Nhạc sĩ Thao Giang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam – Nhìn người đàn ông bé nhỏ lọt thỏm giữa đám học trò – nghệ sĩ chuyên và không chuyên, giữa những nhà nghiên cứu, đồng nghiệp và người hâm mộ trong lễ Giỗ Tổ nghề xẩm (22-4 Âm lịch, tổ chức tại đình làng Hào Nam, Hà Nội), người ta sẽ tự hỏi không hiểu ông lấy đâu ra sức lực để làm cho hát xẩm được như ngày hôm nay?
Cả một đời gắn bó với âm nhạc dân gian, có thể nói, nhạc sĩ Thao Giang đã cùng một số nhạc sĩ khác như Đinh Thìn, Bá Phổ, Đức Nhuận… một thời đưa các cây đàn dân tộc lên đỉnh cao kỹ thuật khí nhạc để nhiều người trên thế giới biết đến. Nếu là người theo dõi các hoạt động ngoại giao văn hóa nghệ thuật của nước nhà, hẳn người ta sẽ biết rằng, ba bốn chục năm nay, hiếm có đoàn nghệ thuật nào ra nước ngoài mà lại không mang theo “Kể chuyện ngày mùa” – do ông sáng tác cho đàn nhị – để khoe với thiên hạ. Với thời lượng chỉ khoảng tám phút, “Kể chuyện ngày mùa” đã khắc họa được hình ảnh tươi vui, thanh bình của làng quê Việt Nam trong những ngày thu hoạch thành quả làm việc của người nông dân qua mỗi vụ mùa. Còn một điều nữa về ông mà rất ít người biết được, đó là ông đã nghiên cứu, cải tiến thành công việc mở rộng âm vực cho cây đàn nhị để nó có thể hiên ngang độc tấu trên sân khấu. Cho đến nay, tất cả các cây đàn nhị trong nước đều được chế tạo theo công trình sáng kiến này của ông…
Khoảng chục năm nay, mọi người biết đến nhạc sĩ Thao Giang như một người đã làm sống lại nghề hát xẩm – một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam, mà nghệ nhân tiêu biểu cuối cùng của nó vừa ra đi – bà Hà Thị Cầu. Thêm nữa, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc do GS-NGND Phạm Đình Khang và ông sáng lập đã trở thành một cơ sở đào tạo “có một không hai” trên thế giới, trong đó, sinh viên theo học ở đình và chẳng nhất thiết phải có lớp riêng vì cả trung tâm hiện đang được các cụ ở đình cho ở nhờ trong căn phòng độ sáu bảy chục mét vuông.
____
Thưa ông, tại sao trong rất nhiều loại hình âm nhạc dân gian, ông lại chọn hát xẩm để nghiên cứu và cố công phục hồi?
Bản thân hát xẩm từ xửa xưa đã là âm nhạc bình dân, nội dung của nó cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nó không có đối tượng riêng như một vài loại hình nghệ thuật khác. Ví dụ: Hát văn chỉ dùng trong nghi lễ hầu đồng; quan họ dành cho anh chị quan họ giao duyên; nhã nhạc dành cho cung đình… Hát xẩm thì ai cũng có thể tham gia, ai cũng có thể hát và thấy nội dung gần với mình. Tập hát cũng đơn giản, phương pháp thanh nhạc không cầu kỳ, mình nói chuyện như thế nào thì mình hát lên cái câu như vậy. Thể thơ cũng thế, mỗi bài hát xẩm là một câu chuyện nhỏ, do vậy ngay lập tức thâm nhập vào lòng người. Riêng các nghệ nhân ở Hà Nội rất tài tình vì các nghệ nhân xưa ở đây đã tìm ra một phương thức diễn xướng mà chúng tôi cần học tập, đó là người ta hát những bài hát có tác giả (khác với làng quê, đôi khi là những bài thơ vô danh hoặc được truyền tụng trong dân gian), mà các tác giả ấy đều là những người nổi tiếng: Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải, Tú Xương, Tú Mỡ, Nguyễn Khuyến… Đặc biệt, Hà Nội còn có xẩm tàu điện, độc đáo vô cùng.
