiền nhỏ trong lúc mọi người vui chơi cũng là mảnh ghép lóng lánh của cuộc đời sinh viên. Để rồi khi nhìn lại, có một thời đã sống như thế và có nhiều điều thật đáng nhớ…