Vùng sông nước miền Tây Nam bộ là môi trường lý tưởng cho nhiều loài cây trái mọc hoang sinh sôi. Nào là bần, sắn mọc chen trong đám lá dừa nước ở triền kênh rạch; cám, cơm nguội, me nước… mọc đầy ở những nơi ít người lui tới; trong các khu đất trống, vườn tạp không thiếu những so đũa, quao, muồng, mua, đủng đỉnh, trúc, tre, nhàu… và các loài dây leo như giác, cóc kèn… Từ thuở mới đến khai phá vùng đất phương Nam, người Việt đã biết tìm trái, củ của các loài thực vật mọc hoang để ăn.
Trái cám còn non có màu xanh sậm, lúc chín có màu vàng ngà như màu cám, vỏ phủ một lớp phấn mịn, bên trong có nhân cỡ ngón chân cái người lớn, dân gian gọi là “con cá” ăn vừa ngòn ngọt vừa có cảm giác lâng lâng. Thực ra, đây là loại trái có độc tố nhưng với kinh nghiệm dân gian người ta biết chọn ăn chỉ phần nhân trái. Trẻ con vùng phèn chua nước mặn gần như đứa nào cũng biết đến vị của trái cây hoang dại mùa hè này.
Trái cơm nguội
Cây cơm nguội mà người Khmer gọi là chùm đuôn cho quả tròn, nhỏ, màu hồng tím, khi chín đen sậm, vị ngọt hơi chát, có vào đầu tháng Ba, tháng Tư Âm lịch. Gần giống với chùm đuôn là trái mua.Cây mua bông tím, trái chín lớn hơn đầu đũa, có màu đen, ăn ngọt, cũng là thứ trái hoang dã quen thuộc với trẻ nhỏ vùng sông nước Cửu Long. Các em còn ăn trái chùm gửi, trái gòn, trái muối, trái gừa…, mỗi thứ có một hương vị khác nhau nhưng đều thật hấp dẫn với tuổi nhỏ vùng quê.
Dây lạc tiên hay nhãn lồng
Trái nhãn lồng hay còn gọi là chùm bao hoặc lạc tiên (không phải là nhãn lồng nổi tiếng của Hưng Yên) khi chín vỏ chuyển từ màu xanh sang vàng sậm, vị vừa chua, vừa ngọt. Xế chiều khi công việc đã ngơi, nhiều người đi vườn, rẫy thường kiếm đầy túi áo nhãn lồng về cho đám con đang chờ ở nhà, sẵn đó, huơ tay ngắt luôn lấy đọt non của dây nhãn lồng đem về hấp cơm ăn cho dễ ngủ.
Trái bần
Bần là loài cây gỗ lớn sinh sôi ở các bãi bồi ven sông, rạch ngập mặn, trái chín rụng trôi nổi theo con nước lớn ròng, được ví với thân phận người phụ nữ ngày xưa: Thân em như trái bần trôi/ Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu.Bần chín có vị chua, ngọt, chan chát, được dầm với nước cá, mắm kho chấm rau luộc ăn ngon miệng. Bình bát cũng là loại thân gỗ mọc hoang, trái chín màu vàng tươi. Sáng sớm trẻ con hay men theo dọc bờ kênh để lượm bình bát chín rụng, bẻ đôi, bỏ cùi ăn ngon lành. Hoặc đem về, gọt vỏ, lấy cơm trộn với đường cho thêm đậm đà vị ngọt.
Trái gừa
Bình Đông là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại một vùa cà na. Không riêng gì xứ Bình Đông, ở miền Tây Nam bộ cà na mọc hoang nhiều nơi ở vùng gò cao, kích cỡ không kém gì bần. Cà na chín rụng đầy mặt đất, có màu vàng ăn vừa chua vừa ngọt. Có thể hái cà na già về chà cho hết vị chát, chua rồi ngào đường. Những cục kẹo cà na ấy thật đáng quý biết bao đối với tuổi thơ thời kinh tế khó khăn.
Quày dừa nước
Hàng dừa nước lung linh ru mình trong nắng mới…, âm vang của bài ca cổ nhạc mấy mươi năm qua nghe vẫn đậm đà tha thiết. Dọc hai bên bờ kênh, rạch là những hàng dừa nước ngút tầm mắt với những quày dừa trái ken dày. Người ta chặt quày dừa đến độ vừa ăn, dùng dao chẻ đôi từng trái, ăn cả nước lẫn cái. Trưa hè, có được buồng dừa nước thì đã khát và no dạ biết bao: Dừa nước anh cạy lấy cùi/ Tình quê quyện lấy ngọt bùi gửi em.
Trần Minh Thương