Chính vì thế, từ những năm 1980 tôi đã đưa dự án hát xẩm cho rất nhiều viện, nhiều nơi, ai cũng khen hay quá, thích quá. Hát thử cho mọi người nghe, ai cũng thích mê. Nhưng đến khi nói làm thì chẳng ai làm, các đề cương đưa lên toàn bị cho vào ngăn kéo. Vì thế, tôi nói với giáo sư Khang (hiện là giám đốc Trung tâm – PV), có lẽ anh em mình phải lập ra tổ chức và tự làm thôi. Năm 2005, chúng tôi đề nghị lên Hội Nhạc sĩ và Bộ Nội vụ, các anh ấy ủng hộ thì trung tâm mới ra đời được. Mong muốn của chúng tôi là phải phục hồi hát xẩm bằng tiếng, bằng hình để cho người ta nhìn thấy, nghe thấy thì mới sống được. Trước đây chúng tôi viết trên giấy nhiều lắm rồi, nhưng đều cất vào ngăn kéo hết. Không những chúng tôi mà nhiều người nữa cũng nghiên cứu, nhưng đó toàn là những nghiên cứu chết. Do vậy chúng tôi bàn với nhau là phải đào tạo các nghệ sĩ để tiếp thu và giới thiệu với công chúng. Việc giới thiệu này không phải làm một lần hai lần mà phải thường xuyên.
____
Đó là lý do để chiếu xẩm Hàng Đào – Đồng Xuân ra đời, thưa ông?
Đúng thế, ngay từ năm 2006, chúng tôi đặt vấn đề với UBND phường Hàng Đào và quận Hoàn Kiếm và được chấp thuận. Hồi đó, rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng giúp chúng tôi tạo được chỗ đứng giữa lòng thủ đô như bây giờ: các NSND Xuân Hoạch, Phạm Văn Ty; NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Hạnh Nhân… Với sự giúp đỡ vô cùng hào hiệp của Công ty cổ phần Đồng Xuân, chiếu xẩm đã tồn tại đến tận giờ. Cứ thứ Bảy hằng tuần là người ta đến xem rất đông. Đặc biệt không phải chỉ dân Hà Nội đâu mà rất nhiều dân các tỉnh biết tối thứ Bảy có hát xẩm là họ đến. Các tour du lịch đi xem rối nước xong cũng ra chợ Đồng Xuân xem hát xẩm, vì không phải mất tiền, không phải xếp hàng và rất vui, lại được tiếp xúc với dân chúng, với các nghệ sĩ trẻ. Người ta cứ hình dung người hát xẩm toàn những người già hoặc những người khiếm thị, nhưng thực tế thấy toàn các em trẻ và hát rất hay. Năm 2010, chúng tôi có nhờ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội làm điều tra xã hội học, thấy rằng có tới 80% người trẻ thích nghe hát xẩm và thích hát xẩm. Điều này lý giải tại sao có rất nhiều người trẻ đến xin học ở chỗ chúng tôi.
Đến bây giờ tôi có thể nói là hát xẩm đã vào được đời sống nhân dân. Đây là điều khó nhất mà chúng tôi kỳ vọng khi lập ra trung tâm này. Sản phẩm gì, nghệ thuật gì mà không đưa được vào đời sống nhân dân thì sớm muộn cũng sẽ chết. Tôi vẫn nói với các nghệ sĩ trẻ: Nhân dân sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này, nhân dân sẽ nuôi dưỡng nó và nuôi chính chúng ta, nếu chúng ta làm tốt.
____
Thưa ông, cũng như các loại hình âm nhạc dân gian khác, hẳn là hát xẩm cũng có rất nhiều làn điệu?
Thực tế chỉ có hơn chục làn điệu thôi, nhưng biến thể thì nhiều vô cùng. Đây là sự sáng tạo cực kỳ giỏi của nghệ nhân. Cụ Hà Thị Cầu là người không biết chữ, không biết nhạc, thế nhưng trong quá trình diễn tấu của mình, cụ có những sáng tạo mà chúng tôi không bao giờ theo kịp. Các làn điệu tiêu biểu: thập ân (ca ngợi công đức của cha, mẹ), cô đầu (hay còn gọi là xẩm nhả tơ, xẩm thính phòng, diễn trong nhà phục vụ những người giàu có), xẩm chợ, xẩm sông nước… và đặc biệt ở Hà Nội có xẩm tàu điện. Ca trù, chèo, hát văn đều mượn rất nhiều làn điệu của hát xẩm.
____
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có rất nhiều dự án đầu tư cho văn hóa, họ có quan tâm đến các hoạt động của Trung tâm không, thưa ông?
