Xã hội hiện đại phải là một xã hội có mối quan hệ cộng đồng và nó trở thành một môn khoa học. Chúng ta cần có mối quan hệ tốt với lãnh đạo, với cộng sự, với khách hàng. Một người có mối quan hệ tốt sẽ rất có ích trong cuộc sống.
Trong xã hội, hầu như mọi người đều biết quan hệ quan trọng như thế nào nhưng trong gia đình rất nhiều người lại quên đi hoặc không chú ý tới mối quan hệ với con cái vì mối quan hệ này còn quan trọng hơn nhiều.
Một người mẹ phàn nàn về mối quan hệ xấu giữa bà ấy với cô con gái: “Tôi với nó xung khắc, lúc nhỏ tôi nói nó không nghe, khi lớn lên tình hình càng tệ hơn, tôi với nó chẳng hợp nhau tý nào”.
Một ông bố nói về mối quan hệ của mình với cậu con trai: “Trước đây, vì bận công việc nên thỉnh thoảng tôi mới hỏi đến việc học tập của nó và nó chỉ trả lời ậm ừ cho qua chuyện. Bây giờ, nó học trung học nhiều lúc muốn nói chuyện với nó nhưng nó cứ im lặng không nói gì nên bố con thực sự chẳng có gì để nói”.
Ông bố và bà mẹ trên đây rõ ràng là đã không xây dựng tốt mối quan hệ với con cái từ nhỏ cho nên khi con cái lớn lên mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng, lạnh nhạt. Chúng ta thử nghĩ xem mối quan hệ bố mẹ và con cái như vậy thì trong gia đình làm sao có được một nền giáo dục tốt?
Trong xã hội thiết lập mỗi quan hệ là tạo ra một động cơ có ích mà trong gia đình bố mẹ thường cho mình là vô tư, tất cả là để tốt cho con cái nhưng lại không quan tâm đến nhu cầu tinh thần trẻ. Không ít các bậc bố mẹ bắt con cái phải hành động theo ý muốn của họ nhất là lúc con cái còn nhỏ, thậm chí dựa trên sự thiếu hiểu biết như một cái cớ nghĩ thế nào làm như thế và hoàn toàn không bao giờ nghĩ đến phải xây dựng mối quan hệ tốt với con cái.
Quan hệ giữa bố mẹ với con cái đương nhiên là không mưu cầu lợi ích trực tiếp như mối quan hệ trong xã hội nhưng các bậc bố mẹ lại thường bỏ qua một lợi ích còn quan trọng hơn đó là sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ. Nếu bố mẹ và con cái từ nhỏ không được bình đẳng, đối lập, căng thẳng, lạnh nhạt và mất lòng tin thì có dùng biện pháp giáo dục gì sẽ đều không có tác dụng.
Ngược lại, nếu giữa bố mẹ và con cái có sự tin tưởng lẫn nhau bình đẳng và có mối quan hệ hài hòa, như vậy con cái sẽ vui vẻ nghe lời dạy bảo của bố mẹ và nếu ngẫu nhiên bố mẹ có mắc sai lầm con cái cũng dễ thông cảm và tình cảm giữa bố mẹ và con cái cũng không bị sứt mẻ. Trên thực tế, bố mẹ và con cái có mối quan hệ tốt đẹp là gia đình có nền giáo dục thành công.
Vậy vấn đề mấu chốt là làm thế nào để xây dựng mối quan hệ hòa hợp và làm thế nào để đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ này? Bố mẹ phải xây dựng tốt mối quan hệ với con cái không phải là từ sau khi con cái đã trưởng thành mà là phải hết sức quan tâm từ khi con cái bắt đầu quá trình xã hội hóa. Thông thường, trẻ nhỏ lúc một tuổi đã có thể phân biệt rõ ràng được mối quan hệ giữa mình với người khác. Lúc này, quá trình xã hội hóa bắt đầu và cũng có thể nói khi trẻ nhỏ được một tuổi bố mẹ cần chú ý xây dựng mối quan hệ với con cái.
Trọng tâm của mối quan hệ tốt đẹp là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau là sự độc lập và hợp tác giữa hai bên và đây cũng là tiêu chí của mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Xây dựng mối quan hệ như vậy yêu cầu bố mẹ bắt đầu từ những việc làm nhỏ. Chẳng hạn, khi hứa mua đồ chơi con ngày sinh nhật, nhưng trẻ lại chọn một loại đồ chơi quá đắt và khi bạn yêu cầu trẻ chọn thứ khác nó lại nhất định không nghe.
Cuối cùng, bạn kéo con đi khỏi chỗ đó hoặc tự mình quyết định mua cho nó thứ khác. Lúc này, bạn đã vì túi tiền mà đánh mất đi sự tín nhiệm và tôn trọng của trẻ. Cách giải quyết thông minh là khi trẻ nhỏ đòi hỏi nên xem xét giá tiền của đồ chơi rồi sau đó mới đưa ra quyết định. Bạn đừng nên coi nhẹ những việc tưởng là nhỏ này, tốt nhất nếu vì sơ suất của mình hãy “thắt lưng buộc bụng” để giữ lấy chữ tín.
Nếu bạn nghĩ rằng đối với những việc nhỏ hà tất phải nghiêm túc thì bạn đã mắc sai lầm. Những việc tưởng như vặt vãnh đó theo thời gian tích lũy chính là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hài hòa giữa bạn và con cái. Lúc nhỏ phiền một chút, nhưng khi trẻ lớn lên bạn sẽ thu được thành quả rất tốt, đó là: mối quan hệ của bạn và con bạn nhẹ nhàng thoải mái và thân thiết. Khi bạn xây dựng mối quan hệ với con cái nếu cảm thấy quá phiền phức đến nỗi không chịu nổi, khi sắp mất đi lòng kiên nhẫn, bạn không ngại nghĩ lại xem bạn đã làm thế nào để làm hài lòng những khách hàng khó tính và những ông chủ khắt khe. Có lẽ bạn nên bình tĩnh bởi vì con cái còn quan trọng hơn họ nhiều.
– Tổng hợp