Ít hỏi đến lắm, kể cả Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội. Mặc dù giới thông tin – truyền thông cũng nói nhiều đến chúng tôi, hay hằng tuần các nghệ sĩ diễn ở Đồng Xuân với hàng nghìn lượt người xem như thế. Tôi còn nhớ, năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nếu không có hát xẩm thì không biết Hà Nội có sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu gì để giới thiệu. Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi chỉ diễn năm đêm, nhưng sau đó phải tăng lên thành 30 đêm, diễn xung quanh Bờ Hồ và phổ cổ. Nhưng sau lần ấy rồi thì lại lãng quên.
____
Vậy Trung tâm lấy đâu ra kinh phí để hoạt động?
Chủ yếu dựa vào công tác biểu diễn. Chúng tôi đi khắp các làng quê để biểu diễn, không bán vé. Ai ủng hộ thế nào tùy tâm. Phần lớn họ thích thì góp tiền vào và biến thành hợp đồng mời chúng tôi đến. Được cái, nhiều người cũng ủng hộ chúng tôi. Thỉnh thoảng có người hỏi các anh có thiếu đài, loa, bàn, ghế gì không?… Đặc biệt, ban quản lý đình Hào Nam đã tạo điều kiện cho chúng tôi về mọi mặt, có lẽ họ có nhận thức khác hẳn với nhiều nơi khác bởi cho rằng đình hiện nay không chỉ là di tích (vật thể) quốc gia mà còn chứa đựng trong đó cả di sản phi vật thể nữa.
____
Ví, giặm của Nghệ An – Hà Tĩnh vừa được trình lên UNESCO đợi công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông có bao giờ nghĩ đến việc đề nghị làm hồ sơ cho hát xẩm được “bằng chị, bằng em” và ngang tầm thế giới?
Cái lo nhất của chúng tôi là làm sao đưa được hát xẩm vào đời sống, để cho công chúng không thờ ơ. Còn sau này, người ta muốn làm gì thì tùy vào các đơn vị quản lý nhà nước. Bây giờ chúng tôi chỉ ra sức làm cho dân hiểu, nhớ, dùng, gìn giữ và phát huy. Chúng tôi cũng quá bận bịu với việc “nuôi nấng” từng này học sinh, sinh viên; lo lắng cho từng này nghệ sĩ đi biểu diễn để tái sản xuất; rồi làm sao để người dân vẫn kéo đến Đồng Xuân mỗi tối thứ Bảy mà người ta vẫn luôn muốn nghe, không chán… Đó quả thật là một cuộc “đánh vật” khủng khiếp. Bên cạnh đó, tôi cũng rất sợ việc để được công nhận thì tốn kém, rầm rĩ hội nghị nọ, kia. Đến khi “có tên, có tuổi” rồi thì lại chẳng ai quan tâm đến nghệ nhân, công chúng thì thờ ơ vì không hiểu, không thấy hết cái hay. Tôi nghĩ không thiết thực. Cứ mỗi tối thứ Bảy được nhìn thấy nhân dân háo hức nghe các nghệ sĩ biểu diễn là tôi thấy sung sướng rồi. Đó mới là sự công nhận danh giá nhất.
____
Trung tâm đào tạo cả cử nhân nữa sao, thưa ông?
Đúng thế, trước năm 2010, chúng tôi đã có đề án trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, Bộ trả lời phải kết hợp với một học viện âm nhạc nào đó. Thế là chúng tôi chọn Huế, vì Huế đã đào tạo nhã nhạc rồi, họ có khoa Âm nhạc di sản. Học viện Âm nhạc Huế sẽ là nơi cấp bằng cho sinh viên của chúng tôi. Chúng tôi đào tạo toàn bộ các loại hình âm nhạc dân gian cho những người có yêu cầu ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Trong miền Trung đào tạo nhã nhạc. Còn phía Nam thì đương nhiên cũng đào tạo các loại hình âm nhạc dân gian phía Nam.
Đến bây giờ tôi có thể nói là hát xẩm đã vào được đời sống nhân dân. Tôi vẫn nói với các nghệ sĩ trẻ: Nhân dân sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này, nhân dân sẽ nuôi dưỡng nó và nuôi chính chúng ta, nếu chúng ta làm tốt.
Hiện nay có 16 sinh viên đang theo học khóa I, một sinh viên đang làm luận văn tiến sĩ. Vừa rồi Học viện Âm nhạc Huế có nói là năm nay đã xin chỉ tiêu cho chúng tôi đào tạo là 50 sinh viên. Nghe thế rất phấn khởi, bởi vì Học viện cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tin tưởng chúng tôi. Các trường khác không có nơi nào đào tạo những chuyên ngành này. Ngay cả Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng không đào tạo hát văn, ca trù, quan họ hay hát xẩm.
____
Liệu có thể hiểu, Trung tâm đã có công đưa các bộ môn ấy vào thành một ngành học chính thức trong các trường đào tạo của Nhà nước?
Có thể nói, chúng tôi đặt nền móng cho âm nhạc dân gian được đưa vào hệ thống đào tạo của Nhà nước một cách chính quy. Đào tạo ra những người nghiên cứu trẻ, vừa có phương pháp luận vừa phải thực hành được. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo mấy ngành sau: hát xẩm, trống quân, ca trù, hát văn và các nhạc cụ.
____
Nhưng tôi được biết, Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng có khoa nhạc cụ dân tộc – nơi ông đã từng làm quản lý ở đó…
Họ học diễn tấu nhạc cụ thôi, chứ không liên quan đến chuyện sưu tầm, nghiên cứu, điền dã, phương pháp luận. Họ học chung với nhạc tây và mục đích cuối cùng là chỉ làm sao kéo nhị thổi sáo cho giỏi mà thôi. Ở đây nếu nghiên cứu về hát xẩm thì bắt buộc phải hát được, kéo đàn nhị, đánh trống được. Hát văn thì phải chơi đàn nguyệt được; ca trù phải biết đánh phách… Chỉ có như thế thì mới hy vọng vào sự sáng tạo của các em sau này. Bởi di sản gìn giữ được rồi thì cũng phải phát huy, phát triển trong đời sống đương đại. Bên cạnh đó, nếu không đào tạo kỹ lưỡng như thế thì rất có thể “anh” sẽ bị lạc hướng, nghĩa là sáng tạo thế nào đó mà không còn ca trù, hát xẩm, hát văn nữa…
Tôi muốn nói thêm thế này, sau khi đi học tập và nghiên cứu ở Ấn Độ về, tôi nhận thấy âm nhạc của họ chỉ nghe độ hai, ba nhịp là biết ngay đó là nhạc của Ấn Độ. Mình chưa làm được chuyện đó, nghe (giai điệu) các ca khúc do người Việt Nam sáng tác hẳn hoi mà còn đắn đo mãi không biết là của nước nào. Đó là điều mà tất cả các nhạc sĩ của ta cần suy nghĩ và phải thấy đau xót trong việc này. Nhưng để làm được chuyện đó thì phải có một hệ thống nền tảng âm nhạc dân gian hết sức vững vàng và lớn mạnh thì mới bao trùm lên được. Sáng tác của các nhạc sĩ ở ta có hay không? Có hay, có những bài rất tốt. Nhưng có điều đáng buồn nhất là phần lớn các tác phẩm ấy không nhận ra được bản sắc Việt Nam. Có nhiều ca khúc, thậm chí thay ca từ bằng tiếng nước ngoài vào thì cũng có thể coi đó là nhạc tây chứ không phải nhạc Việt. Đó là vì giai điệu không bắt nguồn từ âm nhạc dân gian. Tại sao Trung Quốc, Nga, Nhật, thậm chí nhạc đồng quê của Mỹ, nhạc của châu Phi… chỉ “tưng tưng” mấy nốt là người nghe nhận ra ngay bản sắc của họ trong đó? Để có một nền tảng văn hóa, âm nhạc dân gian truyền thống mà hiện nay chúng ta đang thừa hưởng thì các đời cụ, kỵ, ông, cha chúng ta phải mất hàng nghìn năm mới tích tụ được. Nếu chúng ta cứ thờ ơ với nghệ nhân và văn hóa dân gian như thế này thì nguy cơ mất gốc không còn ở quá xa.
____
Trong tương lai, ông có nghĩ đến việc đề nghị với các cấp quản lý để có một địa điểm nào đó khiến cho cơ sở đào tạo của mình “trường ra trường, lớp ra lớp” không?
Nếu có nghĩ thì có lẽ phải vài năm nữa, sau khi mình có một lượng đào tạo gối đầu nhất định. Điều tôi muốn nói hơn là mặc dù Nhà nước cũng có muôn vàn khó khăn, nhưng cũng nên quan tâm thích đáng hơn, đầy đủ hơn đến nghệ thuật truyền thống. Đối với văn hóa dân tộc, không thể chốc lát mà mang lại hiệu quả ngay, nhưng ít nhất phải có những chính sách chứng tỏ sự quan tâm. Ví dụ ở các nước khác, người ta có thể miễn, giảm thuế cho một vài doanh nghiệp có quan tâm để họ có thể “nuôi nấng” một bộ môn nghệ thuật nào đó, thay vì Nhà nước phải đầu tư. Tôi cho rằng đó là một cách làm nhanh nhất, hiệu quả nhất. Suy cho cùng thì vẫn là “nồi ấy, nước ấy” mà thôi.
Nếu chúng ta cứ thờ ơ với nghệ nhân và văn hóa dân gian như thế này thì nguy cơ mất gốc không còn ở quá xa.
____
Ngoài việc làm “sống lại” và phổ biến rộng rãi bộ môn hát xẩm, đào tạo những nhà nghiên cứu trẻ, Trung tâm có quan tâm đến các loại hình nghệ thuật nào khác không, thưa ông?
Có chứ. Năm vừa qua, chúng tôi làm được ba, bốn chương trình giới thiệu hát ru rất tốt. Sau đó cũng có nhiều người đến xin học. Gần đây nhất, chúng tôi đang tổ chức lại việc hát văn và diễn xướng hầu đồng sao cho chuẩn mực. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức các giải thưởng mang tên các tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay chúng tôi sẽ làm giải thưởng mang tên nhạc sĩ Văn Cao. Rồi mảng âm nhạc Phật giáo cũng nằm trong kế hoạch giới thiệu của chúng tôi vì đây cũng là một trong những dòng làm nền tảng cho âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
____
Được biết, ông thuộc lứa đầu tiên của Học viện Âm nhạc, cùng với rất nhiều tên tuổi như Thu Hà, Ngô Thành, Phú Quang, Phúc Linh…, sao ông lại chọn học đàn nhị?
Có thể thấy dáng vẻ tôi “âm lịch” nên người ta phân công chăng? Từ khi mới bảy, tám tuổi, đi qua trường sơ cấp âm nhạc thấy bao nhiêu bạn cỡ tuổi mình xúm đông xúm đỏ ghi danh tuyển sinh, thế là cũng xông vào ghi tên. Ai ngờ trúng tuyển và được phân học nhị từ đó. Nói thật, lúc đầu tôi cũng có biết gì về các loại nhạc cụ đâu vì tôi không phải “con nhà nòi”. Sau này thì cũng có lúc nao núng, tị nạnh với các bạn vì biết rằng đàn nhị hay được những người hát xẩm và phường “bát âm” dùng chứ ít được lên sân khấu. Nhưng rồi các người thầy của tôi lại “mở mắt” cho tôi rằng, học gì thì học, miễn thành người giỏi giang thì vẫn vinh quang như nhau. Thế là tôi yên tâm học từ đó.
Tôi có may mắn là ngay từ đầu được học cụ Vũ Tuấn Đức – một nghệ nhân của triều đình Huế. Sau này, tôi được nghe kể lại rằng, khi cụ Nguyễn Văn Hiếu (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – PV) có ý định muốn cho tôi nâng cao về phương pháp luận nên đã hỏi ý kiến cụ Trần Văn Khê. Cụ Khê nói là nên cho tôi đi Ấn Độ vì ở đó có nhiều phương pháp gần với mình. Chỗ này cần nói rõ hơn một chút: Các cụ Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Khê và Lưu Hữu Phước cùng học trường thuốc ở Việt Nam, sau đó kháng chiến bùng nổ thì mỗi người mỗi việc khác nhau. Cụ Trần Văn Khê sang Pháp nhưng vẫn giữ liên lạc với hai người bạn và đặc biệt cụ rất quan tâm đến âm nhạc dân tộc của ViệtNam. Đó là lý do mà cụ Nguyễn Văn Hiếu hỏi ý kiến cụ Trần Văn Khê về trường hợp của tôi – người lúc đó đã chơi thuần thục đàn nhị và sáng tác được cho một số nhạc cụ dân tộc.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!